woensdag 10 augustus 2016

Nhật cảnh cáo Trung Quốc về các hành vi hung hăng trên biển



 Tokyo phản đối Bắc Kinh cho tàu xâm nhập lãnh hải Nhật

mediaNgày 09/08/2016, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để phản đối vụ đưa tàu xâm nhập vùng biển Nhật Bản.Kyodo/ REUTERS
Trong một động thái ngoại giao càng lúc càng kiên quyết, Nhật Bản vào hôm nay, 09/08/2016 lại triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Tokyo lên bộ Ngoại Giao để phản đối việc Bắc Kinh liên tiếp cho tàu Hải Cảnh tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh cho rút ngay lập tức đội tàu của mình ra khỏi khu vực để giảm bớt căng thẳng.
Đây là lần thứ hai trong không đầy một tuần mà đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao Nhật để nghe phản đối. Hôm thứ Sáu 05/08 là ở cấp thứ trưởng, còn hôm nay là ở cấp bộ trưởng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida lần này đã xác định với đại sứ Trung Quốc rằng « môi trường quan hệ Nhật-Trung đang xấu đi đáng kể », và Tokyo « không thể chấp nhận việc (Trung Quốc) có những hành động đơn phương gây căng thẳng ». Nhật Bản cho rằng Trung Quốc phải cho rút tàu của mình ra khỏi khu vực để giảm nhiệt căng thẳng.
Tokyo đã có động thái ngoại giao cứng rắn kể trên trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng cho tàu Hải Cảnh tiến vào khu vực chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Từ thứ Sáu tuần trước, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã phát hiện cả chục tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong khu vực bị Trung Quốc tranh cấp. Đến sáng nay, Tuần Duyên Nhật Bản xác định rằng đã có nhiều chiếc tàu Trung Quốc bên trong vùng hải phận Nhật Bản xung quanh Senkaku, và hơn một chục chiếc khác gần đấy. Vào hôm qua, có đến 15 tàu Hải cảnh Trung Quốc bị phát hiện, một số lượng đông đảo nhất từ trước đến nay.
Từ hôm Chủ Nhật, khoảng 230 chiếc tàu cá Trung Quốc, được 7 chiếc tàu Hải Cảnh bảo vệ đã ồ ạt xâm nhập vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điểu đáng nói là trong số đó có 4 chiếc được thấy là có trang bị vũ khí.
Giới quan sát ghi nhận là rất hiếm khi có một đoàn tàu cá đông như vậy tại vùng Senkaku/Điếu Ngư, một dấu hiệu cho thấy ý đồ leo thang tranh chấp của Bắc Kinh.
Bị Tokyo phản đối, đại sứ Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ngơ với luận điệu truyền thống : Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc chủ quyền Trung Quốc, và việc tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực là điều « tự nhiên ».
Thậm chí vị đại sứ này còn cho rằng tàu Hải Cảnh Trung Quốc được điều đến nơi để bảo đảm sao cho hoạt động gia tăng của ngư dân Trung Quốc « không làm cho tình hình phức tạp thêm ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160809-tokyo-cuc-luc-phan-doi-bac-kinh-cho-tau-di-vao-lanh-hai-nhat-ban

Hoa Đông : 230 tàu cá Trung Quốc vào gần các đảo đang có tranh chấp

mediaTầu tuần duyên Trung Quốc số 31239 trong khu vực biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp của tuần duyên Nhật Bản ngày 22/12/2015.REUTERS/11th Regional Coast Guard Headquarters-Japan Coast Guard
Hôm nay 06/08/2016, bộ Ngoại Giao Nhật Bản thông báo đã phát hiện khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên Trung Quốc, trong đó có 3 tàu dường như trang bị vũ khí, trên biển Hoa Đông, gần các đảo mà Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp.
Vào lúc 8g05’ hôm nay 06/08/2016 (tức 23g30 ngày hôm qua 05/06/2016, theo giờ quốc tế), sau khi phát hiện ra các tàu tuần duyên Trung Quốc ở gần các đảo đang có các tranh chấp là Senkaku/Điếu Ngư, vụ các vấn đề châu Á và Đại Dương, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã có những kháng nghị mạnh mẽ tới đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã yêu cầu các tàu này phải rời đi ngay lập tức và « không bao giờ được tiến vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản ». Thông cáo nhấn mạnh : « Nhật Bản không thể chấp nhận, trong bất kể trường hợp nào, việc các tàu Trung Quốc hoạt động ngoài khơi quần đảo Senkakư, vì điều này làm trầm trọng thêm tình hình và gây gia tăng căng thẳng trong khu vực ».
Vụ việc này xảy ra một ngày sau khi Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên bộ Ngoại Giao để phản kháng việc các tàu Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản vào chiều hôm qua 05/08/2016.
Các căng thẳng liên quan tới các đảo và bãi đá ở vùng biển phía nam Nhật Bản bắt đầu từ năm 2012, ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan hệ hai nước. Quần đảo Senkakư/Điếu Ngư không có người ở, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc phản đối chủ quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước đây, rất hiếm khi các tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160806-hoa-dong-230-tau-ca-trung-quoc-vao-gan-cac-dao-dang-co-tranh-chap

Nhật cảnh cáo Trung Quốc về các hành vi hung hăng trên biển


mediaCông trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Trung Quốc đang hoàn thiện. Nguồn : China Topix
Bắc Kinh có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc xung đột với các láng giềng do lập trường hung hăng trong các tranh chấp trên biển. Trong bản báo cáo thường niên về quốc phòng công bố hôm nay, 02/08/2016, Nhật Bản không ngần ngại công kích các hành vi bị cho là thái quá của Trung Quốc cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài ý muốn.
Về Biển Đông, báo cáo quốc phòng của Nhật Bản ghi nhận là Trung Quốc « tiếp tục hành động một cách quyết đoán » và trong các hành động của Trung Quốc « có những hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn ».
Trong thời gian qua, Trung Quốc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông, cho bồi đắp bãi cạn hay rạn san hô trong tay họ thành đảo nhân tạo có thể làm hạ tầng cơ sở cho hoạt động quân sự, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng, làm quốc tế càng lúc càng lo ngại.
Mới đây, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong đường chín đoạn trên Biển Đông, cho rằng đòi hỏi này không cơ sở pháp lý.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã tăng sức ép trên Bắc Kinh, và Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản vào hôm nay lo ngại rằng Trung Quốc « chuẩn bị có hành vi áp đặt yêu sách đơn phương mà không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào », trong đó có việc « biến những thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng chế thành sự đã rồi ».
Tokyo một lần nữa đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng Hai vừa qua đã cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng nguy cơ « tính toán sai lầm hoặc xung đột ». Washington thường xuyên gửi tàu chiến vào Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Và trong một điểm nóng mới nổi lên tại Biển Đông, tình hình quanh quần đảo Natuna của Indonesia giáp Biển Đông cũng căng thẳng lên, với việc tàu Trung Quốc và Indonesia chạm trán nhau. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng nội các của ông đã dùng tàu chiến đến thăm Natuna hồi tháng Sáu để bắn đi thông điệp rằng Jakarta kiên quyết bảo vệ quần đảo ngoài khơi xa của mình.
Về Biển Hoa Đông, nơi Tokyo có tranh chấp với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại về hoạt động gia tăng của Trung Quốc. Báo cáo viết : « Gần đây, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku, như cho máy bay quân sự bay gần các đảo ».
Trong vòng một năm, cho đến tháng 3/2016, máy bay Nhật đã phái 571 lần bay lên nghênh chiến máy bay Trung Quốc bay sát không phận Nhật, một con số cao hơn năm trước đó đến 107 lần.
Tháng 6 vừa qua, Tokyo cũng tố cáo Bắc Kinh cho tàu do thám xâm nhập hải phận Nhật Bản vào lúc nước này tập trận cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Và mới tháng trước, hai nước lại đấu khẩu với nhau về việc Bắc Kinh tố cáo chiến đấu cơ Nhật hướng radar nhắm bắn vào máy bay Trung Quốc.
Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã cực lực bác bỏ các cáo buộc của Nhật Bản nêu lên trong Sách Trắng về quốc phòng vừa công bố.
Theo AFP, hãng tin chính thức Trung Quốc Tân Hoa Xã đã lớn tiếng tố cáo Tokyo là đã có « những nhận xét vô trách nhiệm » về quốc phòng Trung Quốc và những hoạt động trên biển được Bắc Kinh gọi là « bình thường và hợp pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160802-nhat-canh-cao-trung-quoc-ve-cac-hanh-vi-hung-hang-tren-bien



Biển Hoa Đông : Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật


mediaTrung Quốc tập trận với Nga tại biển Hoa Đông, tháng 5/2014.Reuters/China Daily
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Hải quân nước này, từ ngày hôm qua, 01/08/2016, đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông.
Thông cáo được đăng trên website của bộ Quốc Phòng, cho biết, trong cuộc tập trận này, Hải quân Trung Quốc bắn hơn một chục tên lửa và ngư lôi, với mục đích đẩy mạnh cường độ tấn công, cải thiện tính chính xác, ổn định và tốc độ triển khai quân, trong "môi trường điện từ phức tạp", hàm ý nói đến chiến tranh điện tử.
Tham gia cuộc tập trận có lực lượng không quân của hải quân, tàu ngầm, tàu chiến và cả lực lượng tuần duyên.
Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ địa điểm cụ thể của cuộc tập trận này tại biển Hoa Đông. Tại vùng biển này, Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự và tuần duyên tại các vùng biển đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo một báo cáo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản được công bố vào tháng trước, trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu vừa qua, các chiến đấu cơ của nước này đã phải xuất kích 199 lần để ngăn chặn các máy bay của Trung Quốc tiến lại gần không phận Nhật Bản.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự tại những vùng biển có tranh chấp. Tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận với Nga tại vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160802-bien-hoa-dong-hai-quan-trung-quoc-tap-tran-ban-dan-that

Geen opmerkingen:

Een reactie posten