Vì sao quân Hamas lại sở hữu hỏa tiễn hiện đại?
TEL AVIV, Israel (NV) – Khi Hamas đột kích Israel trước bình minh hôm Thứ Bảy tuần trước, những kẻ khủng bố phóng liên tục khoảng 200 hỏa tiễn và phi tiễn vào các thành phố và thị trấn của Israel. Tới gần trưa, phiến quân Hamas nã tổng cộng khoảng 2,500 hỏa tiễn nhanh chóng áp đảo hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.
Cùng lúc đó, Hamas cũng điều hàng chục máy bay không người lái có võ trang thả bom rất mạnh vào xe tăng và các toán quân Israel đang canh gác biên giới Gaza, hàng trăm chiến binh xâm nhập biên giới kiên cố bằng đường bộ và những kẻ khác đổ bộ lên các bãi biển của Israel trên các chiến thuyền nhỏ, thậm chí còn tiến công bằng dù lượn.
Khi người Israel khắc khoải vì sao tình báo quân sự Mossad, Shin Bet và Aman lại bỏ lỡ âm mưu của Hamas cho cuộc tấn công bình diện rộng, một câu hỏi khác là: Làm thế nào Israel lại thất bại trong việc ngăn chặn Hamas tích lũy kho đạn dược chưa từng có—và còn là một số võ khí tân tiến? Một bài phân tích trên Military.com chỉ ra một số điểm không mấy gây ngạc nhiên.
Không có gì bí mật khi Hamas, dưới sự phong tỏa quân sự của Israel kể từ năm 2007, quản lý kho võ khí với những khí tài quân sự lợi hại. Theo nhiều phân tích gia độc lập và các chuyên gia khu vực, Iran, với vai trò lãnh đạo chống Israel trong khối Hồi Giáo, cung cấp cho Hamas hàng triệu Mỹ kim viện trợ, huấn luyện võ khí và hỏa tiễn kể từ khi thiết lập bang giao lần đầu tiên vào những năm 1980.
Năm 2014, Tướng Ahmad Hosseini, lúc bấy giờ là chỉ huy binh chủng hỏa tiễn của Quân Đoàn Vệ Binh Cách Mạng Iran, thừa nhận vai trò quan trọng của Tehran trong việc phát triển chương trình hỏa tiễn Hamas. Ông kể lại, nhiều năm trước, các kỹ sư Hamas được Hezbollah (lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Lebanon) “cung cấp khí tài và huấn luyện. . . Một số người trong số họ thậm chí còn tới Iran để được huấn luyện.” Hosseini nói thêm rằng cha đẻ của lực lượng hỏa tiễn Iran, Tướng Hassan Tehrani Moghaddam quá cố, đã “cung cấp võ khí và huấn luyện họ.”
Ban đầu, Lực Lượng Quds của Iran, cùng với Hezbollah, chỉ dẫn các kỹ sư Hamas chế tạo hỏa tiễn từ các vật dụng thông thường như đường ống, phân bón và đường, Ido Levy, một cộng tác viên tại Viện Chính Sách Cận Đông Washington, một tổ chức thân Israel, cho biết trong một bài báo năm 2021. Ông viết, điều này cho phép Hamas bắt đầu sản xuất hỏa tiễn tầm ngắn Qassam nội địa mà phiến quân bắn vào các thị trấn Israel ở phía Bắc Dải Gaza.
Sau đó, Iran bắt đầu buôn lậu các bộ phận của hỏa tiễn đạn đạo Fajr 3 và Fajr 5 do họ sản xuất, với tầm bắn lần lượt là 27 dặm và 47 dặm, xuyên qua Gaza bằng cách che đậy trên các tàu chở hàng cập cảng Âu Châu trên Địa Trung Hải.
Theo Fabian Hinz, chuyên gia phát triển hỏa tiễn tại Trung Đông thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế có trụ sở đặt tại Luân Đôn, những con tàu xuất cảng khỏi Iran, đi vòng quanh bán đảo Ả Rập và đi lên Biển Đỏ tới Hải Cảng Sudan, nơi các bộ phận của hỏa tiễn được vận chuyển tới các nhà kho do Lực Lượng Quds của Iran nắm quyền với sự phê chuẩn của Tổng Thống Hồi Giáo Sudan Omar al-Bashir.
Trong khi các tàu chở hàng Iran tiếp tục đi qua Kênh Đào Suez cập cảng các điểm đến, các đặc vụ Iran tại Sudan chuyển các bộ phận hỏa tiễn qua đất liền tới Ai Cập đến Bán Đảo Sinai, nơi những thổ dân du mục Bedouin làm việc với Hamas đưa hỏa tiễn vào Gaza thông qua các đường hầm ẩn dưới biên giới Gaza-Ai Cập. Sau đó, kỹ sư Hamas được Iran đào tạo lắp ráp các bộ phận lại với nhau thành hỏa tiễn hoàn chỉnh, nã vào các thành phố Ashkelon, Ashdod và Tel Aviv ở xa hơn bên bờ biển Địa Trung Hải khi xung đột Israel bùng nổ năm 2012.
Giao hảo giữa Iran và Hamas xuống cấp sau cuộc nội chiến năm 2011 tại Syria, Tehran ủng hộ nhà lãnh đạo Syria Bashar al Assad còn Hamas ủng hộ phiến quân Hồi Giáo Sunni. Hamas cũng đứng về phía Ả Rập Saudi trong cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn.
Đến năm 2017, quan hệ giữa Hamas và Iran đã khá lên thấy rõ sau khi Tehran chụp lấy cơ hội là Hamas vừa chỉ định một nhà lãnh đạo thân Iran Yahya al Sinwar, để làm hòa giữa Assad của Syria và Hamas.
Kể từ đó, các viên chức Iran giúp đỡ cho Hamas và Hezbollah tân trang lực lượng hỏa tiễn và phi tiễn.
Levy cho biết, năm 2021, Israel ước tính Hamas tích lũy tới 15,000 rocket và hỏa tiễn trong kho đạn dược. Trong hai năm trước khi bùng nổ vụ bạo lực mới nhất, gần như chắc chắn quy mô kho hỏa tiễn Hamas đã tăng lên.
Hôm Thứ Hai, 9 Tháng Mười, Hamas đe dọa hành quyết con tin dân sự Israel nếu các mục tiêu dân sự ở Gaza bị tấn công mà không báo trước.
Ngoại Trưởng Israel Eli Cohen cho biết hơn 100 thường dân bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc tấn công xuyên biên giới gây chết người cuối tuần qua. (TTHN)
Vì sao quân Hamas lại sở hữu hỏa tiễn hiện đại? - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten