woensdag 31 augustus 2016

Lào có dấu hiệu xa lánh Trung Quốc + Trung Quốc tại Lào không được người dân Lào hoan nghênh

Lào có dấu hiệu xa lánh Trung Quốc

mediaThủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, 15/05/2016.REUTERS/Kham
Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên công du Lào trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này vừa thay đổi ban lãnh đạo. Vốn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, liệu với thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và sự có mặt của ông Barack Obama có là cơ hội để Vientiane mạnh dạn giữ khoảng cách với Trung Quốc, thắt chặt thêm quan hệ với Việt Nam và thân thiện hơn với Mỹ ?
Hiếm khi nào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lại được chú ý nhiều đến như lần này. Trong cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, Lào tổ chức thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 mở ra từ ngày 06 đến 08/09/2016 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là sự có mặt của tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama.
Theo giới phân tích, đối với chủ nhân Nhà Trắng, thượng đỉnh Vientiane 2016 là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy chính sách « xoay trục » của Washington sang Châu Á, nhằm đối phó với đà vươn lên cả về mặt kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Lào, một quốc gia nhỏ bé với 7 triệu dân, có đường biên giới chung với Trung Quốc và Việt Nam cho nên về mặt kinh tế, chính trị, Vientiane lệ thuộc nhiều vào hai nước láng giềng này.
Với Trung Quốc, Lào có đường biên giới phía bắc. Năm 2015 Trung Quốc đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Khách sạn do người Trung Quốc quản lý mọc lên như nấm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó là hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp hay các dự án xây dựng đập thủy điện.
Còn với Việt Nam, Lào chia sẻ một đường biên giới dài hơn 2100 cây số, Việt Nam là cửa ngõ mở ra đại dương.Trong mắt chính quyền Hà Nội, thì Lào là cánh cổng để hàng hóa của Việt Nam dễ tiếp cận hơn với thị trường Thái Lan và còn hơn thế nữa. Thêm vào đó, Việt Nam, Lào và Trung Quốc cùng chia sẻ dòng sông Mêkông.
Về mặt chiến lược, Việt Nam và Trung Quốc cùng chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với Lào. Vientiane tham vọng trở thành nguồn cung cấp thủy điện cho các nước lân cận, nhờ khai thác các nhà máy được xây dựng bên dòng sông Mêkong. Còn nhìn từ phía Bắc Kinh thì Lào là cổng vào Đông Nam Á trên con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến thời gian rất gần đây, chính phủ Lào có khuynh hướng ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn là về phía Việt Nam. Đặc biệt là trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Lào từng bị chỉ trích là đã bị Bắc Kinh mua chuộc.
Vientiane còn là một quốc gia khép kín. Ít có thông tin về chính sách đối ngoại của quốc gia này, nhưng theo một nhà ngoại giao phương Tây được hãng tin Reuters trích dẫn, dường như đang có một số thay đổi về mặt chiến lược của Lào.
Trước hết là phó thủ tướng Somsavat Lengsavat, một nhân vật nổi tiếng là thân Bắc Kinh đã về hưu. Ông này là người đã bật đèn xanh cho dự án đường sắt Trung Quốc tại Lào, tổng trị giá đầu tư lên tới 7 tỷ đô la. Có điều dự án đầy tham vọng nói trên ngày càng bị công luận chỉ trích vì cho là bất lợi cho phía Lào.
Một dấu hiệu thứ nhì cho thấy, Vientiane đang thắt chặt hơn quan hệ với Việt Nam là kể từ khi thay đổi chính phủ Lào hồi tháng 4/2016, nhiều người thân cận với tân thủ tướng Thongloun Sisoulith từng được đào tạo tại Hà Nội. Bản thân thủ tướng Lào thì đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên để đến Việt Nam.
Hơn nữa, về mặt văn hóa, Lào cũng gần gũi với Việt Nam hơn là với Trung Quốc. Cuối cùng, trong hợp tác về kinh tế, Lào ngày càng bất mãn với thái độ ỉ lớn ăn hiếp nhỏ của các doanh nhân Trung Quốc. Đó cũng là một yếu tố giải thích vì sao, cho dù phải dựa nhiều vào Bắc Kinh nhưng Vientiane vẫn thận trọng với đối tác quá to lớn này.
Sau cùng, thêm một dấu hiệu thứ ba cho thấy Lào đang giữ khoảng cách với Trung Quốc đó là, tại hai cuộc họp ASEAN gần đây, khác với phái đoàn Cam Bốt, đại diện của Vientiane đã dè dặt hơn trong việc bênh vực Bắc Kinh về hồ sơ Biển Đông.
Vẫn Reuters trích dẫn lời một người trong cuộc cho rằng, chính quyền mới ở Vientiane có vẻ thân thiện với Việt Nam hơn, thì việc tổng thống Mỹ công du nước Lào « sẽ không bao giờ là quá trễ ». Còn theo lời một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, « Lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở Lào là chứng kiến quốc gia này thể hiện được mức độ tự chủ chiến lược nhất định, vì Washington không muốn thấy Lào thân Trung Quốc như Cam Bốt »
Một quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ xin được giấu tên không bình luận về tầm mức chiến lược trong quan hệ của Hoa Kỳ với Lào, nhưng khẳng định Vientiane là « đối tác quan trọng » của Washington.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160829-lao-co-dau-hieu-xa-lanh-trung-quoc

Lào: Đảng Cộng sản muốn thoát Trung ?

mediaTân tổng bí thư đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào Bounnhang Vorachit bỏ phiếu nhân Đại hội Đảng bế mạc ngày 22/01/2016.© Reuters
Ngày 22/01/2016, Đảng Cộng sản Lào đã cử một phó chủ tịch 72 tuổi làm tân tổng bí thư đảng, một dấu hiệu cho thấy Viêng Chăng muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam thay vì dựa quá nhiều vào Trung Quốc. Ông Bounnhang là một nhân vật có quan hệ mật thiết với Việt Nam, từng được huấn luyện quân sự ở Việt Nam và sau chiến tranh đã sang Việt Nam nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội.
Ông Bounnhang Vorachith sẽ kế nhiệm tổng bí thư Choummay Sayasone, 79 tuổi, đã nắm quyền lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ 10 năm qua.
Ông Bounnhang là một nhân vật có quan hệ mật thiết với Việt Nam, từng được huấn luyện quân sự ở Việt Nam và sau chiến tranh đã sang Việt Nam nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội.
Trong những thay đổi nhân sự lãnh đạo Đảng, người ta cũng chú ý đến sự ra đi của phó thủ tướng Somsavat Lengsavad, một nhân vật được xem là thân Bắc Kinh. Nói thông thạo tiếng Hoa, ông Somsavat trong những năm gần đây đã giúp thực hiện nhiều dự án lớn với nguồn tài trợ của Trung Quốc, trong đó có dự án phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Lào và dự án tuyến xe lửa đường dài với chi phí lên tới 6 tỷ đôla.
Trong năm 2014, đầu tư của Trung Quốc đã chiếm gần 30% tổng số vốn đầu tư của nước ngoài ở Lào, qua mặt cả Việt Nam, theo số liệu của văn phòng tại Viêng Chăng của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.
Nhưng theo hãng tin Reuters, giới lãnh đạo của Lào dường như muốn tránh gây tổn hại cho mối quan hệ lịch sử rất gắn bó với Việt Nam, quốc gia đã từng yểm trợ về mặt quân sự cho Lào trong cuộc chiến chống Mỹ.
Vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, Viêng Chăng muốn củng cố vị trí của Lào trong thế cân bằng khu vực, nhất là năm nay Lào sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160123-lao-dang-cong-san-muon-thoat-trung

Đại hội đảng Cộng Sản Lào: Thế hệ già cố bám

mediaPha That Luong, công trình Phật giáo được coi là một biểu tượng của nước Lào.Ảnh : Wikipédia
Theo bản tin của AFP từ Bangkok, đảng Cộng Sản Lào mở Đại hội 5 ngày kể từ hôm nay, 18/01/2016, để bầu ban lãnh đạo mới. Tổng bí thư mãn nhiệm 79 tuổi ra đi, nhưng thế hệ trẻ rất khó lên thay.  Viiêng Chăng từ chối cho báo chí quốc tế  đến đưa tin về Đại hội.
Theo AFP, viện lý do thời gian eo hẹp, chính quyền Lào từ chối cấp visa cho phóng viên quốc tế. Ngược lại, truyền thông Trung Quốc và Việt Nam được hoạt động công khai.
Theo truyền thông nhà nước Lào, 684 đại biểu, đại diện cho 200.000 đảng viên, tham gia đại hội 5 ngày tại thủ đô Vientiane. Đại hội sẽ bầu ủy viên Bộ chính trị và Trung ương đảng, cơ quan điều hành quốc gia Đông Nam Á giàu tài nguyên với 6,7 triệu dân.
Trong diễn văn khai mạc, thủ tướng Thongsing Thamavong trình bày tình hình nước Lào đang tăng trưởng mạnh với 7,4%, khoảng cách giàu nghèo được thu ngắn, nhân lực sẽ được phát triển, quyền công dân sẽ được tôn trọng và môi trường sẽ được bảo vệ.
Theo AFP,  trên thực tế, Lào đang đối phó với rất nhiều thử thách to lớn hậu quả của tham nhũng, của nạn phá rừng và khai thác mỏ bừa bãi, những đập thủy điện khổng lồ do Trung Quốc xây trên thượng nguồn Mê Kông. Chính phủ Lào cũng đã cho phép xây dựng một đập thủy điện lớn trên dòng chính Mê Kông.
Đọc thêm : Trung Quốc giúp Lào phá hoại sông Mêkông
Tuy dân số trẻ trung, 30% dưới 30 tuổi, nhưng thành phần lãnh đạo thuộc thế hệ già thời chiến tranh vẫn bám trụ, kiểm soát chặt chẽ các quyền tự do và nhân quyền.
Đại hội đảng năm 2011 đã chọn giải pháp “ổn định” khi duy trì tổng bí thư Choummaly Sayasone. Năm nay, nhân vật này đã 79 tuổi, có lẽ phải về hưu.
Theo một chuyên gia Tây phương xin giấu tên, phó chủ tịch nước Bounnhang Vorachith có nhiều khả năng lên làm tổng bí thư đảng. Điều này có nghĩa là thủ tướng Thongsing Thamavong bị ra rìa. Hiện nay, đảng cộng sản Lào đã đến giai đoạn chuyển tiếp với một thế hệ cán bộ trẻ hơn, được đào tạo tại Việt Nam và Liên Xô cũ, đầu óc tương đối cởi mở hơn.
Thế nhưng, cũng theo chuyên gia Tây phương này, ít có khả năng Bộ chính trị, với những cán bộ lãnh đạo thời “chiến tranh cách mạng” chấp nhận cho thế hệ trẻ “ngồi chung mâm” với họ.
Vì nhu cầu chiến lược Châu Á Thái Bình dương, Lào lọt vào mắt xanh của Mỹ. Tuần tới, Ngoại trưởng John Kerry đến Viêng Chăng và vào tháng 11, với tư cách chủ tịch luân phiên Hiệp hội ASEAN Lào sẽ đón tiếp Tổng thống Barack Obama.
Đọc thêm : Hoa Kỳ yêu cầu Lào điều tra vụ nhà hoạt động nhân quyền mất tích

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160118-dai-hoi-dang-cong-san-lao-the-he-gia-co-bam

Trung Quốc tại Lào : Một sự hiện diện không được người dân hoan nghênh

mediaẢnh thành phố Boten ở Luang Namtha, tháng 3/2011, trước lúc khu vực bị đóng.AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở miền Bắc Lào ngày càng quan trọng, và đặc biệt gia tăng từ khoảng 5 năm nay. Đã có hiện tượng Lào bị « mất » chủ quyền tại một số « nhượng địa » cho Trung Quốc khai thác. Vấn đề sự hiện diện nặng nề của Trung Quốc tại Lào đã khiến người dân bắt đầu bức xúc.
Thông tín viên của RFI phụ trách khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus, mới đây đã đi khắp vùng này trong vòng một tuần lễ, ghé qua các tỉnh Luang Prabang, Oudomxay, Luang Namtha và Bokéo để tìm hiểu tình hình.
Từ những điều tai nghe mắt thấy tại nghe,  Arnaud Dubus cho biết chi tiết  như sau về sự hiện diện ngày càng đáng kể của Trung Quốc tại Lào :
Arnaud Dubus : Đây là một hiện tượng diễn ra trên nhiều cấp độ : Trước tiên ở cấp cá nhân. Người Trung Quốc nhận được từ chính quyền địa phương của họ ở miền Nam Trung Quốc một loại tiền thưởng gọi là tiền phụ cấp đi xa, nếu ra nước ngoài thì có thể lên đến 80.000 euro cho mỗi người.
Nếu họ nhận tiền thưởng này, họ không được quyền quay về Trung Quốc trước một thời hạn được quy định là nhiều năm. Nhiệm vụ của họ là phải trở thành các nhà thầu thành công ở miền Bắc Lào.
Nhiều người Trung Quốc thuộc diện này đã đến thuê đất của người Lào trong các tỉnh phía bắc, trồng trọt, nuôi tôm cá. Họ đôi khi bán sản phẩm của họ trên thị trường tại chỗ, nhưng đối với những công trình khai thác nông nghiệp lớn như là những đồn điền trồng chuối, trồng bắp ngô và cao su, sản phẩm đều được xuất về Trung Quốc.
Trong khu vực này cũng có nhiều công ty nhỏ của người Trung Quốc, những tiệm làm và bán bánh mì, cửa hiệu, khách sạn, nhằm phục vụ số khách du lịch rất đông người Trung Quốc.
Song song với các cá nhân nói trên, thì những đại công ty cũng hiện diện ở Lào, ví dụ như khu khách sạn 5 sao lớn nhất đang được xây dựng ở cố đô Luang Prabang, thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc.
RFI : Anh cũng đã đến viếng những vùng do người Trung Quốc kiểm soát và có đặt các sòng bạc casino ?
Arnaud Dubus : Đúng vậy, tôi đã đến hai vùng mà chính phủ Lào đã nhượng cho những tập đoàn Trung Quốc trong thời hạn 99 năm và là những nơi có các sòng bạc.
Vùng đầu tiên là Boten, thuộc tỉnh Luang Namtha. Nơi đây từng có sòng bạc casino, khách sạn hạng sạng và một trung tâm thương mại bán sản phẩm miễn thuế, tất cả đều được mở vào năm 2003.
Tuy nhiên, các hành vi phạm pháp tại nơi này - những người tại chỗ nói đến các vụ ám sát, người bị mất tích - đã bùng lên đến mức chính quyền tỉnh Vân Nam đã phải cho đóng cửa khu Boten vào năm 2011, và chỉ cho mở lại cách đây 8 tháng mà thôi.
Thế nhưng Boten vẫn giống như một thành phố ma, với một nửa bị bỏ trống, những ngôi nhà, xe hơi sang trọng bỏ hoang.
Sòng bạc thứ nhì ở tỉnh Bokéo, không xa biên giới Thái Lan. Nơi đây cũng ở trên đất Lào, nhưng tất cả là do người Trung Quốc kiểm soát. Đồng hồ thì cũng theo giờ Bắc Kinh, ngôn ngữ duy nhất được sử dụng là tiếng Hoa và tiền được dùng là đồng yuan.
Các làng người Lào nằm trong các khu vực này đã bị chính phủ Lào cho dời đi nơi khác. Tôi đã đến một số làng này và người dân đã tỏ thái độ rất bất bình về chỗ ở mới của họ do các tập đoàn Trung Quốc xây dựng. Sau một hai năm thì trần nhà, ngay cả mái nhà, bị sụp.
Những người bị di dời mất đi phương tiện kiếm sống chẳng hạn như ruộng đồng của họ, và cho dù họ được bồi thường, nhưng cách sống đã thay đổi, và cuộc sống đã trở nên rất khó khăn.
RFI : Như vậy thì người dân trong vùng có oán ghét người Trung Quốc hay không ?
Arnaud Dubus : Có chứ ! Người ta thấy rất rõ. Một cách rất tự nhiên, hầu như tất cả người Lào mà tôi gặp được trong vùng đều nói về sự thâm nhập kinh tế của Trung Quốc, và nhiều khi với nhận định rất tiêu cực.
Một ví dụ cụ thể : Một cô thư ký của chính quyền địa phương Luang Prabang đã đưa lên Facebook vào tháng 7 vừa qua một tài liệu chính thức cho thấy là chính quyền địa phương này có dự án nhượng thác nước ở Kuang-Si cho một tập đoàn Trung Quốc. Thác nước này, cách Luang Prabang độ nửa tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe hơi, là một trong những thắng cảnh tự nhiên của vùng. Hàng chục ngàn người Lào đã phản đối trên mạng internet, họ đã buộc được chính quyền địa phương đình hoãn dự án.
Nói chung, chính phủ Lào đề cập đến đầu tư Trung Quốc thường dưới góc độ tích cực, trong khuôn khổ tình hữu nghị bền vững giữa Trung Quốc và Lào. Nhưng đôi khi chính phủ Lào cũng nhận thấy là họ đã đi quá xa và buộc phải điều chỉnh lại.
RFI :Việt Nam cũng có một sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ ở Lào, và còn lâu đời hơn nữa. Có thể so sánh như thế nào sự hiện diện này với Trung Quốc ?
Arnaud Dubus : Đúng như vừa nói, sự hiện diện kinh tế của Việt Nam tại Lào lâu đời hơn nhiều, phải nói là từ nhiều thế hệ. Sự hiện diện này tập trung ở phía Nam nhiều hơn, trong vùng Savannakhet.
Cái khác biệt lớn là người Lào ít nhìn người Việt Nam như một mối đe dọa kinh tế đối với họ Và điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân : Trước tiên là người Việt Nam thường làm những nghề cá thể, như mở tiệm uốn tóc, chăm sóc sắc đẹp, hành nghề thủ công, hay bán hàng rong. Và nhất là người Việt Nam khéo nhịn, không phô trương, hòa nhập với người Lào. Họ nói tiếng Lào, ăn mặc kiểu Lào và cưới hỏi, lập gia đình với người Lào.
Người Trung Quốc đến Lào trong những đợt gần đây thì giữ cách biệt, không hòa nhập với dân chúng địa phương. Họ sống biệt lập với người Lào - người Trung Quốc sống với người Trung Quốc - và cũng không muốn hay cố gắng hòa nhập, và nhiều khi họ cũng không nói được tiếng Lào. Và dĩ nhiên là những điều này càng làm tăng sự nghi kỵ của người Lào đối với những người mới đến này.

Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok 07/10/2015 Nghe

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151007-trung-quoc-tai-lao-mot-su-hien-dien-khong-duoc-nguoi-dan-hoan-nghenh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten