woensdag 10 januari 2018

Manila sẽ phản đối Bắc Kinh về căn cứ không quân ở Trường Sa + Trung Quốc bố trí pháo chống đặc công người nhái Việt Nam trên Đá Chữ Thập

Manila sẽ phản đối Bắc Kinh về căn cứ không quân ở Trường Sa

mediaẢnh vệ tinh chụp ngày 22/02/2017 của CSIS Asia Maritime Transparency Initiative cho thấy những căn cứ được xây dựng trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông@csis/amti
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vào hôm nay 09/01/2018 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là không giữ lời hứa về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trên Biển Đông. Theo ông, Chính quyền Manila sẽ có lời phản đối hành động của Trung Quốc qua con đường ngoại giao.
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã có phản ứng sau khi Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc ngày 30/12/2017 vừa qua đã phát đi hình ảnh Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, đã được cải tạo thành một căn cứ không quân.
Phát biểu với báo chí, ông Lorenzana nhắc lại : « Cách đây không lâu, chính phủ Trung Quốc có nói rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo mà họ bồi đắp… Nếu có thể chứng minh được rằng Trung Quốc đã điều quân và thậm chí hệ thống vũ khí ra đó, thì rõ ràng là họ đã không giữ lời hứa ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines tiết lộ rằng Manila sẽ phản đối Bắc Kinh thông qua bộ Ngoại Giao.
Lời tố cáo của phía Philippines dĩ nhiên đã bị Trung Quốc bỏ ngoài tai. Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lại khẳng định rằng các công trình xây dựng hoàn toàn « nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, và chỉ có mục tiêu hỗ trợ hòa bình, an ninh hàng hải và dự phòng thiên tai trong vùng ».
Còn về các vũ khí, ông Lục Khảng cho rằng : « Đương nhiên, Trung Quốc cần phải có các trang thiết bị quốc phòng cho vùng lãnh thổ của mình », và các vũ khí đó « không nhắm vào bất cứ quốc gia nào ».
Quan hệ Trung Quốc và Phillipines đã cải thiện khá nhiều dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, người chủ trương tranh thủ Trung Quốc về mặt kinh tế thương mại, cho nên đã tránh chỉ trích Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, trái với người tiền nhiệm Benigno Aquino.
Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc công khai phô trương sân bay trên Đá Chữ Thập ở vùng Trường Sa, phủ tổng thống Philippines cũng phải lên tiếng.
Theo hãng Reuters, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Philippines, cho rằng nguồn tin về việc Trung Quốc quân sự hóa Trường Sa không có gì mới lạ, và chính quyền Manila « luôn luôn phản đối việc quân sự hóa khu vực », và vụ căn cứ không quân Trung Quốc trên Đá Chữ Thập « không ổn chút nào vì rõ ràng đe dọa hòa bình và an ninh ».
Có điều, theo ông Roque, Trung Quốc vẫn giữ lời hứa là không bồi đắp thêm đảo mới.
Hiện nay, trên Đá Chữ Thập, Bắc Kinh đã thiết lập một bệnh viện với hơn 50 bác sĩ, hệ thống kết nối di động tốc độ cao, một sân bay với đường băng dài 3.160m, một hệ thống rađa hiện đại mà Bắc Kinh nói là để phục vụ cho cái gọi là một « trạm thời tiết ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180109-manila-se-phan-doi-bac-kinh-ve-can-cu-khong-quan-o-truong-sa

Trung Quốc bố trí pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập

mediaCảnh bố phòng của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, đá ngầm Vĩnh Thử theo tiếng Trung Quốc, Kagitingan theo Philippines), Trường Sa, từ máy bay do thám Hoa Kỳ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.Ảnh : Reuters
Trích dẫn một bài báo trên tờ Quốc Phòng Thời Báo Trung Quốc ngày 16/05/2017, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc đã lắp đặt nhiều giàn pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Mục tiêu, theo bài báo, là để ngăn chặn đặc công người nhái Việt Nam.
Theo bài báo, được trang tin Trung Quốc Tân Văn Đầu Điều (xwtoutiao.cn) đăng lại, thì hệ thống mà Bắc Kinh cho lắp đặt là loại pháo Norinco CS/AR-1  55 ly, có khả năng phát hiện, nhận dạng và tấn công tiêu diệt người nhái của đối phương.
Bài báo không cho biết là hệ thống pháo này đã được triển khai trên Đá Chữ Thập từ lúc nào, nhưng xác định đây là một trong những biện pháp nằm trong kế hoạch nhằm đối phó với sự kiện là vào tháng 5 năm 2014, người nhái Việt Nam đã giăng một khối lượng lưới cá lớn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Đá Chữ Thập là một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng Trường Sa, biến thực thể này thành đảo lớn nhất tại Trường Sa, và xây dựng trên đó cả một sân bay, với phi đạo dài hơn 3000 mét, cùng nhiều cơ sở quân sự khác. Giới chuyên gia đã đánh giá Đá Chữ Thập là căn cứ tác chiến lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa. Vào tháng Giêng 2016, hai phi cơ hàng không dân dụng của Trung Quốc đã bay ra Đá Chữ Thập để thử nghiệm phi đạo tại đây.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng các cơ sở quân sự mà họ xây dựng trên các hòn đảo trong tay họ chỉ mang tính chất thuần túy phòng thủ. Mặt khác, Bắc Kinh xác định là họ có quyền xây dựng trên các khu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên thực thể này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170517-trung-quoc-bo-tri-gian-phong-ten-lua-chong-nguoi-nhai-tren-da-chu-thap


Geen opmerkingen:

Een reactie posten