zondag 14 januari 2018

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc kinh tế ? + Ấn Độ, đầu máy kinh tế thế giới ? + ‘‘Make in India’’ bước đầu thành công

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới

mediaDiễu binh nhân Ngày Cộng Hòa của Ấn Độ tại New Delhi ngày 11/01/2018.Reuters
Trong lĩnh vực kinh tế, tuần báo Le Point kỳ này đặc biệt chú ý đến Ấn Độ, trong năm nay sẽ qua mặt nước Pháp để trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 5 thế giới, nhờ mức tăng trưởng được dự báo là 7,4%.
Với mức tăng trưởng hàng năm trên 7% từ 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm G20. Hơn nữa, sự phát triển của Ấn Độ rất cân đối và theo số liệu chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp của nước này không quá 3,5%, nhờ vậy mà trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỉ lệ nghèo đói từ 38% xuống còn 21% dân số.
Theo Le Point, tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ đó là các cải tổ do thủ tướng Narendra Modi tiến hành. Ông đã « chữa trị » kinh tế Ấn Độ bằng một liệu pháp cú sốc chưa từng có. Đầu tiên là cú sốc về sản xuất, với khẩu hiệu « Sản xuất tại Ấn Độ », nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo công ăn việc làm.
Tiếp đến là cú sốc tiền tệ, với việc chuyển tiền mặt thành các tài khoản ngân hàng. Rồi cú sốc thuế khóa, với việc ban hành một loại thuế quốc gia duy nhất, thay thế cho vô số loại thuế địa phương tại 29 bang của Ấn Độ. Về tài chính, ông Modi đã cho bơm vốn vào các ngân hàng công tổng cộng 32 tỉ đôla trong vòng 2 năm, để gia tăng nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ còn tự do hóa các khu vực tài chính, phát thanh truyền hình và quốc phòng, đồng thời mở các dự án cơ sở hạ tầng cho đầu tư nước ngoài.
Le Point dự báo là cứ theo đà này thì Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2032, thậm chí hàng đầu thế giới vào năm 2050. Nhưng để đối đầu với những thách thức to lớn, nước này phải thực hiện những chuyển đổi sâu rộng. Những nhược điểm của Ấn Độ cũng to lớn không kém.
Tỉ lệ tử vong trẻ em của nước này vẫn còn rất cao, ở mức 42%. Tỉ lệ nghèo khó giảm, nhưng tình trạng bất bình đẳng lại ngày càng trầm trọng. Hiện giờ, những người giàu nhất chiếm 10% dân số đang nắm đến 56% thu nhập quốc gia. Hệ thống giáo dục của nước này là thuộc loại yếu kém nhất thế giới. Các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lên tới 12% và đang cần phải được bơm thêm 90 tỷ đôla. Sự phát triển của Ấn Độ còn bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng và việc chưa mở cửa nhiều ra thế giới.
Đó là chưa kể những nguy cơ về chính trị và địa chính trị. Tuy có công lao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, thủ tướng Modi cũng là người đã khiến chủ nghĩa dân tộc Hindu trở nên cực đoan hơn đối với thiểu số Hồi Giáo, chỉ chiếm 14% dân số. Bên ngoài, Ấn Độ phải đối phó với láng giềng Trung Quốc, hiện vẫn thi hành chiến lược bao vây trên bộ và trên biển, đặc biệt là với hành lang kinh tế với Pakistan. Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á này đã leo thang đến mức nguy hiểm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2017, với các vụ chạm súng trên vùng cao nguyên Doklam.
Kim Jong Un mở ra khả năng đối thoại với Mỹ, Hàn
Về thời sự địa chính trị châu Á, tờ Le Courrier International giới thiệu một bài đăng trên nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc ngày 04/01/2018 nhận định rằng, khi thông báo gởi một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ông Kim Jong Un đã mở ra viễn cảnh đối thoại không chỉ với Seoul, mà cả với Washington.
Như vậy là lần đầu tiên Kim Jong Un muốn nói chuyện với miền Nam Triều Tiên. Có thể đó là một tin mừng, nhưng có thể là không. Hãy chờ xem. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert đã tuyên bố rằng : « Nếu Seoul và Bình Nhưỡng muốn đàm phán với nhau, đó là sự chọn lựa của họ », trước khi nói thêm là Hoa Kỳ vẫn rất nghi ngờ thực tâm của Kim Jong Un.
Theo nhật báo Hankyoreh, tuyên bố nói trên dường như phản ánh thái độ phần nào bực bội và lo ngại của Mỹ đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vì Kim Jong-Un đã không hề nói đến chuyện phi hạt nhân hóa theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế.
Vừa chìa tay cho Seoul, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng vừa đe dọa Washington khi nói rằng chiếc nút hạt nhân đang nằm trên bàn của ông. Theo tờ báo Hàn Quốc sẽ là không tưởng nếu chờ đợi là Bình Nhưỡng đùng một cái tuyên bố sẽ tiếp tục thương lượng mà không cần điều kiện tiên quyết, với mục tiêu là phi hạt nhân hóa. Cho dù đối thoại liên Triều hôm nay sẽ chưa dẫn đến các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, ít ra nó là một điểm khởi đầu và mở ra một viễn cảnh cho quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Washington. Hankyoreh kêu gọi chính quyền Donald Trump nên tích cực ủng hộ đối thoại liên Triều và hãy cùng với Hàn Quốc kéo Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Phát súng cảnh cáo cho Iran
Thời sự Iran tiếp tục thu hút sự chú ý của các tuần báo Pháp. « Iran. Phát súng cảnh cáo », đó là tựa trên trang nhất của tờ L’Express. Theo tuần báo này, chế độ chuyên chế của Iran sẽ vẫn sống sót sau cuộc bạo loạn vừa qua, nhưng trận động đất mới này, mang tính xã hội nhiều hơn là chính trị, làm lộ rõ những nhược điểm của một chính quyền bị chia rẽ và thủ cựu.
Tuần báo nhận định : "Nước Cộng hòa này, mà năm tới sẽ tròn 40 tuổi, có lúc bị rung chuyển từ cơ sở. Đó là do những bất đồng nội bộ và do chế độ này không đủ khả năng đổi mới ý thức hệ trước một thế hệ trẻ đang rất nóng lòng muốn canh tân, thế hệ của thời đại công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, khao khát tự do".
Theo L’Express, việc chính quyền cứ ra ra rả về « âm mưu phá hoại của các thế lực bên ngoài » cho thấy bộ máy tuyên truyền chính thức nay đã hụt hơi. Họ có thể ngăn chận những tin nhắn trên các mạng xã hội như Instagram hay Telegram, nhưng làm sao có thể kiểm soát được 48 triệu điện thoại di động thông minh và biết bao trang web có trang bị những công cụ vượt tường lửa ?
Tờ Le Courrier International thì đăng một bài báo trên tờ L’Orient - Le Jour ở Liban, với hàng tựa « Những bài học từ cuộc nổi dậy ở Iran ». Đối với nhật báo Liban này, những cuộc biểu tình chống tình trạng vật giá leo thang và chống chính quyền từ cuối tháng 12 vừa qua cho thấy là chế độ Teheran nay bị suy yếu do sự phản kháng của những người mà cho tới nay vẫn ủng hộ họ, đó là những công dân thuộc tầng lớp nghèo khó.
Cũng như người dân tại các nước Ả Rập cách đây 7 năm, người dân Iran nay đòi có thêm công bằng xã hội. Những yêu sách của người dân Ả Rập đã không được đáp ứng. Người dân Iran chắc cũng sẽ không được hơn. Nhưng theo tờ L’Orient-Le Jour, nỗi bất mãn của dân chúng, dù có được bày tỏ hay bị bóp nghẹt, cũng đều là một mối đe dọa thường trực đối với các chính quyền, không chỉ ở Iran, mà cả ở Syria, Irak hay Yemen. Ai Cập sắp tới đây cũng sẽ bị rung chuyển giống như Iran.
Tình báo Pháp thâm nhập nhà tù để điều tra quân thánh chiến
Về tình hình xã hội tại Pháp, theo tuần báo L’Obs, trước sự bùng nổ con số tù nhân cực đoan hóa, cơ quan quản lý các nhà tù đã thành lập một bộ phận tình báo mới, với 300 nhân viên trà trộn vào tù nhân để điều tra.
Tờ báo cho biết là vào tháng 9 vừa qua, một báo cáo của tình báo cơ quan quản lý nhà tù cho biết là hiện có 1.157 phạm nhân hiện bị xem là cực đoan hóa. Ấy là chưa kể 509 người đã bị giam trong khuôn khổ các vụ án khủng bố. Đây là một con số đáng kể bởi vì như vậy là có hơn 1.000 phạm phân trước đó không bị xếp là quân thánh chiến đã trở nên cực đoan hóa trước hoặc trong thời gian ở tù.
Theo tuần báo L’Obs, đối với các nhân viên tình báo cơ quan quản lý trại giam của Pháp, giám sát những phần tử này giống như là một cuộc chạy đua với thời gian. Họ sợ nguy cơ khủng bố, sợ sẽ có một hành động tập thể, sợ rằng sẽ có một « lãnh tụ » khủng bố nào tác động tinh thần đến các tù nhân chung quanh, hoặc chuyển được ra ngoài lệnh hành động.
Mùa hè vừa qua, khi tuyển mộ các thông dịch viên tiếng Ả Rập cho bộ phận chống khủng bố và cực đoan hóa, tình báo của cơ quan quản lý trại giam đã yêu cầu đó phải là những người phải có nghị lực rất mạnh, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm, có khả năng dịch ngay bất cứ thư từ, bản ghi âm nào hoặc giải mã những mật lệnh.
Về âm nhạc, dĩ nhiên là các tuần báo Pháp vinh danh nữ danh ca France Gall vừa qua đời cách đây một tuần do bệnh ung thư ở tuổi 70.
Nữ ca sĩ France Gall về với "Thiên đường trắng"
Trên tờ Le Point, trong bài viết tựa đề : « France Gall, cô em gái của chúng ta », nhà văn Charles Dantzig ghi nhận France Gall đã trở nên nổi tiếng nhờ đoạt giải Eurovision với ca khúc « Poupée de cire, poupée de son ». Chỉ có nhóm nhạc Thụy Điển Abba và nữ danh ca Canada Céline Dion là được như vậy. Không chỉ thể hiện các bài hát, France Gall còn là người sáng tạo phong cách. Vào thập niên 1980, khi trình bày ca khúc « Résiste » do người chồng Michel Berger sáng tác, France Gall đứng thẳng, hất đầu từ phía sau ra phía trước, vừa lắc mái tóc vàng hoe của cô. Và thế là cả nước Pháp đã bắt chước nhảy giống như France Gall.
Tuần báo L’Obs thì nhắc lại rằng France Gall đã không còn cất tiếng hát từ 25 năm nay. Nếu France Gall có xuất hiện trở lại trước công chúng thì chỉ là để quảng cáo cho những sáng tác của chồng hoặc của chính mình, như vở ca nhạc kịch « Résiste » vào năm 2015. Tờ báo tiếc nuối : « Sau Johnny Halliday vào tháng 12, giờ đến lượt France Gall. Những thần tượng, tiêu biểu cho một thời trẻ đã qua, đang tàn lụi dần. ».
Tờ L’Express thì lưu ý rằng, France Gall chưa bao giờ viết hồi ký. Mà viết làm gì ? Cuộc đời của cô đã được thể hiện qua các bài hát. Những bài hát do những người tình, người chồng đã viết cho France Gall, lấy cảm hứng từ cô. Tuần báo này thán phục : « Đằng sau dáng vẻ mảnh mai là một phụ nữ rất can đảm, vẫn đứng vững sau biết bao bi kịch : Người chồng Michel Berger chết đột ngột vì lên cơn đau tim năm 1992, bản thân bị ung thư vú từ năm 1993, con gái chết trẻ vì bệnh mucoviscidose năm 1997. » Ở tuổi 70, nữ ca sĩ kín đáo nhất nước Pháp đã về chốn Thiên đường trắng, Paradis blanc, như tựa một bài hát của Michel Berger.
Trang nhất các tuần báo
Trong số ra tuần này, L’Express đưa tựa trên trang nhất : « Những gì mà thế hệ dưới 40 tuổi muốn ». Tuần báo này tìm hiểu về những trông đợi của giới trẻ Pháp trong các lĩnh vực : thực phẩm, an ninh, trường học, nhập cư, cần sa…..
Không hẹn mà gặp, tờ le Courrier International tuần này cũng đi hàng tít ở trang bìa : « 2018, nay đến lượt giới trẻ ». Tờ báo ghi nhận là từ Sebastian Kurz (Áo), Jacinda Ardern (New- Zealand ) , Emmanuel Macron ( Pháp ) hay Mohammed ben Salmane ( Ả Rập Xê Út ), hàng loạt lãnh đạo trong độ tuổi 30 hay 40 đã lên cầm quyền ở nhiều nơi trên thế giới.
« Nước Pháp đã khá hơn chưa ? », đó là câu hỏi mà tờ Le Point đặt trên trang nhất, với bức ảnh minh họa là tổng thống Pháp Emmanuel Macron như là một vị cứu tinh thoát ra từ chiếc đèn thần. Tờ báo trình bày kết quả điều tra về một « đất nước lạc quan mới ».
Tuần báo L’Obs thì chú trọng đến hồ sơ nhập cư qua hàng tựa : « Chào mừng đến với đất nước của nhân quyền », cũng với bức ảnh tổng thống Pháp Macron phía sau hàng rào kẽm gai, chỉ trích thái độ nước đôi của lãnh đạo Pháp trong hồ sơ này.

http://vi.rfi.fr/diem-bao/20180111-an-do-tren-duong-tro-thanh-cuong-quoc-kinh-te-hang-dau-the-gioi

Ấn Độ, đầu máy kinh tế thế giới ?

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) được các dân biểu Mỹ đón tiếp tại Washington ngày 08/06/2016.REUTERS/Carlos Barria
Báo Le Figaro có bài phân tích : « Ấn Độ liệu có thể là đầu máy kinh tế thế giới ? ». Nền kinh tế phụ thuộc nặng vào « gió mùa », rất ít việc làm mới được tạo ra và khuyết tật trầm trọng trong các định chế là một loạt nhược điểm mà người khổng lồ Nam Á cần hóa giải, mới hy vọng trở thành một động lực của kinh tế toàn cầu.
Về mặt chính thức, với gần 8%, tăng trưởng của Ấn Độ bắt đầu vượt Trung Quốc, trong hai năm trở lại đây. Lãnh đạo Ấn Độ liên tục quảng bá về triển vọng GDP nước này sẽ tăng vọt từ hơn 2.000 tỷ đô la hiện nay, lên 5.000 tỷ trong thời gian ngắn.
Theo Le Figaro, những con số ấn tượng này bị nhiều chuyên gia nghi ngờ. Năm 2015, cơ quan thống kê Ấn Độ đã « điều chỉnh » tỉ lệ tăng trưởng lên hơn 2 điểm (6,9% so với 4,7%). Một loạt lý do gây ngờ vực. Như chỉ số sản xuất công nghiệp trong cùng thời gian chỉ tăng chậm hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng chính thức của cả nền kinh tế ; đầu tư công và tư đều tăng rất chậm ; xuất khẩu thậm chí giảm đến 6% hồi năm ngoái.
Về tính xác thực của con số tăng trưởng Ấn Độ chắc chắn còn nhiều tranh cãi, trong lĩnh vực lao động, Le Figaro nhấn mạnh đến hai điều. Thứ nhất, « hơn 80% việc làm không được khai báo và gian lận thuế là môn thể thao quốc gia », và thứ hai là, các doanh nghiệp không tạo đủ chỗ làm.
« Tăng trưởng nhưng không tạo thêm việc làm » (Jobless growth) là tình trạng chung của kinh tế Ấn Độ. Theo một báo cáo, tám ngành công nghiệp chủ chốt của Ấn Độ, trong ba quý đầu 2015, chỉ tạo được 155.000 chỗ làm, ít hơn hai lần so với 2014, và 4 lần so với 2009. Thách thức là rất lớn, bởi hiện tại, 117 triệu người, tức 22% dân số ở độ tuổi lao động, đang tìm kiếm việc làm, và trong 10 năm tới, quốc gia khổng lồ Nam Á này phải tạo được ít nhất 60 triệu việc mới.
Hai mùa hạn hán liên tục, 2014 – 2015 khiến nền kinh tế - mà một nửa dân số làm nông - khó lòng cất cánh. Do hệ thống thủy lợi kém phát triển, có đến gần 70% đất nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc vào « sự đỏng đảnh của thời tiết ».
Để vượt lên được, theo Le Figaro, trước hết Ấn Độ phải làm minh bạch hệ thống ngân hàng, đa số bị những người nắm quyền thao túng. Chính quyền của thủ tướng Modi đã bắt đầu khởi sự từ năm 2015 một nỗ lực nhằm gột bỏ nợ xấu, để tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Le Figaro cũng nhấn mạnh đến một cải cách quan trọng khác : gộp khoảng 20 sắc thuế gián tiếp tại nhiều địa phương hiện nay thành một sắc thuế duy nhất, một loại thế TVA được áp dụng trên toàn quốc .
Theo các chuyên gia, cuộc « cách mạng nhỏ » này có thể giúp Ấn Độ tăng trưởng thêm từ 1% đến 2%. Để làm được điều này, Thượng Viện Ấn Độ phải chấp nhận sửa đổi Hiến Pháp. Theo Le Figaro, rất có thể điều này sẽ thành công, vì đảng của thủ tướng Modi đang giành được thêm nhiều ghế tại cơ quan lập pháp, vốn do đảng đối lập Quốc Đại kiểm soát.
Trung Quốc : Đảng viên tăng chậm dưới thời Tập Cận Bình
Le Figaro quan tâm đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, còn nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến mức độ « tăng trưởng » của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc lại đông đảo như hiện nay, với 89 triệu đảng viên, chiếm 6,5% dân số.
Tuy nhiên, Les Echos ghi nhận : năm 2015, số người mới vào đảng Cộng Sản « chỉ là » một triệu, tương đương 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 3,1% năm 2012, khi ông Tập Cận Bình mới nhập chức.
Trở thành đảng viên Cộng Sản không còn là chuyện dễ dàng như trước, với một loạt các rào cản thủ tục, cuộc chiến « chống tham nhũng » cũng có thể là nguyên nhân làm giảm số cán bộ « tha thiết » muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhìn chung, đảng Cộng Sản cũng giống như xã hội Trung Quốc đang già đi. Giới trẻ ngày nay không còn nhiều háo hức với một tổ chức không còn mang lại nhiều lợi ích cho họ, trong lúc nền kinh tế thì ngày càng tư nhân hóa. Trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Đảng, ông Tập Cận Bình một lần nữa lại hô hào trở lại với « chủ nghĩa Mác », với « tinh thần kỷ luật ». Theo lãnh đạo Trung Quốc, nếu không nghiêm khắc, đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể « mất quyền lãnh đạo ».
Vẫn về Trung Quốc, phụ trương Kinh Tế của Le Figaro chú ý tới tham vọng đi đầu trong việc phát triển công nghệ 5G của tập đoàn viễn thông và điện tử Trung Quốc Hoa Vi - Huawei, với cuộc phỏng vấn chủ tịch tập đoàn, ông Ken Hu. Với lợi thế của tốc độ siêu nhanh (gấp hàng trăm lần so với 4G và hàng nghìn lần so với 3G), lãnh đạo Hoa Vi hy vọng 5G sẽ là « hạ tầng cơ sở chủ yếu » của kỷ nguyên Internet kết nối đồ vật, và thậm chí của « toàn xã hội ». Hoa Vi hiện được đánh giá là tập đoàn viễn thông số một thế giới và đứng thứ ba về điện thoại thông minh, sau Sam Sung và Appel. Châu Âu là một thị trường nơi Hoa Vi đang bành trướng mạnh.
Brexit làm ngưng tiến trình mở rộng Liên Hiệp Châu Âu
Cú sốc Brexit tiếp tục gây chấn động. Dự án mở rộng châu Âu bị ngưng lại do Brexit là tựa trang nhất của Le Figaro. Trước hết là loạt các quốc gia thuộc khối Nam Tư cũ, nằm ở trung tâm châu Âu. Xã luận Le Figaro « Quá xa, quá nhanh » nhận xét : Quyết định chia tay của cử tri Anh đã làm tan đi một cấm kỵ, sau 70 năm mở rộng và thâu nhập không ngừng, phạm vi của Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên bị co lại.
Theo Le Figaro, « Brexit không chịu trách nhiệm » về chuyện này, nhưng biến cố này đã khiến cho ngay cả những người nhiệt huyết nhất với việc mở rộng, trong đó có chính người Anh, phải chấp nhận đối mặt với một « vấn đề nóng bỏng » : chính sách nhập cư của châu Âu.
Ba Lan gom tượng đài Liên Xô vào một công viên
Vẫn về châu Âu, di sản Xô Viết hiện diện rất phổ biến tại Ba Lan, gần 30 năm sau khi khối Liên Xô tan vỡ. Hơn 200 tượng đài vinh danh quân đội Liên Xô vẫn còn ngự trị tại các thành phố Ba Lan. Làm thế nào để Ba Lan có thể chia tay một cách thanh thản với các di sản thời Staline ? Về chủ đề này, báo La Croix có bài « Người Ba Lan đưa các phế tích của Hồng Quân vào một công viên ».
Theo La Croix, trong số khoảng 500 tượng đài thời Liên Xô, gần 300 đã bị dỡ bỏ sau 1989. Chính quyền các địa phương rất lúng túng với số tượng đài còn lại, một mặt do sự phản đối trong dân chúng, mặt khác do ngại bị Nga lên án là « vô ơn ». Đối với nhiều người Ba Lan, nước Nga vừa giải phóng Ba Lan khỏi quân đội phát xít, nhưng Nga cũng áp đặt lên Ba Lan « một chế độ toàn trị », mà đa số người Ba Lan đã bác bỏ.
Dự án một « công viên lịch sử » đã được Viện Ký Ức Quốc Gia Ba Lan đề xuất để giải quyết vấn đề này. Công viên Borne Sulinowo được xây dựng tại một căn cứ quân sự cũ của Liên Xô. Công viên sẽ được khánh thành cuối năm 2017, vào ngày 17/09, để nhắc đến ngày Liên Xô xâm lược Ba Lan năm 1939. Một thành viên Viện Ký Ức Quốc Gia Ba Lan nhấn mạnh, công viên này để nhắc lại lịch sử, quan điểm cho rằng quân đội Liên Xô mang lại tự do cho Ba Lan vào năm 1945 là « một sự dối trá ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-an-do-dau-may-kinh-te-the-gioi

Ấn Độ : ‘‘Make in India’’ bước đầu thành công

mediaBuổi khởi động sáng kiến "Make in India", New Delhi, ngày 25/09/2014.Ảnh : Wikipedia
Về thời sự châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, 05/10/2016, có bài nhận định về thành công bước đầu của chính sách « Make in India » (Sản xuất tại Ấn Độ), được thủ tướng Modi khởi sự cách nay vừa tròn hai năm. Trung Quốc lo ngại việc các nhà đầu tư nước này ồ ạt chuyển cơ sở sản xuất sang nước láng giềng Nam Á.
Bài « Kế hoạch ‘‘Make in India’’ đã có những kết quả đầu tiên » mở đầu với câu hỏi : Sau khi nhấn chìm Ấn Độ trong biển giầy dép, đèn, đồ chơi và đủ loại hàng hóa tiêu dùng khác, phải chăng sẽ đến lượt Trung Quốc bị các sản phẩm Ấn Độ chinh phục ? Báo động của tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, được báo chí Ấn Độ đăng tải rộng rãi, có đoạn : « Bắc Kinh cần phải xem xét một nguy cơ rất có thể trở thành hiện thực là Trung Quốc sẽ mất nhiều việc làm, nếu các tập đoàn điện thoại di động chuyển cơ sở sang Ấn Độ ».
Dù hiện tại chưa phải một làn sóng di chuyển ồ ạt, mà chỉ là một đợt sóng nhẹ, nhưng có thể nói chương trình « Make in India », nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển sản xuất tại địa phương của thủ tướng Narendra Modi đã kéo được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Ví dụ như hãng Hoa Vi (Huawi) vừa khánh thành tuần này một cơ sở sản xuất tại miền nam Ấn Độ. Hãng điện thoại di động Trung Quốc có tham vọng sản xuất tại Ấn Độ 3 triệu chiếc từ đây tới năm 2017. Hoa Vi cũng nối tiếp Xiaomi, với việc sản xuất ngay tại Ấn Độ những phụ kiện, trước đây vốn được nhập từ Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ gấp sáu lần so với năm 2014, với số tiền là 870 triệu đô la. Tuy nhiên, số đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 2,2% của tổng số 32 triệu đô la năm 2015 (tăng 26% với năm trước). Rõ ràng là Trung Quốc không muốn để bị chậm chân so với rất nhiều tập đoàn điện tử tin học quốc tế như GE, Siemen, Vodafone, Google hay Microsoft.
Theo ngân hàng Nhật Japan Bank for International Cooperation (JBIC), Ấn Độ giờ đây đang trở thành một trong các hướng ưu tiên của vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Riêng trong tháng 9/2016 vừa qua, đơn đặt hàng các sản phẩm tại Ấn Độ tăng với tỉ lệ cao nhất trong vòng 14 tháng, bất chấp việc chỉ số sản xuất công nghiệp PMI hạ xuống 52,1 (so với 52,6 của tháng 8).
Theo các nhà kinh tế, để đạt mục tiêu tạo được 90 triệu việc làm, từ nay đến 2025, Ấn Độ phải loại bỏ được các yếu tố kìm hãm nền công nghiệp địa phương, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, lãi suất cho vay quá cao. Theo một chuyên gia của Capital Economists, tình hình có vẻ cải thiện sau khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua luật về thuế Tài sản và Dịch vụ (Good and Service Tax). Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề này, Ấn Độ còn phải đối mặt với tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém.
Ân xá thuế mang lại gần 4 tỉ euro
Theo Le Monde, để có thêm tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chính phủ Modi có chính sách ân xá thuế đối với những người không khai báo tài sản tại nước ngoài. Chương trình kéo dài 14 tháng chấm dứt hôm 30/09. Hơn 64.000 công dân Ấn Độ đã khai báo tổng cộng 625 tỉ rupi, tương đương 8,7 tỉ euro. Năm tới, New Delhi dự kiến sẽ có thêm gần 4 tỉ euro tiền thuế từ các tài sản mới khai báo.
Chiến dịch nói trên được Le Monde đánh giá là « thành công vừa phải ». Rất nhiều người Ấn cất giữ tài sản ở nước ngoài mà không muốn khai báo, một phần do thuế quá cao. Le Monde nêu một số ví dụ được coi là thành công hơn trong thời gian gần đây, nhờ biện pháp ân xá thuế, đó là Indonesia với tổng tài sản khai báo 246 tỉ hay Achentina với 71 tỉ euro.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161005-an-do-%E2%80%98%E2%80%98make-in-india%E2%80%99%E2%80%99-buoc-dau-thanh-cong


Geen opmerkingen:

Een reactie posten