zondag 14 januari 2018

Nga bố trí tên lửa phòng không S-400 tại Crimée + Mỹ gia tăng trợ giúp Ukraina vũ khí tự vệ


Nga bố trí tên lửa phòng không S-400 tại Crimée


mediaẢnh minh họa : Tên lửa địa đối không S-400 Triumph trong cuộc diễn binh tại Matxcơva, ngày 9/05/2017.Kirill KUDRYAVTSEV / AFP
Thêm một đơn vị tên lửa địa đối không S-400 lợi hại nhất của Nga được bố trí tại bán đảo Crimée, một lãnh địa của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập vào năm 2014. Theo lý giải của Maxcơva, hành động này không « chống một nước nào » mà chỉ là biện pháp bảo vệ an ninh của một quốc gia có chủ quyền. Vì sao Nga gấp rút tăng cường hỏa lực sát cạnh Ukraina ?
Từ Matxcơva , thông tín viên Jean-Didier Revoin phân tích :
Sớm hơn một tháng trước dự định, Matxcơva đưa một đơn vị phòng không S-400 thứ hai đến Crimée để bổ sung cho hệ thống lá chắn bảo vệ không phận Nga chống lại mọi đe dọa xuất phát từ Ukraina.
Trong tuần vừa qua, Dmitri Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Vladimir Putin tuyên bố trước : hệ thống tên lửa này đặt tại bán đảo Crimée không nên bị xem là có dụng ý đe dọa bất cứ nước nào, bởi vì, mọi quốc gia có chủ quyền đều hành động như thế để bảo vệ an ninh của mình.
Sau khi triển khai một đơn vị S-400 tại thành phố cảng Feodossia vào mùa xuân 2017, giờ đây đến lượt quân cảng Sebastopol, hậu cứ của hạm đội Hắc Hải, được hệ thống phòng không tối tân nhất yểm trợ, với khả năng phóng một loạt 72 tên lửa tấn công cùng lúc vào 36 mục tiêu ở khoảng cách 600 km.
Nói cách khác, S-400 Triumph (khải hoàn) có thể hủy diệt mọi loại vũ khí tấn công từ trên không cho dù là chiến đấu cơ, hỏa tiễn hành trình hay « drone » tự hành.
Lẽ ra, kế hoạch trang bị cho lực lượng Nga tại Crimée đơn vị phòng không S-400 thứ hai được dự kiến vào tháng hai 2018. Tuy nhiên, sự kiện Washington, hồi tháng 12/2017 thông báo cung cấp vũ khí « sát thương » cho Ukraina, nhất là hỏa tiễn chống chiến xa, đã làm cho chính quyền Nga gấp rút ra ra tay trước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180114-nga-bo-tri-ten-lua-phong-khong-s-400-tai-crimee


Mỹ gia tăng trợ giúp Ukraina vũ khí tự vệ


mediaTổng thống Ukraina Petro Poroshenko tham dự một cuộc trưng bày xe quân sự trước ngày Quốc Khánh, Kiev, 23/08/2017.REUTERS/Gleb Garanich
Hôm qua, 22/12/2017, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng cường cung cấp phương tiện để giúp Kiev « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ », trong bối cảnh quan hệ phương Tây và Nga tiếp tục căng thẳng trong hồ sơ Ukraina.
AFP dẫn thông báo của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ, Heather Nauert, theo đó : « Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp cho Ukraina nhiều phương tiện phòng vệ hiệu quả hơn (…) để giúp Ukraina xây dựng nền quốc phòng về dài hạn, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi can thiệp trong tương lai ». Phát ngôn viên Mỹ cũng nhấn mạnh : « các trợ giúp của Mỹ hoàn toàn mang tính phòng thủ ». Theo kênh truyền thông ABC, Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều tên lửa chống tăng tân tiến.
Washington đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của các thỏa thuận Minsk, có mục tiêu lập lại hòa bình tại miền đông Ukraina, hiện một phần do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Hồi đầu tháng 12, Hoa Kỳ cảnh báo Matxcơva : bất đồng sâu sắc về cuộc khủng hoảng Ukraina gây « trở ngại cho mọi nỗ lực bình thường hóa » quan hệ giữa hai nước, vốn được coi là xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Hôm nay, sau thông báo nói trên, Matxcơva tố cáo ý đồ của Washington hậu thuẫn cho « một cuộc tắm máu mới » tại miền đông Ukraina. Một thứ trưởng ngoại giao Nga ra thông cáo, lên án việc « những kẻ thù hận Kiev đang bắn phá hàng ngày tại vùng Donbass, họ không muốn thương thuyết hòa bình, và chỉ mơ tưởng đến việc tiêu diệt toàn bộ những ai không vâng lời ».
Liên Âu triển hạn trừng phạt
Thông báo gia tăng hỗ trợ quốc phòng của Mỹ cho Ukraina được đưa ra đúng một ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu quyết định kéo dài, thêm sáu tháng, các trừng phạt kinh tế nặng nề đang nhắm vào Nga. Matxcơva bị cáo buộc can thiệp vào Ukraina, ủng hộ phe ly khai từ hơn 3 năm nay.
Trong một thông điệp về gia tăng trừng phạt nói trên, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc là các thỏa thuận Minsk, mà Nga là một bên tham gia, đã « không được tôn trọng đầy đủ ». Người phát ngôn Liên Âu nhấn mạnh là kể từ tháng 2/2017, tình hình an ninh tại miền đông Ukraina càng trở nên tồi tệ hơn, với nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.
Việc Nga thông báo rút người khỏi một trạm kiểm soát đa phương, hồi đầu tuần qua, cũng bị lên án khiến cho tình hình xấu đi hơn nữa. Kiev lo ngại, phe ly khai thân Nga chuẩn bị một đợt phản công mới.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Năm, 21/12, trong năm 2017, mỗi ngày có một em nhỏ Ukraina là nạn nhân của chiến sự tại miền đông. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, mạng sống của hai trăm nghìn em bị đe dọa, khi buộc phải sống tại một trong những khu vực được coi là nhiều bom mìn nhất thế giới.
Nga lên án Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ
Vẫn về quan hệ Nga – Mỹ, theo AFP, hôm qua, trong một cuộc họp với các giới chức quân đội, được truyền hình trực tiếp, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án tính chất « gây hấn » của Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Washington, vừa được công bố hồi đầu tuần. Lãnh đạo Nga cũng tố cáo Mỹ « vi phạm » thỏa thuận Mỹ-Xô hồi 1987 về các lực lượng hạt nhân tầm trung (FNI), đe dọa an ninh « tại châu Âu và trên toàn cầu ».
Ông Putin khẳng định lực lượng hạt nhân răn đe của Nga hiện tại là đáng tin cậy, nhưng cần được tăng cường. Chiến lược quân sự của Matxcơva sắp tới sẽ là tập trung phát triển các vũ khí « có độ chính xác cao… cùng với các hệ thống tình báo và thông tin hiện đại hơn », để Nga tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu.


Geen opmerkingen:

Een reactie posten