vrijdag 5 augustus 2016

Những rừng cây kỳ lạ nhất trên Trái Đất + Rừng hóa thạch 6.000 năm + Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ

Thứ sáu, 5/8/2016 | 21:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 5/8/2016 | 21:00 GMT+7

Những rừng cây kỳ lạ nhất trên Trái Đất

Rừng ngập mặn, rừng cong, rừng cây móng rồng nằm trong số những khu rừng độc đáo nhất trên thế giới.
Rừng tảo bẹ
Theo Mother Nature Network, rừng không chỉ tồn tại trên đất liền mà còn có thể mọc ở dưới nước. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là những rừng tảo bẹ có thể tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới. Những tán tảo biển mọc dày đặc này rất giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò cung cấp môi trường sống cho các động vật biển cũng như thực phẩm cho con người suốt nhiều thiên niên kỷ. Ảnh: Ethan Daniels.
 
Rừng cây quiver
Tuy sa mạc dường như không phải nơi thích hợp để rừng phát triển, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy những rừng cây quiver (một loài thuộc họ lô hội) trên sa mạc miền nam Namibia. Tên khoa học Aloe dichotoma của cây xuất phát từ những cành cây rỗng từng được thổ dân địa phương sử dụng làm ống đựng tên. Hiện nay, rừng cây thưa thớt này có khoảng 250 cá thể, đa số có tuổi thọ từ 200 đến 300 năm. Ảnh: Matthieu Gallet.
 
Rừng ngập mặn
Bắt rễ bên dưới mặt nước như rong biển nhưng lại có thân mọc vươn dài lên không trung như những loài thực vật trên cạn, rừng ngập mặn được xem như những nàng tiên cá trong hệ sinh thái rừng. Rừng ngập mặn thường được tìm thấy dọc theo bờ biển của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi cây rừng phát triển mạnh trong môi trường đặc thù là nước lợ nhờ khả năng lọc muối đặc biệt. Hệ thống rễ bám sâu dưới đất giúp chúng đứng vững trước sóng lớn từ đại dương. Ảnh: Seaphotoart.
 
Rừng thông cổ thụ (Methusaleh)
Nằm trong Khu bảo tồn rừng quốc gia Inyo của bang California, Mỹ, rừng cây thông Pinus longaeva được đặt theo tên một trong những cá thể lâu đời nhất, Methusaleh, có tuổi thọ lên đến 4.847 năm. Loài cây này không chỉ có đặc trưng là tuổi thọ cao mà còn mang hình dáng xương xẩu. Ảnh: Heather Lucia Snow.
 
Rừng chìm hồ Kaindy
Không giống nhiều khu rừng lạ thường khác, rừng chìm hồ Kaindy ở Kazakhstan không còn sinh trưởng. Khu rừng từng mọc trên cạn. Năm 1911, một trận động đất khiến những con dốc xung quanh sạt lở, tạo thành con đập lưu trữ nước mưa ngày nay. Giữa hồ nước dài 396 m, các loại cây từng mọc tại đây hoàn toàn bị nhấn chìm bởi mực nước dâng cao. Qua nhiều năm, các cây chết dần, chỉ còn lại những cọc gỗ. Dù vậy, tàn dư của hệ thực vật dày đặc vẫn tồn tại bên dưới hồ. Ảnh: allenkayaa.
 
Nghĩa địa cây khô Deadvlei
Nghĩa địa cây khô Deadvlei tại Namibia từng là một lòng chảo đất sét sa mạc màu mỡ. Nhưng khoảng 900 năm trước, nó bắt đầu khô cạn dần sau khi bị những cồn cát xâm lấn cắt khỏi dòng chảy sông Tsauchab. Dù các cây sống trong đầm lầy đã chết, chúng vẫn chưa bị phân hủy trong suốt nhiều thế kỷ do môi trường quá khô hạn. Rừng cây khẳng khiu, khô đen chết từ 1.000 năm trước đối lập hoàn toàn với cồn cát màu cam và mặt đất phẳng màu trắng. Đây là một trong những cảnh quan siêu thực nhất ở châu Phi. Ảnh:  Oleg Znamenskiy.
 
Đại lộ cây baobab
Nằm gần bờ biển phía tây của Menabe, Madagascar, khu rừng baobab quý hiếm là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất tại quốc đảo này. Cây baobab lâu đời nhất có tuổi thọ 800 năm, khi khu đất xung quanh vẫn còn là rừng nhiệt đới rậm rạp và tươi tốt.
Giờ đây, sau nạn phá rừng và sự phát triển nông nghiệp thiếu kiểm soát kéo dài nhiều thập kỷ, những cây thân khổng lồ này giờ chỉ là những người lính gác cô độc trông ra đồng lúa và rừng mía ngày càng mở rộng. Ảnh: Dudarev Mikhail.
 
Rừng cong
400 cây thông có gốc uốn cong được trồng vào khoảng năm 1930, ngay bên ngoài thị trấn Nowe Czarnowo ở phía tây Pomerania, Ba Lan. Nguyên nhân khiến chúng có hình dạng kỳ lạ như vậy chưa được làm rõ, dù có nhiều ý kiến cho rằng đây là kết quả can thiệp của con người. Ảnh: seawhisper.
 
Rừng cây huyết rồng
Với tán lá hình ô, cành lá xương xẩu và nhựa màu đỏ, loài cây huyết rồng nổi tiếng của Yemen (Dracaena cinnabari) đang trở nên ngày càng dễ tổn thương khi đảo Socotra khô cằn dần do biến đổi khí hậu. Theo Globaltrees.org, dự đoán đến năm 2080, cây huyết rồng có thể mất đến 45% môi trường sống.


Xem thêm: Bão lớn hé lộ rừng hóa thạch 6.000 năm tuổi
 

Phương Chu
 
http://vnexpress.net/photo/khoa-hoc/nhung-rung-cay-ky-la-nhat-tren-trai-dat-3447891.html

Thứ tư, 20/1/2016 | 17:26 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 20/1/2016 | 17:26 GMT+7

Bão lớn hé lộ rừng hóa thạch 6.000 năm tuổi

Hàng nghìn người đổ xô đến bờ biển Portreath ở Cornwall, Anh, để tham quan những dấu tích của khu rừng hóa thạch 6.000 năm tuổi.

bao-lon-he-lo-rung-hoa-thach-6000-nam-tuoi
Một thân cây thuộc khu rừng nổi lên khỏi mặt nước. Ảnh: SWNS.
Theo Mirror, dấu tích của khu rừng hóa thạch có niên đại ước tính khoảng 4.000-6.000 năm được phát hiện tại bờ biển ở Cornwall, Anh. Một cơn bão lớn đã cuốn trôi lớp cát và để lộ dấu tích những gốc cây của khu rừng cổ đại.
Khu rừng hình thành trong thời kỳ Đồ đá mới. Sau đó, mực nước biển tại Cornwall tăng lên khiến nó bị ngập. Trải qua hàng nghìn năm, phần thân cây chôn vùi dưới các lớp cát, bùn hoặc than bùn dần hóa đá.
bao-lon-he-lo-rung-hoa-thach-6000-nam-tuoi-1
Khu rừng có niên đại khoảng 4.000-6.000 năm tuổi. Ảnh: SWNS.
Khu rừng xuất hiện vài năm một lần, sau các cơn bão hay khi thủy triều xuống cực thấp. Lần xuất hiện gần đây nhất của khu rừng cổ là vào năm 2014, sau khi các cơn bão mùa đông đổ bộ vào bờ biển phía tây Cornwall. Lần này, khu rừng sẽ nổi lên trên mặt nước đến ngày 25/1.
"Thật ngạc nhiên khi biết nơi đó từng là một khu rừng. Chúng ta khó có thể tưởng tượng toàn bộ cảnh quan khu rừng từ những dấu tích này. Bạn có thể thấy rễ và cành cây. Đây thực sự là một khung cảnh ấn tượng, thu hút nhiều du khách", phát ngôn viên Hiệp hội Portreath, Anh, cho biết.
Thùy Dương

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bao-lon-he-lo-rung-hoa-thach-6-000-nam-tuoi-3345683.html

Thứ bảy, 16/4/2016 | 15:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 16/4/2016 | 15:00 GMT+7

Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất thế giới từ năm 1990 tới nay.

the-gioi-mat-dien-tich-rung-bang-1000-san-bong-moi-gio
Diện tích rừng tại các khu vực trên thế giới. Ảnh: Open Street Map
Theo Telegraph, thế giới đã mất đi diện tích rừng tương đương 1.000 sân bóng đá mỗi giờ trong 25 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo vấn nạn phá rừng là một vấn đề lớn đối với thế giới do tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
Sau ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay, một nghiên cứu cho biết ước tính hiện còn 3.000 tỷ cây xanh trên Trái Đất. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, Trái Đất đã mất 1,3 triệu km2 rừng từ năm 1990 tới nay, lớn hơn diện tích quốc gia Nam Phi.
Trong khi vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ gia tăng diện tích rừng lớn nhất từ năm 1990 đến 2015, thì khu vực Mỹ Latin, Caribe và tiểu vùng Sahara châu Phi mất nhiều diện tích rừng nhất, mỗi khu vực giảm 10%.
Khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất, 970.000 km2 từ năm 1990 đến 2015. Vùng này có diện tích rừng lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 1/4 tổng diện tích rừng toàn cầu.
Đến năm 2012, hơn 14% diện tích đất trên thế giới được các quốc gia bảo vệ. Mỹ Latin và khu vực Caribe dẫn đầu tỷ lệ này, với 21,2% tổng diện tích đất được bảo vệ.
"Rừng đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và tạo công ăn việc làm. Và rừng cung cấp các dịch vụ môi trường quan trọng như nước và không khí sạch, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu", José Graziano da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết.
"Hướng thay đổi đang tích cực, nhưng con người cần làm tốt hơn. Thế giới sẽ không giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững nếu không bảo vệ rừng và sử dụng nhiều nguồn tài nguyên bền vững mà rừng mang lại", ông Graziano nhấn mạnh.
Vân Du

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/moi-truong/the-gioi-mat-dien-tich-rung-bang-1-000-san-bong-moi-gio-3387974.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking

Geen opmerkingen:

Een reactie posten