dinsdag 9 augustus 2016

Nhật Hoàng lên TV tỏ ý muốn thoái vị để truyền ngôi cho con trai + Đa số dân Nhật thông cảm nguyện vọng thoái vị của Nhật Hoàng



Nhật Hoàng lên TV tỏ ý muốn thoái vị



Hoàng Đế Nhật Akihito và Hoàng Hậu Michiko. (Hình: Getty Images/Koki Nagahama)
Hoàng Đế Nhật Akihito và Hoàng Hậu Michiko. (Hình: Getty Images/Koki Nagahama)
TOKYO, Nhật (NV) – Qua một lần nói chuyện hiếm hoi trên truyền hình, Hoàng Đế Akihito nói rằng nếu sức khỏe tiếp tục suy yếu, ông e sẽ không thể chu toàn nhiệm vụ với quốc dân.
CNN trích lời hoàng đế Nhật, nói: “Trẫm nay đã trên 80 tuổi và may thay sức khỏe trẫm vẫn đang còn tốt.”
Vị hoàng đế, người sẽ được 83 tuổi vào ngày 23 Tháng Mười Hai tới, nói tiếp: “Tuy nhiên, đến khi trẫm nhận thấy sức khỏe suy sụp dần, trẫm e rằng điều này sẽ gây khó khăn cho trẫm trong việc chu toàn nhiệm vụ như là biểu tượng của Quốc Gia.”
Lời loan báo này được nhiều người xem như là một khẩn cầu của hoàng đế đối với quốc hội Nhật, yêu cầu họ thay đổi luật để ông có thể thoái vị.
Luật vương triều ở Nhật đòi hỏi vị hoàng đế phải ngồi tại vị cho đến khi băng hà. Theo hiến pháp, nếu hoàng đế trở nên mất khả năng thì người kế thừa sẽ thay mặt như là một nhiếp chính vương.
Hoàng Đế Akihito nói, một nhiếp chính vương có thể được chỉ định, mà người ấy có thể là Thái Tử Naruhito, 56 tuổi, người sẽ thay ông trong trường hợp ông lâm bệnh nặng hoặc trở nên thiếu khả năng.
Ông là hoàng đế thứ 125 của Nhật, kế thừa trực tiếp không gián đoạn từ hoàng đế thứ nhất Jimmu, vào năm 660 trước công nguyên.
Trong những năm gần đây, ông từng trải qua cuộc giải phẫu tim và chữa trị bệnh ung thư, khiến ảnh hưởng đến khả năng chu toàn nhiệm vụ hoàng đế.
Hoàng Đế Akihito và Hoàng Hậu Michiko, 81 tuổi, từ lâu phải duy trì một chương trình theo yêu cầu với hơn 250 cuộc gặp gỡ công chúng mỗi năm và 75 lần du hành cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy nhiên hơn 100 trong số những cuộc gặp mỗi năm đó nay phải hủy bỏ hay phải ủy nhiệm cho thái tử.
Thủ Tướng Shinzo Abe nói, ông sẽ “suy nghĩ nghiêm túc về những gì chúng ta có thể làm” để giúp làm vơi gánh nặng cho vị hoàng đế.
Đây chỉ là lần thứ ba một hoàng đế Nhật nói chuyện với công chúng ở thời đại truyền thông và truyền hình.
Lần đầu tiên khi Hoàng Đế Hirohito nói qua hệ thống truyền thanh, loan báo nước Nhật thua trận Thế Chiến Thứ Hai.
Và lần thứ nhì, lúc con trai ông là hoàng đế Akihito nói chuyện với quốc dân trên TV sau khi xảy ra trận động đất sóng thần đưa đến thảm họa nguyên tử Fukushima vào năm 2011.
Một thời được tôn kính như vị Thần sống, nhưng kể từ sau Thế Chiến Hai, hoàng đế Nhật trở thành một nhân vật nghi lễ trong một nước quân chủ lập hiến. (TP)

http://www.nguoi-viet.com/the-gioi/nhat-hoang-len-tv-y-muon-thoai-vi/


Akihito lo ngại không thể tiếp tục làm hoàng đế


mediaThông điệp của Nhật hoàng Akihito truyền qua truyền hình, ngày 08/08/2016.Reuters
Trong thông điệp được phát trển truyền hình Nhật Bản, hôm nay, 08/08/2016, hoàng đế Akihito, 82 tuổi, cho biết ông lo ngại về khả năng bản thân tiếp tục đảm đương các vai trò trị vì nước Nhật và gợi ý nên có những sửa đổi luật pháp không bắt buộc ông phải làm hoàng đế cho đến khi tạ thế.

Ông nói : « Rất may là hiện nay, tôi còn khỏe. Tuy nhiên, khi tôi thấy sức khỏe của mình dần dần suy giảm, tôi lo lắng là sẽ gặp khó khăn trong việc đảm đương các chức vụ của mình, với tư cách là biểu tượng của Nhà nước » Nhật Bản.
Nhật hoàng không hề nhắc đến « thoái vị » vì từ này được diễn giải như một ngôn từ mang tính chất chính trị và do vậy bị Hiến Pháp cấm.
Phát biểu của Akihito cho phép mở ra một cuộc thảo luận về việc hiện đại hóa chế độ hoàng đế và việc làm hoàng đế suốt đời.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay lập tức tuyên bố là cần nghiêm túc đón nhận những phát biểu của hoàng đế và phải suy nghĩ về việc này.
Từ nhiều ngày qua, đã có nhiều thông tin nói đến việc hoàng đế Akihito muốn thoái vị và nhường ngôi cho thái tử.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160808-hoang-de-nhat-ban-lo-ngai-khong-tiep-tuc-dam-duong-vai-tro-cua-minh-vi-ly-do-suc-kho


Đa số dân Nhật thông cảm nguyện vọng thoái vị của Nhật Hoàng


mediaNgười dân Nhật dừng chân đón nghe thông điệp của Nhật Hoàng Akihito ở một điểm công cộng tại Tokyo ngày 08/08/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Nhật Hoàng Akihito, sau 27 năm trị vì ngôi hoàng đế Nhật Bản nay đã 83 tuổi, hôm qua 08/08/2016, đã có một thông điệp trên truyền hình gửi đến toàn thể quốc dân trong đó Ngài ngỏ ý lo ngại tình trạng sức khỏe do tuổi tác ngày càng cao không còn cho phép hoàn thành bổn phận là biểu tượng quốc gia. Đại đa số người dân xứ Phù tang tỏ thông cảm với nguyện vọng được nghỉ ngơi của Nhật Hoàng khi tuổi cao sức yếu.
Thông tin về việc Nhật Hoàng có ý định rời ngôi hoàng đế, một điều chưa từng có trong hơn hai thể kỷ ở Nhật, đã được lan truyền ra ngoài từ hơn một tháng nay và đã gây nhiều tranh luận trong dư luận tại Nhật Bản. Tuy nhiên Nhật Hoàng không hề nhắc tới việc thoái vị hay truyền ngôi trong bài diễn văn mặc dù ai cũng hiểu nguyện vọng của Ngài.
RFI phỏng vấn Giáo sư lịch sử Vũ Đăng Khuê tại Nhật Bản:


Gs.Vũ Đăng Khuê- Tokyo, Nhật Bản 09/08/2016 Nghe

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160809-da-so-dan-nhat-thong-cam-voi-nguyen-vong-duoc-thoai-vi-cua-nhat-hoang-akihito

Nhật Hoàng Akihito muốn truyền ngôi cho con trai

mediaNhật Hoàng Akihito tuyên bố khai mạc khóa họp nghị viện tại Tokyo ngày 04/01/2016.REUTERS/Toru Hanai
Nhật Bản đang chờ đợi thông điệp của Nhật Hoàng được ghi hình và dự kiến sẽ được phát sóng vào ngày thứ Hai 08/08/2016.  Thông báo được đưa ra hai tuần sau khi kênh truyền hình quốc gia NHK bất ngờ tiết lộ rằng Nhật Hoàng đã nói với những người thân cận là muốn thoái vị.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết :
Nhật Hoàng năm nay 82 tuổi, đang trong tình trạng sức khỏe không tốt, đã qua phẫu thuật tim và tuyến tiền liệt. Nếu Nhật Hoàng Akihito có quyền tự quyết định thì ông sẽ thông báo thoái vị.
Nhưng Hiến Pháp Nhật không cho phép điều đó. Tất cả những gì Nhật Hoàng có thể làm chỉ là bày tỏ mong muốn truyền ngôi cho con trai vào ngày mà ông không thể đảm đương trọng trách được nữa.
Nhưng mong muốn này sẽ phải được diễn đạt một cách rất khéo léo vì theo Hiến Pháp, Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng của dân tộc và không có quyền can thiệp vào các công việc của Nhà nước và xã hội.
Cả hoàng gia và cánh hữu bảo thủ do thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đều không muốn Nhật Hoàng thoái vị. Mặc dù xã hội thế tục luôn coi hoàng đế như là đại diện của thần Đạo tại Nhật Bản, tương tự như  giáo hoàng của Công giáo.
Khi nói tới khả năng thoái vị, có nghĩa là Nhật Hoàng đang tìm cách dân chủ hóa vương triều. Có lẽ Nhật Hoàng đã tự nhủ : Giáo Hoàng Benedicto XVI đã thoái vị thì tại sao hoàng đế Nhật lại không thể?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160807-nhat-hoang-akihito-muon-truyen-ngoi-cho-con-trai-0

Geen opmerkingen:

Een reactie posten