Lão hóa và kỳ thị tuổi tác, một vấn đề đáng chú ý ở California
Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Các vị cao niên từng được coi là những người thông thái, có nhiều kinh nghiệm để các thế hệ sau học hỏi. Tuy nhiên, càng ngày, họ càng bị coi thường hoặc bị xa lánh vì kỳ thị tuổi tác, và đó là chủ đề của buổi hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Mười.
Trong nhiều văn hóa, các vị cao niên là những người thông thái, và hình ảnh đó được thể hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, cho thấy họ là những người đứng đầu gia đình, những người kể chuyện, và là những người truyền lại nhiều văn hóa cho con cháu.
Trong những năm gần đây, sự kỳ thị tuổi tác ngày càng lan truyền, làm nhiều vị cao niên cảm thấy bị xa lánh. Sự kỳ thị đó xuất hiện ở nhiều nơi như chỗ làm, truyền thông, và đặc biệt là trong hệ thống y tế.
Các diễn giả dự buổi hội thảo của EMS nói về kỳ thị tuổi tác, về kế hoạch lão hóa của California, và còn nói về bảy giai đoạn của bệnh Alzheimer.
Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Louise Aronson, giáo sư lão khoa của đại học UC San Francisco và còn là tác giả vào vòng chung kết của giải thưởng Pulitzer của năm 2020 vì sách nghiên cứu về tuổi già.
Mở đầu, bà cho biết tuy lịch sử của con người đã qua mấy ngàn năm, nhưng tuổi già lúc nào cũng đi chung với cái chết.
Trong đại dịch COVID-19, tuổi tác rất quan trọng vì người lớn tuổi có nguy cơ nhiễm cao hơn, làm nhiều người qua đời vì dịch bệnh hơn. Độ tuổi từ 65 đến 85 gặp nhiều nguy cơ nhất, nhất là những người từ 85 tuổi trở lên. Cứ khoảng 1 triệu dân thì có gần 1,100 người từ 85 trở lên qua đời vì COVID-19.
Tuy vậy, tuổi tác không phải yếu tố quan trọng nhất khi nói về số người chết vì COVID-19. Sắc dân cũng đóng vai trò lớn vì cộng đồng gốc Phi Châu và Hispanic có số người cao niên chết nhiều hơn các sắc dân khác.
Bà còn nói về tuổi thọ của người Mỹ ngày càng giảm, và tuổi thọ của các sắc dân khác nhau, nhất là hai cộng đồng gốc Phi Châu và Hispanic. Cộng đồng gốc Phi Châu từng có tuổi thọ trung bình là 75, nhưng đang giảm xuống còn 70. Cộng đồng Hispanic giảm từ 82 xuống còn 78.
Ngoài ra, tuổi thọ của người Mỹ còn khác biệt tùy theo nơi họ sống. Hoa Kỳ có năm tiểu bang cư dân sống thọ nhất là Hawaii, Washington, Minnesota, California, và Massachusetts, có tuổi thọ 79 hoặc 80. Năm tiểu bang có tuổi thọ thấp nhất là Mississippi, West Virginia, Louisiana, Alabama, và Kentucy, có tuổi thọ từ 72 đến 73.5.
Cách lan truyền thông tin về tuổi già cũng rất quan trọng nhất là trong tình trạng “sóng thần bạc” nói về dân số ngày càng lớn tuổi. Nhiều tiểu bang đang có các chiến dịch chống kỳ thị tuổi tác với nhiều hình ảnh cho thấy những vị cao niên tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, vẫn đóng góp cho xã hội được.
Một vấn đề đáng chú ý khác là sự khác biệt trong các dịch vụ chăm sóc cao niên. Các dịch vụ chống lão hóa có rất nhiều đầu tư, lên đến mấy tỷ đô la, trong khi những dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi không có đầu tư nhiều như vậy. Những người chăm sóc người lớn tuổi không được trả lương đủ, và 90% người làm nghề này là phụ nữ.
Một điểm đáng mừng là các vị cao niên hạnh phúc hơn khi lớn tuổi vì biết ưu tiên những gì quan trọng nhất trong cuộc sống, tạo ra biểu đồ hình chữ U.
Diễn giả thứ hai là bà Cheryl Brown, chủ tịch Ủy Ban Lão Hóa California và là người đề xướng kế hoạch chống lão hóa của tiểu bang.
Bà cho hay công việc của ủy ban là thành lập các chương trình và dịch vụ giúp đỡ các vị cao niên. Ủy ban còn hợp tác với nhiều cơ quan của tiểu bang, địa phương, và các tổ chức cộng đồng.
Ủy Ban Lão Hóa California có 18 thành viên, xuất phát từ nhiều khu vực của California nên rất đa văn hóa. Mục tiêu của họ trong năm 2023 là bảo vệ sức khỏe tâm lý cho các vị cao niên, tăng cường cơ hội việc làm, giải quyết tình trạng vô gia cư, và giúp người lớn tuổi dễ tìm chỗ ở hơn.
Bà khen ngợi Thống Đốc Gavin Newsom vì những chính sách giúp người lớn tuổi, cho rằng đó một vấn đề gần gũi với ông vì ông từng chăm sóc người cha bị bệnh cho đến khi qua đời, không hề đưa ông vào viện dưỡng lão.
Bà cho biết một cách để giúp nhiều người hiểu được cách giúp các vị cao niên tốt hơn là giúp họ biết được định nghĩa của nhiều từ quan trọng như phân biệt tuổi tác và sự bình đẳng, nên tiểu bang nên có một trang chú thích để nghiên cứu.
Bà còn nói không phải ai lớn tuổi cũng khỏe mạnh nên những kế hoạch giúp đỡ người lớn tuổi rất cần thiết.
Diễn giả cuối cùng là Tiến Sĩ Barry Reisberg, giáo sư tâm thần học đại học New York University và là người biên soạn bảy giai đoạn của bệnh suy giảm trí nhớ (Alzheimer’s).
Tiến Sĩ Reisberg nói về bảy giai đoạn đó, đầu tiên là người lớn tuổi chưa gặp khó khăn trong cách hoạt động và suy nghĩ.
Giai đoạn thứ hai là bắt đầu suy giảm hoạt động của não bộ, kéo dài 15 năm, sau đó dẫn đến giai đoạn thứ ba là bắt đầu gặp khó khăn trong những sinh hoạt thường ngày, cách làm việc, không đi xa được, và thậm chí còn đi lạc. Giai đoạn thứ ba kéo dài khoảng bảy năm.
Trong giai đoạn thứ tư kéo dài khoảng hai năm, nhiều người sẽ gặp khó khăn khi làm những việc đòi hỏi tính toán như kiểm soát tài chánh, trả tiền cho nhiều thứ, hay chuẩn bị cho một buổi tiệc.
Đến giai đoạn thứ năm kéo dài khoảng một năm rưỡi, những người mắc bệnh Alzheimer’s bắt đầu cần có người bên cạnh để giúp đỡ trong sinh hoạt thường ngày như mặc quần áo.
Giai đoạn thứ sáu có nhiều điểm giống giai đoạn thứ năm vì các vị cao niên không tự mặc quần áo được, không tự mang giày được. Trong cuối gian đoạn thứ sáu, nhiều người không nói chuyện bình thường được, có nhiều từ ngữ bị ngắt khi đang nói.
Đến giai đoạn thứ bảy, khả năng nói của họ giảm xuống còn có vài từ trong một ngày, thậm chí nhiều khi chỉ nói được một từ. Họ còn mất khả năng đi đứng, luôn cần người giúp đỡ trong mọi sinh hoạt. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
Lão hóa và kỳ thị tuổi tác là một vấn đề đáng chú ý ở California (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten