woensdag 31 augustus 2016

Đối Thoại Singapore : Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN + chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cảnh báo là nếu xẩy ra xung đột ở Biển Ðông thì tất cả các bên liên quan đều thua thiệt

Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN

mediaChủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ngày 30/08/2016AFP
Phát biểu tại cuộc Đối Thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38, vào hôm nay 30/08/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, khi được hỏi về lập trường của ASEAN và vấn đề Biển Đông, đã không loại trừ khả năng sửa đổi quy tắc đồng thuận trong khối này.
Đang viếng thăm chính thức Singapore trong ba ngày, chủ tịch nước Việt Nam đã được mời đọc diễn văn tại cuộc Đối Thoại Singapore do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức. Cử tọa gồm hơn 500 người, từ giới hoạch định chính sách cho đến các nhà nghiên cứu, cùng nhiều quan khách khác.
Đề cập đến căng thẳng tại Biển Đông, ông Trần Đại Quang cảnh báo là nếu xẩy ra xung đột thì tất cả các bên liên quan đều thua thiệt, kêu gọi một giải pháp hòa bình, dựa trên pháp luật quốc tế. Đáng chú ý là chủ tịch Việt Nam cho rằng cần tìm kiếm các cơ chế khác, bổ sung cho nguyên tắc đồng thuận của Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN.
Trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak, về nhận định của Việt Nam liên quan đến những khó khăn mà ASEAN gặp phải gần đây trong việc đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông, ông Quang đã cho rằng các thành viên ASEAN cần tìm kiếm thêm các cơ chế ngoại giao mới.
Theo báo Today, chủ tịch nước Việt Nam đã nói ngắn gọn như sau : « Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc đồng thuận được ghi trong Hiến chương ASEAN... Nhưng với sự phát triển mới, chúng tôi có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác ».
Trả lời báo Today, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng chủ tịch nước Việt Nam có vẻ rất cởi mở trước khả năng điều chỉnh phương pháp làm việc của ASEAN hoặc là bổ sung thêm một số cơ chế để xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo ông Hiệp : « Trước lúc xẩy ra những sự cố gần đây, nguyên tắc đồng thuận rất hợp với Việt Nam và một số nước khác, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền. Nhưng với sự thất vọng của Việt Nam sau những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Việt Nam đang suy nghĩ về làm thế nào để lách được qua nguyên tắc này ».
Uy tín của ASEAN đã bị sứt mẻ vì đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông do sự chống đối của một số quốc gia thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc - đặc biệt là Cam Bốt – bị cho là đã răm rắp chiều theo áp lực từ Bắc Kinh.
Nguyên thủ Việt Nam cho rằng tình hình ở Biển Đông rất « đáng quan ngại », với vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như làm xói mòn lòng tin, tác hại đến hợp tác trong khu vực. Ông nhấn mạnh : « Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả cùng thua », và để duy trì ổn định trong khu vực, tất cả các quốc gia phải cùng nhau hành động, và các tranh chấp cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế - trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - bình đẳng, cùng có lợi.
Gián tiếp chỉ trích Trung Quốc
Theo ghi nhận của báo Today tại Singapore, chủ tịch nước Việt Nam đã ám chỉ những hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông khi nêu bật các thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối phó, trong đó có vấn đề « tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ». Đối với ông Quang : « Tính chất nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại ».
Ông Trần Đại Quang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được mời phát biểu tại Đối thoại Singapore, một vinh dự từng được dành cho một số lãnh đạo như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160830-viet-nam-neu-kha-nang-xet-lai-quy-tac-dong-thuan-trong-asean

Cam Bốt lại đòi ASEAN không nêu vấn đề Biển Đông

mediaẢnh minh họa : Một cuộc họp tại Quốc Hội Cam Bốt tháng 12/2015.REUTERS/Channa
Quốc hội Cam Bốt sẽ kiến nghị với các viên chức ASEAN gỡ bỏ đoạn nói về tranh chấp Biển Đông trong thông cáo chung sắp tới của Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA). Báo The Cambodia Daily hôm nay 24/08/2016 dẫn lời một dân biểu Cam Bốt xác nhận như trên. Đây là hành động mà các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng sẽ đe dọa thêm sự gắn kết giữa các nước trong khu vực.
Ông Cheam Yeap, dân biểu đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền hôm qua cho biết Quốc hội nước này sẽ đề nghị ban lãnh đạo Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) bỏ đi một đoạn nói về cuộc xung đột Biển Đông, trong bản tuyên bố chung dự kiến đưa ra trong cuộc họp cuối tháng Chín tại Vientiane, vì « đất nước chúng ta không liên quan ».
Ông Yeap nói rằng không biết ban thư ký AIPA có lưu ý đến đề nghị của Quốc hội Cam Bốt hay không, nhưng nhắc lại quan điểm của thủ tướng Hun Sen là các quốc gia liên quan nên thương lượng trực tiếp với Trung Quốc để tìm ra giải pháp.
Giới quan sát và ngoại giao nhận định Cam Bốt, vốn đã nhận nửa tỉ đô la viện trợ của Trung Quốc hồi tháng Bảy, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh tại Biển Đông, đã phá hoại sự đoàn kết của khối ASEAN.
Trước đó vào năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, một hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN không ra được thông cáo chung, cũng do Cam Bốt – khi đó là nước chủ nhà - cản trở.
Tờ Cambodia Daily dẫn lời chuyên gia Carlyle Thayer tháng trước : « Nếu Cam Bốt tiếp tục hành động như một con ngựa thành Troie vì lợi ích của Trung Quốc, làm phương hại đến việc xây dựng cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét để thay đổi nguyên tắc đồng thuận ». Theo ông Thayer, cần cảnh cáo Phnom Penh là tư cách thành viên ASEAN « có thể bị tạm ngưng, đình chỉ hay hủy bỏ ».
Một số nhà ngoại giao ASEAN không muốn nêu tên cho báo chí quốc tế biết họ rất bực tức trước thái độ của Cam Bốt trong hội nghị hồi tháng Bảy. Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok nói vấn đề này nay là « con voi trong căn phòng ASEAN » (thành ngữ chỉ một vấn đề rắc rối mà mọi người đều biết nhưng không muốn đề cập đến).
Tuy vậy trong bài phát biểu hôm thứ Hai 22/8, thủ tướng Hun Sen cố xoa dịu trước những lời kêu gọi Cam Bốt rời khỏi ASEAN để khỏi tiếp tục « thọc gậy bánh xe » trong hồ sơ Biển Đông. Ông nói rằng « sẽ không để cho Cam Bốt ra khỏi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ».

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160824-cam-bot-lai-doi-asean-khong-neu-van-de-bien-dong

Biển Đông : Cam Bốt lại bị tố cáo cản trở đồng thuận trong ASEAN

mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Wang Yi gặp thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại Phnom Penh, tháng 4/2016.Ảnh : Pring Samrang/Reuters
Vào lúc các ngoại trưởng 10 quốc gia trong ASEAN đang tề tựu về Vientiane, thủ đô Lào, để tham gia Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49, sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 24/07/2016, Cam Bốt vừa bị tố cáo là đã một mình đứng ra chống lại mọi ý muốn đề cập đến Biển Đông trong các văn kiện của toàn khối. Phnom Penh một lần nữa chứng tỏ vai trò nước tiếp tay cho Trung Quốc.
Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần này tại Lào rất được chú ý vì mở ra không đầy hai tuần sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Giới quan sát chờ xem Hiệp Hội Đông Nam Á sẽ phản ứng chính thức ra sao về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc tranh cãi trong hậu trường ASEAN trên vấn đề Biển Đông hiện đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với việc Cam Bốt có dấu hiệu sẵn sàng tiếp tay cho Trung Quốc ngăn chặn mọi tuyên bố của ASEAN về Biển Đông.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ vào hôm nay với hãng tin Pháp rằng cho đến lúc này Cam Bốt là nước duy nhất đứng ra chống lại việc ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông. Nhà ngoại giao này khẳng định : « Tình hình rất nghiêm trọng. Cam Bốt gần như phản đối tất cả, thậm chí còn không muốn nói đến yêu cầu tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao từng được ghi lại trong các văn kiện trước đây ».
Cũng theo AFP, một bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin có được bản sao, cho thấy đoạn nói về Biển Đông hoàn toàn bỏ trống.
Cam Bốt từng bị tố cáo là tay sai của Trung Quốc trong ASEAN, đã từng phá vỡ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN vào năm 2012 vì không muốn tuyên bố chung của hội nghị đề cập đến Biển Đông.
Cam Bốt là nước được Trung Quốc qua tâm ve vãn với những khoản đầu tư đáng kể, và thường xuyên đi theo lập trường Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Nước Lào cũng thường bị xếp vào diện thân Trung Quốc trong khối ASEAN, nhưng theo một số nhà ngoại giao, trong tư cách chủ tịch ASEAN, Lào không thái quá như Cam Bốt, mà vẫn cố tìm cách ra được một bản tuyên bố, cho dù nội dung đã bị giảm nhẹ.
Theo nhà ngoại giao Đông Nam Á được AFP trích dẫn thì « Lào không nhất thiết phải ra mặt đứng về bên nào, vì chỉ cần có một thành viên phản đối, thì ASEAN không đạt được đồng thuận ».
Ngay từ hôm qua, một nhà ngoại giao khác đã xác nhận bế tắc trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông : « Quan điểm các bên không thay đổi. Cam Bốt vẫn duy trì một đường lối cứng rắn. Lào thì ẩn đằng sau vai trò Chủ tịch ASEAN của mình và không nói bất cứ điều gì. Nhưng đồng thời Lào cũng cẩn thận không để mích lòng Trung Quốc ».


http://vi.rfi.fr/chau-a/20160723-bien-dong-cam-bot-lai-bi-to-cao-can-tro-dong-thuan-trong-asean

Geen opmerkingen:

Een reactie posten