zaterdag 1 november 2014

Sự thật thú vị về phẫu thuật tim + Triệu chứng đau tim

Thứ hai, 21/4/2014 | 09:27 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 21/4/2014 | 09:27 GMT+7

Sự thật thú vị về phẫu thuật tim

Trước đây người ta nhận thấy rất khó thực hiện các thao tác chính xác trên một bộ phận chuyển động liên tục và không thể ngưng tim trong thời gian dài mà không làm tổn thương não.
Kể từ ca phẫu thuật tim hở có sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện bởi BS Clarence W. Leillehei và BS John Lewis tại Minnesota tháng 9/1952, ngành phẫu thuật tim mạch đã có những bước phát triển rất nhanh. Tại Mỹ, mỗi ngày có hàng ngàn ca mổ tim được thực hiện. Theo con số thống kê chính thức, chỉ năm 2009, các nhà phẫu thuật tim mạch đã thực hiện 416.000 trường hợp bắc cầu động mạch vành. Trong năm 2010, dù thiếu nguồn tạng, cũng đã có 2.300 trường hợp ghép tim được phẫu thuật thành công.
Trong suốt quá trình phẫu thuật tim, một đội ngũ được đào tạo bài bản làm việc chung với nhau trong tinh thần thống nhất cao. Ảnh: T.A
Trong suốt quá trình phẫu thuật tim, một đội ngũ được đào tạo bài bản làm việc chung với nhau trong tinh thần thống nhất cao. Ảnh: T.A
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ trước, nhiều nhà phẫu thuật cho rằng phẫu thuật tim gần như không thực hiện được. Người ta nhận thấy rằng rất khó thực hiện các thao tác chính xác trên một bộ phận chuyển động liên tục. Bên cạnh đó, không thể ngưng tim trong thời gian dài mà không làm tổn thương não.
Cùng với sự phát triển của y học, có hai bước tiến quan trọng đã góp phần làm cho phẫu thuật tim từ chỗ rất khó khăn trở nên một trong những phẫu thuật được thực hiện phổ biến ngày nay trên toàn thế giới. Đó là máy tuần hoàn ngoài cơ thể, còn gọi là máy tim phổi nhân tạo và kỹ thuật hạ thân nhiệt, giúp kéo dài thời gian phẫu thuật mà không gây ra tổn thương não.
Máy tuần hoàn ngoài cơ thể là gì?
Máy tuần hoàn ngoài cơ thể hay máy tim phổi nhân tạo thay thế công việc của tim bằng cách cung cấp oxy cho máu và bơm máu đi nuôi cơ thể. Như vậy, khi máy vận hành, tim có thể ngưng đập và được mở ra để thực hiện các phẫu thuật bên trong (phẫu thuật tim hở). Nhờ máy tim phổi nhân tạo, các nhà phẫu thuật tim có thể thao tác trên một vùng mổ tĩnh và không có máu.
Khi bệnh nhân được kết nối với máy tuần hoàn ngoài cơ thể, máy sẽ thực hiện chức năng của tim và phổi: máu được lấy từ hệ thống tĩnh mạch (chứa máu đen, nghèo oxy) về một bầu chứa bên dưới, sau đó được đưa qua một bộ phận đặc biệt để đưa oxy đến hồng cầu, chuyển thành máu đỏ (máu giàu oxy). Máu đỏ sẽ được bơm ngược trở về cơ thể để đi nuôi não và các cơ quan khác.
Máy tim phổi nhân tạo có thể hoạt động thay thế cho tim và phổi trong nhiều giờ, tuy vậy, vẫn có nhiều nguy cơ khi vận hành. Vì thế, các phẫu thuật viên luôn cố gắng giới hạn tối đa thời gian bệnh nhân được kết nối với máy.
Máy tim phổi nhân tạo tại bệnh viện ĐH Y dược. Ảnh: TA.
Máy tim phổi nhân tạo tại bệnh viện ĐH Y dược. Ảnh: TA.
Hạ thân nhiệt là gì?
Hạ thân nhiệt giúp nhà phẫu thuật có thể kéo dài thời gian ngừng tim mà vẫn không gây tổn thương cho cơ tim. Nhiệt độ thấp giúp bảo vệ cơ tim bằng cách giảm nhu cầu oxy của tim. Thân nhiệt có thể được hạ bằng cách làm lạnh máu đi qua máy tuần hoàn ngoài cơ thể, sau đó máu này sẽ đến các cơ quan và làm giảm nhiệt độ của chúng. Bên cạnh đó, tim còn được làm lạnh thêm bằng cách sử dụng nước đá trực tiếp trên bề mặt của tim khi mổ.
Khi hạ thân nhiệt và được bảo vệ bằng một dung dịch đặc biệt, mô cơ tim có thể tránh tổn thương trong khoảng thời gian 2-4 giờ.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, một đội ngũ được đào tạo bài bản làm việc chung với nhau trong tinh thần thống nhất cao, bao gồm:
- Nhà phẫu thuật tim: Là người lãnh đạo của nhóm và là người trực tiếp thực hiện các khâu chính của phẫu thuật.
- Bác sĩ gây mê tim mạch và kỹ thuật viên gây mê: Là người giúp bệnh nhân ngủ yên và đảm bảo sự ổn định của bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Bác sĩ vận hành máy tim phổi nhân tạo và kỹ thuật viên vận hành máy: Là người trực tiếp vận hành máy tuần hoàn ngoài cơ thể, đảm bảo máy thay thế tốt chức năng của tim và phổi.
- Các điều dưỡng dụng cụ: Là những người được đào tạo để giúp các nhà phẫu thuật tim trong việc thực hiện phẫu thuật.
Phẫu thuật tim là một phẫu thuật phức tạp, tuy ra đời trễ nhưng có những bước phát triển mạnh mẽ. Đây là loại phẫu thuật đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm cao độ cùng với một quá trình đào tạo bài bản và kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định – ThS.BS Võ Tuấn Anh
Trung tâm Tim mạch BV ĐH Y dược TP HCM

http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/su-that-thu-vi-ve-phau-thuat-tim-2980729.html

Thứ hai, 31/3/2014 | 09:15 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 31/3/2014 | 09:15 GMT+7

Cảnh giác bệnh tim khi đau lưng đột ngột

Đột ngột đau ngực hoặc đau lưng dữ dội, cảm giác đau như xé, lan lên cổ hoặc lan ra sau lưng, rất có thể bạn đã bị bóc tách động mạch chủ - một dạng bệnh tim rất nguy hiểm.
Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim và dẫn máu đi nuôi các cơ quan. Nó cấu tạo bởi 3 lớp: Lớp ngoài (ngoại mạc), lớp giữa (trung mạc) và lớp trong (nội mạc). Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi lớp trong của động mạch chủ bị rách, máu đi qua chỗ rách này dưới áp lực cao sẽ tách rời lớp trong và lớp giữa và tạo thành một lòng giả cùng chứa máu song song với lòng thật ban đầu.  
Đây là một bệnh lý rất nặng. 33% bệnh nhân sẽ tử vong nếu không điều trị kịp thời trong 24 giờ đầu tiên. Tỷ lệ này tăng lên 50% trong 48 giờ đầu và 75% trong 2 tuần đầu tiên.
Bệnh nhân lớn tuổi, tỷ lệ bóc tách động mạch chủ cao nhất ở người từ 60  70 tuổi
Bệnh nhân tăng huyết áp cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch, đo huyết áp thường xuyên để phòng ngừa bệnh bóc tách động mạch chủ. Ảnh: Lê Phương.
Tử vong trong bóc tách động mạch chủ là do bóc tách lan đến các động mạch nuôi tim (động mạch vành), động mạch nuôi não và các tạng quan trọng của cơ thể, do vỡ lòng giả...
Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ
Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ gần giống với các triệu chứng của bệnh mạch vành. Các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý bao gồm:
- Đột ngột đau ngực hoặc đau lưng dữ dội, cảm giác đau như xé, lan lên cổ hoặc lan ra sau lưng.
- Khó thở.
- Vã mồ hôi.
- Ngất.
- Dấu hiệu giống tai biến mạch máu não: đột ngột khó nói, nhìn mờ, yếu liệt một bên cơ thể.
Khi có những dấu hiệu này, người bệnh nên lập tức gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị thích hợp cũng như chuyển đến những bệnh viện lớn kịp thời.
Những yếu tố nguy cơ cao bóc tách động mạch chủ
- Nam có tỷ lệ gấp đôi nữ.
- Bệnh nhân lớn tuổi, tỷ lệ bóc tách động mạch chủ cao nhất ở người 60-70 tuổi.
- Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu kéo dài không điều trị hoặc điều trị kém.
- Hút thuốc lá.
- Bệnh nhân bị các bệnh ảnh hưởng đến thành động mạch chủ: van động mạch chủ hai mảnh, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers - Danlos...
Điều trị bóc tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ là tình trạng cấp cứu, đòi hỏi phải điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị phẫu thuật hay điều trị nội khoa (uống thuốc) tuỳ thuộc vào phần động mạch chủ bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa bóc tách động mạch chủ
Vì bóc tách diễn ra khi áp lực trong lòng động mạch chủ tăng cao nên cách tốt nhất để phòng bệnh là kiểm soát huyết áp trong ngưỡng điều trị:
- Tăng huyết áp: Uống thuốc điều trị tăng huyết áp hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch, đo huyết áp thường xuyên để đánh giá hiệu quả của thuốc.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Giữ cân nặng lý tưởng, tập thể dục đều đặn.
- Nếu trong gia đình có người bị bóc tách động mạch chủ, chúng ta nên đi khám để tầm soát các yếu tố nguy cơ nhằm phòng ngừa bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định
Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch
Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐH Y dược TP HCM
Gửi chia sẻ câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về doisong@vnexpress.net

Geen opmerkingen:

Een reactie posten