donderdag 11 januari 2018

Diễn đàn Lan Thương – Mêkông vì lợi ích của Trung Quốc? + Sông Mêkông: Một Biển Đông mới + Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông

Diễn đàn Lan Thương – Mêkông vì lợi ích của Trung Quốc?

mediaLượng cá trên dòng sông Mêkông ngày càng khan hiếm. Ảnh chụp ngày 05/01/2018, một cặp vợ chồng người Cam Bốt làm nghề chài lưới trên sông Mêkông tại tỉnh Kandal, Cam Bốt.TANG CHHIN SOTHY / AFP
Trước đây không lâu, Mêkông vẫn được coi là một trong những dòng sông lớn thông thoáng nhất thế giới. Nhiều thập kỷ chiến tranh đã cản trở việc xây dựng đập hay các công trình quy hoạch sông. Thế nhưng thời kỳ đó đã qua từ khi Trung Quốc và cả các nước vùng hạ lưu sông Mêkông lao vào cuộc chạy đua khai thác dòng sông để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng và giao thông.
Mêkông đang bị băm nát bằng những công trình đập thủy điện gây ra những hậu quả tai hại không chỉ đối với chất lượng nước, đa dạng sinh học mà còn cả cuộc sống của hàng triệu người từ bao đời nay sống hai bên sông. Lãnh đạo chính phủ 6 nước có sông Mêkông chảy qua hôm nay 10/01/2018 tham dự diễn đàn hợp tác Lan Thương - Mêkông tại Phnom Penh.
Tầm quan trọng của sông Mêkông
Sông Mêkông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài gần 5000 km chảy qua 6 nước. Tổng diện tích lưu vực sông Mêkông rộng gần 800 nghìn km2. Từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc cho đến vùng châu thổ cực nam Việt Nam, con sông là nguồn sống, tạo dựng một nền tảng văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư từ bao đời nay.
Ước tính có khoảng 60 triệu dân đang sống trong hạ lưu sông Mêkông tại Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sông Mêkông là nguồn cung cấp nước sạch, thực phẩm, giao thông vận tải và năng lượng không thể thiếu được cho sự tồn tại của cộng đồng dân cư trên. Vùng lưu vực sông là nơi sinh sống của từ 1200 đến 1700 loài cá. Sự đa dạng sinh học trên sông Mêkông chỉ xếp sau Amazonie và Congo.
Không thể đánh giá được hết tầm quan trọng về kinh tế của Mêkông đối với khu vực hạ lưu, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn lương thực. Riêng trong vùng đồng bằng Thái Lan, lưu vực sông Mêkông đã chiếm một nửa diện tích đất canh tác. Ở Cam Bốt, biển hồ Tonle Sap luôn luôn là một nguồn cung cấp nước ngọt và thủy sản bảo đảm cung cấp một lượng lớn thức phẩm cho đất nước còn rất nghèo này.
Nghề đánh bắt thủy sản dọc con sông này chiếm 3% tổng sản lượng tôm cá đánh bắt trên thế giới và 17% lượng cá nước ngọt, đủ để nuôi sống 70 triệu dân. Tại việt Nam, châu thổ sông Mêkông sản xuất ra 1/3 lượng gạo của cả bước . Từ Vientiane đến Phnom Penh qua thành phố Hồ Chí Minh, những thành phố lớn này không chỉ gắn bó mà còn lệ thuộc vào con sông lớn này.
Đã có một thời gian dài, khác với các dòng sông lớn trên thế giới, Mêkông là con sông trù phú và yên bình bởi không bị quy hoạch khai thác năng lượng . Đáng tiếc là chỉ trong vòng một hai thập kỷ trở lại đây, dòng sông Mêkông đã có những thay đổi nhanh.
Hiện có hai mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái của dòng sông liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người: Xây dựng đập thủy điện và cải tạo các tuyến giao thông đường thủy mới trên thượng lưu (khai ngòi, nạo vét dòng chảy, đào kênh… )
Mêkông và cơn khát năng lượng Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Mêkong được gọi là sông Lan Thương (Lancang). Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư dọc thượng nguồn dòng sông để xây dựng các con đập thủy điện và tuyến hàng hải. Đến giờ đã có 7 con đập lớn được hoàn thành và 20 dự án khác đang trong quá trình thực hiện hoặc nằm trong kế hoạch khai thác sông Mêkông của Trung Quốc, tại Tây Tạng, Vân Nam hay Thanh Hải, theo số liệu của International Rivers, tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và nhân quyền có trụ sở tại Mỹ.
Các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng trên sông Mêkông có khả năng ngăn giữ một nửa lưu lượng dòng chảy của toàn bộ sông. Việc thay đổi dòng chảy, lưu lượng của con sông lớn giờ đây không phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên mà phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất năng lượng của các thành phố và khu công nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc đi đầu kéo theo các nước ở vùng hạ lưu cũng chạy theo theo. Trong bối cảnh bùng nổ kinh tế và giá năng lượng trong khu vực, các nước ở hạ lưu Mêkông lại lôi ra những dự án thủy điện cũ, góp thêm phần đe dọa cuộc sống của những cộng đồng dân cư dọc dòng sông. Hiện có khoảng 11 dự án có thể đã và đang được triển khai trong vùng hạ lưu sông Mêkông.
Năm 1995, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã thành lập Ủy ban sông Mêkông để có thể trao đổi các dữ liệu, thông tin nhằm quản lý tốt hơn Mêkông. Có điều là Trung Quốc vẫn từ chối tham gia Ủy ban này, cũng như họ đã phản đối Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng các dòng sông vào mục đích khác ngoài giao thông đường thủy.
Trong khi đó các hoạt động đơn phương khai thác sông Mêkông trên thượng nguồn để phục vụ nhu cầu phát triển riêng của Trung Quốc ngày càng được đẩy mạnh, gây không ít lo ngại cho các nước hạ nguồn.
Các nhà bảo vệ sinh thái và nhiều chính phủ đã không ít lần tỏ lo ngại về những tác hại của việc Trung Quốc xây đập tràn lan trên thượng nguồn Mêkông. Năm 2016, khi Việt Nam trải qua đợt hạn hán chưa từng có trong 90 năm qua, nhiều chuyên gia khẳng định một phần trách nhiệm của tai họa đó là do các con đập và hồ chứa nước mà Trung Quốc đã xây ở đầu nguồn Mêkông.
Bắc Kinh còn dự án mở tuyến đường thủy trên sông Mêkông giữa Thái Lan và Lào cho phép các tàu lớn vận chuyển hàng hóa có thể qua lại. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cư dân ven sông và những tổ chức bảo vệ môi trường tại Thái Lan.
Lan Thương - Mêkông phục vụ lợi ích Trung Quốc
Tháng trước, các bộ trưởng Ngoại Giao của 6 nước vùng sông Mêkông đã gặp nhau tại Trung Quốc để chuẩn bị dự án phát triển 5 năm trên con sông này và sẽ được trình lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Cam Bốt hôm nay (10/01).
Thực tế, diễn đàn hợp tác Lan Thương- Mêkông đã được Bắc Kinh lập ra từ năm 2015. Đây là một cơ chế hợp tác được đánh giá là để cạnh tranh với Ủy ban sông Mêkông đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua, nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc và Miến Điện.
Trong hai năm sau khi hình thành cơ chế hợp tác Lan Thương- Mêkông, Trung Quốc đã tổ chức 3 hội nghị ngoại trưởng và đầu tư nhiều tỷ đô la cho khoảng 45 dự án hợp tác khu vực.
Trong một bài viết hôm 08/01 về những mối đe dọa sông Mêkông từ các con đập Trung Quốc, AFP đã nhận định: Với sự kiểm soát ở đầu nguồn sông Mêkông, Bắc Kinh có thể xây đập ngăn dòng ở đoạn sông chảy qua nước này trong khi những tác động từ việc này được cảm nhận rõ rệt ở hạ lưu.
Trung Quốc giờ đang muốn giành quyền kiểm soát thông qua Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mêkông, đồng thời cố gắng xoa dịu các nước ở hạ lưu dòng sông bằng những khoản đầu tư và viện trợ.
"Có một mối quan ngại lớn cho rằng vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc sẽ khiến nước này đặt những lợi ích riêng của họ lên trên những hợp tác có ý nghĩa", chuyên gia Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức International Rivers, cảnh báo.
"Phần lớn lợi ích thuộc về các công ty, tập đoàn trong khi các cộng đồng dân cư dọc theo dòng sông bị ảnh hưởng nặng nề nhất", chuyên gia Harris nói thêm.
Đến nay, các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào nhiều dự án đập thủy điện, nhưng không tiến hành đánh giá các tác động môi trường và xã hội một cách toàn diện.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180110-dien-dan-lan-thuong-%E2%80%93-mekong-vi-loi-ich-cua-trung-quoc

Sông Mêkông: Một Biển Đông mới trong tranh chấp Trung Quốc-ASEAN ?

mediaẢnh minh họa : Một con kênh tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, châu thổ sông Mêkông cạn khô nước. Ảnh chụp ngày 08/03/2016.STR / AFP
Trong hai ngày 10-11/01/2018, hội nghị thượng đỉnh cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông lần thứ 2 sẽ mở ra tại Phnom Penh, thủ đô Cam Bốt. Nhân dịp này, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong số ra ngày 03/01, đã phân tích thêm về cơ chế hợp tác do Trung Quốc chủ xướng, trên danh nghĩa là để góp phần giảm bớt căng thẳng đến từ các đề án trên sông Mêkông, nhưng đã bị các nhà bảo vệ môi sinh hết sức hoài nghi. Bài viết không ngần ngại đặt thành tựa câu hỏi : « Phải chăng sông Mêkông sắp trở thành một Biển Đông mới trong tranh chấp khu vực ? Is Mekong River set to become the new South China Sea for regional disputes ? ».
Tờ báo Hồng Kông trước hết nhắc lại là tại hội nghị Phnom Penh sắp tới đây, lãnh đạo 6 nước trong nhóm hợp tác Lan Thương - Mêkông sẽ thông qua dự thảo một kế hoạch 5 năm nhằm phát triển vùng sông Mêkông đã được ngoại trưởng 6 nước thành viên là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, nhất trí nhân cuộc họp vào tháng qua ở Trung Quốc.
Phát biểu ở hội nghị nói trên tại Vân Nam, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho là cơ chế do Bắc Kinh đứng đầu có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả 6 nước ven sông và Trung Quốc dự kiến tài trợ cho hàng chục đề án. Ngoại trưởng Prak Sokkhom của Cam Bốt, nước ủng hộ Trung Quốc mạnh nhất trong khối ASEAN, đã cám ơn Bắc Kinh về vai trò lãnh đạo trong cơ chế và mô tả tiến bộ thực hiên được là điều « chưa từng có ».
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, giới bảo vệ môi trường đã tỏ thái độ quan ngại về tác hại của các đề án phát triển đối với môi trường sông Mêkông, điều mà ông Vương Nghị chưa bao giờ đề cập đến trong các cuộc thảo luận công khai.
Bắt nguồn từ Tây Tạng, sông Mêkông, tên gọi tiếng Hoa là Lan Thương (Lancang), đã chảy qua Trung Quốc trước khi đổ xuống, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, rồi ra Biển Đông. Cả sáu nước đều là thành viên của cơ chế Hợp Tác Lan Thương-Mêkông, và ngoại trừ Trung Quốc, năm nước còn lại đều là thành viên hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.
Kiểm soát được Mêkông là khống chế được kinh tế Đông Nam Á
Cho đến nay, sông Mêkông là một nguồn tài nguyên to lớn cho khu vực, với vùng hạ lưu là vùng đất màu mỡ nhất thế giới cho nông nghiệp, ngư nghiêp. Đối với đa số các chuyên gia, kiểm soát được con sông này đồng nghĩa với kiểm soát được phần lớn kinh tế Đông Nam Á. Chính vì vậy mà giới quan sát nhận định là có khả năng dòng nước này sẽ trở thành một điểm tranh chấp lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN sau tranh chấp Biển Đông.
Bắc Kinh thiết lập cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông vào năm 2015. Nhiều người xem đó là một cơ chế cạnh tranh với Ủy Ban Sông Mêkông - Mêkông River Commission - đã ra đời và hoạt động từ hơn 60 năm nay. Ủy Ban này tuy nhiên chỉ bao gồm 4 nước Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan, không có Trung Quốc và Miến Điện.
Trung Quốc được mời tham gia Ủy Ban nhưng đã từ chối, chỉ đồng ý làm « đối tác đối thoại », giống như Miến Điện. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh có thể đứng ngoài quy định của Ủy Ban theo đó các nước thành viên mỗi khi có đề án xây đập trên sông, thì phải đệ trình kế hoạch để thảo luận.
Theo South China Morning Post, cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông của Trung Quốc, trên nguyên tắc là một kênh thông tin và một cơ cấu thúc đẩy phát triển kinh tế, thế nhưng hiệu quả của nó cần được chứng minh thêm, trong lúc ý đồ địa chính trị lại gây nên nhiều quan ngại.
Đối với giới bảo vệ môi trường, các đề án phát triển thủy điện của Trung Quốc và các nước khác đã đe dọa tương lai của cả con sông lẫn cư dân ven sông, vì các đập thủy điện lớn tác hại nặng nề đến hệ sinh thái, đe dọa sinh kế của hàng triệu người.
Theo nhà bảo vệ môi sinh Thái Lan Pianporn Deetes : « Đối với các cộng đồng cư dân ở vùng hạ lưu, các con đâp xây ở thượng nguồn đã làm thay đổi rất lớn chu kỳ lũ-hạn tự nhiên của sông và ngăn chặn dòng chảy của phù sa, qua đó tác hại đến hệ sinh thái... Tác động (của các con đập mà Trung Quốc xây trên thượng nguồn) trên mực nước và ngư nghiệp đã được ghi nhận dọc biên giới Thái Lan và Miến Điện. »
Theo bà Deetes, từ khi mở đập thủy điện Mạn Loan, con đập đầu tiên trên dòng chính sông Mêkông vào năm 1995, Trung Quốc sau đó đã xây thêm 7 con đập khác, và đang hoặc có kế hoạch làm thêm 20 đập nữa ở Vân Nam, Tây Tạng, Thanh Hải.
Các chuyên gia môi trường cho rằng việc Trung Quốc thiếu tham khảo các láng giềng ở vùng hạ lưu con sông, cũng như thiếu đánh giá về tác hại của đập trên con sông và cư dân đã khiến cho việc phát triển khu vực thêm phức tạp.
Thúc đẩy quyền lợi Trung Quốc
Nhật báo Hồng Kông không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đã khéo lợi dụng việc cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông ít được truyền thông quốc tế chú ý để âm thầm thúc đẩy các lợi ích của mình, và phô trương rằng cơ chế này là một trong những phương cách tốt nhất để tăng cường quan hệ với ASEAN.
Đối với chuyên gia Milton Osborne, nguyên là một nhà ngoại giao Úc, « việc Trung Quốc thiết lập cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông phản ánh sự công nhận muộn màng từ phía Bắc Kinh, là chính sách của họ liên quan đến sông Mê Kông đã để ý quá ít đến quyền lợi các nước ở hạ nguồn ».
Trong hai năm từ khi thiết lập cơ chế này, Trung Quốc đã tổ chức 3 cuộc họp cấp ngoại trưởng và dành hàng tỷ đô la tài trợ cho khoảng 45 đề án, từ việc xây dựng các cơ quan nghiên cứu tài nguyên cho đến hợp tác trên các đề án kết nối khu vực, công nghiệp, thương mai xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo khó.
Trong cơn khát năng lượng, một số quốc gia ven sông đã sẵn sàng theo chân Trung Quốc. Lào chẳng hạn, đang thúc đẩy kế hoạch xây con đập thứ 3 trên dòng chính sông Mêkông, bất chấp phản đối của láng giềng Việt Nam và Uỷ Ban sông Mêkông.
Theo bà Deetes : « Các công ty Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào hơn 6 con đập trên dòng chính sông Mêkông ở vùng hạ nguồn, trong đó có cả hai đập Don Sahong và Pak Beng ở Lào. Việc phát triển các con đập này không tuân thủ thông lệ tốt của quốc tế là phải quan tâm và tránh hay giảm thiểu tác động đến đời sống và môi trường ».
Việt Nam lại đi đầu trong việc chống các con đập trên dòng chính
Căng thẳng tăng lên vào năm 2016 khi Việt Nam phải chịu một cơn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm, với 1,8 triệu dân bị mất mùa và thiếu nước.
Hạn hán chủ yếu do tác động của hiện tượng khí hậu El Niño, nhưng các chuyên gia môi trường cho rằng Trung Quốc cũng có trách nhiệm vì hồ chứa nước của các con đập đã làm gia tăng mức độ bốc hơi ở thượng nguồn dòng sông. Để giúp giải quyết tình hình khô hạn đó, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc xả nước từ các con đập phía trên.
Một số chuyên gia đã hy vọng là cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông có thể hoàn tất những mục tiêu quan trọng mà Ủy Ban sông Mêkông đã không làm được như điều hòa việc xây đập trên dòng chính sông Mêkông.
Theo ông Osborne, sẽ là một điều tốt cho các nước hạ nguồn nếu Trung Quốc đồng ý trên một thỏa thuận theo đó họ thông báo cho các láng giềng mỗi khi cho xả nước từ đập thủy điện của mình. Nhưng Bắc Kinh chưa đồng ý tham gia vào một hệ thống như vậy.
Marc Goichot, một cố vấn thuộc chương trình Greater Mêkông Programme của Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên WWF, cho rằng chính những khó khăn mà Ủy Ban sông Mêkông gặp phải đã biện giải cho sự tồn tại của cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông.
« Vấn đề của Ủy Ban là có quá nhiều ràng buộc, hạn chế, nhất là chỉ có 4 trên 6 quốc gia ven sông là thành viên, và chỉ lo vấn đề nguồn nước, trong lúc sông ngòi không chỉ liên quan đến nước, mà cần đến sự dấn thân nhiều hơn nữa của giới quy hoạch kinh tế, đầu tư, và lãnh vực tư nhân ».
Một số chuyên gia khác lập luận là mặc dù Trung Quốc nỗ lực tạo hình ảnh một nhà tài trợ hảo tâm, cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông sẽ không giúp giảm mối quan ngại trong nhiều nước Đông Nam Á về ý đồ địa chính trị của Trung Quốc.
Biển Đông và Mêkông: Trung Quốc áp dụng cùng một chiến thuật
Nhà nghiên cứu độc lập Elliot Brennan cho là vấn đề sông Mêkông có khả năng trở thành điểm tranh chấp lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN sau Biển Đông, và đối với Bắc Kinh, kiểm soát con sông là một mục tiêu chiến lược.
Theo chuyên gia này : « Sau hơn một thập niên ngoại giao vụng về, Bắc Kinh đã học được cách sử dụng cây gậy và củ cà rốt trong vùng... Bắc Kinh hiểu rõ hơn bao giờ hết những gì các nước ASEAN muốn và đã thâm nhập được rất sâu (vào nội bộ ASEAN) để ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của họ. Nếu Bắc Kinh thành công trong việc kiểm soát sự phát triển của sông Mêkông, họ sẽ nhanh chóng biến nó thành một động mạch quan trọng để Trung Quốc vươn lên và tăng gia ảnh hưởng trong ASEAN. »
Thitinan Pongsudhirak, giáo sư nghiên cứu quốc tế Đại Học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng những động thái của Trung Quốc đối với sông Mêkông tương tự như chiến thuật họ đã dùng trong tranh chấp Biển Đông.
« Cơ chế Hợp Tác Lan Thương - Mêkông là biểu hiện cho thấy Trung Quốc chỉ chơi theo các luật lệ của riêng họ. Họ đã tạo ra sự đã rồi bằng cách xây dựng các con đập ở thượng nguồn để gây thiệt hại cho các nước ở hạ nguồn, rồi sau đó thành lập cơ quan quản lý riêng của họ để bác bỏ Ủy Ban sông Mêkông ».
Giáo sư Thái Lan ghi nhận tiếp : « Trung Quốc cũng đàm phán song phương với từng nước ở vùng sông Mêkông để các quốc gia này không thể đoàn kết lại để chống lại Bắc Kinh trong tư cách là một khối khu vực ».
Kết luận của ông Brennan khá bi quan : Các cuộc thảo luận hiện tại về cách bảo vệ hệ thống môi trường của con sông đã không đi đủ xa, và « Trung Quốc sẽ có thể được tất cả trong lúc các thành viên Asean thì mất tất cả trong vấn đề hợp tác khu vực về sông Mêkông... Vấn đề là các nước ASEAN không thể gạt bỏ thực tế địa chính trị và phải cố đàm phán gay go để có được một sự hợp tác đúng đắn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180105-song-mekong-mot-bien-dong-moi-trong-tranh-chap-trung-quoc-asean

Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông

mediaQuá trình xây dựng đập trên sông Mêkông ở tỉnh Xayaburi, Lào.@International Rivers
Loạt chủ đề nhẹ nhàng dành cho mùa hè tiếp tục được đưa trên trang nhất các tuần báo Pháp. “Ai làm gì trong cuộc sống vợ chồng?” là câu hỏi lớn của L’Obs, “Homère, bậc thầy tư duy của nền văn minh chúng ta” được Le Point đề cập trên trang nhất, L’Express đưa độc giả khám phá “Những bí mật của làn da” còn trang nhất của Courrier international là hình ảnh như thây ma của “Jeff Bezos, phù thuỷ của Amazon”.
Liên quan đến châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.
Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (CLM) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.
Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.
Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.
Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.
“Phải thận trọng khi giải quyết với láng giềng phương bắc”
Dự án cải thiện lưu thông trên dòng Mêkông mà chính phủ Thái Lan thông qua hồi tháng 12/2016 bị người dân một ngôi làng sống bên bờ sông phản đối do lo ngại tác động đến môi trường và kinh tế. Song họ lại tỏ ra “dè dặt” trước người láng giềng khổng lồ.
Một chuyên gia về quan hệ Thái-Trung thuộc đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét “Trung Quốc là một nước lớn. Điều này khiến người ta phải thận trọng”. Bà không nhắc đến kích thước về mặt địa lý mà nhấn mạnh đến trọng lượng và sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia phương bắc đối với các nước trong vùng, cụ thể thông qua dự án Con đường Tơ lụa mới với những công trình hạ tầng có quy mô lớn để hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ nối nền kinh tế Trung Quốc và khu vực Á-Âu.
Trong khoảng 2008-2014, lượng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng hơn 200%. Sông Mêkông vẫn là tuyến đường chính nối miền nam Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á. Giới đầu tư Trung Quốc bị thu hút trước các nguồn tài nguyên dồi dào và tầng lớp trung lưu ngày càng đông với tiềm năng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước bên bờ Mêkông, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu viễn cảnh chương trình Hợp tác cam kết cùng chia sẻ lợi ích.
Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương không có chung cách nhìn tích cực như Bắc Kinh, thậm chí họ cho rằng Trung Quốc “lợi dụng” những nước nhỏ. Các dự án phát triển của Trung Quốc, từ các mỏ đồng ở Miến Điện đến các nhà máy giấy và trung tâm thủy điện ở Việt Nam hay các nông trường chuối ở Thái Lan, đều gây ra những quan ngại về môi trường.
Một số khác coi sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc như một “mối đe dọa đến chủ quyền”. Trong một bài báo nghiên cứu, giáo sư Khoa học-Xã hội Pollavat Prapattong thuộc đại học Mae Fah Luang ở Chiang Mai không ngần ngại miêu tả cách thức đầu tư của Trung Quốc như một âm mưu “biến (thành phố Chiang Mai và môi trường) thành một vùng đất của Trung Quốc và cho người Hoa”.
Lào cũng là một trường hợp điển hình. Một số thành phố của nước này bị “vẽ” lại hoàn toàn để dành chỗ cho mạng lưới đường sắt nối liền với Trung Quốc. Các khu đô thị như Luang Prabang và Viêng Chăn ngày càng giống một số khu vực ở tỉnh Vân Nam.
Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh yêu cầu các nhà đầu tư ra nước ngoài phải có trách nhiệm về xã hội và môi trường, nhưng những tiêu chí trên chỉ được một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước áp dụng. Trung Quốc thu lợi từ trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực Mêkông nhưng cũng tìm cách để ngăn các nước ASEAN liên minh với nhau chống lại Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.
Bangkok Post nhận định khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của Trung Quốc trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy.
Bành Lệ Viên : “Đệ nhất phu nhân” quyền lực châu Á
Phu nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhân vật chính trong loạt bài mùa hè về những phụ nữ quyền lực của tuần báo L’Express. Trước khi trở thành “Đệ nhất phu nhân” Trung Quốc, bà đã nổi tiếng hơn chồng.
Luôn xuất hiện với nụ cười và trang phục thanh lịch bên cạnh chồng, bà Bành Lệ Viên được L’Express đánh giá là người dung hòa, thông qua hình ảnh, những mâu thuẫn của một chính quyền bị giằng xé giữa tư tưởng cộng sản cách mạng và cách thức tư bản và bảo thủ. Và bà đảm nhiệm tốt vai trò này.
Vào thời điểm khá nhạy cảm sau khi nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba bị “cầm tù” cho đến chết dù được chữa trị trong bệnh viện, bà Bành Lệ Viên, xuất hiện trong trang phục được cân nhắc kỹ, tuyên bố chiến đấu chống bệnh lao và bệnh sida. Hay khi đến Hồng Kông nhân 20 năm cựu thuộc địa Anh được trả lại cho Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên đã thể hiện thành công vai trò của một Đệ nhất phu nhân hiện đại và luôn tươi cười trong một trại dưỡng lão, hay ôm hôn học sinh trong một trường tiểu học. Những hình ảnh trìu mến này lại trái ngược với chính sách mạnh tay của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính, mà chắc hẳn người ta vẫn chưa quên các cuộc biểu tình đòi dân chủ từ năm 2014 hay các vụ “bắt cóc” các nhà sách Hồng Kông…
Kết hôn với ông Tập Cận Bình từ gần 30 năm, trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, bà Bành Lệ Viên đã nổi tiếng hơn chồng vì là ca sĩ dân gian đương đại có tiếng trong quân đội Trung Quốc. Từ năm 2007, bà ngừng sự nghiệp ca sĩ để toàn tâm toàn ý giúp sự nghiệp của chồng.
Những bí mật của làn da
L’Express dành 16 trang báo để nói về “Những bí mật của làn da” thông qua bốn chủ đề chính : Làn da là tấm gương phản ánh sức khoẻ và cảm xúc; Những phát hiện mới nhất về làn da; Bảo vệ da như thế nào? và những nguy hiểm khi xăm hình trên da.
Khoảng 2 m2 da bao phủ cơ thể con người. Lớp vỏ bọc này là một cơ quan phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ với những người khác. Làn da như tấm thẻ căn cước về mỗi người và “bật mí” về tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, cảm xúc và bệnh tật. Với làn da, con người khó lòng “ăn gian” được tuổi tác, dù có trải qua “dao kéo”. Chấm đen, vết đỏ, mụn nhọt hay các vùng mầu ghi xuất hiện trên da mỗi khi chế độ ăn uống bị giảm.
Cùng với hình thể và trí tuệ, mùi hương toả ra từ làn da là yếu tố thứ ba đóng vai trò quan trọng trong một buổi hẹn hò. Sự mịn màng và tươi tắn của làn da không tự nhiên mà có được mà cần được quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, l’Express cho rằng công việc này lại không phức tạp như vẫn nghĩ, chỉ cần nuôi dưỡng tốt và luôn giữ ẩm làn da.
Làm đẹp làn da bằng những hình xăm vẫn luôn thịnh hành. Khoảng 15% dân Pháp xăm mình, trong đó 25% dưới 30 tuổi ; từ 10 đến 50% trong số họ hối hận vì đã xăm mình và 10% trong số họ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nguyên nhân chính là thành phần của mực xăm mà l’Express cảnh báo nên chú ý, vì trong mực có chứa kim loại nặng, hidrocarbon, còn mực mầu chứa nhiều chất độc gây ung thư.
Để có được làn da trẻ trung, nhiều người không ngại can thiệp của dao kéo, từ tiêm botox, với liều lượng ít hơn trước một nửa để có làn da tự nhiên hơn, hay sử dụng một loại gel thần thánh tẩy hết mọi vết nhăn hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Theo một chuyên gia, đôi môi đầy đặn hờn dỗi và gò má cao vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.
“Trách nhiệm tinh thần” về gánh nặng việc nhà
Phụ nữ thường trách đàn ông làm chưa đủ, còn các ông lại luôn trách các bà muốn kiểm soát tất cả. Ai có lý và làm thế nào để thoát khỏi “cuộc đối đầu” căng thẳng này là chủ đề của phóng sự điều tra trên tuần báo l’Obs. Thế nhưng, giữa hai luồng quan điểm là một “trách nhiệm tinh thần” về việc nhà.
Khái niệm “trách nhiệm tinh thần” được sử dụng trong thập niên 1970 để nói về những mối bận tâm của các nhà quản lý khi phải mang thêm việc về nhà giải quyết. Chỉ đến năm 1984 mới xuất hiện nguyên tắc “trách nhiệm tinh thần gia đình” trong một bài báo của nhà xã hội học Monique Haicault. Bà miêu tả tâm trí của một người phụ nữ bị ám ảnh bởi những lo âu trong nhà, quản lý gia đình khi họ đang làm việc.
Những trường hợp được l’Obs nêu trong bài báo đều cho thấy phụ nữ bận tâm nhiều hơn cho “trách nhiệm tinh thần”, trong khi phái nam chỉ dành một phần nhỏ, thậm chí với một số người, về nhà đồng nghĩa với “nghỉ ngơi”“giải toả đầu óc”. Chính điều này là nguyên nhân gây những bất đồng trong gia đình. Theo nhận định của nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann, người đàn ông phải dứt khỏi vỏ bọc tiện nghi, còn người phụ nữ phải chia sẻ cách làm của mình.
“Dunkerque” : Tái hiện 9 ngày quân đồng minh rút khỏi vòng vây của Đức
Đạo diễn người Anh Christopher Nolan, 46 tuổi, trở lại với bộ phim dài Dunkerque, được tuần báo Le Point cho rằng “chắc chắn đánh dấu lịch sử nền điện ảnh”. Còn L’Express đánh giá đạo diễn đã sáng tạo lại thể loại phim chiến tranh.
Dài 1h45, bộ phim Dunkerque thuật lại chiến dịch Dynamo (bí danh của trận Dunkerque) hay đúng hơn là cuộc sơ tán, vào tháng 05/1940, của hơn 338.000 quân nhân Anh, Pháp và Bỉ bên bờ biển Dunkerque (miền bắc nước Pháp) giữa vòng vây của lính Đức. Bị dồn trên cầu cảng và bãi biển, họ chỉ có một lối thoát duy nhất là đến nước Anh bằng đường biển.
Trong vòng 9 ngày, một khu vực dài 10 km quanh thành phố Dunkerque được một số đơn vị Pháp phòng thủ để kéo thời gian giúp các toán quân, chủ yếu là lính Anh, rút lui bằng đường biển để được hải quân Anh và một số du thuyền cứu vớt.
Câu chuyện được thuật lại dưới ba nhãn quan: của những người lính trên bãi biển, một nhà hàng hải Anh và một phi công của Không Lực Hoàng gia Anh.
Với Dunkerque, đạo diễn Nolan lại thêm một bộ phim lớn vào danh sách những tác phẩm như Memento, Inception, Interstellar, Batman.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170721-trung-quoc-muon-doc-chiem-vung-mekong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten