woensdag 24 augustus 2016

Nhật Bản hiện đại hóa vũ khí để ngăn Trung Quốc ở Biển Hoa Đông + giám sát Biển Đông

Nhật Bản hiện đại hóa vũ khí để ngăn Trung Quốc ở Biển Hoa Đông

mediaQuân nhân Nhật Bản canh gác một hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 địa đối không, đặt tại bộ Quốc Phòng Nhật Bản, Tokyo. Ảnh chụp ngày 07/12/2012.REUTERS/Issei Kato

Vào năm 2017, ngân sách quốc phòng Nhật Bản có khả năng vượt mức 51 tỷ đô la. Một phần không nhỏ của ngân sách được dùng cho việc nâng cấp kho vũ khí.
Để giải thích cho việc này, Tokyo thường nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ các khoản chi dự trù - được báo chí Nhật ngày 19/08/2016 tiết lộ - giới quan sát có thể nhận ra ngay phần lớn đều nhằm đối phó với Trung Quốc, vẫn hung hăng đe dọa Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Điểm nổi bật nhất trong kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí của Nhật Bản trong thời gian tới đây là quyết tâm chế tạo một loại chiến đấu cơ không người lái trong vòng 20 năm sắp tới, theo hai bước : 10 năm đầu hoàn thanh kiểu máy bay trinh sát không người lái, và 10 năm sau đó, chuyển qua việc phát triển một chiến đấu cơ không người lái.
Đó tuy nhiên là hướng lâu dài. Còn trước mắt, quốc phòng Nhật Bản phải quan tâm đến hai nhân tố Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Mục tiêu đối phó với hiểm họa đến từ Bắc Triều Tiên được thể hiện rõ qua dự kiến chi khoảng 1 tỷ đô la (100 tỷ yen) để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3, cho phép mở rộng gấp đôi tầm hoạt động của hệ thống này lên thành hơn 30 km.
Điều này cần phải được mau chóng tiến hành nhằm đối phó với việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa gần đây, và đã khoe rằng họ đã thu nhỏ thành công đầu đạn nguyên tử.
Nhân tố Bắc Triều Tiên cũng thể hiện rõ trong khoản chi tiêu dành cho việc sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 do Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển để có thể bắn hạ tên lửa của đối phương ở tầm cao hơn.
Đáng chú ý hơn cả tuy nhiên lại là những khoản chi nhằm chống Trung Quốc.
Nhật báo Yomiuri đầu tuần này đã tiết lộ việc Tokyo sẽ cho chế tạo một loại tên lửa địa đối hải, có tầm bắn 300 km nhằm tăng cường việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi ở phía nam, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Trong kế hoạch chi tiêu được báo chí tiết lộ ngày 19/08, Tokyo cũng sẽ dành một khoản ngân sách lớn cho việc mua phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ tàng hình F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo.
Việc tăng cường hiệu năng của lực lượng không quân rất cần thiết trong bồi cảnh trong thời gian gần đây, Bắc Kinh không ngần ngại pho trương uy lực không quân của họ trên Biển Đông, đồng thời cho phi cơ thâm nhập vùng không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hay áp sát không phận Nhật Bản.
Trên bộ, ngân sách mới của Nhật Bản cũng sẽ chú ý đến việc tăng cường năng lực cho lực lượng tuần duyên tại khu vực quần đảo Miyakojima và Amami Oshima ở phía Nam, mục tiêu cũng nhằm đối phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160819-nhat-ban-no-luc-hien-dai-hoa-vu-khi-de-ngan-trung-quoc-o-bien-hoa-dong

Hải quân Nhật tập trung giám sát Biển Đông nhiều hơn

media
Máy bay trinh thám P-3C Orion của Nhật Bản tại sân bay Puerto Princesa, Philippines, ngày 23/06/2015REUTERS/Romeo Ranoco

Hôm nay, 11/01/2016, báo Yomiuri Shimbun của Nhật loan tin, bộ Quốc phòng Nhật đã quyết định đưa các máy bay tuần tra loại P-3C đang làm nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển ở ngoài khơi Somali về nước để tập trung vào nhiệm vụ giám sát vùng Biển Đông.
Theo nguồn tin trên, các máy bay trinh sát P-3C sẽ được điều động tăng cường các hoạt động giám sát trên các khu vực đang có tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và những nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines hay Việt Nam.
Trước đây các máy bay P-3C thuộc lực lượng hải quân Nhật vẫn tham gia vào lực lượng đa quốc gia trong lĩnh vực chống cướp biển ngoài khơi Somali. Cứ 3 tháng một lần máy bay Nhật lại cất cánh làm nhiệm vụ giám sát ở vùng biển Châu Phi.
Vẫn theo báo Nhật, thì trước đây các máy bay của nước này vẫn tiếp nhiên liệu ở các căn cứ tương đối xa khu vực Biển Đông như Singapore hoặc Thái Lan. Giờ đây có thể các máy bay Nhật sẽ chọn việc tiếp nhiên liệu ở các cơ sở xung quanh Biển Đông như ở Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Tờ báo cũng nhắc lại, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani hồi tháng 11 năm ngoái, hai bên đã thỏa thuận cho phép tàu của hải quân Nhật được ghé cảng Cam Ranh. Chuyến đi này đã thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Bên cạnh đó một số căn cứ của Philippines và Malaysia cũng được hải quân Nhật nhắm chọn làm điểm ghé qua trong các hoạt động tuần tra trong tương lai.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160111-hai-quan-nhat-tap-trung-giam-sat-vung-bien-dong-nhieu-hon

Nhật Bản muốn nâng cấp toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa

mediaSơ đồ mô hình tên lửa THAAD của Hoa Kỳ.Wikipédia
Chính phủ Nhật đang có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống phòng thủ bắn chặn tên lửa được đặt trên 6 khu trục hạm Aegis và đóng thêm hai tàu khu trục tên lửa tương tự. Tokyo dự kiến sẽ mua của Mỹ các hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên đất liền.
Báo Nhật The Japan Times, hôm nay 15/02/2016, cho biết bộ Quốc Phòng Nhật dự tính nâng cấp hệ thống tên lửa bắn chặn loại SM-3 đang được đặt trên các khu trục hạm Aegis, đồng thời cho rà soát lại toàn bộ hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ đã được đặt trên lãnh thổ Nhật vẫn được gọi là hệ thống THAAD. Những động thái tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật diễn ra ngay trong bối cảnh Bắc Triều Tiên vừa tiến hành bắn thử tên lửa tầm xa hôm 07/02/2016.
Hiện tại, có 4 trong số 6 khu trục hạm mang tên lửa Aegis của lực lượng Phòng vệ Nhật được trang bị hệ thống bắn chặn tên lửa SM-3. Từ nay đến năm 2018, bộ Quốc Phòng Nhật có kế hoạch trang bị hệ thống trên cho hai khu trục hạm Aegis còn lại cho đồng bộ. Ngoài ra bộ Quốc Phòng Nhật đến năm 2020 sẽ mua thêm 2 khu trục hạm mang tên lửa Aegis, nâng tổng số chiến hạm phòng không lên 8 tàu.
Kế hoạch của Nhật nhằm hoàn thiện hệ thống phòng thủ 3 lớp : Hệ thống SM-3 dùng để bắn chặn các tên lửa ở độ cao 100 km. Trong trường hợp không chặn được tên lửa, tuyến phòng thủ thứ hai sẽ cho khai hỏa các tên lửa PAC-3 Patriot có tầm bắn chặn ở độ cao 20km. Chỉ riêng hệ thống PAC-3 sẽ không đủ bắn chặn các loại tên lửa đạn đạo như loại Nodong của Bắc Triều Tiên tầm bắn 1300 km có thể vươn tới lãnh thổ Nhật.
Vì thế Quốc phòng Nhật đang nghiên cứu việc đưa hệ thống lá chắn tên lửa THAAD để bắn chặn tên lửa đạn đạo để hỗ trợ tạo một hệ thống phòng thủ 3 lớp phủ toàn bộ bầu trời. THAAD là hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ như quả bóng tennis từ độ cao 1000 km. Nhưng hệ thống chỉ có thể lắp đặt ở một số địa điểm nhất định, như bờ biển chẳng hạn vì các dàn ra đa rất cồng kềnh.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ gần đây cũng đã nghiên cứu khả năng bán cho Qatar hai hệ thống THAAD bao gồm các dàn ra đa và 150 tên lửa bắn chặn với giá lên tới gần 5 tỷ đô la.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160215-nb-tl-qp-ca

Geen opmerkingen:

Een reactie posten