dinsdag 17 oktober 2023

CON ĐƯỜNG ĐƯA TRUYỆN KIM DUNG ĐẾN VỚI VIỆT NAM

 CON ĐƯỜNG ĐƯA TRUYỆN KIM DUNG ĐẾN VỚI VIỆT NAM

“Chuyện tình” Kim Dung và Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn: trước 1975 và sau 1975
TRƯỚC 1975
Những năm trước 1975, Sài Gòn có rất nhiều tờ báo tư nhân. Ở vào giai đoạn đỉnh điểm Sài Gòn có tới 36 nhật báo. Ba mươi sáu tờ báo ấy, không chỉ hấp dẫn độc giả bằng những thông tin nóng, từ chiến sự đến chính trị, mà còn chính bởi những tiểu thuyết nhiều kỳ, đăng hàng ngày trên các nhật báo, trong đó đáng kể nhất phải là những tiểu thuyết kiếm hiệp theo những chuyến bay từ Hongkong đến Tân Sơn Nhất và được dịch ngay sang tiếng Việt,.
Truyện Kim Dung bắt đầu tạo cơn sốt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960, với ấn phẩm Cô gái Đồ Long (tên gốc là Ỷ thiên Đồ long ký) của dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng, đăng trên báo Đồng Nai. Trước đó, một số bản dịch của truyện Kim Dung như Bích Huyết kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp... đã đăng trên các báo Đồng Nai, Dân Việt...
Truyện chưởng Kim Dung lôi cuốn nhiều tầng lớp độc giả, gần như khuynh loát thị trường chữ nghĩa, báo chí trong những năm 1965-1973 (năm 1973 khi Lộc Đỉnh ký đến Việt Nam tất cả báo đều đăng), hầu như ai cũng đọc chưởng, không chỉ có những người trong đại chúng bình dân, học sinh, thợ thuyền và tiểu công tư chức mà ngay cả những tay đại trí thức, những người đã từng du học bên Âu, Mỹ trở về, từng đỗ những mảnh bằng cao nhất về luật học hay khoa học cũng say mê võ hiệp tiểu thuyết như điếu đổ" (Hiếu Chân, Bàn về tiểu thuyết võ hiệp, báo Tin văn, năm 1967).
Độc giả Sài Gòn nói riêng, bạn đọc miền Nam nói chung yêu truyện Kim Dung, nhất là qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn vốn rất hợp với truyện chưởng. Người Sài Gòn xưa mê Kim Dung đến nỗi lời ăn tiếng nói, cách đặt tên quán xá, tên người (Hoàng Dung, Vi Tiểu Bảo, Quách Tĩnh, Đoàn Dự), khẩu khí sinh hoạt đời thường.... đều phảng phất phong vị các tác phẩm của ông. "Ngay cả 'những nhà tu hành cũng thích chưởng (...) những ông bự và những ông đại sứ cho người về nước khuân hàng... thùng tài liệu Kim Dung để đem đi đọc ở xứ người. Các bà cũng thích chưởng. Giáo sư thảo luận với học sinh vì chưởng. Trẻ em đánh nhau ngoài đường cũng dùng chưởng..." (theo Nguyễn Viết Khánh, Tiểu thuyết Tàu trên báo chí Việt, Báo chí tập san xuân 1968).
Trên văn đàn, tên tuổi Kim Dung lan truyền và tạo làn sóng hâm mộ. Các thi nhân, văn sĩ đương thời như Bùi Giáng, Bửu Ý... bắt tay viết các bài bình, khảo về truyện Kim Dung, trong số đó có tác giả Đỗ Long Vân với cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung. Nhiều tác giả thời đó lấy tên của nhân vật chính trong truyện ông làm bút danh như Tiêu Phong, Hư Trúc...
SAU 1975
Sau năm 1975, truyện kiếm hiệp Kim Dung được coi là loại văn hóa phẩm đồi trụy và bị phê phán, đả kích dữ dội. ví dụ như các bài viết : Phan Đắc Lập, Truyện chưởng Kim Dung-Một công cụ nô dịch văn hóa và tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, Tạp chí Văn học số 4.1977; Trần Trọng Đăng Đàn, Văn hóa văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954-1975, NXB Thông tin-NXB Long An 1990….Đa số các bài báo kiểu này đều thiếu tri thức khoa học ( văn học), thiếu hiểu biết về tình hình chung về văn học võ hiệp hoặc nhận định bị ảnh hưởng và chi phối bởi thời cuộc.Lúc này bên Trung Quốc đại lục cũng có tình hình tương tự. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều cấm in sách Kim Dung.
Năm 1985 Trung Quốc bỏ lệnh cấm in sách Kim Dung. Năm 1986, Việt Nam tiến hành đường lối đổi mới trong đó có đổi mới trên lĩnh vực văn hóa.Các bài báo phê bình chỉ trích Kim Dung hầu như không còn nữa.Tuy nhiên lệnh cấm in sách Kim Dung vẫn chưa được gỡ bỏ.
Năm 1991- 1992, nhà xuất bản Quảng Ngãi – nhà xuất bản “huyền thoại” trong lòng fans hâm mộ truyện Kim Dung đã “lén” in lại hầu hết các tác phẩm kim dung dưới hình thức đổi tên nhân vật, bối cảnh lịch sử và tên tác giả, nội dung truyện giữ y nguyên.Sau khi nhận thấy sự ủng hộ của bạn đọc và các cơ quan quản lý “mắt nhắm mắt mở “ cho qua thì một số tác phẩm sau này của Kim Dung, nxb Quảng Ngãi giữ y nguyên bản gốc.
Năm 1991, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay – tờ báo đầu tiên sau năm 1975 đăng bài nhận định khách quan, khoa học về tiểu thuyết Kim Dung. Bài báo ấy có tên “Những giai thoại về tiểu thuyết của Kim Dung” của tác giả Phan Nghị (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 67-1991). Sau đó có thêm nhiều người như Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Lan, Ngô Thiện, Huỳnh Ngọc Chiến...viết bài và các khảo luận phân tích truyện Kim Dung và được đăng trên nhiều báo khác nhau. Vũ Đức Sao Biển là tác giả viết khảo luận Kim Dung đầu tiên sau 1975 ( Kim Dung giữa đời tôi thượng – trung – hạ xuất bản năm 1997-1999). Truyện Kim Dung và giá trị của nó dần dần được nhìn nhận khách quan và không có sự phản ứng cấm đoán, quy chụp từ phía các cơ quan quản lý.
Năm 1999, Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Thị Bích Hải, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).
Con đường trở lại Việt Nam sau 1975 của truyện Kim Dung không đơn giản. Song như triết học có câu “ cái gì đúng thì cái ấy tồn tại” .Truyện Kim Dung và giá trị của nó sẽ sống mãi trong lòng người đọc.
Có thể là hình ảnh về văn bản
Alle reacties:
Vhuong Nguyen en 1,1 d. anderen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten