woensdag 4 oktober 2023

Nobel Hóa Học 2023: Ba khoa học gia phát minh Chấm Lượng Tử : Moungi G. Bawendi đến từ Pháp, Louis E. Brus từ Hoa Kỳ và Alexei I. Ekimov từ Nga

 Nobel Hóa Học 2023: Ba khoa học gia phát minh Chấm Lượng Tử

STOCKHOLM, Thụy Điển (NV) – Giải Nobel Hóa Học được trao cho ba khoa học gia vì công trình phát triển chấm lượng tử (quantum dots).

Người ta có thể từng bắt gặp những tinh thể nhỏ bé này trong máy truyền hình dùng kỹ nghệ QLED, nơi các hạt nano tạo ra màu sắc.

Các tinh thể nêu trên cũng được áp dụng trong hình ảnh y tế hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật, giúp thuốc điều trị ung thư có tác dụng tốt hơn, và có trong các tấm pin mặt trời.

Những chiếc bình thí nghiệm nhiều màu dùng để minh họa cho nội dung buổi họp báo công bố giải thương Nobel Hóa Học 2023 tại Stockholm, Thụy Điển, hôm 4 Tháng Mười, 2023, cho các khoa học gia Moungi Bawendi, Louis Brus, và Alexei Ekimov đã đóng góp vào phát minh chấm lượng tử (Hình: Jonathan NACKSTRAND/AFP/Getty Images)

Những người thắng giải gồm có Moungi G. Bawendi đến từ Pháp, Louis E. Brus từ Hoa Kỳ và Alexei I. Ekimov từ Nga, họ sẽ chia nhau giải thưởng trị giá 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng $995,000).

Tên của họ dường như vô tình bị tiết lộ vài giờ trước khi có thông báo chính thức của Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển sáng Thứ Tư, 4 Tháng Mười.

“Thật là một vinh dự,” Moungi G. Bawendi, 62 tuổi, nói với Viện Hàn Lâm.

“Quá đỗi ngạc nhiên, chưa kịp tỉnh ngủ, ngỡ ngàng, bất ngờ và rất vinh dự,” ông nói và cho biết thêm rằng ông chưa nhận được tin trước khi Viện Hàn Lâm gọi.

Các chấm lượng tử cực kỳ nhỏ – bề ngang chỉ vài phần triệu millimeter.

Kích thước chính xác của chúng quyết định màu sắc của ánh sáng mà chúng phát ra khi được có năng lượng. Các chấm lượng tử nhỏ hơn có màu xanh lam và các chấm lớn hơn có màu vàng và đỏ.

“Trong khoảng thời gian dài không ai nghĩ rằng người ta có thể tạo ra những hạt nhỏ như vậy,” nhưng các khoa học gia đoạt giải năm nay lại làm được điều đó, Viện Hàn Lâm cho biết khi công bố giải thưởng.

Ba khoa học đều sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Nhà vật lý người Nga Alexei I. Ekimov, 78 tuổi, được ghi nhận là người đầu tiên khám phá ra các chấm lượng tử vào những năm 1980, và nhà hóa học người Mỹ Louis E. Brus, 80 tuổi, sau đó nhận ra rằng các tinh thể này có thể trôi nổi trong chất lỏng.

Moungi G. Bawendi sinh ra tại Paris, phát minh ra phương pháp tạo ra các hạt theo cách thức dễ kiểm soát hơn, nghĩa là chúng có thể được tạo ra dễ dàng hơn để sử dụng trong cho mục đích thương mại và khoa học.

“Do đó, các chấm lượng tử đang mang lại lợi ích tuyệt vời nhất cho loài người,” Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển cho hay.

“Các nhà nghiên cứu tin rằng trong tương lai, chúng có thể đóng góp vào các thiết bị điện tử linh động, cảm biến nhỏ, pin mặt trời mỏng hơn và truyền thông lượng tử mã hóa – vì thế nên chúng ta chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng của những vi hạt này,” Viện nói thêm. (TTHN)

Nobel Hóa Học 2023: Ba khoa học gia phát minh Chấm Lượng Tử - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten