woensdag 10 januari 2018

Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc + Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó



Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc


mediaTrưởng đoàn Bắc Triều Tiên Ri Son Gwon (G) tại Bàn Môn Điếm. Ảnh ngày 09/01/2017.Reuters
Ngày 09/01/2018, trong cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm nay với Hàn Quốc, diễn ra tại Bàn Môn Điếm, nằm ở vùng phi quân sự giữa hai miền, Bắc Triều Tiên đã đề nghị gởi một phái đoàn gồm các vận động viên và các quan chức cao cấp đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang, sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018.
Về phần mình, Seoul đề nghị với Bình Nhưỡng tổ chức lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình:
“Bắc Triều Tiên thông báo sẽ gởi đến Thế Vận Hội một phái đoàn đông đảo, gồm các vận động viên, các quan chức cao cấp và các cổ động viên. Tiếp đến sẽ có một đoàn nghệ thuật và một đoàn biểu diễn Thái Cực Đạo. Như vậy là đã có những bước tiến đáng kể.
Về phần mình, Seoul đã đề nghị là hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành chung trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Bình Nhưỡng chưa trả lời về đề nghị này. Hàn Quốc cũng đã đề nghị tổ chức trở lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh. Các cuộc họp mặt này có thể diễn ra vào giữa tháng 2, tức là trong thời gian Thế Vận Hội Pyeongchang.
Seoul còn đề nghị các cuộc đàm phán khác, lần này sẽ là đàm phán quân sự, nhằm tìm ra những phương cách để tránh cho các sự cố ở biên giới biến thành xung đột vũ trang.
Các cuộc đàm phán hiện tiếp diễn ngay tại biên giới giữa hai miền, trong một tòa nhà được xây bên phía miền nam, nằm cách lằn ranh có vài mét. Về hồ sơ hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn tỏ thái độ kiên quyết. Tuy vậy, sau nhiều tháng căng thẳng, Hàn Quốc nay có thể tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông trong một bầu không khí hòa dịu hơn.
Ngoài những kết quả nói trên, Seoul và Bình Nhưỡng hôm nay cũng đã quyết định tái lập đường dây điện thoại quân sự giữa hai miền kể từ sáng ngày 10/01/2018. Cách đây vài ngày, hai bên đã tái lập đường dây điện thoại dân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180109-bac-trieu-tien-tham-gia-the-van-hoi-mua-dong-o-han-quoc



Hàn Quốc đề nghị ''ngừng bắn" trong thời gian Thế Vận Hội Pyeongchang


mediaCông trình điêu khắc tại công viên thể thao mùa đông Alpensia Sports ở Pyeongchang, thành phố được chọn để tổ chức Thế vận hội 2018. Ảnh chụp ngày 7/7/2011.REUTERS/Jo Yong-Hak
Hàn Quốc chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi « ngừng bắn toàn cầu » trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội mùa đông tại nước này, theo thông báo của phủ tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sau cuộc trao đổi với lãnh đạo Ủy Ban Olympic quốc tế.
Theo Reuters, trong buổi nói chuyện ngày 19/09/2017 với chủ tịch Ủy Ban Olympic quốc tế Thomas Bach ở New York, chính phủ Hàn Quốc tái khẳng định khả năng bảo đảm an ninh của nước này cho sự kiện thể thao quốc tế nói trên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bình Nhưỡng và hiện Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên coi như vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết cụ thể là, sau buổi nói chuyện nói trên, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển một dự thảo nghị quyết về « ngừng bắn toàn cầu » đến Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đã được nhiều nước ủng hộ.
Cho đến nay, trong giới thể thao, có một số lo ngại về tình hình an ninh tại Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, nhưng theo Ủy Ban Olympic quốc tế, « không có dấu hiệu » nào cho thấy an ninh của Thế Vận Hội tại Pyeongchang bị đe dọa.
Thế Vận Hội mùa đông sẽ diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc, từ ngày 9 đến 25/02/2018. Địa điểm nói trên cách đường biên giới Nam Bắc Triều Tiên khoảng 80 km. Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức Thế Vận Hội mùa đông, ngoài Nhật Bản.
Kêu gọi « ngừng bắn toàn cầu » nhân dịp Thế Vận Hội đã trở thành truyền thống từ hai thập niên nay. Hòa bình trong thời gian Olympic là vấn đề đặc biệt được tổ chức quốc tế International Olympic Truce Foundation – ra đời năm 2000 - thúc đẩy, thể theo truyền thống thể thao thời Hy Lạp cổ đại.
 Dự thảo nghị quyết nói trên sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 13/11/2017 tới. Câu hỏi đặt ra là, trong tình hình căng thẳng về hạt nhân Bắc Triều Tiên hiện nay, liệu các bên liên quan có nhân cơ hội hòa hoãn này để cải thiện tình hình ?
Hàng ngàn lao động Bắc Triều Tiên sẽ rời Koweit và Qatar
Reuters hôm qua, dẫn lại một nguồn tin ngoại giao, cho hay hàng ngàn lao động Bắc Triều Tiên sẽ phải rời khỏi hai quốc gia vùng Vịnh nói trên, sau khi visa của họ không được hai nước nói trên triển hạn. Quyết định của Koweit và Qatar được đưa ra sau khi Hội Đồng Bảo An ra quyết định gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời do áp lực từ Hoa Kỳ.
Reuters cũng cho biết chính quyền Đài Loan hôm nay quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Bắc Triều Tiên và ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ quốc gia này, để hưởng ứng lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170920-han-quoc-ngung-ban-tvh-pyeongchang



Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó


mediaTrưởng đoàn đàm phán BTT, Ri Son Gwon (P) bắt tay đại diện Hàn Quốc Cho MyoungGyon. Ảnh ngày 09/01/2018.Yonhap via REUTERS
Cả thế giới hôm nay có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu xuống sau nhiều tháng căng thẳng do khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lên cao đến mức ai cũng lo ngại một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Bình Nhưỡng với Hoa Kỳ.
Cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm qua giữa hai miền đã đạt được một kết quả cụ thể, tuy còn khiêm tốn, đó là Bắc Triều Tiên sẽ gởi một phái đoàn đến dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang Hàn Quốc. Cuộc đối thoại này diễn ra sau khi trong bài diễn văn đầu năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ tỏ thái độ hòa hoãn với láng giềng miền Nam.
Vì sao Bình Nhưỡng đã đổi thái độ như vậy ? Theo nhận định của tạp chí Time có thể đó là do tác động của việc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng, cũng đã thi hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn. Và đúng là đã có những dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt đó.
Tuy nhiên, theo lời ông John Delury, chuyên gia về Đông Á tại Đại học Yonsei ở Seoul, Bắc Triều Tiên vẫn quen chống trả các áp lực nước ngoài. Cho nên, chuyên gia này cho rằng không nên vội kết luận là các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã có hiệu quả.
Một yếu tố khác có thể giải thích sự thay đổi thái độ của ông Kim Jong Un đó là nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy đủ mạnh, sau khi đã hoàn tất chương trình hạt nhân và tên lửa, để có thể chủ động đề nghị nối lại đối thoại với Hàn Quốc và từ đó đạt được những nhân nhượng.
Có lẽ cũng chính vì nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo, mà Hoa Kỳ nay cũng đổi giọng. Vào tháng trước, ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố là Washington sẵn sàng thương lượng bất cứ lúc nào với Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết. Ngay cả tổng thống Donald Trump, sau khi tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái rằng nói chuyện với Bắc Triều Tiên chỉ "phí thời gian", ngày 04/01/2018 cũng đã tỏ ý sẵn sàng đối thoại với  Kim Jong Un. Hoa Kỳ cũng đã đồng ý tạm ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Pyeongchang.
Nói chung là tất cả các bên đều đã tỏ thái độ cởi mở hơn. Nhưng chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Trung Quốc hy vọng rằng việc nối lại đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ mở đường cho việc đạt đến một thỏa thuận "hai bên đều ngưng", tức là Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung và đổi lại Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân.
Nhưng ngày 04/01 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã cho biết rằng các cuộc tập trận chung sẽ được mở lại sau Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympics (09-13/03/2018). Điều này chắc chắn sẽ cản trở mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tóm lại, tuy hai miền Triều Tiên đã nối lại đối thoại, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, nhất là vì Kim Jong Un không từ bỏ tham vọng cường quốc nguyên tử. Trước mắt, khủng hoảng tạm thời sẽ không trầm trọng hơn, vì trong thời gian các vận động viên và các quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên có mặt ở Thế Vận Hội Pyeongchang, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không có một hành động khiêu khích nào khác.

http://vi.rfi.fr/phan-tich/20180109-quan-he-lien-trieu-hoa-diu-nhung-khung-hoang-hat-nhan-van-con-do


Đối thoại Liên Triều : Sự "khôn khéo" của Bắc Triều Tiên


mediaTrưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc (trái) và Bắc Triều Tiên trong cuộc họp tại Bàn Môn Điếm ngày 09/01/2018.Reuters
Chuyên gia về bán đảo Triều Tiên Juliette Morillot : "Kim Jong Un khai thác rất khéo rạn nứt trong trục Mỹ-Hàn". Phái đoàn hai nước Triều Tiên họp tại Bàn Môn Điếm, trong vùng phi quân sự-biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc để bàn về việc cử phái đoàn Bắc Triều Tiên dự Thế Vận Hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Giới quan sát coi đây là một cử chỉ hòa hoãn của chế độ Bình Nhưỡng.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn 100 câu hỏi về Bắc Triều Tiên, nhà xuất bản Tallandier 2016, phó tổng biên tập tạp chí châu Á Asialyst phân tích về chiến lược ngoại giao rất "khéo léo" của Kim Jong Un.


Juliette Morillot- 09012018 09/01/2018 Nghe

RFI : Tại sao Bắc Triều Tiên tại đột nhiên có cử chỉ hòa hoãn ?
Juliette Morillot : " Theo tôi, đây không hẳn là một cử chỉ hòa hoãn. Sau một năm liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, Bình Nhưỡng tiếp tục chính sách đối ngoại với mục tiêu rất rõ ràng và đỉnh điểm của chính sách đó là bài diễn văn của Kim Jong Un hôm Tết dương lịch. Mục đích đặt ra là khẳng định đã có vũ khí nguyên tử và không tính tới kế hoạch giải trừ hạt nhân. Nhưng đồng thời Kim Jong Un muốn chứng minh ông ta là một nguyên thủ quốc gia, chìa bàn tay thân thiện với Seoul.
Trên thực tế Bình Nhưỡng chưa bao giờ có mục đích đe dọa Seoul. Hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên chủ yếu là để tự vệ trước đe dọa quốc gia này bị Hoa Kỳ tấn công. Chẳng những thế, Kim Jong Un còn đang muốn chứng tỏ thiện chí hòa bình. Đây là một bước đột phá gây bất ngờ. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng, quyết định nối lại đối thoại liên Triều là bước kế tiếp trong chiến lược của Bình Nhưỡng"
RFI : Nói như vậy có nghĩa là đối thoại Seoul-Bình Nhưỡng mở ra tại Bàn Môn Điếm sau hai năm bị gián đoạn không phải là một cử chỉ cởi mở của Bắc Triều Tiên ?
Juliette Morillot : "Có chứ. Đấy là một cử chỉ cởi mở nhưng cần nói lại là Bình Nhưỡng chưa bao giờ tỏ ra hung hăng với Seoul - ngoài những đòn võ mồm. Nhưng theo tôi đây là một yếu tố rất quan trọng để hiểu về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các vụ bắn thử tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong Un đề phòng Mỹ tấn công. Bình Nhưỡng muốn đối thoại song phương và trực tiếp với Washington trên vấn đề vũ khí. Nhưng căn cứ vào những tin nhắn gần đây của Donald Trump thì dường như và Nhà Trắng không đáp ứng đòi hỏi này. Ngược lại với Seoul thì khác. Bắc Triều Tiên muốn đàm phán thẳng với Hàn Quốc mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ".
RFI : Vậy trong cuộc đàm phán hôm nay hai nước Triều Tiên có đề cập đến vế hạt nhân hay không ?
Juliette Morillot : "Tôi cho rằng hạt nhân là hồ sơ Bình Nhưỡng dành để thảo luận với Washington chứ không phải với Seoul. Do vậy thương lượng để Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội mùa đông là một biểu tượng rất mạnh trong cái mà chúng ta hay gọi là 'ngoại giao thể thao', nhất là nếu như hai phái đoàn Nam và Bắc Triều Tiên cùng diễu hành dưới một mầu cờ. Đây là biểu tượng của một sự đoàn kết và thống nhất. Nhưng tôi e là Hoa Kỳ sẽ không hài lòng về điều này. Nhà Trắng không tán đồng đối thoại trực tiếp liên Triều và cũng không muốn Kim Jong Un chìa bàn tay thân thiện với nước láng giềng phía Nam".
RFI : Điều ấy được thể hiện qua thái độ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Đại diện Hoa Kỳ cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng chỉ là một sự "chắp vá". Ngược lại thì Seoul cũng như chính bản thân tổng thống Moon Jae In tin tưởng vào con đường đối thoại.
Juliette Morillot : "Tôi nghĩ là đôi bên chủ yếu tập trung vào vế thể thao. Có thể phái đoàn của hai nước sẽ đề cập đến một vài khía cạnh kinh tế. Đàm phán lần này thể hiện thái độ độc lập của tổng thống Hàn Quốc đối với đồng minh lâu đời là Mỹ. Đừng quên rằng ông Moon đã đắc cử sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, mà ông này chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên, khác hẳn với bà Park, một người có đường lối rất cứng rắn với chế độ Bình Nhưỡng.
Trên điểm này ta thấy rằng chính sách của Seoul dưới thời đại Moon Jae In trước sau như một. Còn Kim Jong Un thì chứng tỏ ông ta mới là người chủ động và Kim khai thác rất khéo léo những mâu thuẫn trong công luận quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải nhìn nhận Kim Jong Un là một 'tay láu cá'. Chúng ta thấy Bình Nhưỡng rất tinh tế về phương diện ngoại giao : từng bước cô lập Mỹ và gần như là đang lật ngược thế cờ, khi mà báo chí quốc tế bắt đầu nói tới thiện chí hòa bình của Kim Jong Un.
Ở bên kia đấu trường thì Donald Trump với những tin nhắn trên Twitter vỗ ngực khoe rằng nút hạt nhân của Mỹ lớn hơn so với Bắc Triều Tiên. Việc này làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ. Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích Seoul là tay sai của Washington".
RFI : Bà muốn nói là Washington đã lầm khi trả đũa đòn khiêu khích được Bình Nhưỡng tung ra ?
Juliette Morillot : "Vâng tôi nghĩ Donald Trump đã ứng xử vụng về khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu. Xét cho cùng, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giải pháp duy nhất hiện nay là cộng đồng quốc tế cần nắm bắt lấy cành ô liu - biểu tượng của hòa bình, mà Kim Jong Un vừa chìa ra. Điểm kẹt ở đây là tới nay Mỹ vẫn không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử, mà trên thực tế thì Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và muốn dùng lá bài này để mặc cả với quốc tế. Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân".
RFI : Vậy Mỹ và Hàn Quốc có tiếp tục tập trận hay không ?
Juliette Morillot : "Đây cũng là một điểm nhức nhối khác. Vấn đề đặt ra là liệu Hàn Quốc có sẽ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ hay không và giảm tới mức độ nào. Quan hệ giữa Hàn Quốc với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ khá phức tạp : người dân xứ này an tâm vì được Mỹ bảo vệ nhưng không có nghĩa là Hàn Quốc chấp nhận làm tay sai cho Hoa Kỳ. Ngay sau khi đắc cử tổng thống, Moon Jae In đã sang Washington và Donald Trump đã tiếp lãnh đạo Hàn Quốc một cách rất lạnh nhạt bởi vì ông Moon chủ trương hủy dự án lắp đặt lá chắn chống tên lửa Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một lần nữa chúng ta thấy rằng, từ Bình Nhưỡng, Kim Jong Un đã khéo léo khai thác rạn nứt này trong trục Mỹ - Hàn".
RFI : Bà muốn nói là quốc tế vẫn nên thận trọng về tình hình bán đảo Triều Tiên ?
Juliette Morillot : "Đúng thế, ta nên thận trọng là hơn. Có thể Thế Vận Hội mùa đông lần này góp phần làm hạ nhiệt trên báo đảo Triều Tiên, nhưng sau đó thì sao ? Chúng ta chưa biết được. Khó có thể đoán trước rằng sau sự kiện thể thao trọng đại này, Seoul có giảm bớt các đợt tập trận chung với Mỹ hay không, trong lúc mà các chương trình tập trận đó vẫn làm Bình Nhưỡng bực bội. Giới hạn các chương trình tập trận có khả năng giúp hai miền Triều Tiên dễ dàng đối thoại với nhau hơn, qua đó tránh được tình trạng căng thẳng leo thang trong năm 2018".

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180109-doi-thoai-lien-trieu-su-khon-kheo-cua-bac-trieu-tien

Liên Triều : Seoul muốn thảo luận về gia đình ly tán và giảm căng thẳng

mediaLính Hàn Quốc tuần tra gần khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, tại Paju, Hàn Quốc, ngày 03/01/2018.REUTERS/Kim Hong-Ji
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm lúc 10 giờ ngày 09/01/2018. Giờ giấc cuộc họp đầu tiên đã được chính thức xác nhận sau hai năm gián đoạn. Bình Nhưỡng cũng đã cung cấp danh sách thành viên phái đoàn tham dự. Mục đích chính là để thảo luận khả năng Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng Hai. Tuy nhiên Seoul cũng hy vọng hai hồ sơ quan trọng khác sẽ được thảo luận.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết chi tiết :
« Hàn Quốc không muốn chỉ giới hạn trong chủ đề Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông. Seoul muốn nhân cơ hội này bàn thảo hai vấn đề nữa : một là tiếp nối chương trình cho các gia đình bị ly tán vì đất nước phân chia được hội ngộ và thứ hai là « các phương tiện làm giảm căng thẳng quân sự ». Sáng nay (08/01), bộ trưởng bộ Thống Nhất và cũng là trưởng đoàn thương thuyết Hàn Quốc Cho Myoung Gyon đã xác định như thế.
Bình Nhưỡng dường như không loại trừ hai hồ sơ này nếu dựa theo thành phần phái đoàn Bắc Triều Tiên để suy đoán. Trưởng đoàn Bắc Triều Tiên là tướng Ri Song Gwon, chủ nhiệm Ủy ban Đặc trách Quan hệ Liên Triều, một nhân vật thuộc xu hướng cứng rắn. Theo Seoul, viên tướng này trước đây là cánh tay mặt của tướng Kim Yong Chol, được xem là người chỉ huy hai vụ tấn công giết chết 50 binh sĩ Hàn Quốc vào năm 2010 (đánh đắm tàu Cheonam vào tháng 7 và pháo kích đảo Yeonpyeong vào tháng 11).
Về phần Washington, tổng thống Donald Trump cho biết ủng hộ tiến trình đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Ngày hôm qua (07/01), tổng thống Mỹ còn tuyên bố « sẵn sàng điện đàm » với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».
Vài giờ sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố « sẵn sàng » đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc gián tiếp cải chính hôm 07/01. Theo bà Nikky Haley, « chuyện này không thể xảy ra một sớm một chiều và còn phải qua nhiều giai đoạn ». Trước tiên là Bình Nhưỡng phải « chấm dứt các vụ thử nghiệm và phải chấp thuận thương lượng về lệnh cấm chế tạo vũ khí hạt nhân ».
Tuy nhiên, AFP cho biết có thêm một thông tin được mô tả là « khích lệ ». Vào giữa tuần này, tức là sau cuộc họp Liên Triều, chủ tịch Ủy ban Thế Vận Bắc Triều Tiên Chang Ung sẽ gặp chủ tịch Ủy Ban Thế vận Quốc Tế CIO Thomas Bach tại trụ sở của CIO ở Lausanne, Thụy Sĩ. Viên chức Bắc Triều Tiên, đang trên đường sang Thụy Sĩ, khi quá cảnh tại Bắc Kinh hôm 06/01, đã tuyên bố « rất có thể » Bình Nhưỡng sẽ tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang từ 09 đến 25/02/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180108-lien-trieu-seoul-muon-thao-luan-ve-gia-dinh-ly-tan-va-cang-thang-quan-su

Geen opmerkingen:

Een reactie posten