donderdag 11 januari 2018

Trung Quốc khôn khéo tạo dựng mạng lưới ảnh hưởng ở châu Âu + Châu Âu tăng cường các quy định chống phá giá để đối phó Trung Quốc + Châu Âu phải mạnh tay với hàng hóa made in China

Trung Quốc khôn khéo tạo dựng mạng lưới ảnh hưởng ở châu Âu

mediaPirée, cảng lớn của Hy Lạp, cửa ngõ vào châu Âu đã bị Trung Quốc mua lại.© Charlotte Stievenard
Trong bài viết mang tựa đề « Bắc Kinh âm thầm dệt mạng lưới ở Bruxelles », Le Monde cho biết Trung Quốc lâu nay chủ trương quan hệ song phương, nay đã ý thức được lợi ích của việc tập trung gây ảnh hưởng ngay tại trái tim châu Âu – một phương tiện để chống lại các ý định trừng phạt bán phá giá của Liên hiệp.
Bắc Kinh ngày càng đầu tư vào các hoạt động lobby, cho dù trong danh sách chính thức chỉ có khoảng hơn một chục nhà vận động hành lang cho Trung Quốc đăng ký.
Le Monde dẫn ra một ví dụ là hiệp hội China EU do ông Luigi Gambardella làm chủ tịch, cho rằng mình chỉ đưa ra những « sáng kiến thiện chí », và giấu biệt nguồn tài trợ. Tuy chưa bao giờ đặt chân đến Hoa lục trước đó, doanh nhân người Ý này từ năm 2014 đã ra vào Trung Quốc khoảng 15 lần. Ông ta điều hành quỹ Madariaga, gắn kết với Collège de l’Europe, trường đào tạo các viên chức cao cấp châu Âu.
Nguyên phó tổng giám đốc phụ trách thương mại của Ủy ban Châu Âu, ông Pierre Defraigne đặt nghi vấn về tài trợ của Trung Quốc cho quỹ này. Theo ông, « Trung Quốc tìm cách cạnh tranh với ảnh hưởng Hoa Kỳ ở Bruxelles ». Khó khăn của Bắc Kinh là « người Mỹ bảo vệ cho một quan điểm, trong lúc người Trung Quốc bảo vệ các lợi ích cụ thể của mình và bị tai tiếng về nhân quyền ». Ông Defraigne nhận định, Bắc Kinh nắm rất rõ cơ chế hoạt động của bộ máy lãnh đạo Châu Âu.
Trung Quốc biết cách cao giọng khi quyền lợi bị đụng chạm. Bà Dương Yến Di (Yang Yanyi), nguyên đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) hiện diện trong tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng tại Bruxelles, trong các bài diễn văn lịch sự nhưng cứng rắn, đều nhấn mạnh đến sự quan trọng của quan hệ UE-Bắc Kinh, và những thay đổi tại Hoa lục. Người kế nhiệm, ông Trương Minh (Zhang Ming), đã đi thăm những nhân vật có tiếng nói tại trụ sở Ủy ban Châu Âu, và ba ủy viên người Hy Lạp, Ba Lan, Hungary đã đến dự cuộc tiếp tân do ông ta tổ chức cuối 2017.
Ông Franck Proust, trưởng phái đoàn Les Républicains tại Strasbourg nhận xét : « Người Trung Quốc hiện diện khắp nơi, trong các hành lang Nghị viện Châu Âu ». Ông Proust nằm trong số những đại biểu đòi hỏi EU chấm dứt tỏ ra ngây thơ trước Bắc Kinh : « Tôi không bài Hoa, nhưng nhận thấy rằng các quan chức EU không ý thức được tham vọng của Trung Quốc, với Con đường tơ lụa mới ».
Chiến lược của Bắc Kinh là gì ? Đó là « chia rẽ và vô hiệu hóa », một nhà ngoại giao ở Bruxelles khẳng định. Nhà ngoại giao này muốn giấu tên, vì ai cũng ngại lớn tiếng chỉ trích người khổng lồ châu Á, ngay cả ở Bruxelles. Ông thổ lộ : « Trung Quốc làm ăn với tất cả mọi người, và ở đây là các văn phòng luật sư. Thế nên khi một doanh nghiệp muốn khiếu nại một nhà nhập khẩu Trung Quốc với Ủy ban Châu Âu, rất khó tìm ra được một luật sư chịu bảo vệ mình ».
Các nước vùng Balkan và một số nước EU trở nên lệ thuộc nặng nề vào đầu tư trực tiếp của Trung Quốc do khủng hoảng (Hy Lạp, Bungari, Bồ Đào Nha, Rumani…), khiến Ủy ban Châu Âu trở nên cảnh giác hơn. Từ 2013, nhiều vụ liên tiếp mang tính cảnh báo : Đức phản đối đánh thuế chống phá giá lên hàng Trung Quốc, tập đoàn hàng hải Trung Quốc Cosco mua lại cảng Pirée của Hy Lạp, tuyến đường cao tốc Belgrade-Budapest nhận tài trợ 3 tỉ euro của Bắc Kinh mà không thông qua thủ tục gọi thầu thường lệ của EU…
Tuy EU không có lợi ích gì khi tiến hành chiến tranh thương mại, nhưng nay Bruxelles phản ứng mạnh hơn : từ chối hiệp định đầu tư nếu Bắc Kinh không mở cửa thêm thị trường, từ chối công nhận quy chế « kinh tế thị trường » cho Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng Bắc Kinh tấn công vào các mắt xích yếu của EU bằng việc đe dọa cắt đầu tư. Và cuộc thảo luận sắp tới tại Hội đồng Châu Âu về việc gia tăng giám sát đầu tư nước ngoài, hứa hẹn sẽ rất gay gắt.
Vạn Lý Hỏa Thành, vũ khí lợi hại của Bắc Kinh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong bài xã luận mang tựa đề « Vũ khí »,Libération nhận định Bắc Kinh chỉ mở cửa về kinh tế, nhưng tại đất nước có đến 750 triệu cư dân mạng, tự do ngôn luận không hề hiện hữu, và những trao đổi bị giám sát nghiêm ngặt.
Bức tường lửa được mệnh danh là « Vạn Lý Hỏa Thành », theo tờ báo là hết sức đáng ngại. Trước hết, đó là vũ khí kinh tế, giúp các tập đoàn quốc doanh độc chiếm thị trường Hoa lục khổng lồ. Đó còn là vũ khí chiến lược, để các tập đoàn internet Trung Quốc cạnh tranh trực diện với GAFA của Mỹ. Cuối cùng, là vũ khí chính trị : tường lửa là công cụ đại quy mô để giám sát, của một chính quyền đặt trọng tâm vào việc kiểm soát công luận, kiểm duyệt các nội dung trên mạng.
Pháp đặt điều kiện cho đầu tư Trung Quốc
Nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Nguyên tử : Paris và Bắc Kinh thắt chặt liên minh ». Tờ báo cánh tả Libération kể ra « Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi…Ai lo sợ trước các tập đoàn lớn Trung Quốc ? »
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro chú ý đến phương pháp của bộ trưởng Giáo Dục Blanquet để đổi mới nhà trường, qua việc lập ra một hội đồng khoa học hôm nay. Trên lãnh vực xã hội, Le Monde chạy tựa trang nhất « Việc làm : Các công ty vội vã tranh thủ quy định mới để sa thải ».
Riêng La Croix nhìn sang Syria, với những nhân chứng đầu tiên tố cáo hệ thống nhà tù khủng khiếp của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong ba năm qua.
Về chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Pháp, Les Echos cho biết ông Emmanuel Macron muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc nhưng đặt điều kiện phải để cho các doanh nghiệp Pháp vào thị trường Hoa lục. Tuy nhiên Pháp cũng dự kiến tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài trong những lãnh vực chiến lược.
Sau thời gian dài mở toang cánh cửa cho Trung Quốc, châu Ấu chỉ mới tỉnh thức từ vài tháng nay, và tổng thống Pháp nhấn mạnh đây là vấn đề « chủ quyền ». Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cho biết ông đã từ chối nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào các lãnh vực nhạy cảm.
Mỹ đứng bên lề hòa giải liên Triều
Cũng về châu Á, trong bài xã luận « Một sự tạm lắng đáng hoan nghênh ở Triều Tiên », Le Monde nhận xét sau nhiều tháng leo thang căng thẳng, với những khiêu khích giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un, rốt cuộc yên tĩnh đã trở lại trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy hôm 3/1 trong bài diễn văn đầu năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp tục đe dọa như thường lệ về « nút bấm nguyên tử », nhưng vẫn chìa tay ra cho Hàn Quốc với đề nghị tham gia Thế vận hội mùa đông. Seoul ngay lập tức nắm lấy cơ hội : ngày 9/1, đoàn đại biểu hai miền đã gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm.
Sự hòa dịu này phần lớn là nhờ quyết tâm của tổng thống Moon Jae In, muốn hòa bình với Bắc Triều Tiên bằng mọi giá. Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản cũng như cánh hữu Hàn Quốc lo ngại ông Moon nhượng bộ quá nhiều, tố cáo Bình Nhưỡng muốn chia rẽ Washington và Seoul. Tuy nhiên từ nhiều tháng qua, tổng thống Mỹ Donald Trump không ngớt đổ dầu vào lửa, và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cố gắng ngăn trở nỗ lực đối thoại liên Triều, đặt điều kiện phải giải trừ hạt nhân – một đòi hỏi ảo tưởng.
Hai nước Triều Tiên đã đối thoại với nhau mà không cần đến Hoa Kỳ. Theo Le Monde, trong tình hình căng thẳng hiện nay, sự hòa dịu tuy còn mong manh nhưng rất đáng được cổ vũ.
Tự thiêu đòi tự do ở Ba Lan
Nhìn sang châu Âu, Le Monde viết về « Một con người bình thường muốn thức tỉnh Ba Lan ». Tại Vacxava, một người đàn ông 54 tuổi đã tự thiêu hồi tháng 10 để đòi hỏi quyền tự do cho công dân, phản đối xu hướng bảo thủ của chính quyền hiện nay.
Ông Piotr Szczesny đã tự biến mình làm ngọn đuốc hôm 19/10 trước Cung Văn hóa, biểu tượng của thời kỳ cộng sản. Trước đó ông cho phát bản nhạc Tôi yêu tự do nổi tiếng trong thời kỳ công đoàn đoàn kết của thập niên 80. Vụ tự thiêu này gây bối rối cho chính quyền, và truyền thông Ba Lan không muốn đưa tin, đối lập thì ngại nói đến, sợ tạo ra một tiền lệ.
Y tế Anh báo động vì thiếu tiền và thiếu lao động do Brexit
Cũng tại châu Âu, Le Monde cho biết các bệnh viện Anh phải hủy lịch tất cả các cuộc giải phẫu không khẩn cấp, vì ngân sách bị thắt chặt và thiếu lao động do Brexit.
Bệnh nhân chen chúc trong các hành lang, y bác sĩ bị quá tải, một bà cụ tử vong sau bốn tiếng đồng hồ chờ đợi xe cấp cứu…Ban giám đốc NHS, cơ quan y tế đầy quyền lực của Anh quốc đành phải quyết định như trên. Chỉ riêng từ Noel đến Tết dương lịch Từ 2010, có 16.900 người phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ trong xe cấp cứu trước khi được nhập viện.
Khác với Pháp, ngân sách y tế của Anh không từ khoản trích lương, mà từ tiền thuế. Chi tiêu y tế mỗi năm tăng 1,2 điểm, và nếu không được rót thêm 22 đến 34 tỉ euro mỗi năm, ngành sẽ bị khủng hoảng, số bệnh nhân chờ được phẫu thuật có thể lên đến 5 triệu người. Trong bối cảnh dân số bị lão hóa, nhiều người già phải lưu lại bệnh viện vì về nhà không ai chăm sóc.
Bên cạnh tình trạng thiếu ngân sách, việc Anh ra khỏi EU khiến y bác sĩ, hộ lý càng thêm thiếu thốn : 14% y tá ở Luân Đôn là từ EU. Trước cuộc trưng cầu dân ý, phe ủng hộ Brexit từng tuyên truyền dối trá là ra khỏi EU sẽ tiết kiệm được 350 triệu bảng Anh mỗi tuần để dành cho NHS, luận điệu này đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của phe này.
Tổng thống Donald Trump lười lao động ?
Tại Hoa Kỳ, thông tín viên Le Monde ở Washington thông tin về « Những lỗ hổng trong lịch làm việc của ông Trump gây bối rối ».Sau cuốn sách gây sốc « Lửa và Cuồng nộ », ê-kíp của tổng thống Mỹ đang ở thế thủ.
Trang web Axios hôm Chủ nhật 7/1 cho biết ông Donald Trump đến Nhà Trắng làm việc bắt đầu từ 11 giờ, để nghe giám đốc CIA Mike Pompeo báo cáo ngắn gọn, rồi rút lui vào phòng riêng, và khoảng 18 giờ ông đã ra về. Khoảng thời gian được gọi là « Executive time » phù hợp với việc sử dụng tài khoản Twitter của tổng thống, cũng như tiết lộ trong cuốn « Fire and Fury », là ông coi tivi rất nhiều. Phát ngôn viên của ông Donald Trump, bà Sarah Sanders khẳng định « tổng thống là một trong những người làm việc cật lực nhất mà tôi chưa bao giờ thấy », nhưng không cải chính về những thông tin trên.
Tuy không ngớt chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama chơi gôn vào cuối tuần, bản thân ông Trump lại thường xuyên rời Washington mỗi weekend : mùa đông là Florida và mùa hè đến New Jersey, bất chấp chi phí bảo vệ an ninh rất tốn kém mà người dân đóng thuế phải gánh chịu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180110-trung-quoc-khon-kheo-tao-dung-mang-luoi-anh-huong-o-chau-au

Châu Âu tăng cường các quy định chống phá giá để đối phó Trung Quốc

mediaMột nhà máy thép tại thành phố Tân Châu (Binzhou), tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 16/05/2017.REUTERS/Stringer ATTENTION EDITORS
Liên Hiệp Châu Âu ngày 03/10/2017, đã nhất trí soạn lại các quy định về chống bán phá giá, chủ yếu nhằm đối phó với việc xuất khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc với giá rất rẻ. Quyết định này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Bà Cecilia Malstrom, ủy viên thương mại Châu Âu, trong một cuộc họp báo ở Strasbourg, nhấn mạnh rằng luật mới này « chủ yếu nhằm đối phó với những diễn biến của môi trường thương mại quốc tế hiện nay ». Về phần mình, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố « châu Âu chủ trương một nền thương mại cởi mở và công bằng », song « không ngây thơ ». Theo ông, những biện pháp mới này không nhằm vào « một nước cụ thể » nào, mà nhằm trang bị cho châu Âu « những phương tiện để chống cạnh tranh gian lận ».
Dù không chỉ đích danh, song các quy định mới này được cho là chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Cụ thể, Bruxelles tiến hành thu thập và cập nhật các báo cáo theo quốc gia hoặc theo ngành kinh tế, về những trường hợp châu Âu nghi là bán phá giá. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp châu Âu có thể đệ đơn kiện.
Thỏa thuận chính trị này đạt được sau một tiến trình thảo luận ba bên, giữa các đại diện của Nghị Viện châu Âu, của chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu và của Ủy ban châu Âu, để Liên Hiệp Châu Âu có thể thực thi những nghĩa vụ pháp lý quốc tế đối với Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương mại Thế Giới WTO vào năm 2001, đã có một điều khoản quy định rằng các thành viên khác phải đối xử với Trung Quốc như một « nền kinh tế phi thị trường » trong vòng 15 năm.
Mặc dù giai đoạn này đã chấm dứt vào tháng 12/2016 và Trung Quốc từ giờ được coi như một thành viên đầy đủ của WTO, song Liên hiệp Châu Âu thường xuyên chỉ trích rằng nhà nước Trung Quốc vẫn can thiệp mạnh vào một số ngành then chốt, như luyện thép hoặc nhôm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171004-chau-au-tang-cuong-cac-quy-dinh-chong-ban-pha-gia-de-doi-pho-voi-trung-quoc

Châu Âu phải mạnh tay với hàng hóa made in China

mediaCác container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015.REUTERS/Stringer
Bên cạnh hàng loạt các bài viết về chủ đề khủng bố an ninh của nước Pháp sau vụ tàn sát tại Nice, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đặc biệt đến sự kiện hôm nay, 20/07/2015, Ủy ban Châu Âu bắt đầu thảo luận để đưa ra kết luận đánh giá nền kinh tế Trung Quốc có phải là nền kinh tế thị trường hay không ? Đây là dịp để Bruxelles thể hiện hành động cứng rắn hơn với hàng hóa Trung Quốc. Tờ báo ghi nhận « Bruxelles đánh bài ngửa với hàng made in China ».
Sau nhiều tháng im lặng, dè dặt, phiên họp của Ủy Ban Châu Âu phải có một quyết định có ý nghĩa ấn định tương lai quan hệ thương mại với Trung Quốc. Les Echos đưa ra các khả năng về lập trường của Bruxelles.
Về lý thuyết, Bruxelles có 3 lựa chọn : Thứ nhất là không thay đổi gì, lấy lý do là có rất nhiều điều khoản gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới ( WTO) của Trung Quốc liên quan đến các cải cách đến giờ vẫn chưa được thực thi. Vì vậy kinh tế Trung Quốc giờ về cơ bản vẫn được tiếp sức bằng nhiều loại trợ cấp của nhà nước, không thể gọi là kinh tế thị trường. Quyết định này có thể khiến Trung Quốc tức giận tìm cách trả đũa châu Âu.
Giải pháp thứ 2 là chấp nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Thế nhưng giải pháp này có nghĩa là mở rộng cửa để hàng hóa made in China ồ ạt tràn vào châu Âu trong khi mà suốt nhiều năm qua các nước châu Âu vẫn phải loay hoay với các biện pháp chống phá giá của hàng hóa Trung Quốc từ tôn, thép, pin mặt trời rồi hàng vải sợi…
Còn lại giải pháp cuối cùng, tức là tìm một hướng dung hòa, không chấp nhận hiện trạng nhưng cũng không công nhận quy chế kinh tế thị trường. Quyết định trung dung đó mở ra một hướng bình thường hóa dần dần về quy chế của Trung Quốc để giúp châu Âu có thời gian trang bị thêm các công cụ tự vệ thương mại vững vàng.
Les Echos nhận xét : « Bruxelles, sau thời gian dài tỏ ra hào hiệp với người khổng lồ châu Á, giờ đây dường như đã hiểu ra rằng chỉ có mạnh tay thì Bắc Kinh mới lắng nghe và hiểu. Đó là chiến lược mà Hoa Kỳ đã áp dụng từ rất lâu nay » trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Châu Âu phải hành động như một cường quốc tập thể dám chơi mạnh tay với Trung Quốc. Đó cũng là một thách thức đặt ra cho châu Âu ngày nay.
Người mắc bệnh Sida ở Trung Quốc vẫn bị kỳ thị nặng nề
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhân sự kiên Hội nghị quốc tế chống Sida đang diễn ra tại Durban, Liberation có bài phóng sự điều tra của đặc phái viên tờ báo về tình hình căn bệnh Sida tại Trung Quốc.
Tác giả bài viết ghi nhận bằng tiêu đề bài phóng sự : « Những người bị dương tính, những con bệnh dịch hạch ở Trung Quốc ». Theo Libération, tình hình thực sự đáng lo ngại ở đất nước này, dịch bệnh Sida vẫn tiếp tục bùng nổ cũng như nạn kỳ thị với người chẳng may mắc phải căn bệnh quái ác này.
Theo Libération, cuối năm 2015, Bắc Kinh đưa ra tín hiệu báo động : 110 nghìn ca mới nhiễm bệnh trong 10 tháng. Nếu như số thống kê là hơn 577 nghìn người bị nhiễm đang phải chung sống với virus HIV, chính quyền ước tính trên thực tế con số này phải là 845.600 người. căn bệnh dịch này đã tăng 28% trong giới trẻ.
Ở Trung Quốc một người khi phát hiện bị dương tính, cuộc sống coi như không còn gì. Họ bị mất việc làm, không nhà cửa, bị làng xóm, gia đình hắt hủi, ghẻ lạnh. Theo một nhân chứng thì có những gia đình có con bị nhiễm HIV yêu cầu họ phải ăn uống, sinh hoạt cách ly. Khi biết không thể điều trị được họ đưa con về nhà quê xa xôi chờ chết.
Trung Quốc : Bêu tên ở nơi công cộng để đòi nợ
Một sáng kiến truy tìm con nợ rất độc đáo ở Trung Quốc trên cột báo kinh tế Le Figaro. Giờ đây trên bảng điện tử ở một số nhà ga, nơi công cộng ở Trung Quốc người ta thường thấy xuất hiện nhưng tên người bình thường. Đó là tên những người không chịu trả nợ cá nhân, hoặc những chủ doanh nghiệp quỵt nợ. Tên của những con nợ đó cùng các khoản nợ của họ cứ nhấp nháy trên các bảng điện tử ở nhiều nơi công cộng. Cách đây không lâu, ở Trung Quốc người ta còn đưa tên, địa chỉ, số điện thoại của 20 người như vậy trong 10 ngày.
Theo Le Figaro, đã có 3,4 triệu người bị đưa tên trên bảng điện tử như vậy. cách làm nay dường như có hiệu quả : 10% con nợ đã thanh toán được nợ. Thế nhưng vẫn còn rất đông bị phạt : 780 nghìn con nợ bị cấm dùng tàu cao tốc và gần 4 triệu người bị cấm đi máy bay vì thiếu nợ không trả. Con số này có thể chứng minh phần nào cho khoản nợ xấu khó đòi 299 tỷ đô la mà các ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách thu hồi.
Philippines : Cuộc tàn sát tự do tội phạm
Tiếp tục với nhật báo Libération nhìn qua Philippines ngày nay dưới thời của tổng thống Rodrigo Duterte với bài viết mang tiêu đề đáng lo ngại : « Tại Philippines, tổng thống cho tàn sát những kẻ buôn bán ma túy ».
Theo Liberation, đúng là tân tổng thống Philippines không chỉ nói suông mà ông đã hành động thực sự và có « những con số cụ thể khiến người Philippines lạnh sống lưng ». Libération dẫn số liệu ước tính của kênh truyền hình Philippines ABS-CBN cho biết : « Trong khoảng từ 10/05 đến 15/07, ít nhất có 408 người đã bị lực lượng giữ gìn trật tự hoặc dân quân hạ sát ».
Theo tờ báo, từ khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống hôm 9/5, các vụ hành quyết không qua tư pháp, những nghi phạm buôn bán ma túy và các các lọa tội phạm khác đã bùng nổ trong cả nước. Mỗi ngày, Philippines lại bị đẩy ra xa hơn khuôn khổ Nhà nước pháp quyền.
Ông Duterte được bầu làm tổng thống trên cơ sở một chương trình hành động vì an ninh, chống ma túy và các loại tội phạm và ông ta đã không quên những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Giờ đây nắm toàn quyền trong tay, ông Duterte dường như đang đẩy nhanh tốc độ hành động .
Hôm Chủ nhật vừa qua (17/07), ông tuyên bố : « tôi không sợ những mối quan ngại về nhân quyền ». Hồi đầu tháng 6, ông còn lên tiếng kêu gọi dân chúng tự tiêu diệt những kẻ buôn ma túy, nếu không gọi được cảnh sát hay chính quyền và ông hoàn toàn ủng hộ hành động đó. Thậm chí ông ta còn hứa thưởng cho ai giết được mỗi kẻ tội phạm hàng nghìn peso ( đơn vị tiền Philippines).
Tại Philippines dư luận và nhiều chính khách không khỏi lo ngại tổng thống Duterte làm dấy lên làn sóng tàn sát bất cần luật pháp phân xử. Vì lo sợ trở thành nạn nhân của các vụ giết chóc vô tội vạ, có khoảng 72 nghìn đối tượng buôn bán, tiêu thụ ma túy đã chủ động ra đầu thú cảnh sát. Hàng loạt các vụ từ chức hoặc sa thải đã diễn ra trong hàng ngũ cảnh sát.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế thì dù không có gì ngăn cản ông Duterte hành động lúc này nhưng về lâu dài ông ta có thể gây phản ứng trong quân đội, những người có đầu óc cấp tiến, cũng như trong tư pháp và Quốc hội. Khi sự ủng hộ của dân chúng cạn kiệt. Tổng thống có thể sẽ có nguy cơ bị phế truất. Vì thế mà ông Duterte đặt ra thời hạn 6 tháng để thanh toán tệ nạn buôn bán ma túy. « Quả là một phép tính toán rợn người », Liberation kết luận.
Trở lại trang nhất các báo Pháp
Dư âm của vụ tấn công khủng bố bằng xe tải tại Nice làm 84 người chết và hàng trăm người bị thương tối ngày Quốc khánh 14/07 tại Nice vẫn chiếm phần lớn dung lượng của các tờ báo Pháp ra hôm nay. Chủ đề được tập trung nhiều nhất là vấn đề an ninh hậu vụ khủng bố tại Nice với sự kiện chính là Quốc hội Pháp với đa số phiếu đã thông qua quyết định triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, sau phiên thảo luận gay gắt kéo dài suốt đêm qua.
Việc chính phủ Pháp đề nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp sau vụ khủng bố Nice là việc làm rõ ràng là cần thiết nhưng chưa đủ trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo đảm an ninh cho người dân. Các đảng phái chính trị đối lập muốn nhân sự việc này thúc ép chính phủ phải hành động mạnh hơn và đây cũng là dịp để các đảng thể hiện vai trò của mình, gây thanh thế chính trị cho mình.
Le Monde ghi nhận bằng hàng tựa trang nhất : « Tình trạng khẩn cấp, thách thức của cuộc ganh đua chính trị ». Theo tờ báo, « gần một tuần sau vụ thảm sát trên đường La Promenade des Anglais, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề phương tiện bảo vệ an ninh được triển khai trong đêm Quốc khánh tại Nice tiếp tục rộ lên ». Đảng đối lập chính - Những người Cộng hòa (Les Républicains) - đòi lập ủy ban điều tra của Quốc hội về vấn đề này.
Trong khi đó Libération đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Chúng ta có muốn an ninh bằng mọi giá ? » . Tờ báo đề cập đến mối liên hệ giữa bảo đảm an ninh bằng mọi giá và quyền tự do cá nhân. Theo Libération, « mối lo sợ của dân chúng, đáp trả đe dọa, bối cảnh bầu cử : tất cả những yếu tố đó đã buộc các nhà chính trị phải chấp nhận an ninh là trên hết. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quyền tự do ? »
Tờ báo đặt vấn đề người dân sẽ sống ra sao trong một xã hội mà tình trạng khẩn cấp đang dần trở thành quanh năm suốt tháng, một xã hội như vậy thì các quyền tự do cá nhân và nguyên tắc dân chủ sẽ phải chấp nhận hy sinh cho việc bị giám sát thường trực. Libération dẫn ra những biện pháp của các nhà chính trị đề xuất trong nỗi phẫn nộ trước các thảm kịch khủng bố cứ lặp đi lặp lại với nước Pháp.
Tất cả đều đụng chạm đến các quyền tự do cá nhân và những giá trị dân chủ của nước Pháp của châu Âu. Liệu nước Pháp có dám chấp nhận bất chấp các quyền tự do ngôn luận để sẵn sàng bị cấm hay kiểm duyệt thông tin ? Liệu có thể bất chấp các quyền tự do đi lại, kiểm soát, dựng hàng rào biến giới, hay xây thêm trại giam để quản lý những người trong diện theo dõi đặc biệt….
Quả thực là không hề đơn giản chút nào lúc này cho những nhà chính trị cũng như người dân Pháp. Cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài, trong khi nỗi lo sợ về một cuộc sống mất an ninh là một thực tế.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20160720-chau-au-phai-manh-tay-voi-hang-hoa-made-in-china

Geen opmerkingen:

Een reactie posten