woensdag 31 augustus 2016

Miến Điện (Myanmar) : Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang

Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang

media
Khai mạc Hội nghị Panglong của thế kỷ 21 tại Naypyitaw ngày 31/08/2016. Trong ảnh (từ trái qua phải), tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, chủ tịch Hạ Viện Mahn Win Khaing Than, phó chủ tịch Henry Van Thio, cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi....REUTERS/Soe Zeya Tun

Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi cam kết sẽ cải cách đất nước thành một « Liên bang » nếu các sắc tộc thiểu số ký kết thỏa thuận ngưng chiến. Nobel Hoà bình 1991, nhân vật nắm thực quyền tại Miến Điện tuyên bố như trên trong diễn văn khai mạc hội nghị hoà bình lịch sử.
Được đặt tên là « Panglong thế kỷ 21 », hội nghị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 60 năm khai mạc tại Naypyidaw ngày hôm nay 31/08. Khoảng 700 đại diện của các nhóm nổi dậy tham gia hội nghị trong số này có tổ chức người Kachin, được Trung Quốc thuyết phục.
Lên cầm quyền từ 5 tháng nay, bà Aung San Suu Kyi đặt mục tiêu chấm dứt nội chiến 60 năm và thành lập nhà nước liên bang, làm ưu tiên số một. Đây cũng là mục tiêu dang dở của hội nghị Panglong năm 1947, do thân phụ của bà là lãnh đạo Aung San triệu tập, sau đó ông bị ám sát.
Trong diễn văn khai mạc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố là « nếu những tác nhân có vai trò trong tiến trình hoà bình biết dung hoà các quan điểm khác biệt vì lợi ích của dân chúng thì chắn chắn sẽ xây dựng được một liên hiệp dân chủ và liên bang mà chúng ta hằng mơ ước ». Bà Aung San Suu Kyi thúc giục các tổ chức chưa ký thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ trước hãy gia nhập vào trào lưu mới hoà bình.
Một trong những « tác nhân » mà bà Aung San Suu Kyi đề cập đến là quân đội.
Tổng tham mưu trưởng quân đội cũng tuyên bố theo chiều hướng này. Theo tướng Min Aung, ông sẽ tận lực thực hiện tiến trình hoà giải vì « binh sĩ quân đội và chiến binh các nhóm sắc tộc võ trang là nạn nhân trực tiếp của tình trạng đất nước không được hoà bình ».
Theo AFP, thiếu vắng lớn nhất trong hội nghị hoà bình là sắc tộc Rohingyas. Ngày hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền dân sự cải thiện đời sống, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với cộng đồng 1,1 triệu người theo đạo Hồi.
Ngược lại, tổ chức vì Kachin độc lập, từ chối ký lệnh ngưng chiến với chính phủ Thein Sein, lần này tham gia hội nghị, có lẽ nhờ có sự thúc giục của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160831-hoa-dam-sac-toc-ba-aung-san-suu-kyi-hua-lap-nha-nuoc-lien-bang

Xung đột sắc tộc Miến Điện : Aung San Suu Kyi nhờ Bắc Kinh giúp

mediaBà Aung San Suu Kyi và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/08/2016.REUTERS/Rolex Dela Pena/Pool
Hôm qua 19/08/2016, trong chuyến công du Trung Quốc, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu chính quyền Trung Quốc hỗ trợ trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt các xung đột với nhiều sắc tộc tại vùng biên giới, giáp với Trung Quốc.
Thông tín viên Rémy Favre tường trình từ Rangoon:
« Trong chuyến công du mang tính chuẩn bị này, Aung San Suu Kyi cần được hậu thuẫn. Hiện tại, nhiều nhóm sắc tộc nổi dậy Miến Điện đang chống lại quân đội tại các vùng biên giới, đặc biệt là phía bắc, suốt dọc theo biên giới với Trung Quốc. Một số thủ lĩnh nổi dậy thậm chí còn ẩn náu trên đất Trung Quốc. Kể từ đầu tháng đến nay, các đụng độ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội, tại các khu vực không xa đất Trung Quốc, đã buộc khoảng 1.500 người phải bỏ nhà ra đi. Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi biết rằng chìa khóa để giải quyết các xung đột này một phần do Bắc Kinh quyết định.
Sự ủng hộ mà bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm trong chuyến công du tuần này ở nước láng giềng hùng mạnh lại càng trở nên quan trọng hơn, vào lúc Aung San Suu Kyi vừa khởi động tiến trình hòa bình trong tháng 8 này. Mười ngày nữa sẽ diễn ra một hội nghị lớn về hòa bình, với các bên tham gia là các nhóm nổi dậy tại Miến Điện, quân đội và chính phủ.
Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện cũng đã cam kết ủng hộ về tài chính và vật lực cho các nỗ lực hòa bình tại Miến Điện ».
Trong chuyến công du của ngoại trưởng Miến Điện, Trung Quốc một mặt tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, mặt khác cũng gây áp lực để chính phủ Miến Điện phải cho khởi động lại dự án xây đập thủy điện khổng lồ Myitsone, bị đình chỉ từ năm 2011, do sự phản đối mạnh mẽ trong công luận Miến Điện. AFP hôm nay, 20/08, trích nhận định trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, theo đó, « việc tái khởi động dự án này chỉ còn là vấn đề thời gian ».
Đập Myitsone : Trung Quốc gây áp lực
Nếu được xây dựng, dự án đập Myitsone, công suất 6.000 MW – dự kiến cung cấp 90% lượng điện sản xuất sang Trung Quốc – sẽ làm ngập hơn 700 km², ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, chưa kể các tác động hết sức lớn đến địa chất, làm tăng nguy cơ động đất, núi lở. Nhiều phương tiện truyền thông Miến Điện gần đây cảnh báo : Chấp thuận dự án Myitsone là hành động « tự sát về chính trị » đối với tân chính quyền Miến Điện. Trong chuyến công du vừa qua tại Trung Quốc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố một ủy ban sẽ xem xét dự án đập Myitsone, nhưng không cho biết cụ thể.
Theo Reuters, hôm qua 19/08, một nhóm gồm 60 tổ chức xã hội dân sự Miến Điện tại Rangoon đã gửi thư đến chủ tịch Trung Quốc, thông qua đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện. Bức thư nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng, kể từ khi dự án đập thủy điện khổng lồ nói trên được khởi công, nhân dân Miến Điện « đã chưa bao giờ thực sự được hỏi ý kiến ».

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160820-xung-dot-sac-toc-mien-dien-aung-san-suu-kyi-nho-bac-kinh-giup

Geen opmerkingen:

Een reactie posten