woensdag 24 januari 2018

Biển Đông : Mỹ hậu thuẫn Indonesia đối đầu với Trung Quốc + Mỹ - Indonesia thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng

Biển Đông : Mỹ hậu thuẫn Indonesia đối đầu với Trung Quốc

mediaBộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (T) đón đồng nhiệm Mỹ Jim Matti tại Jakarta ngày 23/01/2018.REUTERS/Darren Whiteside
Nhân chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, hôm qua, 23/01/2018, Hoa Kỳ và Indonesia đã quyết định tăng cường hợp tác quốc phòng. Chuyến công du châu Á lần này của ông Mattis không chỉ nhằm đáp lại sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, mà còn để cụ thể hóa chiến lược an ninh mới của Mỹ, vừa được công bố tuần trước. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng các đối tác và thắt chặt các liên minh để đối phó với hai quốc gia bị xem là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga.
Hoa Kỳ nay lại càng có lý do để tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia, vì đất nước có vô số hòn đảo này nằm ở một ví trí chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà Washington đang cố thúc đẩy thành một vùng tự do và rộng mở, tức là một vùng mà quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế được tôn trọng nghiêm chỉnh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.
Với sự hậu thuẫn mới của Washington về quốc phòng, liệu Jakarta có sẽ tỏ ra cứng rắn hơn nữa đối với Bắc Kinh trên vấn đề chủ quyền Biển Đông ?
Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và cho tới gần đây vẫn có quan hệ khá là thân thiện với Trung Quốc. Thế nhưng, vào năm 2016, Bắc Kinh lại tuyên bố một phần vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia là « ngư trường truyền thống » của Trung Quốc, khiến quan hệ hai nước trở nên khá căng thẳng.
Mức độ căng thẳng đã tăng thêm một nấc sau khi vào tháng 7 năm ngoái, Jakarta đặt tên vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna là Biển Bắc Natuna ( trong khi trước đây vùng này được xem là thuộc Biển Đông ), đồng thời tăng cường bảo vệ an ninh cho vùng này.
Đây rõ ràng là một hành động thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Chính vì vậy mà ngay lập tức, Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối, cho rằng việc đổi « một tên đã được quốc tế công nhận » sẽ làm tranh chấp Biển Đông « phức tạp hơn và mở rộng hơn ».
Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, trong cuộc họp báo hôm qua (23/01) với đồng nhiệm Indonesia Ryamizard Ryacudu, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã tuyên bố Washington sẵn sàng công nhận tên mới mà Jakarta đặt cho vùng biển chung quanh quần đảo Natuna.
Tuyên bố như trên của ông Mattis chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức tối, trong bối cảnh mà vấn đề Biển Đông tiếp tục làm xáo trộn quan hệ Mỹ - Trung. Diễn biến mới nhất là vào tuần trước, chiếc khu trục hạm trang bị tên lửa của Mỹ, USS Hopper đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm của Philippines năm 2012.
Hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cảnh cáo là Hoa Kỳ sẽ bị làm cho « nhục nhã tột cùng » nếu khu trục hạm Mỹ không rút khỏi vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ theo dõi sát chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Mattis đến Việt Nam hôm nay, vì trong chuyến đi này, Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm mà hai bên thảo luận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180124-bien-dong-my-hau-thuan-indonesia-doi-dau-voi-trung-quoc

Mỹ - Indonesia thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng

mediaTổng thống Indonesia Joko Widodo (P) tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, Jakarta. Ảnh ngày 23/01/2018.Reuters
Viếng thăm Indonesia trong hai ngày 22 và 23/01/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tái khẳng định ý muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng với một quốc gia Đông Nam Á được cho là ngày càng sẵn sàng khẳng định chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông.
Trước cuộc họp với lãnh đạo Indonesia, ông Mattis nêu lên khả năng hợp tác rộng rãi hơn trên biển, với việc phía Jakarta có dự định mua chiến đấu cơ F-16, mà hợp đồng có thể lên hàng tỷ đô la.
Bộ trưởng Mỹ khẳng định với nhà báo đi cùng với ông rằng Indonesia là « một đối tác rất chiến lược », vì là nước dân chủ lớn của thế giới, đông dân cư Hồi Giáo nhất và là một quần đảo với hơn 17 000 đảo, do đó có một vùng biển chiến lược rộng lớn.
Hoa Kỳ theo ông sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển hợp tác hàng hải với Indonesia, một trục bản lề giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Indonesia có va chạm với Trung Quốc tại vùng biển xung quanh đảo quần đảo Natuna, bắt ngư dân Trung Quốc đánh cá vùng này. Tháng 7/2017, Jakarta đã đổi tên vùng biển chung quanh quần đảo này thành Biển Bắc Natuna. Điều này được xem là hành động đầy ý nghĩa trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Mattis cũng nhắm vào Trung Quốc khi nói thêm Hoa Kỳ muốn bảo đảm là những nước lớn hơn không áp đặt ý muốn lên những nước nhỏ hơn.
Theo chương trình dự kiến ông Mattis đã gặp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sau khi đến Jakarta hôm qua và gặp một số lãnh đạo Indonesia, trong đó có tổng thống Joko Widodo vào hôm nay, 23/01/2018.
Theo phía Indonesia hai bên sẽ còn thảo luận về mở rộng hợp tác chống khủng bố.
Jakarta còn chờ đợi ông Mattis giúp bãi bỏ trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với lực lượng đặc biệt Kopassus, của Indonesia do vấn đề vi phạm nhân quyền, liên quan đến Đông Timor trong những năm 1990.
Biển Đông : Bắc Kinh hài lòng về ý kiến của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/01/2018, cho biết là Trung Quốc hoan nghênh đánh giá mới đây của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu về tình hình Biển Đông.
Trong phát biểu tại diễn đàn Raisina Dialogue 2018 tại New Delhi tuần qua, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia thẩm định là tình hình Biển Đông đã bớt căng thẳng và cần phải duy trì hiện trạng. Theo ông, Indonesia đánh giá cao thiện chí của Trung Quốc và muốn cùng làm việc để tăng cường kiến trúc an ninh khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180123-my-indonesia-that-chat-them-quan-he-quoc-phong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten