zondag 14 januari 2018

Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần II + Pháp : Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông + Chính sách châu Á của tân tổng thống Macron + Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh


Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần II


mediaHộ tống hạm Courbet của Pháp ghé Việt Nam hồi tháng 4/2017, trong khuôn khổ "chiến dịch" Jeanne d’Arc.Ảnh: Bộ Quốc Phòng Pháp
Trong một bản tin hôm nay, 13/01/2018, chuyên san Nhật Bản The Diplomat cho biết là ngày 11/01, vừa qua, Việt Nam và Pháp đã tiến hành một cuộc họp trong khuôn khổ cuộc Đối Thoại Chính Sách Quốc Phòng Việt-Pháp lần thứ hai tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Đại diện phía Việt Nam là tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, còn trưởng đoàn Pháp là phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, thuộc Bộ Quân Lực Pháp.
Theo ghi nhận của The Diplomat, Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần 2 mở ra vào lúc hai bên đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm tuyên bố quan hệ Đối Tác Chiến Lược song phương, với khả năng thủ tướng Pháp sẽ công du Việt Nam trong năm 2018.
Pháp xem Việt Nam như là một đối tác tốt, có khả năng góp phần giúp Paris tăng cường ảnh hưởng tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và tại Đông Nam Á nói riêng. Về phía Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với một cường quốc, lại là một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một mục tiêu đối ngoại quan trọng.
Đối Thoại Quốc Phòng Việt-Pháp lần đầu tiên đã mở ra tại Paris vào tháng 11/2016. Khi ấy hai bên đã thông qua một số thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực quân y và duy trì hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Lần này, trong số nhiều vấn đề hợp tác quốc phòng được bàn thảo, chuyên san Nhật Bản đặc biệt chú ý đến thông báo từ phía Việt Nam theo đó hai bên sẽ thúc đẩy nhiều hơn các chuyến thăm của tàu quân sự Pháp đến Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180113-doi-thoai-quoc-phong-viet-phap


Chuyên gia Pháp : Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông


mediaCác máy bay chiến đấu J-15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tham gia tập trận tại Biển Đông ngày 02/01/2017.REUTERS/Stringer
Theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, Bắc Kinh rõ ràng đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trên thực tế đã có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược tại vùng biển quan trọng này. Trung Quốc diễu võ giương oai nhằm đe dọa các nước, lấn dần từng chút một để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ.
Báo chí Trung Quốc hôm 13/01/2017 đã đả kích ông Rex Tillerson, ngoại trưởng do tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, vì ông đưa ra ý kiến nên cấm Bắc Kinh đến các đảo đang kiểm soát tại Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng ý tưởng này là « kỳ quặc », trừ phi muốn xảy ra « một cuộc chiến tranh quy mô » giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. China Daily dọa nạt « một cuộc đối đầu hủy diệt » nếu chính quyền Trump, sẽ nắm quyền từ ngày 20/1, sử dụng đến biện pháp này.
Trước đó một hôm, ông Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng ta phải gởi một dấu hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, cho họ biết rằng phải ngưng việc xây dựng trên các đảo (tại Biển Đông), và họ không còn được phép đi vào những đảo này ».
Loạt đại pháo được báo chí nhà nước Trung Quốc dồn dập nã vào ý đồ phong tỏa mang tính vô tiền khoáng hậu của ông Tillerson, chứng tỏ mức độ căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Biển Đông. Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, tác giả cuốn « Chính sách quốc tế của Trung Quốc, giữa hội nhập và ý hướng đại cường ».
Trung Quốc liên tục biểu dương sức mạnh : chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của họ hồi Noel lần đầu tiên đã đi qua eo biển Miyako ở ngoài khơi Okinawa để tiến ra Thái Bình Dương. Sau đó các máy bay ném bom nhiều lần bay lượn phía trên các eo biển trong khu vực, vòng quanh Đài Loan, dù trên không phận quốc tế. Các hành động ngày càng lặp đi lặp lại trên Biển Đông như thế nói lên điều gì ?
Các vụ xuất kích này là những hành động khoa trương, nằm trong ý đồ tạo ra một sự cân bằng lực lượng mới. Đó là một cách để trưng ra nhiều khía cạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm vừa là đặc trưng vừa là biểu tượng của quyền năng. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có mỗi một chiếc, cũng như Pháp có chiếc Charles De Gaulle : tàu sân bay có nhiều chức năng, được triển khai để mang đến một thông điệp vừa chiến lược vừa ngoại giao. Trung Quốc đã tiến được từng bước với chiếc Liêu Ninh : ban đầu họ tập dượt cách hoạt động tại Biển Hoa Đông, rồi đến Thái Bình Dương, sau đó đến địa điểm nhạy cảm là Biển Đông.
Không quân Trung Quốc cũng chứng tỏ khả năng bảo đảm được việc tiếp liệu trên không cho các phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ. Tuần duyên Trung Quốc nay được trang bị rất tốt. Trong quá khứ, chúng ta từng thấy dân quân biển can thiệp trong những vụ va chạm. Để xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bắc Kinh đã huy động đủ loại đơn vị để nạo vét và cải tạo.
Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của việc biểu dương lực lượng là làm gia tăng rủi ro trong thời bình cho hải quân các nước khác tại Biển Đông, làm cho họ hiểu rằng can dự vào sẽ nguy hiểm, ngay cả việc đi qua vô hại. Chính trong logic này mà Bắc Kinh hồi tháng 12/2016 đã đoạt lấy một tàu ngầm tự hành phục vụ công tác giám sát của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.
Phía sau tất cả những điều đó, là ý định bảo vệ căn cứ tàu ngầm Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam, bảo đảm cho các tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn có thể được triển khai ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không bị phát hiện. Bị kẹt giữa những chuỗi đảo, nhất là những đảo gần nhất đang do các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Đài Loan, Philippines kiểm soát, vấn đề địa lý là tối quan trọng cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc xích lại gần tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte là cần thiết.
Tiếp đến, tất cả những động thái trên không phải là quyết định ngẫu nhiên, mà là phản ứng trước cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, cũng như tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ về chính sách « một nước Trung Hoa ». Trong những tháng tới, có lẽ Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực quân sự lên Đài Loan.
Liệu có nguy cơ thực sự về các vụ va chạm hay xung đột ?
Có các rủi ro do tính toán sai lầm. Nhưng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh bằng mọi giá cố tránh mọi sự cố dẫn đến xung đột vũ trang với Hoa Kỳ. Vụ cưỡng đoạt chiếc tàu ngầm tự hành là một tín hiệu cho tân chính phủ Mỹ. Cũng có các nguy cơ đối với Nhật Bản, cho dù Trung Quốc hành động một cách thận trọng, bối cảnh hiện nay có thể dẫn đến một sự cải thiện quan hệ nho nhỏ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông. Sự thể ra sao ?
Bắc Kinh hiển nhiên đang lao vào việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Họ nói rằng các thiết trí quân sự trên đó là khiêm tốn, mang tính phòng vệ - điều này thật khó tin, còn việc quân sự hóa thì không thể chối cãi. Hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh các phi cơ và chiến hạm Trung Quốc cấp tập qua lại Biển Đông, thông qua các eo biển Đài Loan (giữa Trung Quốc với Đài Loan) và Ba Sĩ (giữa Đài Loan với Philippines). Tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bảo Tokyo là cần phải làm quen với việc máy bay và tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên đi qua.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã đưa ra chương trình đóng các tàu ngầm. Nhật Bản cải thiện các thiết bị nghe lén và giám sát trên đảo Ishigaki và Yonaguni, nằm cách Đài Loan 50 hải lý. Tokyo cũng tăng ngân sách quốc phòng, nhưng việc gia tăng này có giới hạn. Ngược lại, ngân sách dành cho lực lượng tuần duyên Nhật - vốn không trực thuộc quốc phòng - được tăng lên rất nhiều, đó là một lực lượng trang bị hùng hậu và hiệu quả. Giữa Đài Bắc và Tokyo, người ta quan sát thấy các dấu hiệu của một sự hội tụ lợi ích chiến lược. Người Nhật nay đã tiến hành đối thoại an ninh công khai hơn với Đài Loan, và mới đây đã đổi tên cơ quan đại diện tại Đài Bắc.
Trước sự leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, các nước khác phản ứng như thế nào ?
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã thành công trong việc làm cho Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc về kinh tế, phải yên lặng. Manila thì đã thành đồ chơi trong túi Bắc Kinh - ngư dân Philippines được cho phép quay lại bãi cạn Scarborough, sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, và sự hòa giải với ông Duterte. Trung Quốc xích gần lại với Malaysia, cho dù hành động này mang tính cơ hội vì một phần nhờ thủ tướng Najib Razak bị rắc rối với tư pháp Mỹ. Dù vậy họ vẫn gặp trục trặc với Singapore, vốn rất kiên quyết dựa vào nguyên tắc trọng tài. Bắc Kinh trả đũa bằng cách tịch thu các xe bọc thép của Singapore quá cảnh ở Hồng Kông.
Nhìn chung, các quốc gia ven Biển Đông vô cùng thận trọng. Họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận một sự hiện diện rộng khắp của Trung Quốc. Bắc Kinh tự xây lên các đảo riêng và không sáp nhập các lãnh thổ do các nước khác trấn đóng, trừ bãi cạn Scarborough năm 2012. Thế nhưng họ lại ký thỏa thuận với Philippines về quyền đánh cá. Đó là một động thái chính trị của Bắc Kinh, nhưng không đặt lại vấn đề yêu sách chủ quyền, vốn bất di bất dịch, bất chấp phán quyết trọng tài. Trung Quốc đang trong thế mạnh khi nói rằng không có việc thay đổi nguyên trạng. Sau năm 2012, thực tế không có thay đổi nguyên trạng về lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược.
Còn người Mỹ thì sao ?
Họ thực sự bối rối. Trung Quốc đã tiến bước một cách hết sức cẩn trọng, chú ý không quân sự hóa trực tiếp các tranh chấp, tránh xâm phạm trực tiếp quyền của các nước láng giềng. Mỹ rất khó ngăn cản các động thái tằm ăn dâu này. Hoa Kỳ có thể tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, kể cả khu vực gần các đảo nhân tạo, vốn không được luật pháp quốc tế coi là đảo. Nhưng sự việc dừng lại ở đó. Bắc Kinh để yên cho các hoạt động này, và dù sao đi nữa họ không thể phiêu lưu qua việc đánh lén người Mỹ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170114-chuyen-gia-phap-trung-quoc-ro-rang-dang-quan-su-hoa-bien-dong

Pháp: Chính sách châu Á của tân tổng thống Macron sẽ ra sao ?

mediaBộ ba định hình chính sách châu Á của Pháp: Tổng thống Emmanuel Macron (T), ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (G) và thủ tướng Edouard Philippe (T). Ảnh chụp ngày 23/05/2017 tai Paris (Pháp).REUTERS/Etienne Laurent/Pool
Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề « Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở châu Á - De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ? ».
Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.
Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc
Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.
Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).
Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.
Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, "PJO" người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.
Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.
Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012
Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.
Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng Quốc Phòng rất quan tâm đến châu Á.
Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông
Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở châu Á), ông đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải Quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng Quốc Phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.
Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông - một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : « Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển ».
Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand - cường quốc hàng hải khu vực khác - thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.
Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.
Emmanuel Macron: Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc
Vấn đề lớn khác liên quan đến châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.
Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ - nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào châu Âu về mặt kinh tế.
Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.
Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.
Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.
Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.
Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170525-phap-chinh-sach-chau-a-cua-tan-tong-thong-macron-se-ra-sao

Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh


mediaTư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, 06/10/2015.REUTERS/David Gray/Files
Trong phần một mang tựa đề« Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông ?», chuyên gia Ross Babbage (*) đã phân tích những lý do vì sao Bắc Kinh có thể tự tung tự tác trên Biển Đông cho đến nay. Ở phần hai, tác giả đề nghị những biện pháp cụ thể cho chính quyền Donald Trump sắp tới.
(Xem lại phần 1) : Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông ?
Theo ông, một trong những vấn đề cốt lõi trong cách xử sự của chính phủ Mỹ, Nhật và Úc là trần thuật sai hẳn những lợi ích từ liên minh. Các liên minh này chắc chắn là mang lại lợi ích lớn lao, qua tự do hàng hải và hàng không, giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp chủ quyền trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, lợi ích to lớn nhất của đồng minh thực sự vượt xa khỏi những mục tiêu giới hạn, chủ yếu mang tính chiến thuật này.
Trên thực tế, lợi ích chủ chốt trước tiên của đồng minh là đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không thống trị Biển Đông đến mức có thể đơn phương quyết định trật tự khu vực, và hạn định mức độ chủ quyền cho từng quốc gia ven biển.
Lợi ích cốt lõi thứ hai là hạn chế khả năng lấn chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông, tạo tiền lệ cho những hành vi bất hợp pháp, hung hăng hơn của Bắc Kinh, trước mắt và về lâu về dài.
Điều cốt yếu thứ ba : giám sát chặt để Trung Quốc không lặp lại các vi phạm trầm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế.
Khi theo đuổi các lợi ích thực tiễn này, các lãnh đạo đồng minh cần có chiến lược rõ ràng để chỉ đạo một chiến dịch đối phó. Các khả năng hiển nhiên nhất là chọn lựa một chiến lược cự tuyệt, chiến lược buộc phải trả giá. Một chiến lược tấn công vào chiến lược của Trung Quốc, làm cho Bắc Kinh không thể tiếp tục làm bá chủ Biển Đông. Dù chọn chiến lược nào đi nữa, cái nền chủ yếu phải là một liên minh quân sự mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn tại Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia Ross Babbage cho rằng trước các hành động của Bắc Kinh trong năm năm qua, cần phải tiến xa hơn chủ trương được gọi là « xoay trục », « tái cân bằng », để chuyển sang một cam kết toàn diện với các nước trong vùng, có thể được mệnh danh là Chương trình Đối tác An ninh Khu vực. Các mục đích chính của chương trình là chứng tỏ ưu thế vượt trội về quân sự, răn đe các hành động phiêu lưu của Trung Quốc, củng cố lòng tin nơi các đồng minh và đối tác châu Á về sự khả tín của phương Tây, để họ cảm thấy có thể chống chọi lại bất kỳ ý đồ áp đặt nào từ Trung Quốc.
Chiến lược đồng minh hiệu quả nhất cần mang tính sáng tạo và bất đối xứng. Trong những năm gần đây Bắc Kinh tập trung các hành động hiếu chiến nhất tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, sử dụng các loại hình đa dạng từ quân đội, tuần duyên, dân quân biển, chiến tranh chính trị ; nhưng không có nghĩa là đồng minh cũng phải tập trung mọi nỗ lực bằng cách thức tương tự. Ngược lại, để chống lại Bắc Kinh, phương thức hiệu quả nhất là tập trung áp lực đủ loại vào những điểm yếu kém nhất của Trung Quốc trên mọi lãnh vực.
Những chiến dịch như thế đòi hỏi phải thận trọng phối hợp nhiều biện pháp, để có thể duy trì được dài lâu. Các biện pháp này vượt xa khỏi các lãnh vực ngoại giao và quân sự khuôn mẫu, bao gồm cả địa chính trị, thông tin, kinh tế, tài chính, nhập cư, luật pháp, chống bá quyền, và những sáng kiến khác. Có thể gồm cả việc ra tuyên bố để răn đe các hành vi của Trung Quốc, gây lòng tin nơi đồng minh và thân hữu, tạo môi trường hoạt động rộng rãi hơn. Các biện pháp khác cần được phân loại và thiết kế để làm chao đảo Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nên thận trọng hơn với Bắc Kinh.
Tác giả nhận định, chắc chắn sẽ có những người tại các nước đồng minh muốn chính phủ mình nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, những thách thức từ Trung Quốc mang tính chất và tầm cỡ quan trọng đến nỗi nếu chiến lược đối phó của Hoa Kỳ và đồng minh khu vực thất bại, sẽ gây hậu quả nặng nề cho an ninh toàn cầu.
Trước tiên là chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông bị nhường lại cho Trung Quốc. Nếu trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát thực tế một tuyến đường hàng hải chính yếu như thế và mở rộng thông tin, sẽ gây những hệ quả địa chính trị nghiêm trọng và lâu dài. Bối cảnh an ninh tại Tây Thái Bình Dương sẽ bị đảo lộn, gây phức tạp cho nhiều dạng thức hoạt động của đồng minh.
Hậu quả nghiêm trọng thứ hai là việc Bắc Kinh vi phạm nặng nề luật pháp quốc tế coi như được chấp nhận ; gây thiệt hại lớn cho nỗ lực trong nhiều thập niên qua, nhằm xây dựng khuôn khổ luật pháp cho quan hệ ngoại giao, thương mại, tranh chấp quốc tế. Sẽ là dấu hiệu cho cộng đồng thế giới thấy rằng đống minh phương Tây không chuẩn bị cho việc bảo vệ luật quốc tế.
Hậu quả quan trọng thứ ba là nguy cơ Trung Quốc thêm mạnh dạn tung ra những hoạt động xâm lăng nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Bắc Kinh có thể coi sự dè dặt, e ngại, thiếu tổ chức của các nước khác như là lời mời xâm lăng các lãnh thổ chiến lược, tiếp tục các hành động hiếu chiến hơn. Vì thế, khi duy trì thái độ dè dặt và cách hành xử vụng về, các lãnh đạo đồng minh sẽ vấp phải rủi ro nghiêm trọng hơn là vô hình trung khuyến khích xung đột nặng nề hơn với Trung Quốc trong những năm tới. Theo tác giả, xung đột này sẽ dữ dội hơn và khó tránh khỏi.
Hậu quả lớn thứ tư : khi đồng minh không có được sự đáp trả mạnh mẽ, sẽ thiệt hại cho hoạt động răn đe. Một phương Tây yếu kém trong lúc này sẽ là tín hiệu xấu gởi đến không chỉ cho Bắc Kinh, mà còn cả cho Matxcơva và Bình Nhưỡng.
Hậu quả thứ năm của việc Hoa Kỳ bình chân như vại, sẽ khiến hầu như mọi nước đồng minh và thân hữu Tây Thái Bình Dương và nhiều nước khác xa hơn buộc lòng phải tái cấu trúc về quốc phòng và an ninh quốc gia.
Một khi các lãnh đạo đồng minh không đáp trả hiệu quả trước tình trạng vi phạm hiển nhiên luật pháp quốc tế và chuẩn mực an ninh toàn cầu, thì họ cần phải có những thay đổi nào để giữ an ninh cho chính mình ? Một số nước đã bắt đầu tìm kiếm những đối tác an ninh mới đáng tin cậy hơn. Số khác có thể đưa ra những chương trình phòng vệ mới, hay đành từ bỏ những yếu tố then chốt về chủ quyền, để được yên thân trước Bắc Kinh hay các chế độ độc tài khác.
Chuyên gia Ross Babbage kết luận, vấn đề an ninh ở Tây Thái Bình Dương vẫn là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết. Chính quyền ông Trump sắp tới nhất thiết phải dành ưu tiên hàng đầu cho một chiến lược đối phó hiệu quả với Bắc Kinh.
(*)Tiến sĩ Ross Babbage là Giám đốc điều hành của Strategic Forum Pty Ltd, nhà nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách (CSBA) ở Washington DC. Tiến sĩ Babbage từng giữ vị trí trưởng văn phòng Phân tích chiến lược của ONA, cơ quan tình báo trực thuộc văn phòng thủ tướng Úc.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20170114-bien-dong-da-den-luc-phai-dan-mat-bac-kinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten