zaterdag 27 augustus 2016

Công nghiệp buôn người tại Đông Nam Á + Thảm kịch thuyền nhân Rohingya


Công nghiệp buôn người tại Đông Nam Á


mediaMột nhóm người tỵ nạn từ Miến Điện bị cảnh sát Thái Lan giữ tại đảo Koh Sai Baed (ảnh chụp năm 2008).Ảnh : Reuters
Làn sóng thuyền nhân ở Đông Nam Á đang làm công luận quốc tế xúc động chỉ là phần nổi của tảng băng sơn. Nạn nhân là những người Bangladesh nghèo khó đi tìm một cuộc sống mới và sắc dân Rohingya chạy trốn chính sách kỳ thị của Miến Điện. Cả một hệ thống buôn người từ kẻ dẫn mối, ngư phủ Bangladesh cho đến quan chức chính quyền Thái Lan lợi dụng tình cảnh bất hạnh của đồng loại để làm giàu.
Nếu chính quyền quân sự Thái Lan không vì áp lực ra tay trấn áp nạn nhập cư bất hợp pháp có lẽ công luận quốc tế sẽ vẫn mơ hồ về tệ nạn buôn người ở Đông Nam Á.
Theo tổ chức nhân quyền Freeland, hỗ trợ cảnh sát Thái điều tra nạn buôn người, mỗi chiếc tàu chở 400 thuyền nhân mang về cho đường dây xã hội đen 800.000 đôla.
Một khi đến được miền nam Thái lan, những di dân xuống tàu từ miền tây Miến Điện hoặc từ bờ biển Bangladesh , bị đưa vào rừng tạm trú, trong khi chờ đợi gia đình trả thêm từ 2000 đến 3000 đôla để được tự do. Nếu không, họ bị bán cho các nhà máy hay nông trại ở Malaysia và Thái Lan.
Theo nhật báo The Daily Star của Bangladesh, hàng ngàn di dân ước mơ tìm được công ăn việc làm đã bị đường dây buôn người giam giữ nhiều tháng có khi hàng năm trong những lán trại thô sơ, bị đánh đập, bị bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc mạng. Tệ nạn nô lệ mới này thật sự không phải là chuyện mới mẻ. Năm 2013, nhật báo anh The Guardian đã tiết lộ ngành công nghiệp đánh cá của Thái lan, với doanh số 7 tỷ đôla hàng năm, sử dụng nhân công phần đông là di dân bất hợp pháp và đối xử như nô lệ.
Daily Star ước lượng, dựa theo lời khai của các nạn nhân và các tổ chức nhân quyền, ít nhất 250.000 người Bangladesh và Rohingya Miến Điện đã rơi vào đường dây nô lệ mới từ năm 2007 đến nay.
Dưới sức ép của Tây phương, tháng giêng 2015, chính quyền quân sự Thái đã truy tố hơn 10 quan chức chính quyền tỉnh.
Đầu tháng 5 này, Thái Lan tiến hành một chiến dịch truy quét các láng trại của đường dây buôn người ở miền nam và phát hiện nhiều hố chôn tập thể. Chính sách mới của Bangkok đã làm xáo trộn mạng lưới tổ chức vượt biển vượt biên, các tay buôn người phải bỏ tàu, bỏ khách hàng trên biển và trong rừng.
Tư pháp Thái Lan đã phát 60 lệnh truy nã trong đó có một dân biểu quốc hội có bí danh là « đại ca Tong ». Hơn 50 cảnh sát viên và sĩ quan cảnh sát bị thuyên chuyển.
Hiệp hội phi chính phủ Fortify, chỉ trong ba năm gần đây, « doanh số » buôn người đã lên đến 250 triệu đô la, do vậy có rất nhiều quan chức được bôi trơn và nhiều kẻ trung gian bỏ túi những món hoa hồng béo bở.
Theo AFP, do tác động dây chuyền, tại tỉnh Cox Bazzar ở Bangladesh, nơi có 300.000 người Rohingya Miến Điện tỵ nạn, ba kẻ tình nghi thuộc đường dây vượt biển bị bắn chết trong một cuộc chạm súng với cảnh sát trong đó có một tay trùm tên Dholu Hossein. 16 tòng phạm, đa số là ngư dân, chủ tàu đánh cá, bị bắt.
Tuần qua, ngư dân Indonesia đã giúp cho 800 thuyền nhân đổ bộ lên Aceh (Indonesia).
Trong khi đó vẫn còn từ 8.000 đến 15.000 người đang lênh đênh ngoài khơi ba nước Thái lan, Malaysia và Indonesia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150516-cong-nghiep-buon-nguoi-tai-dong-nam-a


Thảm kịch thuyền nhân Rohingya


mediaThuyền nhân Rohingya cập bến đẩo Aceh. Ảnh ngày 11/05/2015.Reuters
Gần 2.000 thuyền nhân người Rohingya (Miến Điện) và người Bangladesh đã cập bến Indonesia và Malaysia từ Chủ nhật vừa qua. Theo Hồi giáo, không có quốc tịch, người Rohingya bị bức hại tại Miến Điện, nơi có khoảng 150.000 người sống tại các lều trại nhỏ. Họ tìm cách bỏ trốn, song từ hai tuần trở lại đây, chính quyền Thái Lan bắt giữ nhiều kẻ đưa người vượt biên lậu biến khu vực miền nam nước này thành trạm trung chuyển. Tổ chức bị rối loạn, các đường dây đưa người bỏ mặc người nhập cư.
Từ Rangoon, thông tín viên Rémy Favre tóm lược tình hình :
Những kẻ dẫn đường không dám trung chuyển qua Thái Lan nữa. Từ vài tuần nay, cảnh sát nước này đã dỡ bỏ nhiều đường dây  của bọn buôn người. Họ cũng đã phát hiện nhiều trại trung chuyển nằm sâu trong rừng ở miền nam đất nước. Người nhập cư Rohingya bị giam giữ tại đây, trong khi chờ người thân ở Miến Điện trả tiền để đưa họ sang Malaysia.
Cảnh sát đã phát hiện nhiều hố chôn tập thể trong những cánh rừng này. Đây có thể là các nạn nhân mà gia đình đã không trả được khoản tiền yêu cầu. Hiện giờ, những kẻ dẫn đường đưa họ thẳng tới Malaysia và Indonesia. Nhiều người trong số chúng có thể đã rời tầu trước khi để tầu trôi dạt gần bờ biển. Điều này giải thích làn sóng nhập ồ ạt cư từ ba ngày nay.
Không nước nào muốn tiếp nhận những người nhập cư này. Chính quyền các nước Đông Nam Á xua các tầu trên ra khơi để tránh thu hút những người nhập cư khác. Thứ Hai vừa qua, chính quyền Indonesia đã bắt một chiếc tầu chở 400 người nhập cư quay ngược ra biển. Một đại diện của Hải quân Indonesia tuyên bố : « Đây không phải là việc của chúng tôi » ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150513-tham-kich-nguoi-nhap-cu-rohingya-mien-dien


Geen opmerkingen:

Een reactie posten