vrijdag 26 augustus 2016

Miến Điện: cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và giải Nobel Hòa Bình, ông Kofi Annan làm cố vấn về Rohingya cho bà Aung San Suu Kyi

Miến Điện: Kofi Annan làm cố vấn về Rohingya cho Aung San Suu Kyi

mediaNguyên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nhân một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 02/08/2012.REUTERS/Denis Balibouse
Bà Aung San Suu Kyi hôm qua 24/08/2016 đã bổ nhiệm cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và giải Nobel Hòa Bình, ông Kofi Annan, làm chủ tịch Ủy Ban Tham Vấn chuyên trách về dự báo các xung đột sắc tộc và tôn giáo tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện. Quyết định này cho thấy bà Aung San Suu Kyi quyết tâm mở cửa cho nước ngoài tham gia vào việc xử lý hồ sơ gai góc này.
Từ Rangun, thông tín viên RFI Rémy Favre nhận định :
“ Bên cạnh Aung San Suu Kyi toàn là người nước ngoài. Ông Kofi Annan, người Ghana, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc giai đoạn 1997-2006, sẽ chủ trì uy ban tham vấn phụ trách việc tìm kiếm các giải pháp cho xung đột tại bang Rakhine.
Tại khu vực giáp giới với Bangladesh này, 100.000 người đang tị nạn trong những trại tạm bợ từ năm 2012. Phần đông là những người Hồi Giáo Rohingya không được công nhận .
Bên cạnh bà Suu Kyi, còn có một giáo sư đại học người Liban, cũng như một nhà ngoại giao Hà Lan. Hai người này cũng sẽ là thành viên của ủy ban trên, có nhiệm vụ đưa ra các đề nghị trong vòng một năm.
Chính phủ Miến Điện tiền nhiệm, do các cựu tướng lĩnh lãnh đạo, luôn xem hồ sơ Rakhine như là một vấn đề thuần nội bộ. Lên nắm quyền từ tháng 4/2016, bà Aung San Suu Kyu đoạn tuyệt với chính sách này. Nay bà quyết định mở hồ sơ này ra bên ngoài.
Việc nhờ vào các chuyên gia nước ngoài về vấn đề nhân quyền cho thấy bà sẵn sàng xem xét một giải pháp cho người Rohingya. Những người này không được cấp quốc tịch cũng như không được hưởng giáo dục tại Miến Điện. Họ không có quyền di chuyển từ làng này sang làng khác.
Vào tháng 6/2016, Liên Hiệp Quốc đề nghị mở một điều tra về tội ác chống nhân loại xảy ra tại khu vực này.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160825-mien-dien-kofi-annan-tro-thanh-co-van-ve-rohingya-cho-ba-aung-san-suu-kyi

Liên Hiệp Quốc : Người Rohingya, nạn nhân "tội ác chống nhân loại"

media
Một chiếc tầu chở người Rohingyas ngoài khơi Indonesia.AFP PHOTO / JANUAR

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhân Ngày Tị nạn Quốc Tế 20/06 báo động tình trạng khốn khó của sắc dân Rohingya, theo đạo Hồi, ở Miến Điện. Không được xem là công dân Miến Điện, hàng trăm ngàn người sống chen chúc nhau trong các khu tạm cư ở miền tây, biến thành nạn nhân của lao động cưỡng bách và nô lệ tình dục.
Trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc dành cho các sắc dân thiểu số ở Miến Điện, Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tố cáo tinh trạng « vi phạm nhân quyền có hệ thống, với qui mô lớn có thể bị xem là phạm tội ác chống nhân loại và bị truy tố ra toà án ».
Với khoảng 1 triệu người, trong số này có những người định cư tại Miến Điện từ nhiều thế hệ vẫn bị xem là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh.
Mãi đến thập niên 1990, trẻ con Rohingya mới được cấp giấy khai sinh. Trong những năm cuối dưới chế độ độc tài, nhiều vụ xung đột đẫm máu xảy ra giữa cộng đồng thiểu số này với một bộ phận Phật tử do một nhóm tu sĩ cực đoan kích động.
Ngay bà Aung San Suu Kyi cũng tỏ ra lãnh đạm với số phận của người Rohingya và thái độ này làm cho giải Nobel Hoà bình 1991 bị công luận quốc tế chỉ trích.
Cao Ủy Tị Nạn nhìn nhận chính quyền mới thừa kế di sản của chế độ cũ khi mà « luật pháp được soạn ra để phủ nhận các quyền căn bản của các sắc dân thiểu số ». Chế độ mới đã tỏ ý muốn thay đổi. Liên Hiệp Quốc hy vọng là sẽ được chính phủ của bà Aung San Suu Kyi cùng hợp tác để cải thiện đời sống của người Hồi Giáo theo các đề nghị của bản báo cáo.
Số phận mong manh của sắc dân Shan và Kachin trong cuộc nội chiến chống chính quyền trung ương cũng không bị bỏ quên. Liên Hiệp Quốc đòi hỏi « một cuộc điều tra toàn diện » về tình trạng vi phạm nhân quyền ở các bang Rakhin, Kachin và Shan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160620-lien-hiep-quoc-nguoi-rohingya-nan-nhan-toi-ac-chong-nhan-loai

Tội ác chống người Rohingya : Miến Điện bị 19 tổ chức Hồi giáo kiện tại Mỹ

mediaNgười Rohingya tại Miến ĐiệnREUTERS/Rafiqur Rahman
Khoảng 20 tổ chức Hồi giáo đệ đơn lên tư pháp Hoa Kỳ để kiện Tổng thống Miến Điện Thein Sein và một số thành viên khác trong chính phủ, vì các tội ác chống lại người Rohingya. Biến cố nói trên xảy ra chỉ một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện, được coi là một trắc nghiệm đối với tiến trình chuyển đổi dân chủ.
Theo AFP, đơn kiện đã được gửi đến tư pháp Hoa Kỳ thứ Năm vào tuần trước, 01/10/2015. Các nguyên đơn yêu cầu thẩm phán Debra Freeman triệu tập Tổng thống Miến Điện, cùng với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin, và một số giới chức khác, thể theo luật « Alien Tort Statute ». Luật này cho phép các công dân nước ngoài được khiếu nại để đòi hỏi các đền bù cho các vi phạm nhân quyền bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo nhắm vào Tổng thống Miến Điện không được chính quyền nước này cho là quan trọng. Sau đây là phản ứng của người phát ngôn của chính quyền Miến Điện hôm qua : « Miến Điện không phải là chư hầu của Mỹ. Tôi không hiểu bằng cách nào Miến Điện lại có thể bị đưa ra một tòa án liên bang của Hoa Kỳ ».
Đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo cáo buộc người Rohingya là « các đối tượng chính của các hành động tội ác, có thể sánh với một ‘‘cuộc diệt chủng’’, do hận thù và kỳ thị từ phía các sư tăng Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan và chính phủ Thein Sein ». Theo đơn kiện, các hành động tội ác được nói đến, có nguồn gốc từ năm 1962, khi chính phủ Phật giáo lên cầm quyền tại Miến Điện với một ý thức hệ độc tôn, loại trừ các nhóm thiểu số. Người Rohingya đã không được phép có quốc tịch và « bị truy bức tàn khốc vì lý do sắc tộc và đức tin tôn giáo ».
Khoảng 1,3 triệu người Rohingya, theo đạo Hồi, sống tại Miến Điện bị coi như người nhập cư trái phép từ nước láng giềng Bangladesh. Các nhà quan sát ghi nhận, rất nhiều người trong cộng đồng này bị phân biệt đối xử nặng nề, bị cưỡng bức lao động, bị trưng thu đất đai, hạn chế đi lại, cùng nhiều hình thức cưỡng đoạt khác. Hàng chục nghìn người Rohingya phải sống trong các trại tị nạn tại Bangladesh. Khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh liều mình vượt biển tới các nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, trong quý một năm nay (theo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc) : Khủng hoảng tị nạn được coi là nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á từ nhiều thập niên nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151006-md-my-rohingya-tp-xh

Miến Điện tống xuất di dân Rohingya về Bangladesh

mediaNgườii tỵ nạn Ronhigya tại một trại tạm cư ở Indonesia. Ảnh chụp ngày 31/05/2015.Reuters
Khoảng 150 thuyền nhân Rohingya được hải quân Miến Điện vớt trên biển đã bị đưa về Bangladesh ngày 08/06/2015. Bị Liên Hiệp Quốc lên án áp bức người Hồi giáo, chính quyền Miến Điện tìm cách chứng minh thảm nạn thuyền nhân không bắt nguồn từ chính sách phân biệt đối xử.
Theo Saw Naing, một viên chức thuộc bộ Di trú Miến Điện, chính quyền Bagladesh đã đồng ý nhận 150 người Hồi giáo Rohingya sau môt cuộc gặp gỡ « thân thiện » giữa hai nước.
Đây là những thuyền nhân đầu tiên trong số 2000 di dân Rohingya được hải quân Miến Điện vớt trên biển trong khuôn khổ chiến dịch cứu trợ thuyền nhân, phối hợp với Indonesia, Thái Lan và Malaysia, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế.
Theo phóng viên của AFP có mặt tại chổ, nhóm 150 thuyền nhân này đều là nam giới, vừa được chuyển từ một trại tạm giam đến bờ sông biên giới Naf. Chính quyền Miến Điện tuyên bố chưa biết rõ xuất xứ của 1850 thuyền nhân còn lại. Chi tiết này làm dấy lên mối lo ngại họ sẽ nhân cơ hội này trục xuất về Bangladesh một số người Hồi giáo trong cộng đồng Rohingya cư trú tại bang Rakhine từ nhiều thế hệ.
Báo chí Miến Điện thân chính phủ cũng loan tin cảnh sát phá vỡ được nhiều đường dây buôn người, bắt được 93 thủ phạm, chuyên dụ dỗ phụ nữ bán sang Trung Quốc hoặc tuyển lao động đưa sang Thái Lan. Một chi tiết gây chú ý là cảnh sát không phá được một đường dây tổ chức vượt biên nào nào hoạt động tại bang Rakhine, nơi có cộng đồng Hồi giáo Rohingya.
Trong khi đó, cảnh sát Bangladesh thông báo một người Rohongya « đứng đầu một tổ chức di dân bất hợp pháp » bị phe đối thủ bắn chết trong một cuộc chạm súng. Tay « trùm » này là một thanh niên 30 tuổi, tên Amanullah, có tên trong sổ bìa đen của an ninh Bagladesh, theo nguồn tin cảnh sát được AFP trích dẫn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo cộng đồng người Rohingya tỵ nạn tại Nayapara, sát biên giới Miến Điện, thì Amanullah bị cảnh sát Bagladesh câu lưu và sau đó anh chết trong cơ quan cảnh sát. Xác nạn nhân bị vất ra lề đường.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150608-mien-dien-tong-xuat-di-dan-rohingya-ve-bangladesh

Phụ nữ Rohingya bị hãm hiếp trong các trại tỵ nạn Thái Lan và Malaysia

mediaTheo hãng tin Malaysia, phụ nữ Rohingya vượt biên thường bị hãm hiếp trong các trại tỵ nạn - REUTERS /Roni Bintang
Trại tỵ nạn của Thái Lan và Malaysia đón nhận trái phép người Rohingya phải chăng là sào huyệt tội phạm ? Hãng thông tấn Malaysia Bernama trích dẫn một nhân chứng theo đó phụ nữ Rohingya từ Miến Điện chạy sang Thái Lan hay Malaysia lánh nạn thường xuyên bị hãm hiếp.
Bernama trích dẫn lời Nur Khaida Abdul Shukur một phụ nữ người Rohingya còn sống sót, theo đó nhiều đồng hương của bà thường xuyên phải phục vụ cho những người canh giữ các trại tập trung, nơi đón nhận người nhập cư đến từ Miến Điện hay Bangladesh.
Theo lời nhân chứng này, mỗi tối, những « đao phủ » của họ thường đưa hai hay ba phụ nữ trẻ đẹp đến một chỗ bí mật. Tại đây, họ bị hãm hiếp tập thể. Một vài trường hợp thậm chí đã mang thai sau các đợt hành hạ dã man đó.
Bản thân Nur Khaida Abdul Shukur đã từng bị giữ lại trại Padang cho tới cuối năm 2014. Hiện tại bà sống ở thành phố Alor Setamn, Malaysia cùng với chồng. Chồng của bà là Nurul Amin Nobi Hussein cũng đã chứng kiến những cảnh tượng man rợ tương tự tại một khu trại dành cho người tỵ nạn khác trên lãnh thổ Malaysia.
Hussein cho biết đêm đêm, ông thường xuyên nghe được những tiếng khóc tức tưởi và những tiếng gào thét của phụ nữ. Theo hãng thông tấn Bernama, các trại tỵ nạn đón nhận trái phép người Rohinga đang trở thành những sào huyệt tội phạm.
Hãng thông tấn Pháp chưa thể kiểm chứng các tin trên với các giới chức địa phương Thái Lan và Malaysia. Đầu tháng 5/2015, bảy hố chôn tập thể với hơn 30 thi hài được phát hiện trên lãnh thổ Thái. Tuần trước, cảnh sát Malaysia thông báo đã tìm thấy 28 trại tỵ nạn bất hợp pháp, và khoảng 140 ngôi mộ không tên.
Cả Bangkok lẫn Kuala Lumpur đều đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào các đường dây buôn người, mà nạn nhân là người thuộc sắc tộc thiểu số Rohyngya sinh sống tại Miến Điện và Bangladesh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150602-phu-nu-rohingya-bi-ham-hiep-trong-cac-trai-ty-nan-o-thai-lan-va-malaysia

Geen opmerkingen:

Een reactie posten