Nobel Hòa Bình 2023: Nhà hoạt động nhân quyền Narges Mohammadi trong tù Iran
Khi công bố quyết định, Ủy Ban Nobel Na Uy cho biết bà Mohammadi, 51 tuổi, được vinh danh vì đấu tranh chống lại sự áp bức phụ nữ tại Iran.
Cuộc đấu tranh đã làm bà “phải trả cái giá quá đắt cho bản thân,” chủ tịch ủy ban Berit Reiss-Andersen cho biết.
Bà Mohammadi hiện đang thụ án 10 năm 9 tháng tù tại Iran và bị đánh 154 roi.
Tại buổi công bố giải thưởng hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Mười, bà Reiss-Andersen cho biết giải Nobel được trao cho bà Mohammadi vì “cuộc đấu tranh chống lại áp bức nữ giới ở Iran và cuộc chiến giúp quảng bá nhân quyền và tự do cho mọi người.”
Ngoài án tù dài hạn, bà Mohammadi còn bị bắt 13 lần và bị tuyên án năm lần, theo bà Reiss-Andersen.
Giải thưởng được đưa ra sau hơn một năm biểu tình tại Iran do phụ nữ lãnh đạo.
Tháng Mười Hai năm ngoái, bà Mohammadi viết thư từ trong tù để truyền tin cho Đài BBC biết những tình tiết đau lòng về những người phụ nữ bị giam giữ trong các cuộc biểu tình, bị lạm dụng tình dục và thể xác như thế nào.
Bà cho biết những vụ tấn công tương tự trở nên phổ biến hơn trong các cuộc biểu tình rầm rộ, do cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, khi bị cảnh sát giam giữ vào đầu năm ngoái.
Tình trạng bất ổn bùng nổ vào Tháng Chín 2022 và lan rộng khắp Iran, yêu cầu có nhiều quyền tự do hơn thậm chí cho tới lật đổ nhà nước.
Hình ảnh những người phụ nữ Iran quyết liệt đốt khăn trùm đầu và hô vang “phụ nữ, cuộc sống, tự do” làm cả thế giới say đắm.
Nhà cầm quyền đàn áp dã man các cuộc biểu tình và phần lớn đã lắng xuống.
Bà Mohammadi là phó giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền.
Năm ngoái, bà lọt vào danh sách 100 Phụ Nữ Đài BBC – một danh sách nổi bật gồm có 100 phụ nữ truyền cảm hứng và tạo ảnh hưởng khắp thế giới.
Ali mười sáu tuổi nhớ rất rõ lần cuối cùng cậu nhìn thấy mẹ ở nhà. Bà làm món trứng cho cậu và người em gái song sinh Kiana cho bữa sáng, khuyên nhủ họ hãy học tập chăm chỉ, nói lời tạm biệt và đưa họ tới trường. Khi họ về nhà thì không còn thấy mẹ nữa. Lúc đó hai anh em lên tám.
“Khoảnh khắc tôi chào tạm biệt Ali và Kiana không khác gì lần tôi suýt chết dưới khuôn viên sân rợp bóng cây nhà tù Evin,” bà Mohammadi viết cho CNN, không nói rõ thời điểm. “Tôi hái bồ công anh trong sân nhà tù Evin. Tôi đi chân trần đứng trên đường trải nhựa nóng bức vào ngày 14 Tháng Bảy,” bà nói – chỉ vài tuần sau bữa sáng cuối cùng đó – mà bà nói lời tạm biệt với các con từ trong nhà lao trước khi các con Pháp lưu vong. “Chân tôi bỏng rát nhưng trái tim tôi hừng hực lửa. Tôi tung bồ công anh lên không trung, bàn tay, bàn chân và khuôn mặt trẻ thơ của các con lướt qua mắt, nước mắt tôi tuôn rơi như mưa Xuân.
“Nếu tôi nhìn nhà tù từ cửa sổ trái tim, tôi sẽ trở thành một người xa lạ với con gái và con trai tôi hơn bất kỳ người lạ nào, và tôi đã bỏ lỡ những tháng năm đẹp nhất cuộc đời mình và những gì đã qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Nhưng tôi chắc chắn rằng một thế giới không có tự do, bình đẳng và hòa bình cũng chẳng đáng sống và thậm chí không đáng để chiêm ngưỡng.
“Tôi đã chọn không gặp các con mình hoặc thậm chí không nghe thấy giọng nói của chúng và đại diện cho tiếng nói của những người bị áp bức, phụ nữ và trẻ em trên mảnh đất quê hương tôi,” bà nói. (TTHN)
ĐỌC THÊM:
Geen opmerkingen:
Een reactie posten