zaterdag 6 augustus 2016

Vụ tai tiếng chất kích thích : Cuộc chiến thầm lặng tại Thế Vận Hội

Vụ tai tiếng chất kích thích : Cuộc chiến thầm lặng tại Thế Vận Hội

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin.Reuters
Thế Vận Hội Olympic 2016 chính thức khai mạc hôm nay, 05/08/2016. Đây cũng là chủ đề chính chiếm trang nhất các báo Pháp. Hầu hết các tờ báo đều tập trung khai thác bối cảnh khủng hoảng chính trị - kinh tế tại nước chủ nhà Brazil cũng như là mối họa tấn công khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Riêng Libération cho rằng: Thế Vận Hội Olympic Rio 2016 còn là đấu trường ngoại giao giữa Nga và Ủy Ban Thế Vận Hội Olympic Quốc tế.
« Rio vào thời khắc Thế Vận Hội », nhật báo Công giáo La Croix loan báo. Thế Vận Hội năm nay diễn ra tại một đất nước đầy biến động chính trị, kinh tế và xã hội. Đến mức, Le Figaro bi quan thốt lên : « Thế Vận Hội Rio trong bầu không khí căng thẳng ».
« Thế Vận Hội lần này diễn ra tại một Brazil trong cơn khủng hoảng » như nhận xét của Le Monde. Một đất nước bên bờ hỗn loạn. Đất nước Nam Mỹ này đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng kinh tế và chính trị lớn chưa từng có trước các vụ tai tiếng tham nhũng.
Các kết quả thăm dò cho thấy phân nửa người dân (50%) Brazil chống lại sự kiện và cảm thấy chẳng được lợi ích gì từ việc tổ chức sự kiện thể thao này. Dù vậy, nhật báo kinh tế Les Echos cũng tỏ ra khá lạc quan, hy vọng rằng tại « Rio : Những cuộc đua tài để quên đi khủng hoảng ».
Bên cạnh đó, các báo Pháp cũng lo lắng đến mối họa khủng bố. Cho tới giờ phút này, Brazil chưa từng bị một vụ tấn công khủng bố nào, nhưng cũng không có nghĩa là Brazil nằm ngoài tầm ngắm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Bởi vì, sự kiện thể thao này cũng là dịp quy tụ các vận động viên thể thao đến từ các nước trong liên quân chống thánh chiến. Ngay từ cuối năm 2015, nhiều lời đe dọa đã xuất hiện trên những trang mạng xã hội, khuyến khích các thành viên hay các cảm tình viên tiến hành các vụ tấn công theo kiểu những « con sói đơn độc ».
Rio : Chiến tranh lạnh trở về
Báo Libération đặc biệt lưu ý Thế Vận Hội Rio năm nay không chỉ đơn giản là một sân chơi thể thao bình thường như những lần trước, mà còn là một đấu trường ngoại giao đầy kịch tính. Tờ báo chạy tít : « Dùng chất kích thích : Một cuộc chiến thầm lặng tại Thế Vận Hội ».
Báo cáo McLaren đã đưa ra ánh sáng các thủ đoạn dùng chất kích thích của chính phủ Nga trong các kỳ tranh tài quốc tế. Căng thẳng giữa Nga với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã diễn ra sau khi Ủy ban này quyết định cấm toàn bộ các vận động viên Nga tham gia Thế Vận năm nay.
Nhưng đến phút chót đã có những thay đổi ngoạn mục : 271 trên tổng số 387 vận động viên dự kiến đã được phép tham dự Thế Vận Hội. Sự việc cho thấy rõ Matxcơva đang lấy lại được tầm ảnh hưởng của mình lên định chế thể thao quốc tế này.
Libération trong bài viết đề tựa « Sự trở về của chiến tranh lạnh tại Thế Vận Hội Rio » điểm lại những thăng trầm trong mối quan hệ giữa Nga với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế. Sự hiện diện của Nga trong Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế bắt đầu được củng cố mạnh từ giữa những năm 1960 cho đến cuối thập niên 1970.
Với chủ trương ủng hộ các nước mới giành được độc lập tham gia thế vận, Nga đã dần tạo uy thế của mình lên các liên đoàn quốc tế. Thế nhưng, tầm ảnh hưởng đó gặp phải sự đối đầu mạnh mẽ của Hoa Kỳ, dưới thời tổng thống Jimmy Carter, với chính sách dùng thể thao như là một công cụ ngoại giao văn hóa. Tức là : dùng nhân quyền để chống kẻ thù. Và chiến lược này đã gặt hái thành công. Khoảng 50 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ đã tẩy chay Thế Vận Hội Olympic Matxcơva 1980.
Nhưng với việc tổ chức Thế vận Hội Mùa đông Sotchi 2014, nước Nga thời hậu Xô Viết đã thực hiện một chuyến trở lại sàn đấu thể thao đầy kiêu hãnh. Theo giải thích của ông Vitali Gorokhov, giám đốc Viện Hàn Lâm về Kinh tế và Quản trị công, sở dĩ mối quan hệ Nga với CIO hữu hảo, đó là do « một số vị trí chủ chốt được giao phó cho những người có quan hệ trực tiếp với ông Putin ».
Về vụ tai tiếng dùng chất kích thích với quy mô « quốc gia » như báo cáo McLaren, sau khi ra thông báo để tự các liên đoàn quốc tế xử lý theo từng trường hợp một, Ủy ban Thế Vận Quốc tế CIO vào phút chót đã quyết định lấy lại hồ sơ Nga để tự xử lý. Đối với những quốc gia phản đối kịch liệt sự tham gia của Nga trong thế vận này, sự việc cho thấy có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ông Putin trong các hồ sơ thế vận.
Theo phân tích của một chuyên gia, « quyết định đưa ra dựa trên nguyên tắc phân chia quyền lực của tổ chức thể thao quốc tế (…) Với tư cách là cơ quan có tính biểu tượng, vai trò của CIO là phải tìm một thế cân bằng, luôn bất ổn giữa các liên đoàn, các ủy ban thế vận quốc gia và các nước thành viên ».
Judo : Công cụ ngoại giao ưa thích của tổng thống Nga
Điều đó cho thấy rõ, sau nhiều năm bị bỏ lơ, nước Nga dưới thời ông Putin đã biến « thể thao thành một yếu tố trung tâm về chính sách ngoại giao và tạo hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế ». Trên trang nhất, với tấm ảnh một tổng thống Nga trong bộ kimono trên sàn đấu tatami với ánh mắt nhìn đầy thách thức, Libération cho biết « Dojo : chiến lược ngoại giao của ông Putin », tựa bài viết trên trang 4.
Những môn thể thao thể hiện sức mạnh nam giới như hockey, võ thuật … đang là một trong những cột trụ chính trong chính sách tuyên truyền của ông Putin. Trong đó, bộ môn judo chiếm một vị thế đặc biệt. Bởi một lẽ hết sức đơn giản, đó là môn thể thao thời thơ ấu của ông Putin, cho phép ông tự vệ trong những trận ẩu đả ngoài phố và là môn thể thao được KGB khuyến khích thực hành.
Ngoài việc để giải trí, Judo đối với vị lãnh đạo Nga đầy quyền lực này còn là một ván cờ « quyền lực mềm ». Theo nhận định của Libération, trong nhiều môn thể thao khác, ông Putin chưa từng đưa các mục tiêu chính trị và tuyên truyền nhiều đến như thế. Sự hiện diện của bộ môn này trong đời sống chính trị tại Nga mạnh đến mức nhà báo Steven Lee Myers, từng là phóng viên thường trực của báo New York Times tại Matxcơva gọi hiện tượng đó là trật tự xã hội theo đẳng cấp judo của giới tài phiệt ("judocratie"), có sức « ảnh hưởng mạnh trong điều hành chính quyền cũng như trong mối liên hệ với KGB ».
Libération đơn cửa trường hợp của ông Rotenberg, chỉ đơn giản là một võ sư judo và doanh nhân chẳng có tiếng tăm gì dưới thời ông Eltsine, nay đã trở thành một trong nhà tài phiệt quyền lực nhất của Nga, đứng đầu ban lãnh đạo nhà thầu cho Gazprom. Theo ước tích của Forbes năm nay, tài sản của Rotenberg sẽ phải lên đến 1,14 tỷ euro.
Chính ông Rotenberg và em trai ông là Boris (cựu vô địch judo thời Xô Viết) đã được giao đến 15% hợp đồng cho việc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông Sotchi 2014, tức khoảng hơn 6 tỷ euro.
Philippines : Duterte cho phép dân tự xử lý trùm ma túy
Về thời sự châu Á, báo Le Monde có bài « Cuộc chiến bẩn thỉu của Rodrigo Duterte chống ma túy ». Ngày 04/06/2016, vừa mới đắc cử tổng thống và còn chưa nhậm chức, ông Rodrigo Duterte đã công khai kêu gọi cảnh sát và người dân triệt hạ những kẻ buôn ma túy, rằng ông ủng hộ việc mọi người có quyền báo cho cảnh sát hoặc nếu có súng thì tự xử lý. Trước các ống kính truyền hình, lãnh đạo Philippines không ngần ngại nói thêm cho rõ : Các bạn có thể giết những tên buôn ma túy. Hãy bắn chết chúng và tôi sẽ thưởng huy chương cho các bạn.
Theo báo Le Monde, dường như lời kêu gọi của ông Duterte đã được nghe theo và máu đã đổ kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30/06. Đài truyền hình ABS-CBN nêu ra con số 603 người nghiện hoặc buôn ma túy đã bị giết chết, trong đó, 211 người bị bắn hạ bởi những người không rõ danh tính. Số còn lại bị cảnh sát bắn chết.
Trong hai thập niên ông Duterte làm thị trưởng thành phố Davao, trên đảo Mindanao, nam Philippines, « trung đoàn tử thần » đã lộng hành tại đây. Giờ đây, khi ông lên làm tổng thống Philippines, phương pháp này dường như được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Ngày 02/08, ở phía nam thủ đô Manila, cảnh sát tìm thấy một xác người dính đầy đạn, chân và tay bị trói và bên cạnh có hàng chữ : « Tôi là một trùm buôn ma túy ».
Ông Phelim Kine, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á, của tổ chức Human Rights Watch, cho biết là trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte nhiều lần hùng hồn khuyến khích giết những kẻ buôn ma túy, sau đó, ông lại ủng hộ các hành xử này.
Do vậy, theo báo Le Monde, hầu như ngày nào tại Philippines cũng xẩy ra các vụ hành quyết. Trong bối cảnh đó, có nhiều người bị sát hại một cách bí ẩn. Thế nhưng, theo nhận định của báo Le Monde, đa số những người bị bắn chết đều là những người nghèo khổ.
Làn sóng hành quyết này đã làm cho những người nghiện ma túy lo sợ và họ ra đầu thú cảnh sát. Nhà tù tại Philippines đã bị quá tải. Cơ quan chống ma tuy và tội phạm Liên Hiệp Quốc lo ngại các biện pháp « triệt để » này và lên án chính quyền Manila ủng hộ các vụ hành quyết không thông qua xét xử. Thượng nghị sĩ Philippines, bà Leila de Lima, nguyên là bộ trưởng Tư Pháp, đang vận động thành lập một tiểu ban điều tra về các vụ bạo lực, giết người.
Úc đối xử cực kỳ tàn nhẫn người xin tị nạn
« Amnesty International tố cáo Úc đối xử tàn nhẫn cùng cực đối với người xin tị nạn ». Với hàng tựa này, báo Le Monde tường thuật lại việc hai nhân viên của tổ chức phi chính phủ là Amnesty International và Human Rights Watch tới được đảo Nauru hồi tháng Bẩy vừa qua, để điều tra về điều kiện tiếp đón những người tị nạn bị Úc đưa sang đây. Theo các nhân chứng, trong hoàn cảnh cùng cực và đầy tuyệt vọng, dường như tự tử là lối thoát duy nhất.
Qua tiếp xúc và trao đổi với 84 nhân chứng, đến từ nhiều quốc gia như Iran, Irak, Pakistan, Somalia, Bangladesh, Afghanistan, giám đốc phụ trách nghiên cứu của Amnesty International, bà Anna Neistat tố cáo chính sách của Úc đối với người xin tị nạn là « cực kỳ tàn nhẫn » và ít có quốc gia nào trên thế giới lại đi xa đến mức chủ ý hành hạ những con người đang mưu cầu an ninh và bình an.
Nhiều nhân chứng cho biết để khỏi phải sống cùng cực, họ đã nghĩ đến chuyện tự tử. Một số người đã dùng đến dao nhựa để cắt mạch máu hoặc uống cả chai xà phòng gội đầu. Theo bà Neistat, những người tị nạn đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng đến mức họ cho rằng tự hủy hoại bản thân là cách duy nhất để được chính quyền lắng nghe và tự tử là là lối thoát duy nhất.
Hiện nay, tại Nauru, có khoảng 1200 người xin tị nạn, trong đó có hàng chục trẻ em. 70% trong số này đã được quốc tế cấp quy chế tị nạn. Từ năm 2015, những người tị nạn được phép đi lại tự do tại đảo quốc có khoảng 10 ngàn dân này. Nhưng họ bị người dân ở đây bạo hành, xua đuổi, phụ nữ bị xâm hại tình dục.
Nauru là một hòn đảo rộng 21 km vuông ở Thái Bình Dương, một trong những quốc gia nhỏ nhất và khép kín nhất trên thế giới. Chính quyền quốc đảo này hầu như từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo và nếu có cấp thì phí thị thực là 8000 đô la. Từ tháng Giêng 2014 đến nay, chỉ có hai cơ quan truyền thông được tới quốc đảo này. Amnesty International bị từ chối thị thực nhập cảnh sáu lần. Do vậy, nhân viên của tổ chức này đã quyết định tới nơi đây như khách du lịch.
Nauru khép kín cánh cửa đối với báo chí và các tổ chức bảo vệ nhân quyền vì chính quyền không muốn ai quan tâm đến số phận những người tị nạn hoặc đang xin tị nạn. Báo Le Monde cho biết, đó là những người trốn chạy chiến tranh, tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Úc. Thế nhưng chính sách của Canberra rất cứng rắn đối với thuyền nhân và đã chuyển tất cả số người này sang đảo Nauru. Đổi lại, quốc đảo này nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Canberra. Và chính quyền Nauru lại giao cho các công ty tư nhân quản lý người tị nạn.
Theo báo Le Monde, đa số người tị nạn đã sống tại Nauru từ nhiều năm và họ không hề biết phải ở lại đây cho đến bao giờ, nơi mà họ coi như một « nhà tù ». Bất chấp các chỉ trích của Liên Hiệp Quốc và các báo cáo được công bố, chính quyền Canberra không làm gì để thay đổi tình hình tại Nauru. Do vậy, Amnesty International và Human Rights Watch kết luận : việc Canberra không hề làm gì trước các hành vi lạm dụng nghiêm trọng dường như là một chính sách chủ ý nhằm răn đe những người xin tị nạn khác tới Úc bằng thuyền. Và đưa những người tị nạn sang Nauru rồi để cho họ sống trong tình cảnh cùng cực hết mức dường như là một trong những mục tiêu của Úc.
Bộ Nhập Cư Úc trách cứ Amnesty International và Human Rights Watch không tham khảo chính quyền trước khi công bố báo cáo và « kiên quyết bác bỏ » các cáo buộc. Úc khẳng định sẽ tiếp tục chính sách này và cho rằng đã cứu sống được nhiều thuyền nhân. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull còn hoan nghênh việc bắt giữ các tàu bè chở người tị nạn, cho phép bảo đảm an ninh ở biên giới. Lập trường của Canberra cho đến nay không hề thay đổi : đó là những người nhập cư bất hợp pháp, bất kể vì mục đích gì, cho dù họ được hưởng quy chế tị nạn, thì vẫn không được quyền định cư tại Úc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160805-vu-tai-tieng-kich-thich-cuoc-chien-tham-lang-tai-the-van-hoi

Vì sao Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế nhẹ tay với Nga ?

Vì sao Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế nhẹ tay với Nga ?
 

    Hàng trăm vận động viên Nga sẽ tham gia Thế Vận Hội Rio 2016. Cho dù bản báo cáo của Cơ quan Thế giới chống doping AMA kết luận có bằng cớ bộ Thể Thao Nga tổ chức gian lận với sự tiếp tay của mật vụ FSB và đề nghị trừng phạt Nga, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO cuối cùng đã chọn thái độ chừng mực.

    Nga không bị trục xuất, nhưng với 119 vận động viên điền kinh chính thức bị loại, hình ảnh nước Nga của ông Putin bị thiệt hại nhiều. Bị tố giác vào tháng 11/2015, tệ nạn « doping có hệ thống » trong giới vận động viên điền kinh Nga và do chính Liên đoàn Quốc gia và Cơ quan chống dùng thuốc kích thích của Nga tổ chức đã gây chấn động thế giới Olympic. Quả bom gian lận cấp quốc gia này đã gây sóng gió cho đến ngày khai mạc Olympic Rio 05/08/2016.
    Bản báo cáo công bố ngày 18/07/2016 của ủy ban điều tra độc lập Mc Laren, tên của luật gia Canada do Cơ quan Thế giới chống dùng thuốc kích thích AMA ủy nhiệm, đã chỉ rõ qui mô « quốc gia » của nạn dùng thuốc kích thích trong giới vận động viên Nga : không giới hạn trong Thế Vận Mùa Đông ở Sotchi và cũng không giới hạn trong bộ môn điền kinh.
    Từ năm 2011 đến 2015, Cơ quan chống doping của Nga, dưới sự giám sát của bộ Thể Thao và sự tiếp tay của mật vụ FSB, hậu thân của KGB, đã sửa đổi các kết quả xét nghiệm từ « » thành « không ». Tổng cộng, 30 bộ môn thể thao của Nga đều gian lận.
    Ủy ban điều tra Mc Laren đưa ra danh sách chi tiết và rất dài, đứng đầu là điền kinh với 139 mẫu, cử tạ với 117 mẫu, đô vật 28, xe đạp 26, bơi lội 18 …
    Tuy nhiên, cho dù tệ nạn doping « có tổ chức » ở cấp độ Nhà nước và trong Ủy Ban Thế Vận Nga , Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã không sử dụng biện pháp trục xuất thành viên Nga. Đổi lại, các vận động viên Nga phải qua ba lần thanh lọc : phải được sự chấp thuận của Liên đoàn quốc tế liên hệ, không bị Toà án Trọng tài Thể thao TAS bác đơn kháng cáo và cuối cùng là phải được đèn xanh của một ủy ban đặc biệt gồm ba « thẩm phán » do CIO chỉ định.
    Nếu nhìn vào thành phần « thẩm phán » này, người ta có thể dự đoán kết quả ít nhiều thuận lợi cho Nga.
    Tuy nhiên, theo quan điểm của Matxcơva, do CIO không thể tự làm mất mặt nên tìm mọi cách để giới hạn số vận động viên Nga tham gia Thế Vận Rio. Theo luận điểm này, do bị chỉ trích quá bao dung đối với nước Nga, giờ đây CIO phải đặt thêm điều kiện để gây khó khăn cho Nga qua « Ủy ban đặc biệt ba thẩm phán ».
    Báo Moskovsky Komsomolets cho rằng ủy viên Claudia Bokel, cựu vận động viên kiếm thuật của Đức có lập trường trừng phạt tập thể. Tuy nhiên, tờ báo đại chúng này không nói rõ là thành viên thứ hai, bác sĩ Ugur Erdener, người Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là chủ tịch Liên đoàn bắn cung quốc tế cho rằng các cung thủ của Nga không có gì để nghi ngờ. Vị « thẩm phán » thứ ba là con trai của cựu chủ tịch CIO Juan-Antonio Samaranch, người Tây Ban Nha, cũng chống lại biện pháp trừng phạt tập thể.

    Kiểm tra doping. Ảnh minh họa.REUTERS/Sergei Karpukhin/File Photo

    Những lý do giải thích thái độ chừng mực của CIO
    Theo Armand de Rendiger, chuyên gia quốc tế về phong trào Olympic thì nếu CIO « đập mạnh » thì sẽ đi ngược lại nguyên tắc sinh hoạt của tổ chức Thế Vận Quốc Tế . Ông nhận định trên Le Figaro như sau :
    Tuy là chủ nhân của Thế Vận Hội nhưng CIO không có quyền trừng phạt tập thể với lý do có đông đảo vận động viên của một liên đoàn phạm tội gian lận. Làm như vậy là bất công đối với những vận động viên không gian dối.
    Thứ hai, CIO tuy có quyền trục xuất một Ủy ban Thế vận Quốc gia thành viên vì có sự can thiệp chính trị của Nhà nước như đã trừng phạt Koweit và Irak nhưng không thể làm như thế trong trường hợp « doping ».
    Thế Vận Rio đã gặp nhiều khó khăn. Chuyện gian lận của vận động viên điền kinh Nga chỉ là vấn đề bổ sung mà thôi. Nga, cũng như Mỹ, Canada, Úc và Ý là những nước đóng góp rất nhiều cho nguồn tài chính của CIO. Đụng chạm với một trong những nhà tài trợ này về tiền nong, vận động viên hay hình ảnh quốc gia sẽ gây nhiều hậu quả xấu về sau.
    Cũng theo chuyên gia Armand de Rendiger, chủ tịch CIO Thomas Bach, người Đức, hiện nay là một nhà « ngoại giao tinh tế » : Một người khác chắc chắn sẽ đập bàn tuyên bố bất chấp hệ quả tài chính và hình ảnh để trừng phạt Nga đến nơi đến chốn. Thế nhưng vị chủ tịch người Đức này biết rõ CIO đối phó với nhiều vấn đề. Do vậy, biện pháp hay nhất là giải quyết từng vấn đề một, xong chuyện này đến chuyện khác trong một thế giới mà thể thao thế vận đã trở thành một chuyện quốc sự.
    Chủ tịch CIO Thomas Bach điều hành Ủy Ban Thế Vận với bàn thay sắt tùy theo mục đích và tham vọng của ông. Juan-Antonio Samaranch quản lý CIO (1980-2001) trong bối cảnh Ủy Ban mở cửa đón nguồn tài trợ tư nhân và giới quản trị chuyên nghiệp. Jaques Rogge (2001-2013) lên kế vị, chọn thái độ trung lập, để phải nỗ lực chỉnh đốn hệ quả thời Samaranch. Từ 2013 đến nay, Thomas Bach phải chứng tỏ khả năng chiến lược từ thể thao cho đến chính trị để điều hành CIO.
    Ủy Ban Quốc Tế CIO không muốn phải đối đầu với một loạt vụ kiện tụng với các Ủy ban Quốc gia và vận động viên sau khi Thế Vận Hội Rio bế mạc. Chủ tịch Thomas Bach còn nhiều ưu tiên và ưu tư cải cách cơ cấu điều hành tổ chức nhất là về tài chính.
    CIO nương tay nhưng Nga đã mất nhiều uy tín
    Địa chiến lược chính là lý do sâu xa nhất theo nhà phân tích Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Iris. Tác giả quyển sách « JO Politique » khen ngợi một quyết định địa chiến lược « thông minh » của CIO.
    Sau đây là bài phỏng vấn do báo Le Figaro ngày 02/08/2016 thực hiện :
    Le Figaro : Theo ông thì vì sao CIO trao cho các liên đoàn thể thao liên hệ trách nhiệm trục xuất vận động viên Nga ?
    Pascal Boniface : CIO đã lấy quyết định địa chính trị sáng suốt. Các bằng chứng tệ nạn dùng thuốc kích thích được tổ chức ở cấp quốc gia rất rõ ràng. Tuy nhiên, CIO không muốn làm cho Nga bị sỉ nhục như Nam Phi thời chế độ Apartheid và Afghanistan khi Taliban chiếm chính quyền năm 2000 và cấm phụ nữ chơi thể thao. Tôi nghĩ rằng CIO muốn giữ thái độ chừng mực là chỉ trừng phạt những vận động viên Nga gian lận nhưng không trừng phạt « nước Nga ».
    Ông Putin và người Nga sẽ la hoảng đây là âm mưu của Tây phương còn người Tây phương sẽ chỉ trích CIO thiếu cứng rắn. Tuy vậy, thái độ chừng mực này của CIO cũng đủ làm Putin thua ngược và hình ảnh của nước Nga đã bị sứt mẻ rất nhiều.
    Le Figaro : Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị-kinh tế- thể thao trong những tháng gần đây, vị thế của nước Nga tại Rio ra sao ?
    Pascal Boniface : Nước Nga, chủ nhà tổ chức cúp bóng đá thế giới trong hai năm tới đây, đã bị mất mặt vì Liên đoàn Điền kinh Quốc tế cấm vận động viên Nga tham sự Thế Vận Rio. Hệ quả tất yếu là Nga sẽ bị mất nhiều huy chương. Nhục thứ hai là đội tuyển bóng đá Nga bị loại ngay vòng một ở cúp vô địch Châu Âu Euro 2016 vừa qua trong khi chỉ còn hai năm là họ tổ chức cúp Thế giới. Không phải chỉ có sự yếu kém của các cầu thủ mà chính tác phong của ủng hộ viên du côn hooligans Nga làm dư luận chê cười. Thế mà cúp Vô địch Thế giới 2018 rất quan trọng đối với tổng thống Putin, với những thử thách về hình ảnh nước Nga và an ninh trong hai năm tới đây. Ông Putin cần một World Cup thành công mỹ mãn từ việc tiếp đón các phái đoàn cầu thủ và ủng hộ viên ngoại quốc cho đến trình độ của bóng đá Nga để tô điểm cho hình ảnh đất nước của ông. Tổng thống Putin kỳ vọng vào thể thao nhưng bị thua điểm về hình ảnh.
    Le Figaro : Thế Vận Hội ngày nay phải biểu hiệu cho những giá trị nào và cần phải tránh những sai trái nào ?
    Pascal Boniface : Bị nghi ngờ gian lận, dùng thuốc tăng lực trái phép là chuyện quan trọng cần phải tránh. Do vậy phải trừng phạt nặng nề tội này. Sự kiện CIO gia tăng biện pháp bài trừ doping và khả năng (khoa học) cho phép truy ngược thời gian tìm bằng chứng ai là kẻ gian lận là một bảo đảm cho tương lai. Những Thế Vận Hội xứng đáng được tôn trọng và thể thao hoàn toàn trong sạch. Thế Vận Hội phải cống hiến hình ảnh tích cực, hình ảnh của những cuộc thi tài minh bạch trong đó mọi vận động viên xứng đáng phải có chổ đứng và mọi gian trá phải bị cấm triệt để.
    Làng thế vận, nơi sinh hoạt của hàng chục ngàn vận động viên đến từ hàng trăm quốc gia đại diện cho nhiều bộ môn thể thao khác nhau phải là biểu tượng của ngôi làng toàn cầu và của nhân loại.Số phận của đoàn vận động viên điền kinh Nga, với chứng cớ dùng thuốc kích thích rõ như ban ngày, xem như đã an bài. Theo tin giờ chót, 11 võ sĩ quyền Anh của Nga, 9 nam, 2 nữ vừa được đèn xanh tham dự JO Rio. Phái đoàn Nga đến Rio cũng còn khá đông đảo với khoảng 260 vận động viên theo thông tin cho đến ngày 04/08 , tuy CIO vẫn chưa thông báo quyết định chính thức, 24 giờ trước khi Thế Vận Hội khai mạc.
    Bộ trưởng thể thao Nga Vittali Moutko cám ơn CIO nhẹ tay, không trục xuất Ủy Ban Thế Vận Nga trong kỳ Olympic Rio.
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160804-vi-sao-uy-ban-the-van-quoc-te-nhe-tay-voi-nga

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten