maandag 29 augustus 2016

Châu Phi : Nhật-Trung tranh giành ảnh hưởng : Nhật hứa đầu tư 30 tỷ đôla + Trung Quốc cam kết hỗ trợ tài chính 60 tỷ đô-la

Nhật hứa đầu tư 30 tỷ đôla vào châu Phi

mediaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông William Ruto, chủ tịch Quốc Hội Kenya, ngày 26/08/2016 ở Nairobi.SIMON MAINA / AFP
Tuyên bố tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD), khai mạc hôm nay tại Nairobi, Kenya hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hứa sẽ đầu tư tổng cộng 30 tỷ đôla ở châu Phi từ năm 2016 đến 2018 để giúp châu lục này công nghiệp hóa, cải thiện chăm sóc y tế và ổn định tình hình.
Được Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế giới và Liên Hiệp Châu Phi đồng tổ chức, hội nghị này là dịp để châu Phi thu hút đầu tư của Nhật Bản để thúc đẩy phát triển. Còn đối với Tokyo, đây là dịp để củng cố vị thế của Nhật trên thị trường châu Phi. Theo dự kiến sẽ có hơn 70 hiệp định được ký kết giữa châu Phi và Nhật Bản nhân hội nghị này.
Hội nghị TICAD hôm nay là hội nghị lần thứ 6 (hội nghị đầu tiên diễn ra vào năm 1993) và là hội nghị đầu tiên được tổ chức ở châu Phi (từ trước tới nay, hội nghị này chỉ diễn ra ở Nhật).
Trong một thời gian dài không quan tâm đến châu Phi, nay Tokyo đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu lục này. Vào năm 2013, Tokyo đã từng hứa viện trợ cho châu Phi 3.200 tỷ yen, tương đương với 28 tỷ euro hiện nay, trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, hiện giờ trao đổi thương mại giữa Nhật với châu Phi còn thấp hơn nhiều so với trao đổi thương mại của Trung Quốc với châu lục này, chỉ đạt 24 tỷ đôla năm 2015, so với 179 tỷ đôla của Trung Quốc với châu Phi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160827-nhat-hua-dau-tu-30-ty-dola-vao-chau-phi

Trung Quốc cam kết trợ giúp 60 tỷ đô la cho Châu Phi

mediaChủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi, Johannesburg, Nam Phi, ngày 04/12/2015.Reuters
Nhân Thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi lần 2 ngày 04/12/2015 tại Johannesburg, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều hứa hẹn trợ giúp châu lục này trên nhiều lãnh vực, trong đó có khoảng viện trợ 60 tỷ đô-la, chủ yếu dưới hình thức vốn vay.
Ngay tại buổi khai mạc Thượng đỉnh, Chủ tịch Trung Quốc thông báo Bắc Kinh “quyết định cấp hỗ trợ tài chính 60 tỷ đô-la, trong đó có 5 tỷ vay với lãi suất 0% và 35 tỷ với lãi suất ưu đãi”.
Số tiền tài trợ này sẽ được sử dụng trong 10 chương trình hợp tác trong vòng ba năm cho nhiều lãnh vực, chủ yếu trong nông nghiệp, công nghiệp hóa, giảm nghèo, sức khỏe, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường hay như phát triển xanh.
Trước sự hiện diện của khoảng 20 nhà lãnh đạo Châu Phi, ông Tập Cận Bình cũng cam kết viện trợ lương thực khẩn cấp trị giá một tỷ nhân dân tệ (tương đương với khoảng 143 triệu euro) cho những quốc gia Châu Phi mùa màng bị thất bát do hiện tượng El Nino.
Trung Quốc còn tỏ ra hào phóng khi tuyên bố sẽ xóa “nợ chính phủ không lãi suất, đáo hạn vào cuối năm 2015” cho những nước Châu Phi kém phát triển nhất. Và trong khuôn khổ “chương trình hòa bình và an ninh”, Chủ tịch Trung Quốc thông báo “tài trợ không hoàn vốn cho Liên Hiệp Châu Phi 60 triệu đô-la để hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chiến dịch của Lực lượng thường trực Châu Phi và khả năng ứng phó nhanh với khủng hoảng”.
Ông Tập Cận Bình cũng cam kết “tham gia tích cực vào các chiến dịch quân sự của Liên Hiệp Quốc duy trì hòa bình tại Châu Phi”. Về chương trình “đối tác công nghiệp”, Chủ tịch Tập hứa sẽ đào tạo 200.000 kỹ thuật viên ngay tại Châu Phi và 40.000 người Châu Phi tại Trung Quốc.
Cuối cùng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cam kết là mối “hợp tác Trung – Phi sẽ không bao giờ gây tổn hại cho hệ sinh thái và lợi ích dài hạn của Châu Phi”. Bắc Kinh hứa thực hiện 100 dự án năng lượng sạch, bảo vệ loài động thực vật hoang dã và phát triển nông nghiệp tôn trọng môi trường.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151204-trung-quoc-cam-ket-tro-giup-60-ty-do-la-cho-chau-phi

Châu Phi: Nhật đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc

mediaẢnh minh họa : Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trả lời báo chí tại văn phòng ở Tokyo, ngày 24/08/2016Reuters
Hội nghị Nhật Phi, Ticad, lần thứ 6 sẽ kéo dài trong hai ngày, 27-28/08/2016 tại Nairobi (Kenya). Thủ tướng Abe với một phái đoàn hùng hậu trên dưới 80 người, bao gồm thành viên chính phủ, doanh nhân… sẽ đến tham dự. Phía Châu Phi có khoảng 30 nguyên thủ quốc gia, với những gương mặt có trọng lượng như tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, không kể tổng thống nước chủ nhà là Uhuru Kenyatta. Theo giới phân tích, Châu Phi lần này đến với hội nghị trong tư thế khá chủ động, không chỉ để nhận trợ giúp, còn Nhật thì cho thấy ý chí làm khác với Trung Quốc.
Sáng 25/08, lúc lên đường đến Kenya trước hội nghị, thủ tướng Abe nhấn mạnh là sức mạnh và chủ bài của Nhật là « công nghệ học có chất lượng cao và kỹ năng đào tạo nhân sự ». Một viên chức cao cấp bộ Ngoại Giao Nhật, ông Shu Nakagawwa còn cho biết thêm là để đáp ứng yêu cầu các quốc gia Châu Phi, rất nhiều đại diện khu vực tư nhân có mặt trong lần đi này.
Theo AFP, từ khi hội nghị Ticad khởi đầu vào năm 1993, đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức trên đất Châu Phi, chức không phải tại Nhật Bản, vì như giải thích của viên chức ngoại giao Nhật, các quốc gia Châu Phi tham gia hội nghị muốn cho thấy họ « chủ động hơn ». Ban tổ chức hy vọng sẽ đạt được khoảng 60 nghị định thư và thỏa thuận thương mại trong hai ngày hội nghị.
Ba chủ đề lớn sẽ là nền tảng cho các cuộc thảo luận để đi đến văn kiện « Tuyên bố Nairobi » : Phát triển kinh tế (xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nhân sự và cải thiện năng suất), vấn đề vệ sinh, y tế, trong đó có bảo hiểm xã hội cho mọi người và cuối cùng là ổn định xã hội.
Ông Nakagawa nói thêm với hãng tin Pháp là Ticad mở rộng cho mọi giới, chứ không chỉ dành cho các quốc gia Châu Phi, các định chế, tổ chức quốc tế hay tác nhân lãnh vực tư cũng tham gia, và các cam kết đều được tôn trọng.
Vả lại theo viên chức này, từ hội nghị cuối cùng vào năm 2013, nhiều vấn đề mới đã xuất hiện và Châu Phi bị tác động mạnh : về kinh tế thì nguyên liệu tuột giá, về xã hội thì dịch bệnh Ebola hoành hành, về an ninh thì khủng bố gia tăng với những nhóm như Boko Haram.
Nhân hội nghị Ticad trước vào năm 2013, Nhật đã cam kết trợ giúp 3.200 tỷ yen ( 28 tỷ euro) cho châu Phi, trải ra trong 5 năm, trong đó 1.400 tỷ yen viện trợ trực tiếp. Theo chính phủ Nhật, 67% mục tiêu đã hoàn tất cuối năm 2015.

‘ Cạnh tranh với Trung Quốc’
Đói với giới quan sát Nhật muốn đóng vai trò hàng đầu trong việc tài trợ và xây dựng hạ tầng cơ sở ở Châu Phi và ra sức ‘cạnh tranh' với Trung Quốc.
Trên thực địa, không kể việc tranh nhau trên các khoản tài chính, Nhật được xem như nhà « cung cấp » có chất lượng hơn, cho dù Nhật chậm chạp hơn và dự án không có quy mô lớn như Trung Quốc.
Giáo sư Koichi Sakamoto, Đại học Tokyo, phân tích : "Nhât biết là phải cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng vì không đi theo được trên bình diện tài chính, nên Nhật đã phải chơi lá bài chất lượng."
Theo một bộ trưởng Nhật đặc trách vấn đề tản quyền, Mwangi Kiunjuri, trong khuôn khổ Ticad 2013, Kenya được tài trợ cho nhiều công trình trong đó có trung tâm nhiệt điện ở Olkaria, và việc mở rộng cảng Mombasa.
Phía Trung Quốc, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội nhận thấy là từ lâu Trung Quốc là "kẻ thù tưởng tượng" của Nhật trong chiến lược ngoại giao ở Châu Phi. Nhật cũng đang nhìn Châu Phi đông dân cư như thị trường cuối cùng cần chinh phục.
Nếu đối với người dân bình thường ở Châu Phi, Nhật hiện diện qua những chiếc xe Toyota second-hand, rất đông đảo trên đường phố, thì các doanh nhân Nhật dang mong muốn bám rễ tại chỗ, nhưng lại thận trọng, đề phòng rủi ro đủ loại.
Tập đoàn điện tử Panasonic dự kiến phát triển loại điện thoại thông minh đặc biệt cho Châu Phi trong lúc không còn bán sang các nước giàu nữa. Ngay trong lãnh vực ẩm thực, các doanh nghiệp Nhật cũng tìm chỗ đứng : tập đoàn sản xuất mì ăn liền Nissin đã chế biến những loại thích hợp với khẩu vị Châu Phi và hợp tác với một trường đại học Kenya.
Lãnh đạo Kenya cho biết là họ hy vong là Ticad lần này « sẽ thúc đẩy kinh tế tại chỗ với những đề nghị mới về thương mại và chương trình đầu tư mới ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160825-chau-phi-nhat-canh-tranh-voi-trung-quoc

Nhật Bản tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Phi

mediaThủ tướng Nhật Shinzo Abe (P) bắt tay đồng nhiệm Ethiopia Hailemariam Desalegn, tại Hội Nghị Quốc Tế Về Phát Triển Châu Phi, Tokyo, ngfay 03/06/2013AFP PHOTO / Toru YAMANAKA
Hội nghị quốc tế Tokyo phát triển châu Phi lần thứ sáu (TICAD) lần đầu tiên được tổ chức trên lục địa đen, theo phát ngôn viên chính phủ Nhật hôm qua 01/02/2016. Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Phi.
Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật cho biết hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8 ở Kenya, và « Chính phủ đang sát cánh với khu vực tư nhân để đảm bảo thành công cho hội nghị ».
Từ khi được khởi xướng năm 1993, sự kiện này luôn được tổ chức trên đất Nhật, và Tokyo lâu nay có truyền thống tập trung viện trợ phát triển cho các nước châu Á. Viện trợ Nhật dành cho châu Phi kể cả Bắc Phi năm 2013 là 2,5 tỉ đô la, và trong hội nghị TICAD tháng 6/2013, Tokyo cam kết viện trợ 10,6 tỉ đô la trong 5 năm.
Vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng và khoáng sản nhập khẩu, cũng như tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm tiêu dùng Nhật và công nghiệp cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc, đại địch thủ của Nhật đang nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng thông qua các dự án hỗ trợ phát triển trên thế giới, nhất là ở châu Á và châu Phi. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi, với tỉ lệ trao đổi thương mại 13,5% so với Nhật Bản chỉ có 2,7%.
Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng tạo vị thế ngoại giao cho Nhật qua nhiều chuyến công du nước ngoài, đặc biệt tại những nước đang phát triển. Chẳng hạn tháng 10/2015 ông đã dành một tuần lễ đi thăm Mông Cổ và năm nước Trung Á, với các hợp đồng nhiều tỉ đô la tại khu vực giàu tài nguyên mà Trung Quốc cũng đang khai thác. Riêng đối với ba quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong khu vực, ông Shinzo Abe là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160202-nhat-ban-tranh-gianh-anh-huong-voi-trung-quoc-tai-chau-phi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten