woensdag 31 augustus 2016

Mỹ - Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng

Mỹ - Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng

media
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar họp báo chung ở Lầu Năm Góc, ngày 29/08/2016.Chip Somodevilla/Getty Images/AFP

Quan ngại trước đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Hoa Kỳ và Ấn Độ hôm qua 29/08/2016, đã đạt được thỏa thuận hợp tác quốc phòng, một ngày trước khi khai mạc chương trình “ Đối thoại chiến lược và thương mại ” lần hai, dự kiến diễn ra ngày hôm nay 30/08/2016 tại New Dehli.
Trong một thông cáo chung của hai chính phủ, cả hai bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter và Manohar Parrikar hôm qua tại Washington đã ký kết một thỏa thuận hợp tác dự kiến mở cửa các khu căn cứ quân sự giữa đôi bên cho các hoạt động bảo trì và cung cấp thiết bị quốc phòng.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, hợp tác song phương này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các chiến dịch quân sự chung trên phương diện hậu cần. AFP nhận định là thỏa thuận trên sẽ mang lại lợi thế cho kế hoạch “ xoay trục ” từ châu Mỹ sang châu Á của Hoa Kỳ nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Kể từ những năm 2000, trên phương diện quốc phòng, hai bên đã xích lại gần nhau một cách ngoạn mục. Quan hệ Mỹ - Ấn luôn gặp khó khăn trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh, do việc New Dehli tuy là trung lập, nhưng có phần hơi ngả theo khối Xô viết. Bên cạnh đó, Washington cũng đã đề ra những biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998.
Trong khuôn khổ chương trình “ Đối thoại chiến lược và thương mại ” lần hai, hôm nay ngoại trưởng John Kerry có buổi gặp với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Lãnh đạo Ấn Độ trong chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng 6/2016 đã đề nghị với Washington tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và quân sự giữa đôi bên, với tham vọng tăng gấp 5 lần khối lượng trao đổi mậu dịch lên 500 tỷ đô-la/ năm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160830-my-an-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-quoc-phong

Mỹ Ấn bàn việc chống tàu ngầm xâm nhập vì lo ngại Trung Quốc

mediaTầu ngầm lớp Song, do Trung Quốc tự đóng.Wikimedia
Ấn Độ và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc giúp đỡ lẫn nhau truy lùng các tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Reuters hôm nay 02/05/2016 dẫn lời các viên chức quân sự cho biết như trên. Việc hợp tác này có thể giúp siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn trước tình hình Trung Quốc tăng cường các hoạt động dưới đáy biển.
Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đang hết sức quan ngại trước tầm vóc và tham vọng của Hải quân Trung Quốc, hiện đang ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông đồng thời thách thức vị thế hiện nay của New Delhi ở Ấn Độ Dương. Sau nhiều thập kỷ do dự không muốn ngả về phía Mỹ, rốt cuộc tháng trước Ấn Độ đã chấp nhận mở cửa các căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, để được chuyển giao công nghệ vũ khí nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc.
Hai bên cũng cho biết Hải quân Mỹ-Ấn sẽ bàn thảo về việc chống chiến tranh tàu ngầm (ASW), một lãnh vực kỹ thuật quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau. Các viên chức Hải quân Ấn Độ nói rằng tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trung bình bốn lần mỗi ba tháng. Một số được trông thấy gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, nối với eo biển Malacca, ngõ vào Biển Đông mà hiện trên 80% số nhiên liệu cung ứng cho Trung Quốc phải đi qua.
Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tiến hành tập trận hải quân chung, đều sử dụng kiểu phi cơ P-8 mới, nên có thể chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin siêu nhạy cảm về các hoạt động của tàu ngầm. P-8 là vũ khí săn tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị các bộ cảm biến có thể truy tìm và nhận diện tàu ngầm bằng sóng siêu âm và các phương tiện khác.
Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra lời bình luận, nhưng một nguồn tin khác cũng của binh chủng này nói với Reuters là mục tiêu sắp tới của cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở phía bắc Biển Philippines vào tháng Sáu tới là nhằm chống tàu ngầm xâm nhập. Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang truy lùng tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cũng sẽ tham gia.
Theo các chuyên gia, có hai nhân tố liên quan đến việc hợp tác. Viễn cảnh các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tuần tra đã khiến các nước phải giám sát các hoạt động xung quanh căn cứ tiềm thủy đĩnh của nước này ở đảo Hải Nam. Trong khi đó Ân Độ đang chuẩn bị khai trương tàu ngầm tự đóng đầu tiên, trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân.
Nếu tàu ngầm tấn công của Mỹ truy tìm các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh cũng dự kiến điều nhiều tàu ngầm tấn công hơn đến Ấn Độ Dương để theo dõi các động tĩnh của New Delhi.
Hoa Kỳ hiện dẫn đầu thế giới về việc chống tàu ngầm xâm nhập, và theo các chuyên gia, việc hợp tác có thể mở rộng với Úc, một đồng minh khác của Mỹ vừa đặt mua 12 chiếc tàu ngầm tiên tiến.
Được hỏi về vấn đề hợp tác Mỹ-Ấn, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh « hy vọng sẽ là sự hợp tác bình thường, có ý nghĩa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực ».
Ấn Độ tham gia tập trận ở Biển Đông
Trang mạng MarineLink.com hôm nay, 02/05/2016 loan tin là Ấn Độ sẽ cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản tham gia tập trận chung trên biển ở khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai nơi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Đây là cuộc tập trận đa phương diễn ra tại Singapore và Brunei, kéo dài từ ngày 02/05 đến 12/05/2016, trong khuôn khổ cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), để thao dượt bảo đảm an ninh hàng hải và chống khủng bố. Tham gia cuộc tập trận này, ngoài ba nước nói trên còn có các nước ASEAN, Nga, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngày 28/04/2016, Trung Quốc loan báo sẽ gởi một chiến hạm và lực lượng đặc nhiệm đến tham gia cuộc tập trận đa phương này. Trong số những nước tham gia, có những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, như Việt Nam và Philippines. Đây là lần đầu tiên hải quân Việt Nam gởi một chiến hạm tham gia một cuộc tập trận quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-tq-hk-ad-tau-ngam-qt-qs

Mỹ : Sẽ tập trận chung với Ấn Độ và Nhật Bản gần Biển Đông

mediaĐội hình chiến hạm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore nhân cuộc tập trận Malabar năm 2007. Ảnh tư liệu chụp ngày 05/09/2007.US Navy
Trong một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc phẫn nộ, Hải Quân ba nước Mỹ, Ấn và Nhật Bản sẽ tổ chức tập trân chung tại vùng biển ngoài khơi miền Bắc Philippines, gần Biển Đông. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã loan báo kế hoạch trên đây vào hôm qua, 02/03/2016, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở New Delhi (Ấn Độ), đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận ba bên đó được dự trù trong năm 2016, tại khu vực Biển Bắc Philippines.
Sau khi xác định rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản của tất cả các nước, dù không nêu đích danh Trung Quốc, đô đốc Harris đã mượn ví dụ Ấn Độ để chỉ trích các hành động hù dọa của Trung Quốc đối với các láng giềng ở Biển Đông khi cho rằng : « Trong khi một số quốc gia tìm cách bắt nạt các nước nhỏ hơn bằng cách hăm doạ và cưỡng ép, tôi rất khâm phục Ấn Độ, môt ví dụ về việc giải quyết trong hòa bình tranh chấp với các láng giềng tại Ấn Độ Dương ».
Thông báo về cuộc tập trân chung Mỹ-Ấn-Nhật được tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương đưa ra đúng một hôm sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc là việc quân sự hoá Biển Đông tất yếu sẽ kéo theo các « hậu quả ».
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào năm ngoái, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã quyết định mở rộng cuộc tập trận song phương thường niên Malabar và mời Nhật Bản cùng tham gia trở lại, sau tám năm vắng mặt. Quyết định mời Nhật Bản được đánh giá là nhằm kháng lại thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Trong phát biểu hôm qua, đô đốc Harris khẳng định rằng Hoa Kỳ mong muốn mở rộng các cuộc tập trận Hải Quân chung thường niên với Ấn Độ ra toàn bộ vùng châu Á-Thái Bình Dương. Việc làm này có tác dụng lôi kéo Ấn Độ tham gia trực tiếp vào vấn đề Biển Đông.
Gần đây, giới chức quân sự hai nước đã mở những cuộc đàm phán về khả năng hai bên cùng tham gia những cuộc tuần tra chung trên biển. Hãng tin Reuters đã trích dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ cho rằng Biển Đông có thể nằm trong phạm vi các cuộc tuần tra, một thông tin sau đó đã được cả hai phía Mỹ và Ấn Độ cải chính, cho rằng trước mắt không có khả năng đó.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160303-my-loan-bao-se-tap-tran-chung-voi-an-do-va-nhat-ban-gan-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten