Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới?
- 26 tháng 1 2015
Cuốn sách ‘Mein Kampf’ (Cuộc đấu tranh của tôi) của Adolf Hitler sẽ hết thời hạn bản quyền ở Đức vào năm 2015. Điều gì sẽ xảy ra khi giới chức không còn có thể kiểm soát việc in ấn và phát hành cuốn sách này?
Xuất bản hay đốt bỏ?
“Họ muốn biến nó thành Kinh Thánh,” ông Stephan Kellner, một chuyên gia sách hiếm, thì thầm trong một căn phòng yên ắng ở thư viện bang Bavaria. Ông giải thích bằng cách nào mà Đức Quốc xã đã biến một cuốn sách kể lể – nửa là hồi ký, nửa là tuyên truyền – thành tài liệu trung tâm trong ý thức hệ của Đệ tam Đế chế?Khi Mein Kampf hết thời hạn bản quyền thì cũng có nghĩa là về mặt lý thuyết bất cứ ai cũng có thể xuất bản tác phẩm này ở Đức. Một chương trình mới trên đài phát thanh BBC 4 đã tìm hiểu giới chức Đức sẽ làm gì với cuốn sách tai tiếng nhất trên thế giới này.
Theo nhà sản xuất chương trình có tên là ‘Xuất bản hay đốt bỏ’, cuốn sách này vẫn là một tài liệu nguy hiểm. “Lịch sử về Hitler là những câu chuyện hạ thấp Hitler và người ta đã hạ thấp cuốn sách này,” ông John Murphy, người có ông nội đã dịch bản tiếng Anh đầy đủ đầu tiên của Mein Kampf hồi năm 1936, nói.
“Có lý do để chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc bởi vì người ta có thể diễn dịch sai nó. Mặc dù Hitler viết cuốn sách này vào những năm 1920, những gì mà ông ta viết ông ta đã thực hiện. Nếu lúc đó người ta để ý một chút có lẽ họ đã nhận ra mối đe dọa,” ông nói.
Hitler bắt đầu viết Mein Kampf khi còn ở trong tù vì tội phản quốc sau cuộc nổi dậy thất bại ở Munich hồi năm 1923. Cuốn sách đề ra quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Một thập niên sau đó khi Hitler giành được quyền lực thì cuốn sách này đã trở thành tài liệu chủ chốt của Đức Quốc xã. 12 triệu bản đã được in và được phát cho các cặp vợ chồng mới cưới trong khi các bản mạ vàng được trưng bày trang trọng trong nhà của các quan chức.
Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi quân đội Mỹ chiếm được nhà xuất bản Eher Verlag của Đảng Quốc xã, bản quyền Mein Kampf chuyển sang chính quyền bang Bavaria. Họ đảm bảo rằng cuốn sách này chỉ được tái bản ở Đức trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng với việc bản quyền của nói hết hạn vào tháng 12 năm 2015 thì tại Đức đã nổi lên tranh luận gay gắt về việc làm cách nào để ngăn chặn mọi người tự do in ấn nó.
Làm sao ngăn được?
“Chính quyền bang Bavaria đã dùng bản quyền để kiểm soát việc xuất bản Mein Kampf nhưng sự kiểm soát đó sắp kết thúc – điều gì sẽ xảy ra?” ông Murphy nói, “Đây vẫn là một cuốn sách nguy hiểm – hiện đang có những vấn đề với bọn phát xít mới và nguy cơ người ta diễn giải sai nó nếu nó không được đặt trong đúng bối cảnh.”Một số người đặt vấn đề liệu có ai đó muốn tái bản cuốn sách này hay không. “Nó đầy những lời lẽ khoa trương, khó theo dõi, những vụn vặt lịch sử và những sợi chỉ tư tưởng rối nùi mà cả những kẻ tân phát xít cũng như các sử gia đều muốn né tránh.”
Vậy mà Mein Kampf trở nên được yêu thích ở Ấn Độ với các chính trị gia có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc. “Nó được xem là một cuốn sách tự học rất ý nghĩa,” Atrayee See, giảng viên về tôn giáo và xung đột đương đại ở Đại học Manchester, nói, “Nếu loại phần nói về chủ nghĩa bài Do Thái ra thì nó là cuốn sách về một người đàn ông mơ chinh phục thế giới và muốn thực hiện ước mơ này.”
Việc đặt cuốn sách này khỏi bối cảnh của nó là một trong những lo sợ của những người phản đối việc tái bản. Trong chương trình ‘Xuất bản hay đốt bỏ’, ông Ludwig Unger, phát ngôn nhân của Bộ Giáo dục và Văn hóa bang Bavaria, nói. “Hậu quả của cuốn sách này là hàng triệu người thiệt mạng, hàng triệu người bị ngược đãi, nhiều nước chìm vào chiến tranh. Điều quan trọng là bạn phải luôn nhớ những điều này. Khi đọc một số đoạn trong sách bạn luôn phải có những nhận định lịch sử phản biện phù hợp.”
Khi bản quyền hết hạn, Viện Sử học Đương đại Munich có kế hoạch đưa ra một ấn bản mới của Mein Kampf. Ấn bản này sẽ kết hợp bản gốc với những lời bình luận chỉ ra những thiếu sót và xuyên tạc sự thật trong cuốn sách. Một số nạn nhân của Đức Quốc xã đã lên tiếng phản đối cách làm này trong khi chính quyền bang Bavaria rút lại sự ủng hộ sau khi những người sống sót trong nạn diệt chủng người Do Thái chỉ trích.
Nhưng chôn vùi cuốn sách này có lẽ không phải là cách làm hay. Một bài xã luận trên tờ New York Times lập luận: “Việc thế hệ trẻ tiêm nhiễm tư tưởng Quốc xã có thể được ngăn chặn tốt hơn bằng cách đối diện cởi mở với những gì Hitler viết chứ không phải giữ cho những gì bị người đời nguyền rủa này trong bóng tối của sự bất hợp pháp.”
Murphy thừa nhận rằng một lệnh cấm cuốn sách xuất bản trên toàn cầu là không thể thực hiện được. “Điều này phụ thuộc nhiều vào việc chính quyền Bavaria có lập trường. Họ phải đưa ra lập trường ngay cả khi trong thế giới hiện đại họ sẽ không thể ngăn chặn người ta tiếp cận cuốn sách.”
Chris Bowlby, người dẫn chương trình ‘Xuất bản hay đốt bỏ’ cho rằng những hành động biểu tượng vẫn có ý nghĩa. Sau thời hạn bản quyền, bang Bavaria dự định sẽ dùng điều luật cấm kích động hận thù sắc tộc để truy tố những ai xuất bản cuốn sách này. “Theo quan điểm của chúng tôi thì tư tưởng của Hitler đồng nghĩa với khái niệm về sự kích động,” ông Ludwig Unger nói, “Nói là một cuốn sách nguy hiểm nếu ở trong tay không đúng người.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Culture.
Tin liên quan
- Bộ tộc săn người cuối cùng ở Ấn Độ
- Cảnh nóng trên phim ngày càng mạnh bạo?
- Khi thư viện trở thành lâu đài tri thức
- Cảnh nóng trên phim ngày càng mạnh bạo?
- Quảng trường, máu và khát vọng dân chủ
- Tại sao Bắc Hàn sợ ‘The Interview’?
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2015/01/150126_mein_kampf_copyright_expires_vert_cul
Geen opmerkingen:
Een reactie posten