dinsdag 2 augustus 2016

Phe diều hâu Trung Quốc đòi... «đánh Mỹ» ở Biển Đông (... dám không ? )


Phe diều hâu Trung Quốc đòi «đánh Mỹ» ở Biển Đông


mediaLính Trung Quốc tham gia tập trận tại cụm Thất Liên Tự thuộc quần đảo Hoàng Sa, 14/07/2016.CHINA REUTERS/Stringer
Chủ tịch Trung Quốc dường như đang bị áp lực của phe chủ chiến trong quân đội đòi phải có phản ứng mạnh ở Biển Đông, sau phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài La Haye. Theo các nguồn tin quân sự tại Hoa lục, nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ rất lớn.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye công bố ngày 12/07/2016 vừa qua phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây ra phản ứng bất bình trên báo chí và truyền thông Nhà nước tại Hoa lục.
Cho đến nay, giới lãnh đạo chính trị không tỏ dấu hiệu sẽ có hành động đáp trả cứng rắn mà chỉ kêu gọi giải pháp hoà bình và « cam kết bảo vệ chủ quyền ». Nhưng thái độ của quân đội hoàn toàn khác hẳn, tự cho là đủ mạnh để « đương đầu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ » trong khu vực.
Một nguồn tin quân sự xin giấu tên vì không được phép tiết lộ với báo chí nước ngoài, đã xác định với Reuters là « Giải phóng quân đã sẵn sàng, và cần đập vỡ mũi chúng nó như Đặng Tiểu Bình đã từng dạy cho Việt Nam một bài học ».
Theo hai nhà phân tích Ben Blanchard và Benjamin Kang Lim của hãng thông tấn Reuters, phe chủ chiến trong quân đội đang gây sức ép với chủ tịch Tập Cận Bình phải hành động. Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc không sợ áp lực vì qua chiến dịch chống tham ô, ông đã thanh lọc hàng ngũ tướng lãnh và dường như đã kềm chế được quân đội.

Trong chính sách cải cách nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cần thời gian và không gian tương đối yên bình nên không muốn gây chiến. Trả lời câu hỏi liệu quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả phán quyết La Haye bằng quân sự, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Dương Vũ Côn tuyên bố là « quân đội sẽ đương đầu với mọi đe dọa ». Tuy nhiên, phe diều hâu, qua nhận định « lửa khói » của giáo sư Lương Phương (Liang Fang) thuộc đại học quốc phòng Bắc Kinh, thì « quân đội phải tăng cường chiến đấu không bỏ rơi chủ quyền biển đảo không nhượng bộ bất cứ nước nào». Nhân vật này chỉ không nói rõ là « gia tăng như thế nào ».
Một nguồn tin quân sự khác nêu lên giải pháp Trung Quốc thiết lập « vùng nhận dạng phòng không » trên Biển Đông như đã tuyên bố ở biển Hoa Đông.
Một phương án khác là cho chiến đấu cơ tuần tra trên Biển Đông mang tên lửa đủ sức tấn công Việt Nam và Philippines. Theo Nhạc Cương (Yue Gang), một sĩ quan hồi hưu thuộc phe chủ chiến, quân đội Trung Quốc đã đủ tự tin để thách thức lực lượng hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.
Trên tập san Southeast Asian Studies của Trung Quốc, giáo sư Lý Kim Minh (Li Jin Ming) đề ra « chiến lược lâu dài tại biển Nam Trung Hoa » mà ông gọi là một « khúc quanh chiến lược quân sự ».
Từ muốn đến được
Theo Reuters, lập luận của phe diều hâu Trung Quốc thấy rất dễ, nhưng thực hành không phải dễ.
Một nhà ngoại giao Tây phương tại Bắc Kinh cho biết là Tập Cận Bình ý thức được cái giá phải trả nếu đụng trận với Mỹ. Ban lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã « co chân » vì rất ngại phản ứng quốc tế. Quân đội cũng nhìn nhận sẽ bị công nghệ quân sự của Hoa Kỳ đè bẹp và nếu xung đột xảy ra nạn nhân đầu tiên là người dân Hoa lục chứ không phải Mỹ. Xu hướng này dường như có thế mạnh hiện nay vì bài học 1979 còn in đậm : tuy nói là dạy cho Việt Nam một bài học nhưng người dân không ai tin vào bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc về hiệu năng của quân đội Trung Quốc.
Về chiến thuật lập « vùng nhận dạng phòng không », kế hoạch này nói dễ nhưng làm rất khó vì không quân Trung Quốc không đủ năng lực bao trùm một vùng trời quá xa lãnh thổ.
Cho đến nay, Trung Quốc tuy rất bực tức sự kiện Hải quân Mỹ gia tăng lực lượng tuần tra trong vùng, nhưng chỉ đe dọa bằng mồm, chứng tỏ họ không muốn gây chuyện. Từ nay đến tháng 9, thời điểm Trung Quốc tổ chức Thượng đỉnh G20 tại Hàn Châu chắc Trung Quốc sẽ « án binh bất động » tại Biển Đông. Giới ngoại giao quốc tế tại Bắc Kinh kêu gọi đề phòng giai đoạn từ sau hội nghị G20 cho đến tháng 11, lúc bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là cơ hội thuận lợi để "nắn gân" Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Tây phương được trích bên trên giải thích : Trung Quốc sẽ tính lầm nếu cho là Mỹ ngồi yên để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160801-phe-dieu-hau-trung-quoc-doi-%C2%AB-danh-my-%C2%BB-o-bien-dong


Bắc Kinh dập tắt các cuộc biểu tình chống Mỹ sau phán quyết Biển Đông


mediaBiểu tình chống Mỹ bên ngoài lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông ngày 14/07/2016 sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông.REUTERS/Bobby Yip
Les Echos hôm nay 21/07/2016 chú ý đến việc « Bắc Kinh dập tắt các cuộc biểu tình chống Mỹ » : sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh đã bị tấn công.
Tờ báo nhận xét, như thường lệ, mỗi lần căng thẳng với những nước khác, tại Trung Quốc lại xảy ra các vụ bạo động dưới chiêu bài « ái quốc », và đây là một minh chứng mới. Có điều lần này bạo động chưa kịp bùng lên đã phải lắng xuống. Chính quyền ban đầu cổ vũ tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhưng sau lại phải dẹp bớt vì sợ phong trào này gây thiệt hại.
Khoảng mấy chục người biểu tình cáo buộc Mỹ đứng sau phán quyết bất lợi cho Trung Quốc đã tập hợp tại ít nhất 11 thành phố, trước các nhà hàng thức ăn nhanh KFC. Trên các biểu ngữ là dòng chữ « KFC và McDonald’s hãy cút khỏi Trung Quốc ! », một số người biểu tình còn tấn công các thực khách. Những hình ảnh khác trên internet cho thấy những người Trung Quốc mang các dải băng hô hào lòng yêu nước, đập vỡ những chiếc iPhone.
Những vụ « đấu tố » này khiến người ta nhớ lại các cuộc biểu tình chống Nhật hết sức bạo lực năm 2012, sau khi Tokyo « quốc hữu hóa » quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đám đông thậm chí còn đánh bị thương nặng một người Hoa lái một chiếc xe mang nhãn hiệu Nhật Bản.
Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này dường như đã quyết định làm dịu đi tình hình. Tờ China Daily hôm qua viết : « Những ai tổ chức các hoạt động như thế mà không tiến hành các thủ tục cần thiết, và những ai quấy nhiễu người khác nhân danh lòng ái quốc cần phải bị xét xử theo pháp luật ». Ngược lại với đợt biểu tình năm 2012, kéo dài trong nhiều ngày trước khi chuyển thành bạo động, nay thì vừa mới tung ra đã bị dập tắt.
Theo ông Jean-François Di Meglio, giám đốc Asia Centre thì điều này chẳng có gì là ngạc nhiên. Ông giải thích : « Thái độ của Bắc Kinh hoàn toàn phù hợp. Bình thường thì những cuộc biểu tình loại này diễn ra khi có một sự kiện bị cho là chống lại Trung Quốc, nhưng lần này thì khác. Chính quyền Trung Quốc coi như phán quyết của Tòa Trọng tài không hiện hữu, chẳng có giá trị gì ». Như vậy không có lý do gì để phản đối. Mỉa mai thay, Bắc Kinh cũng phải hạn chế phát biểu về sự kiện này, vì càng nói thì càng khiến phán quyết của Tòa Trọng tài càng thêm vững chắc.
Les Echos kết luận, khơi dậy lòng yêu nước đồng thời giữ yên trật tự xã hội, bằng cách khôn khéo biến mạng xã hội thành công cụ, đó thật sự là một trò chơi thăng bằng đối với đảng.
"Tổng bí thư " trẻ Hoàng Chi Phong của đảng Dù vàng
Liên quan đến châu Á, nhật báo Libération nói về « Đảng của những chiếc dù » với chân dung Hoàng Chi Phong, chàng thanh niên mới 17 tuổi đã tiến hành cuộc cách mạng ở Hồng Kông chống lại quyền lực Bắc Kinh. Lãnh tụ sinh viên giờ đây đã lao vào chính trường.
Hoàng Chi Phong sinh năm 1996 tại Hồng Kông, chỉ vài tháng trước khi cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Gia đình anh là một gia đình trung lưu, cha làm kinh doanh, mẹ nội trợ, cả hai đều ủng hộ các hoạt động của con trai.
Hoàng Chi Phong chỉ mới 15 tuổi khi thành lập phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều, tạm dịch : phong trào tư tưởng của những người học thức) tại trường tư thục Anh giáo United Christian ở Cửu Long (Kowloon). Phong trào huy động học sinh trung học Hồng Kông chống lại việc đưa « giáo dục ái quốc » vào nhà trường, với các bài học do đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Thành công vang dội đến bất ngờ.
Với khẩu hiệu « Chống tẩy não trẻ em chúng ta », có đến 120.000 trên lãnh thổ 7,8 triệu dân đã xuống đường phản đối, và chính quyền đã phải nhượng bộ. Cậu học trò năng động sau đó quay lại lớp học : « Tôi luôn thành công trong việc giữ thăng bằng với việc học. Bằng chứng là tôi đã vào được đại học trong khi tỉ lệ thi đậu chỉ có 18%, và tôi đã học xong năm thứ hai ngành khoa học chính trị ».
Năm 2013, Hoàng Chi Phong tham gia phong trào bất tuân dân sự Occupy Central (Chiếm đóng Trung Hoàn), đòi hỏi phổ thông đầu phiếu để bầu ra trưởng đại diện Hồng Kông. Một năm sau, trong suốt 9 tuần lễ, Hồng Kông trỗi dậy hòa bình đòi quyền tự quyết. Bắc Kinh không nhượng bộ một ly nào. Nhà đấu tranh trẻ tuổi bị cáo buộc là do Mỹ giựt dây, đã gây chú ý hơn hẳn các lãnh tụ khác. Anh kể : « Báo chí phương Tây mô tả tôi như một người hùng. Tôi thì không cảm thấy như vậy, nhưng nhân đó tôi tranh thủ gởi gấm những thông điệp của mình ».
Trông trẻ hơn tuổi 19, Hoàng Chi Phong dường như lớn lên quá nhanh, bộ áo sinh viên tỏ ra chật chội với anh. Tháng Tư năm nay, anh giải tán Scholarism và cùng với những đồng chí của mình lập ra một đảng dân chủ mới là Demosisto.
Giáo sư chính trị học Edmund W.Cheng cho biết : « Tôi không gặp Hoàng Chi Phong thường xuyên, cậu ấy quá bận rộn. Hoàng Chi Phong còn phải vượt qua nhiều thử thách, bị tấn công từ mọi phía từ khi thành lập Demosisto. Người ta chỉ trích cậu chưa đủ cực đoan, còn quá trẻ chưa biết gì. Hoàng Chi Phong nay không còn là một lãnh tụ sinh viên, mà còn những mong đợi khác ».
Mục tiêu của "tống bí thư" 21 tuổi, vốn không có quyền ra tranh cử vì chưa đủ tuổi đi bầu, là giành được vài ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Chín tới. Chương trình hành động dự kiến tham gia phố thông đầu phiếu bầu trưởng đặc khu trong 10 năm tới và tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết từ nay đến năm 2047.
Chàng thanh niên nhìn nhận đôi khi trách nhiệm quá nặng nề đối với mình. « Tất cả thì giờ của tôi đều dành cho chính trị. Trong metro hay rạp chiếu phim, mọi người nói với tôi « Hãy tiếp tục chiến đấu », « Anh là tương lai của Hồng Kông ». Tôi không thể tự do mua những món đồ chơi ưa thích ».
Cách đây hai năm, Hoàng Chi Phong bị bắt vì leo qua hàng rào tòa nhà chính phủ trong một cuộc biểu tình, và có nguy cơ lãnh án đến 5 năm tù. Trả lời câu hỏi đây có phải là một phần của cuộc chơi, anh nói « Nhà tù không phải là một trò chơi, tuy nhiên tôi đã chuẩn bị sẵn sàng ».
Châu Âu từ chối quy chế kinh tế thị trường cho Bắc Kinh
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận định « Liên Hiệp Châu Âu muốn giữ lại vũ khí để chống nạn bán phá giá của Bắc Kinh ».
Hôm qua Ủy ban Châu Âu đã có quyết định về một hồ sơ hết sức nhạy cảm. « Chúng ta sẽ không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc » - phó chủ tịch ủy ban, ông Jyrki Katainen cho biết sau cuộc họp. Bắc Kinh cho rằng sẽ tự động được hưởng quy chế này vào ngày 11/12 tới, nhưng như thế Liên Hiệp Châu Âu sẽ không còn vũ khí nào chống bán phá giá, chủ yếu là hàng rào thuế quan.
Theo ông Katainen, « cần phải thích ứng các công cụ tự vệ thương mại để đối phó với thực tế sản xuất thừa ». Trước hết là thép rồi đến pin mặt trời của Trung Quốc, được xuất khẩu ồ ạt với giá rẻ, bị cáo buộc là được Bắc Kinh trợ giá.
Chính phủ Pháp bị đả kích sau vụ khủng bố ở Nice
Tại nước Pháp, sau vụ khủng bố đẫm máu ở Nice, tranh luận về vấn đề an ninh lại dấy lên. Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa trang nhất « Nice : Những lỗ hổng và một lời nói dối ». Bộ Nội vụ khẳng định lối vào La Promenade des Anglais được cảnh sát quốc gia đảm bảo an ninh, nhưng tờ báo dẫn nguồn tin độc quyền chứng minh ngược lại : đêm 14 tháng Bảy không có nhân viên nào của lực lượng cảnh sát quốc gia hiện diện tại lối vào khu vực dành cho khách bộ hành của đại lộ, mà ở cách đó đến 370 mét.
Nhiều nhân chứng đều khẳng định, thêm vào đó là những hình ảnh chụp được vài phút, trước khi chiếc xe tải nặng do Mohamed Lahouiaej Bouhlel cầm lái chạy vào, chỉ có hai nhân viên cảnh sát địa phương mặc gilet phản quang, các lối vào khúc đường dành cho người đi bộ có đặt các barie bằng sắt, một chiếc xe cảnh sát đậu giữa đường. Không có bóng dáng cảnh sát quốc gia.
Theo tờ báo, vấn đề không phải là lực lượng được bố trí như thế nào, mà là sự thiếu vắng tính minh bạch. Không giấu diếm những sai lầm đã phạm phải để khỏi tái diễn trong tương lai, đó là nhiệm vụ và là sự cần thiết của một nền dân chủ.
Trang nhất Le Monde trích lời bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve trong bài trả lời phỏng vấn « Tình trạng khẩn cấp không thể trở thành thường xuyên », phản bác những chỉ trích đối với cách điều hành của ông, trước mối đe dọa khủng bố sau vụ tấn công ở Nice. Ở trang trong, tờ báo thuật lại sự căng thẳng trong cuộc tranh luận tại Quốc hội về triển hạn tình trạng khẩn cấp.
Trong phiên họp thông tầm kéo dài bảy tiếng rưỡi đồng hồ liên tục từ tối thứ Ba đến sáng thứ Tư 20/7, chính quyền phải vất vả chống đỡ những lời đả kích. Mãi đến 4 giờ 53 phút sáng, dự luật mới được thông qua với 489 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 4 vắng mặt. Nếu hầu như toàn bộ dân biểu cánh hữu đều bỏ phiếu thuận, thì đổi lại, chính phủ đã có những nhượng bộ đáng kể. Chẳng hạn triển hạn sáu tháng thay vì ba tháng, lục soát hành lý và xe cộ không cần lệnh của tư pháp, bỏ chế độ tự động giảm án đối với tội khủng bố…
Độc tài hơn sau đảo chính, giấc mơ châu Âu đang rời xa Erdogan
Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hụt hôm 15/7, báo chí Pháp đều có chung nhận xét là tổng thống Erdogan đã trở nên độc đoán hơn, và như thế Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời châu Âu.
Le Figaro đăng ảnh tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang vẫy chào những người ủng hộ, với tựa lớn « Erdogan : Sự chuyển hướng toàn trị ». Sau vụ đảo chính, ông Erdogan đã tung ra cuộc thanh trừng đại quy mô, nhắm vào cả quân đội, tòa án lẫn giới công chức. Rất nhiều người đã bị bắt, theo La Croix là đến 60.000 người, và tối qua ông còn loan báo gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng.
Bài xã luận mang tựa đề « Người truy quét » của Le Figaro nhắc nhở, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từng đe dọa « sẽ thả chó ra ». Đó là cách đây ba năm, vào lúc nổ ra các cuộc biểu tình ở Gezi. Giờ đây ông đã chứng minh « nói là làm ». Có điều ngược đời là những người đảo chính nhân danh bảo vệ Hiến pháp, nhân quyền và tự do ; còn vị tổng thống độc tài nay đóng vai nhà dân chủ phẫn nộ trước cuộc đảo chính bạo lực. Phương Tây buộc lòng phải lên án việc lật đổ một chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, nhưng những lời ủng hộ ông Erdogan chỉ được miễn cưỡng thốt ra.
Cũng với ảnh tổng thống Erdogan trên nền cờ đỏ, La Croix nhấn mạnh « Thổ Nhĩ Kỳ rời xa châu Âu ». Theo La Croix, ông Recep Tayyip Erdogan mơ đến một chế độ mà tổng thống nắm trọn quyền, và cuộc đảo chính bất thành đã giúp cho ông cơ hội. Nhưng như vậy, chế độ toàn trị của ông đã xa dần các tiêu chuẩn châu Âu. Ông Erdogan sẽ gặp gỡ ông Vladimir Putin tại Matxcơva đầu tháng Tám, và tờ báo cho rằng đây là việc « ngưu tầm ngưu, mã tầm mã ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160721-bac-kinh-dap-tat-cac-cuoc-bieu-tinh-chong-my-sau-phan-quyet-bien-dong


Trung Quốc tuyên bố tiếp tục xây dựng ở Biển Đông


mediaNhân viên hàng không Trung Quốc trên phi đạo vừa được xây dựng trên Đá Vành Khăn, Trường SaREUTERS/Stringer/File Photo
Bắc Kinh sẽ « không bao giờ » ngưng xây dựng tại Biển Đông. Đó là tuyên bố của Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), tư lệnh hải quân Trung Quốc, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho rằng việc này là bất hợp pháp.
Tân Hoa Xã ngày hôm nay, 19/07/2016 đưa tin, trong cuộc gặp tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, tại Bắc Kinh vào hôm qua, tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không bao giờ ngưng việc xây dựng tại Nam Sa nửa chừng. Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, nhu cầu xây dựng của chúng tôi là hợp lý và hợp pháp ».
Nam Sa là tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang hối hả đào đắp các rạn san hô thành những đảo nhân tạo, với các cơ sở hạ tầng có thể dùng cho mục đích quân sự kể cả phi đạo.
Lời tuyên bố trái chiều này được đưa ra trong lúc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông, và căng thẳng ngoại giao vẫn đang tăng lên.
Tuần trước Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết, khẳng định yêu sách « đường lưỡi bò » 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra vào thập niên 40 bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, là không có cơ sở pháp lý.
Tòa án cũng cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) là vi phạm các quyền của Philippines về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Manila hoan nghênh phán quyết của tòa án, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ, cho rằng đó chỉ là « một mảnh giấy lộn ».
Ông Ngô Thắng Lợi nói thêm, Bắc Kinh không thể chấp nhận bị đe dọa, và theo ông, « bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc Trung Quốc phải quy hàng thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự chỉ phản tác dụng ».
Mặc cho Trung Quốc phản đối, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh ASEM cuối tuần qua. Chủ tịch Donald Tusk nói với báo chí, Liên Hiệp Châu Âu « sẽ tiếp tục đòi hỏi phải tôn trọng luật pháp quốc tế », và ông « hoàn toàn tin tưởng » vào PCA cũng như các phán quyết của tòa.
Trung Quốc gây áp lực lên các nước ASEAN để khối này không thể ra được thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các nước khác đòi hỏi Bắc Kinh nghiêm chỉnh, tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160719-bac-kinh-van-tiep-tuc-xay-dung-tai-bien-dong

Thứ hai, 1/8/2016 | 20:41 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Ông Tập bị quân đội gây sức ép cứng rắn sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang phải tìm cách né tránh những áp lực từ quân đội buộc họ phản ứng quyết liệt hơn sau phán quyết "đường lưỡi bò".

ong-tap-bi-quan-doi-gay-suc-ep-cung-ran-sau-phan-quyet-duong-luoi-bo
Một tàu chiến Trung Quốc tham gia diễn tập trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian từ ngày 5 đến 11/7. Ảnh: Xinhua
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ muốn thực hiện các động thái cứng rắn hơn. Thay vào đó, Trung Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Tuy nhiên, gần đây, một số thế lực bên trong lực lượng quân đội ngày càng độc lập của Trung Quốc đang ra sức thúc ép chính quyền phản ứng mạnh mẽ hơn, tính đến cả khả năng huy động quân sự, nhằm chống lại Mỹ cũng như các đồng minh khu vực vì vấn đề Biển Đông, Reuters dẫn lời 4 nguồn tin am hiểu sự việc cho biết.
Phán quyết từ Tòa Trọng tài khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh luôn miệng nói rằng sẽ phớt lờ phán quyết, gọi đây là một âm mưu chống Trung Quốc được nung nấu ở Washington.
"Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng", một nguồn tin giấu tên cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những năm gần đây không ngừng tranh thủ sự ủng hộ cũng như củng cố quyền lực đối với quân đội mà chưa gặp bất kỳ thách thức lớn nào. Ông còn đang giám sát chặt chẽ quá trình cải cách nhằm nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng vũ trang.
Song việc những thế lực bên trong quân đội Trung Quốc đòi hỏi phải có hành động mạnh tay trước phán quyết từ Tòa Trọng tài đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, có thể dẫn tới tình thế đối đầu nghiêm trọng ở Biển Đông, giới chuyên gia đánh giá.
Quân đội "cứng rắn"
Một nguồn tin khác có mối liên hệ với quân đội miêu tả lực lượng vũ trang Trung Quốc hiện vô cùng "hiếu chiến".
"Mỹ sẽ làm những gì họ cho là cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ làm những gì chúng tôi thấy cần", nguồn tin quả quyết. "Toàn quân đã được củng cố sức mạnh".
Đứng trước câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang tìm kiếm một cách phản ứng mạnh mẽ hơn không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân chỉ lặp lại rằng lực lượng vũ trang của nước này sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, các quyền hàng hải cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực, đồng thời xử lý mọi mối đe dọa và thách thức.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh về hưu cùng những học giả xuất thân từ quân đội Trung Quốc lại thúc giục chính phủ đưa ra một thông điệp mạnh bạo hơn.
"Quân đội sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng và Trung Quốc không bao giờ khuất phục trước bất kỳ nước nào về vấn đề chủ quyền", Liang Fang, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, viết trên mạng xã hội Weibo, đề cập tới phán quyết từ Tòa Trọng tài.
Theo Reuters, hiện chưa rõ những động thái cứng rắn mà quân đội Trung Quốc cân nhắc thực hiện là gì. Nhiều người tập trung vào khả năng Bắc Kinh thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Các nguồn tin có liên hệ với quân đội còn nhắc đến một số lựa chọn khác, bao gồm trang bị tên lửa cho những máy bay tuần tra khu vực.
Yue Gang, đại tá quân đội về hưu, nhận xét việc Trung Quốc tuyên bố sẽ điều phi cơ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang muốn tìm cách đánh bại ưu thế trên không mà Mỹ có được nhờ đội ngũ tàu sân bay hiện đại. 
"Trung Quốc lúc này không còn cảm thấy bị đe dọa bởi đội tàu sân bay Mỹ nữa và đã đủ can đảm để đáp trả, bất chấp nguy cơ xảy ra va chạm ngoài ý muốn", Yue viết trên Weibo.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi và nên coi phán quyết từ tòa như một bước ngoặt đối với chiến lược ở Biển Đông của ta", LiJinming từ Đại học Hạ Môn, bình luận.
Chính phủ thận trọng
ong-tap-bi-quan-doi-gay-suc-ep-cung-ran-sau-phan-quyet-duong-luoi-bo-1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cuối tháng trước tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Dù giới quân sự liên tục đưa ra những phát ngôn mạnh miệng, đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn chưa triển khai động thái tiềm ẩn khả năng gây leo thang căng thẳng lớn nào. Một số nhà ngoại giao cùng các nguồn tin cho hay giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ sự nguy hiểm cũng như những hệ lụy họ phải chịu nếu để xung đột bùng phát.
"Họ đang ở thế thủ. Họ rất lo lắng trước phản ứng từ quốc tế", một nhà ngoại giao hàng đầu ở Bắc Kinh tiết lộ, dẫn chứng bằng những cuộc đối thoại với các quan chức Trung Quốc. "Họ thật sự mong muốn nối lại đàm phán. Giới lãnh đạo Trung Quốc phải xem xét thật kỹ những bước đi tiếp theo".
Nội bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng nhận thức được rằng họ sẽ phải nhận những hậu quả tồi tệ nếu đối đầu trực diện với Mỹ.
"Hải quân của chúng tôi không thể so bì cùng Mỹ. Chúng tôi không sánh kịp họ về mặt công nghệ. Những người dân thường Trung Quốc sẽ là bên duy nhất bị ảnh hưởng", một nguồn tin quân đội nói và thêm rằng cách nhìn nhận này hiện rất phổ biến.
Một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc thì thẳng thắn nói: "Chiến tranh khó có thể nổ ra".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây lên tiếng đề cao tầm quan trọng của đối thoại, nhấn mạnh đã đến lúc đưa mọi thứ "trở về quỹ đạo" và "ngừng nói về" phán quyết của Tòa Trọng tài.
Mỹ đáp lại lời đề nghị một cách đầy thiện chí, cử Cố vấn An ninh Quốc giaSusan Rice tới Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế. Washington cũng đang áp dụng phương pháp ngoại giao thầm lặng nhằm thuyết phục các bên liên quan ở khu vực tránh thực hiện những động thái mạnh khiến căng thẳng gia tăng.
Bắc Kinh từ lâu luôn tỏ thái độ giận dữ trước hoạt động tự do hàng hải của Washington ở Biển Đông song chỉ điều tàu bám đuôi và cảnh cáo các chiến hạm Mỹ. Điều này cho thấy Trung Quốc rõ ràng không muốn khiêu khích Mỹ về mặt quân sự, nhiều nhà ngoại giao phương Tây và châu Á nhận định.
Theo một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, nếu muốn thực hiện các động thái gây hấn quân sự, Trung Quốc sẽ tính toán kỹ lưỡng thời điểm, nhiều khả năng rơi vào khoảng thời gian từ lúc Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc vào đầu tháng 9 tới tháng 11, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.
Trung Quốc rất lo ngại những hành động của nước này ở Biển Đông sẽ phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với những lãnh đạo đến từ các cường quốc hàng đầu thế giới. Sự kiện dự kiến được tổ chức ở thành phố Hàng Châu.
"Nhưng Trung Quốc sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ Mỹ sẽ chỉ ngồi đó và không làm gì cả", nhà ngoại giao ở Bắc Kinh khẳng định.
Vũ Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/ong-tap-bi-quan-doi-gay-suc-ep-cung-ran-sau-phan-quyet-duong-luoi-bo-3445694.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&utm_campaign=boxtracking

Geen opmerkingen:

Een reactie posten