zondag 14 januari 2018

Video : Ngư Dân đảo Lý Sơn... vất vả với nghề đánh cá+trồng hành tỏi ; và liều thân giữ Biển Đảo... "một mình" (!) [vì "quân đội việt cộng"... không dám ra biển đương đầu với "tầu cộng" để bảo vệ ngư dân ! ]

 Mẹ Nấm được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh

Ngư dân và Biển đảo

Ngư Dân và Biển Đảo

Ngư dân ở khu vực miền Trung Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi đi đánh bắt ở Biển Đông, do liên tục bị phía Trung Quốc tấn công truy đuổi, thậm chí là bắt bớ, hành hung, giam cầm; nhưng lại không nhận được hỗ trợ đúng mức từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.



Part 1 - Ngư dân bám biển


Lý Sơn, hay Cù Lao Ré, là một đảo nhỏ ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Đây từng là tiền đồn của những đội thủy quân thời nhà Nguyễn; nơi xuất phát đi khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Hậu duệ của những chiến binh và dân chài dũng cảm năm xưa tiếp tục hoạt động đánh bắt hải sản và được xem là lực lượng bám biển giúp giữ gìn chủ quyền của quốc gia.


Tuy nhiên, ngày họ càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa bởi vì phía Trung Quốc truy đuổi, phá hủy ngư cụ, tịch thu hải sản, thậm chí va đâm gây thiệt hại nhân mạng cho ngư dân Việt Nam.
Graphic: RFATheo lời kể của một ngư dân tên Hải với phóng viên Đài Á Châu Tự Do, thì anh và các ngư dân khác đã từng nhiều lần bị phía Trung Quốc bắt giữ: “Bắt 3, 4 lần rồi kéo vô Kim Lâm rồi thả về”.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như Hải, ngư dân tên Trường nói rằng anh bị đe dọa, chỉa súng vào đầu: “Chúng dè súng vô đầu. Mình nghĩ cuộc sống mưu sinh để nuôi con ăn học, chứ thực chất để làm mà nuôi 1-2 vợ chồng thì đã bỏ biển lâu rồi. Nó coi mình như con tép, chỉa súng vô đầu, súng lớn súng nhỏ, thấy sợ lắm”.
Hải và Trường, những ngư dân Lý Sơn kể thêm về những lần trạm chán với tàu Trung Quốc.
Anh Hải: “Nói chung là nó lấy đồ lấy hết cá, nói chung là lấy hết, mấy lần đầu nó lấy tàu dắt về Hải Nam luôn, bỏ vào tàu bịt mắt, ghê lắm… bắt rồi phải chuộc người”.
Anh Trường: “Nó lấy hết tài sản, trấn lột hết rồi thả mình về, tưởng đâu lính bắt bỏ tù lâu lắm, nhưng thực tế không có, nó cướp nó lấy rồi thả mình về thôi”
Tuy nhiên những đe dọa bắt bớ của hải cảnh Trung Quốc vẫn không ngăn cản ngư dân Việt ra khơi. Lý do được họ chia sẻ.
Hải: “Ức mà chẳng biết làm sao, nói chung được thì mình khai thác ở đó nó gần mà lợi nữa, cá nhiều lắm. Làm là phải làm. Họ đuổi thì đuổi nhưng làm vẫn làm. Nhiều khi lắm lúc bị đuổi chạy, 1-2 ngày sau vô lại. Đi về 1 phiên biển họ tốn hơn 2-3 trăm triệu mà chạy về ‘ôm tốn ôm tốn” người dân không được ăn còn lỗ”.
Hải nói thêm rằng, trên thực thế ngư dân cũng không còn lựa chọn nào khác: “Truớc mắt giờ đi vô mà về là không có tiền để vợ con ăn sinh sống nên khi đi là phải cào cho được, còn mình về là âm tốn tiền nhà tiền đâu bỏ ra nữa. Đầu tiên là kinh tế trước đã, còn thứ hai nói chung là mình cũng muốn tranh đấu thôi là Hoàng Sa là của mình thôi”.
Dẫu biết không thể nào bỏ biển, nhưng tình trạng Trung Quốc thường xuyên nhũng nhiễu, gây hại, bắt bớ… cũng phần nào tác động đến tâm lý, tinh thần của ngư dân Việt. Trường: “Làm kiểu này hết muốn làm rồi”.
Ngư dân thường được mệnh danh là “ăn sóng, nói gió”; tức những con người can trường trước phong ba, bão táp của biển khơi; nhưng nay tình cảnh của họ qua lời kể của hai ngư dân quí vị vừa nghe thật đáng ngại.

Phần 2 - Bị tàu Trung Quốc tấn công, ngư dân phải làm gì?


Truyền thông Nhà nước thường loan tin về nhiều chương trình hỗ trợ cho ngư dân với mục tiêu bám biển giúp giữ chủ quyền đất nước.
Có thể kể đến những chương trình lớn như cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn hơn, tàu vỏ thép có thể chống chịu va đập cũng như trang bị những thiết bị mới, hiện đại… thay thế cho những tàu nhỏ, trang thiết bị thô sơ của đa số ngư dân Việt hiện nay.


Tàu Trung Quốc Nanhaijiu 115 trên biển Đông 3/2014. Photo: AFPTrò chuyện với phóng viên Đài Á Châu Tự Do RFA, một ngư dân trình bày về thực trạng của tàu cá Việt Nam khi so với tàu của phía ngư dân Trung Quốc:
“Tàu nó nói chung là trang thiết bị và to hơn mình nhiều, mình nói chung là (mình) không bằng. Tàu cá của mình công suất máy nhỏ, nó công suất lớn máy lớn. Nói chung thấy tàu nó lúc còn nhỏ xíu thôi là mình phải chạy rồi”.
Cũng theo lời kể của ngư dân, tàu Trung Quốc liên tục bắt nạt, ức hiếp tàu cá Việt Nam ở Biển Đông, bất cứ lúc nào:
“Mình thấy bực. Giờ mình là con kiến mà chống lại cái xe sao chống nổi. Tàu nó tàu lớn súng ống lớn, chúng ngang nhiên phá phá đập đập. Mình buông xuôi chứ giờ mình đâu chống lại được, mình sức yếu tàu nhỏ nữa, tàu nó tàu sắt nó cựa vô cái tàu mình bể”.
Mỗi khi có tin tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc đuổi bắt, đâm va, tịch thu ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt được; nhiều người nêu lên thắc mắc tàu tuần duyên, tàu Hải quân Việt Nam ở đâu mà không giúp cho ngư dân.
Anh Hải, một ngư dân cho biết đa phần những người đi biển như anh không rõ lắm về hoạt động giúp đỡ cứu hộ của các tuần duyên Việt Nam. Họ không có phương tiện hay số điện thoại nóng để liên lạc tuần duyên hay Hải quân Việt Nam.
Cũng theo anh Hải, mỗi khi gặp nạn trên biển, thông thường họ phải báo về cho nghiệp đoàn, từ đó nghiệp đòan mới thông tin cho chính quyền địa phương. Anh chia sẻ về sự giúp đỡ và cứu hộ của chính quyền khi ngư dân gặp nạn:
“Nói chung cũng gần thì họ nhanh, nếu đang ở xa cũng lâu”.
Theo anh Hải, việc đến gần Hoàng Sa để đánh bắt vào thời điểm như hiện nay thì ít ai còn dám làm mặc dù chính quyền luôn trấn an người dân việc họ đánh bắt đã được chính quyền bảo vệ: “Chính quyền trên nhiều lúc nói suông miết mà…”.
Nhiều ngư dân cho rằng dường như họ phải đơn độc giữa biển khơi vì chẳng nhận được sự đồng hành nào từ các lực lượng chức năng của Nhà nước trên biển; cũng như hỗ trợ trên bờ.

Phần 3 - Ngư dân bám biển gặp nhiều khó khăn


Ngư dân ở khu vực miền Trung Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi đi đánh bắt ở Biển Đông, do liên tục bị phía Trung Quốc tấn công truy đuổi, thậm chí là bắt bớ, hành hung, giam cầm; nhưng lại không nhận được hỗ trợ đúng mức từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
Việc ra khơi đánh bắt hải sản ngày càng trở nên khó khăn bội phần, nhưng nay hải sản mang về cũng khó bán, vì ảnh hưởng từ thảm họa môi trường do Formosa thải hóa chất ra biển, khiến nhiều người tiêu dùng sợ ăn hải sản bị nhiễm độc.


Ngư dân ở khu vực miền Trung Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi đi đánh bắt ở Biển Đông, do liên tục bị phía Trung Quốc tấn công truy đuổi, thậm chí là bắt bớ, hành hung, giam cầm. Photo: RFAMột ngư dân Lý Sơn tên Trường tâm sự với RFA: “Đúng cá đã không có, vô còn rẻ nữa. Đúng là bấp bênh thiệt. Kỳ này neo luôn không dám đi nữa mà, đi một tháng trời vô không có một đồng luôn”.
Khi đến với một phiên chợ chiều tại đảo Lý Sơn chúng tôi làm quen với chị Thắm, một người bán cá tại ngôi chợ làng này đã lâu năm. Ngoài việc bán cá do chồng chị đánh bắt về chị còn mua lại cá của những ngư dân khác để bán kiếm thêm lời.
Chị Thắm cho biết cuộc sống của ngư dân cũng như những người sống nhờ vào nguồn hải sản đang gặp rất nhiều khó khăn:
“Vừa rồi ông xã cũng đi làm được mấy con cá mà bán không được nên về không có tiền để mua dầu để chi dùng để cho tàu ra khơi. Từ chỗ đó, chị cũng yêu cầu chính quyền và nhà nước quan tâm. Chị không đòi hỏi cho riêng chị mà đòi hỏi cho tất cả mọi người cho dân, cho mấy người ra khơi bám biển. Chính quyền hãy hỗ trợ cho họ có dầu để chạy đi làm chứ cuộc sống Lý Sơn năm nay rất khổ.”
Có quá nhiều nghịch lý trong đời sống của ngư dân khi tình hình trở nên khó khăn do lượng cá không đủ đánh bắt, nhưng khi bắt được vào đến bờ thì cá lại rẻ mạt. Chị Thắm nói tiếp:
“Lý Sơn năm nay rất đói, vì năm nay mùa màng cũng mất mà biển không làm cá được, mà khi làm cá được lại không bán được. Chẳng hạn con cá này bình thường bán được một trăm mấy ngàn 1 ký mà từ ngày cá bị vậy đó là cá bán rất rẻ. Giờ bán 50 ngàn 1 ký mà bán không được, khi người ta ăn họ cũng sợ nên đi làm biển cũng rất khó khăn”.
Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản do các đơn vị thuộc Tổng Cục Thủy Sản Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn thực hiện và được công bố hôm 27/10 cho thấy trên toàn vùng biển Việt Nam có hơn 1.000 loài hải sản, trong đó có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên do tình hình khai thác quá mức không có kiểm soát gần; thế rồi hoạt động phá hoại rạn san hô nơi cư trú của nhiều loài cá… khiến nguồn hải sản dồi dào đó bị suy giảm.
Trước tình thế ‘lưỡng nan’ đó, nhiều ngư dân phải bỏ nghề đi biển sang làm nghề khác để kiếm sống.
Đây sẽ là phần tiếp trong loạt bài về ngư dân chúng tôi gửi đến quí khán thính giả hiện nay.

Part 4 - Ngư dân bỏ nghề


Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng trong những năm qua bởi Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền gần 90% khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường hàng hải quan trọng đó.
Hoạt động bành trướng trên biển như thể nhắm trực tiếp đến ngư dân miền Trung Việt Nam. Cụ thể trong thời gian qua, nhiều tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam bị xua đuổi, cướp phá, đâm chìm và có cả trường hợp ngư dân mất mạng. Kế mưu sinh từ bao đời nay của ngư dân ven biển bị tác động đáng kể; thậm chí có người không thể nào trụ được với kế mưu sinh truyền thống mà bao đời cha ông họ theo đuổi.


Anh Sáu ở Đà Nẵng làm nghề đánh bắt cá được 20 năm nhưng nay phải bỏ nghề cho biết:
“Bây giờ không làm nữa, cá mắm không có. Bây giờ đi trong đất liền một ngày, hai ngày họ đi, chứ (ra xa) lâu ngày họ không còn đi, ít đi lắm, bây giờ họ bỏ biển rất nhiều. Đà Nẵng giữa tầm cỡ chục chiếc là nhiều rồi, không tới chục chiếc. Họ bỏ nghề hết rồi.”
Nhiều ngư dân đã bỏ biển chuyển sang làm nghề khác. Photo: RFATrên thực tế, nếu có tiếp tục đi đánh bắt cá thì cũng không đủ kinh phí để trả nợ mặc dù chính quyền có hỗ trợ dầu và cho vay để đóng tàu, nhưng theo anh:
“Bây giờ họ cho đó, ví dụ nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, rồi đóng tàu, rồi bao nhiêu năm trả, bây giờ họ mua biết đời con đời cháu nào họ trả cho nổi.”
Hiện nay anh Sáu hành nghề mới đưa khách du lịch từ thành phố ra đảo; tuy nhiên công việc mới đó cũng chật vật chứ không được như xưa. Anh cho biết:
“Hồi du lịch đây họ kêu mình đi thì ngày bao nhiêu đồng, thí dụ có thì đi không có thì ở nhà miết, chuyện đi hằng ngày thì chắc không có. Hồi xưa làm biển một người nuôi 5-10 người, bây giờ làm biển 1 người nuôi 2 người không nổi.”
Mong muốn của những người dân như anh Sáu hiện nay là ngày nào có việc gì làm để kiếm sống qua ngày đều tốt cả.
“Mong muốn ví dụ như nhà nước kêu gọi mình làm thứ gì bất kể không cần biết, làm sông làm biển làm bờ làm đâu không cần biết mà có việc làm là tôi sẵn sàng.”
Trường hợp của anh Beo cũng tương tự như anh Sáu. Anh phải bỏ nghề đi biển, chuyển chiếc tàu sang hành nghề chở khách du lịch. Khách kêu đâu chạy đó nhưng theo tài mỗi tàu chỉ được phân chở khách một lần mà thôi. Trong những ngày khác, anh phải kiếm việc làm thêm, anh chia sẻ về công việc mới này:
“Chú cũng vừa đi biển mà vừa giữ tàu, chú soạn ra chương trình để chở khách đi ra kiếm vài đồng để nuôi ba đứa nhỏ, có bao nhiêu một tuần chạy có một ngày, ngày có một triệu bạc hay 7-8 trăm cũng chỉ để phụ thêm để giúp thêm cho vài đồng nữa cho những đứa nhỏ học hành thêm.”
Ước mơ của những ngư dân không còn bám biển như hai anh Sáu và Beo tương tự của rất nhiều người tại Việt Nam trong tình hình công ăn, việc làm nói chung trở nên hạn hẹp bấy lâu nay. Bản tính ‘chịu thương, chịu khó’ của người Việt không cho phép họ ngồi không; do đó không làm được nghề này, họ phải chuyển sang việc khác.

Part 5 - Hành tỏi Lý Sơn có giòi, nông dân khốn đốn


Dân trên đảo Lý Sơn không chỉ mưu sinh bằng nghề đi biển truyền thống mà họ còn được biết đến với đặc sản tỏi Lý Sơn. Giống tỏi trên đảo Lý Sơn được nhiều người gọi tên là ‘tỏi cô đơn’. Lý do vì giống tỏi này rất đặc biệt chỉ có một tép duy nhất chứ không như nhiều giống tỏi trồng ở nơi khác có nhiều tép.
Giống tỏi đó hợp với cùng đất cát trên đảo. Khi cánh đàn ông ra khơi đánh bắt cá thì trên bờ hầu như chị em phụ nữ gánh vác việc đồng áng. Họ đảm trách hết từ việc đất đai, lựa giống, xuống giống


Khi chúng tôi đến để tìm hiểu về đời sống của người dân nơi đây thì mùa tỏi đã vừa kết thúc và người nông dân đang ra sức cho vụ hành.
Tưởng rằng nghề đi biển mới vất vả, nhưng trồng tỏi, hành cũng gian nan không kém. Cũng như bao nông dân khác ở Việt Nam, việc canh tác nông phẩm lệ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường chứ họ không thể chủ động được. Nông dân cho biết thường tháng này giá hành khoảng 30 đến 35 ngàn một ký, nhưng năm nay giá thấp mà thuốc cũng đắt. Một phụ nữ trồng tỏi và hành đã hơn 40 năm tại Lý Sơn cho biết:
“So với các năm thì năm nay tỏi là không được củ nào hết, hành tỏi ở Lý Sơn trồng rầy nhiều quá làm không được.”
Anh Minh tham gia canh tác ở Lý Sơn trên 20 năm trải lòng với chúng tôi:
“Hồi kia Lý Sơn không có hiện tượng giòi, nhưng năm nay hiện tượng Lý Sơn giòi rất nhiều, có nhiều loại rầy mới nên chưa có những đợt thuốc đặc trị nên việc làm của bà con gặp nhiều khó khăn”.
Chị Liễu, một phụ nữ chuyên trồng tỏi ở Lý Sơn cho biết: “Nhiều khó khăn mất mùa thu hoạch không được, tỏi 3 sào”. “Trồng từ tháng 9 mà mãi đến tháng 2 năm sau mới thu hoạch được, 3 sào? Năm nay lỗ chứ lời gì không thu hoặc được đồng nào”.
Nhưng với sào tỏi này chị cũng không thể bán mà để làm giống cho mùa năm sau, chị cũng cho biết nguyên nhân khiến tỏi bị thất thu:
“Bì rầy ăn làm tỏi xụng xuống nên nhổ bỏ, không thu hoạch được. Ai cũng bị, lâu lâu có người không nhưng đa số là bị đều.” Tương tự như hoạt động đánh bắt, chính quyền cũng đề ra chương trình hỗ trợ cho người trồng tỏi; thế nhưng công tác thực hiện là một vấn đề. Người dân cho biết:
“Kỹ sư xuống coi năm ngoái, ra kiểm nghiệm cây tỏi, sau này họ cũng mang một mớ thuốc cho để thí nghiệm để xịt nhưng cũng chả có kết quả gì hết.”
“Không có ai nghiên cứu về cây tỏi cây hành cuối cùng tự mình xịt thuốc. Cũng xịt bằng thuốc cho cây lúa chứ có cho cây hành cây tỏi đâu. Thấy bịch thuốc nào cũng là trị cho lúa, cây cà phê, mình mua rồi mình xịt chứ có biết gì đâu. Cái này phải có kỹ sư nghiên cứu.”
Ngoài những khó khăn mà người dân chuyên canh tỏi, hành ở Lý Sơn vừa trình bày, họ còn gặp cảnh đặc sản địa phương của họ bị giả mạo.

Part 6 - Góa phụ Lý Sơn


Những phụ nữ ở Lý Sơn có chồng đi biển cho biết tâm trạng của họ còn hoang mang hơn cả những người vợ ra chiến trường. Lý do ra ngoài biển khơi mạng sống con người trước ‘sóng gió, ba đào’ trở nên quá nhỏ nhoi không biết bị vùi dập lúc nào.
Có những ngư dân ra đi không có xác trở về và dân trên đảo phải lập những ‘mộ gió’ cho họ. Có những người vợ trở thành góa phụ khi còn rất trẻ, nhưng trên tay còn con nhỏ, và trong một số trường hợp cả cha mẹ già phải gạt nước mắt, cắn răng chịu đớn đau để trụ vững nuôi con khôn lớn, chăm sóc cha mẹ già…


Chị Nguyễn Thị Liễu, người đã sống ở Lý Sơn từ nhỏ đến khi lấy chồng, rồi chồng chết và ở vậy nuôi con cho đến nay. Đây là ngôi nhà do chính tay chị gầy dựng kể từ khi chồng mất, lo cho 2 con ăn học: con trai lớn đã vào đại học, cậu con trai út đang học phổ thông.
Chị Nguyễn Thị Liễu, người đã sống ở Lý Sơn từ nhỏ đến khi lấy chồng, rồi chồng chết và ở vậy nuôi con cho đến nay. Photo: RFAChia sẻ với chúng tôi về ngày tang thương, khi nghe tin chồng mất ngoài Trường Sa chị cho biết:
“Khi chồng mất cu lớn 7 tuổi đứa nhỏ đang mang thai 2 tháng. Đi được 3 ngày thì nhận tin đã mất, người ta chở vô. Lúc đó buồn lắm và cố gắng gượng nuôi 2 con, mà buồn phải cố nuôi con ăn học đến nơi đến chốn… đi biển lặn ngoài đảo Hoàng Sa rồi mất...".
Hẳn nhiên từ ngày chồng chết cuộc sống của chị và con cái gặp muôn vàn khó khăn:
“Cuộc sống vất vả, không đủ ăn. Khổ!”
Hội, đứa con đầu lòng, đã 20 tuổi khi cha mất em mới chỉ được 7 tuổi chia sẻ cảnh thiếu vắng bóng cha mình:
“Em vẫn thấy thiếu tình cha, ghen tỵ hơn người ta, nhưng lâu rồi quen tập dần, giờ thấy bình thường. Trước khi cha đi, em có ngồi chơi đánh bài với ba, rồi đi luôn...”
Cũng vì không cha, thua sút người khác nhiều thứ nên Hội nói phải phấn đấu nhiều để giúp cho em trai và mẹ. “Mẹ nói khó khăn hoài, đi mượn nhờ bà con hàng xóm giúp.”
Mỗi khi được dịp về quê, Hội luôn cố gắng phụ giúp mẹ một tay.
Theo chị Liễu, chị cũng đang lo lắng vì tình hình khó khăn của nghề trồng tỏi, hành:
“Nếu tỏi và hành với giá như vầy và rầy như vậy không tiền nuôi con sẽ kiếm nghề khac nuôi con, không thu nhập thì sao nuôi con, kinh tế khó khăn”.
Trường hợp của chị Liễu không phải cá biệt, mà trên đảo Lý Sơn cũng như tại những làng chài dọc theo bờ biển Việt Nam, nhiều góa phụ vẫn mang nặng trong lòng nỗi niềm thương nhớ người chồng mất xác ngoài biển khơi.
Họ cố nuốt lệ vào trong, bươn chải mưu sinh để lo cho bản thân và những đứa con không may mắn có cha là ngư dân bỏ mình trên biển cả.



http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/fishermen/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten