donderdag 4 juni 2015

Chủ trại gà gốc Việt ở Manning, South Carolina, khốn đốn vì 320,000 con gà bị... 'ám sát' ,trị giá khoảng $1.7 triệu.

Chủ trại gà gốc Việt khốn đốn vì bị 'giết' 40 ngàn con gà
Wednesday, June 03, 2015 6:21:26 PM



Bài liên quan


MANNING, South Carolina (NV) - Ông Sony Nguyễn, một chủ trại gà ở Manning, South Carolina, đang bị khốn đốn, sau khi một ai đó đã “giết” 40,000 con gà của ông hôm 17 Tháng Hai, và cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa tìm được thủ phạm, theo một bản tin của Bloomberg News.

(Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo bản tin, trong lúc đang ngủ, ông Sony được một người quen báo có chuyện khẩn cấp. Ông chạy đến chuồng gà, mở cửa, và vô cùng ngỡ ngàng. Tất cả gà trong hai chuồng, mỗi chuồng 20,000 con, chết sạch.
Ông Sony được trích lời nói: “Tôi té xuống ngay trước cửa chuồng gà, gần như ngất xỉu.”
Tuy nhiên, ông biết ngay có chuyện không bình thường.
Sau khi bình tĩnh hơn, ông đi vào phòng kiểm soát điện của chuồng gà và phát hiện nhiệt độ lúc đó là 122 độ F. Hệ thống quạt làm mát chuồng gà bị tắt, hệ thống báo động cũng bị tắt.
Ông Sony Nguyễn, tên Việt Nam là Nguyễn Hồng Sơn, biết ngay, có ai đó cố ý làm chuyện này, để cho hàng chục ngàn con gà chết vì nóng.
Nuôi gà gia công
Theo Bloomberg News, ông Sony là một chủ trại gà tiêu biểu, vay ngân hàng $2 triệu để mua trại, và không có tiền mua bảo hiểm sức khỏe.
Ông sống nhờ tiền công nuôi gà, xài hết chi phiếu này lại chờ chi phiếu kế tiếp, do công ty Pilgrim’s Pride trả, có nghĩa là đợt gà nào không có vấn đề thì ông có tiền, còn không thì ông sẽ gặp khó khăn.
Pilgrim’s Pride là công ty gà lớn thứ nhì ở Mỹ, theo Bloomberg News.
Thành ra, người nào đó giết 40,000 con gà tối 17 Tháng Hai, coi như “giết” trại gà của ông luôn.
Cũng trong đêm đó, ba chủ trại gà khác trong vùng cũng bị phá hoại, với cùng phương cách, để làm cho gà trong chuồng chết hết.
Một tuần sau đó, một số trại cũng bị phá hoại, và tổng số gà bị “giết” ở các trại gà tại Clarendon County là 320,000 con, trị giá khoảng $1.7 triệu.
Cũng như bao nhiêu trại gà khác ở Hoa Kỳ, ông Sony Nguyễn chỉ là người nuôi gia công, nghĩa là có chuồng, đất, và sức lao động. Còn gà, thực phẩm, thuốc phòng ngừa bệnh tật, và ngay cả nhân viên thú y là của công ty Pilgrim’s Pride.
Sau nhiều ngày điều tra, cảnh sát Clarendon County vẫn chưa tìm ra được manh mối.
Trong khi đó, ông Sony Nguyễn phải đối đầu với nhiều khó khăn.
Mất gà, mất thêm tiền và bị “stress”
Sau khi sự việc xảy ra, công ty Pilgrim’s Pride thu hồi hết số gà còn lại của ông Sony, những con không bị chết trong vụ “tấn công” ban đêm.
Cũng giống như những công ty khác, Pilgrim’s Pride có một hệ thống thưởng phạt người nuôi gà, gọi là “tournament,” trong đó, ai nuôi gà giỏi đứng hạng cao và được thưởng, ai nuôi không giỏi đội sổ, bị trừ tiền. Ðiều này có nghĩa là trong một nhóm chủ trại gà, một người được thêm tiền có nghĩa là một người khác bị trừ tiền.
Ðây là một “cuộc thi” rất tàn nhẫn, theo nhiều nhà kinh tế, và từng bị chính quyền Tổng Thống Barack Obama đòi hủy bỏ hồi năm 2010, thế nhưng, các chủ công ty gà vận động quá mạnh, Quốc Hội đành phớt lờ luôn, theo Bloomberg News.
Sau khi tổng kết đợt gà cuối cùng, Pilgrim’s Pride gởi cho ông Sony Nguyễn một lá thư, báo cho ông biết thứ hạng của “tournament.”
Ông đứng hạng chót, thu nhập giảm mất $12,961.61.
Ðối với ông, đây là hình phạt thứ nhì, chỉ vì vụ 40,000 con gà bị “giết” bằng sức nóng.
Ông Cameron Bruett, phát ngôn viên của Pilgrim’s Pride, được Bloomberg News trích lời nói rằng, ông Sony có được tài trợ lương một phần, để đền bù cho vụ gà bị “giết,” nhưng không thể trang trải hết chi phí ông phải gánh chịu.
“Thật xui xẻo cho ông Sony, vụ 'tấn công' gà đó ảnh hưởng ông không ít,” ông Bruett được trích lời nói.
Ông Sony Nguyễn bị xuống tinh thần rất nặng.
Chưa hết, ông phải chôn xác những con gà chết ngay trong trại của mình. Ông phải mướn người đào hai hầm, kế bên hai chuồng gà.
Công ty Pilgrim’s Pride nói chỉ khi nào những con gà này tự tiêu hủy hoàn toàn, họ mới đưa gà đến cho ông nuôi tiếp.
Mắt ông bắt đầu sưng lên, ông đi bác sĩ, bỏ tiền túi ra trả tiền khám bệnh, tiền thuốc, và bác sĩ nói rằng, ông bị xuống tinh thần quá, thành ra mắt bị đau, cũng theo Bloomberg News.
Ðiều tra của cảnh sát
Trong cuộc điều tra, cảnh sát nhiều lần gặp đại diện Pilgrim’s Pride, hỏi thăm có sa thải ai bấy lâu nay, nhưng công ty nói không.
Hỏi ông Sony, thì cảnh sát được biết, mỗi lần chờ công bố thứ hạng ở “tournament,” có một chủ trại gà, tên James Lowery, luôn ngồi lầm lì, không nói chuyện với ai cả.
Ông Lowery từng bị Pilgrim’s Pride cảnh cáo hai lần, vì không chăm sóc gà, và trước vụ “tấn công,” công ty có cho biết, họ sẽ không đưa gà cho ông nữa.
Cảnh sát bắt đầu nghi ngờ, có lẽ, hình thức “tournament” làm cho các chủ trại gà ganh ghét nhau, và có thể ông Lowery là thủ phạm vụ “giết” gà.
Thế là họ xin trát tòa, khám hồ sơ điện thoại của ông Lowery, đến Tháng Tư, tòa đồng ý.
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện điện thoại di động của nghi can có hiện diện tại những chuồng gà bị phá hoại. Thế là họ bắt ông.
Thế nhưng khi ra tòa, vào ngày 12 Tháng Năm, luật sư của nghi can cho rằng, tất cả những gì cảnh sát có chỉ là “nghi ngờ,” không có bằng chứng xác đáng.
Một chánh án Clarendo County đồng ý với luật sư bào chữa, và nói thêm rằng, phía công tố chưa có đủ bằng chứng thuyết phục.
Vị chánh án cho rằng, trong khi hồ sơ điện thoại chứng minh nghi can có mặt ở nơi xảy ra sự việc, phía điều tra mặc phải có thêm bằng chứng như dấu tay, vết xe lái vào trại gà, hoặc các bằng chứng pháp lý khác.
Phía cảnh sát đang đòi vụ án được đưa ra xử trước một bồi thẩm đoàn, và đang chuẩn bị thêm chứng cớ để buộc tội nghi can.
Vào Tháng Tư, sau khi Lowery bị bắt, ông Sony Nguyễn hy vọng là Pilgrim’s Pride sẽ đưa gà cho ông nuôi trở lại, để bù đắp những thiếu hụt trước đó.
Ông cũng đang phải thương lượng với công ty điện để trả dần những khoản thiếu, đồng thời tiếp tục uống thuốc để chữa mắt của mình. (Ð.D.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=208230&zoneid=1#.VXDZ1OmJi70

Khi người Việt ở Mỹ bỏ phố về quê nuôi gà
Tuesday, January 20, 2015 2:01:15 PM



Bài liên quan



Ngọc Lan/Người Việt
CENTERVILLE, Texas - “Mở tiệm buôn bán cái gì cũng có cạnh tranh hết, chỉ riêng nuôi gà gia công thì không phải cạnh tranh với ai. Khi đã có hợp đồng với hãng gà thì cứ đến ngày họ thả gà, mình nuôi, đến khi họ bắt, mình lấy tiền. Không sợ ế chợ hay giá lên giá xuống.”
“Bây giờ làm nghề nào cũng 50-50, 5 ăn 5 thua, riêng nghề này thì... 100%, không sợ gì hết. Ở Texas, chưa ai làm nghề này mà khai phá sản.”


Anh Minh Nguyễn cùng con trai tại một chuồng gà ở Centerville, Leon County, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Có nghề gì mà mỗi hai tháng nghỉ hai tuần, mỗi ngày chỉ 4-5 tiếng, sáng làm từ 8 giờ đến 10 giờ rưỡi, rồi ngủ trưa, đến 5 giờ chiều xuống làm hai tiếng nữa, là xong? Chỉ có nuôi gà công nghiệp thôi.”
Những nhận xét trên của bà Nga Huỳnh, ông Henry Nguyễn, và anh Minh Nguyễn, những người đang làm nghề nuôi gà công nghiệp tại Centerville và Marquez thuộc Leon County, Texas từ 5 năm đến 15 năm nay, phần nào giải thích được lý do nhiều người Việt khi sang Mỹ, trải qua nhiều nghề, cuối cùng lại quyết định “bỏ phố về quê,” lập trại nuôi gà, tích lũy làm giàu.

Không sợ cạnh tranh, không sợ thua lỗ

Ðược xem là người có thâm niên và thành công đáng kể trong lãnh vực nuôi gà công nghiệp, ông Henry Nguyễn, mà nhiều người thường gọi là Hòa, chủ nhân trang trại Henry Farm ở Marquez, Texas, nơi dân số chỉ vào khoảng 260 người, nhớ lại nguyên nhân đưa ông đến với nghề này: “Tôi đến Mỹ năm 1979, ở Dallas, mở club, mở tiệm bia rượu, làm mười mấy năm, rồi đi đóng tàu biển ở Alabama, đi đánh tôm. Sau đó thấy người ta nuôi gà thì rồi mình cũng đi nuôi gà, nhảy vào nghề này, bán hết những thứ khác, làm đến giờ. Cũng 15 năm rồi.”
Như đã nói ở trên, ngoài lý do ông Hòa cho rằng làm nghề nuôi gà công nghiệp chắc ăn 100%, thì theo ông, người đeo đuổi công việc này không phải lo lắng cho tương lai như kinh doanh nhiều ngành nghề khác bởi vì “một hợp đồng ký với hãng kéo dài 10-15 năm lận, mình cứ làm thôi.”
Nuôi gà công nghiệp mang đến tâm lý ổn định, không băn khoăn, lo lắng cho người đầu tư là bởi, trong nhiều lãnh vực, người ta sản xuất ra rồi mới tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng với nghề này, trước khi bỏ tiền ra mua đất lập chuồng trại, chủ nhân đã có sẵn trong tay bản hợp đồng dài hạn với hãng gà rồi. Chuyện còn lại chỉ là chờ hãng “thả” gà, cung cấp thức ăn. Còn người nuôi chỉ bỏ công nuôi, không cần suy nghĩ “đầu ra.”
Bà Nga Huỳnh, sang Mỹ từ năm 1990, sau 14 năm liên tục làm việc ở nhà hàng Mỹ, một lần tình cờ theo người quen đến trại gà ở Atlanta chơi, trở về, bà quyết định nghỉ việc, xin đến trại gà làm việc không công 2 đợt để học hỏi kinh nghiệm nuôi gà. Sau đó, với suy nghĩ “nghề này cực nhưng sống được vì nếu mở ra buôn bán gì cũng có cạnh tranh, chỉ có riêng làm nghề này thì không, vì hãng đã hợp đồng thì cứ đến ngày họ đến bỏ gà, mình chỉ có chăm sóc,” bà Nga cùng hai người con trai quyết định đầu tư mua đất lập chuồng trại ở Centerville, cách khu chợ Hồng Kong ở Houston hơn hai tiếng lái xe, đến nay cũng đã được 5 năm.


Ông Henry Nguyễn, chủ nhân trang trại Henry Farm ở Marquez, Leon County, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong khi đó, anh Minh Nguyễn, con trai bà Nga, vượt biên sang Mỹ khi mới 13 tuổi, trong nhiều năm liền với công việc của một người quản lý nhân sự, anh chỉ biết làm việc ở văn phòng, có thư ký, bay đi công tác đến nơi này nơi khác, chưa từng bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ trở thành người... coi sóc trại gà.
Vậy mà Tháng Tư, 2010, trong lúc kinh tế khủng hoảng, nạn thất nghiệp tràn lan, anh lại đưa đơn xin nghỉ việc với mức lương $88,000/năm để... đi nuôi gà.
“Ông sếp nhìn tôi chưng hửng,” anh Minh cười vui nhắc lại chuyện gần 5 năm trước.
Vượt qua những vất vả do chưa quen nghề, chưa quen việc ở năm đầu, cũng như ở năm tiếp theo lo “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ, từ năm thứ ba trở đi, ông chủ trại gà có tám chuồng với vốn đầu tư hai triệu đô la này đã cảm thấy “thoải mái và thong thả hơn nhiều, để cứ vậy mà từ từ tiến tới, để dành tiền cho tương lai.”

Thu nhập bao nhiêu cũng được
Ðó là kinh nghiệm bản thân của ông Hòa, người đang có trong tay một trang trại gồm 32 chuồng gà, chưa tính 20 chuồng ông vừa mới xây thêm cho con gái, cũng như những nông trại ngoài tiểu bang Texas.
Tự tin, người đàn ông ngoài 60, dáng gầy gầy, có mái tóc bồng như nghệ sĩ, nói: “Về 'gross income,' nói đơn giản thôi, hiện giờ mình muốn 'gross income' là một triệu thì mình phải bỏ một triệu ra 'down.' Mình có hai triệu 'down' thì 'gross' của mình sẽ có hai triệu. Bỏ 500 ngàn thì có 500 ngàn. Còn lại bỏ túi bao nhiêu thì tùy do mình chi phí nhân công, điện, gaz thế nào.”


Bà Nga Huỳnh (trái) cùng phóng viên Ngọc Lan tại trang trại gà ở Centerville. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Quan trọng là làm sao có một triệu, hai triệu, hay $500,000 để thế chấp ngân hàng, số tiền đó không nhỏ,” ông Hòa nêu vấn đề then chốt của việc kinh doanh nuôi gà công nghiệp.
Thế nên, theo chủ nhân của Henry Farm, “với nghề này, khi đã nói làm là phải tập trung làm thiệt, không có chuyện làm thử, nhất là vô nghề này rồi thì khó mà ra lắm.”
Về quá trình bắt tay vào nghề nuôi gà công nghiệp, bà Nga trình bày ngắn gọn: Muốn đầu tư vào một trang trại nuôi gà, việc đầu tiên phải liên lạc để có được hợp đồng với hãng gà.
Khi hãng gà chấp thuận, họ khoanh vùng những nơi mình có thể mua đất cũng như đưa cho danh sách những công ty xây cất chuồng trại theo tiêu chuẩn của họ, để chọn. Sau khi chọn được đất rồi, người đầu tư liên lạc với ngân hàng để xem có được đồng ý cho vay tiền mua chỗ đất đó không và vay được bao nhiêu. Thông thường thì phải trả trước 20%. Khi công ty xây chuồng xong, hãng gà đến xem, chấp thuận, thì họ sẽ định ngày... thả gà.
“Cứ nghe họ gọi bỏ gà là mình thấy có tiền,” bà Nga cho biết.
“Khó nhất là tiền trả trước. Trại tám chuồng mới bây giờ khoảng ba triệu. Trả trước 20% là $600,000. Năm đầu mình lấy về khoảng $400,000, năm sau lấy đủ vốn $600,000. Tôi không nói điều này là chắc chắn nhưng kinh nghiệm của tôi là như vậy. Tôi hướng dẫn cho nhiều đàn em thấy cũng như vậy. Ði đúng đường là lên thôi.” Ông Hòa nói chắc nịch.
Anh Minh cho biết thêm: “Ngân hàng có chính sách ưu đãi cho nhà nông. Riêng những ngân hàng cho vay tiền nuôi gà đều có hợp đồng với các hãng gà nên họ cũng dễ dãi nếu như mình có credit tốt.”
Cũng theo những người đang nuôi gà công nghiệp thì tiền vay ngân hàng không phải được ấn định trả theo tháng mà trả vào cuối mỗi đợt bắt gà. Ðợt gà của mỗi trại khác nhau, đợt gà của bà Nga và anh Minh là 49 ngày, tức bảy tuần, gà nơi trại ông Hòa nuôi là tám tuần. Trại này nuôi gà bảy tuần hay tám tuần là quyết định của hãng từ hợp đồng lúc đầu.


Cổng vào trang trại Henry Farm, nơi có diện tích 500 acres với 32 chuồng gà nuôi khoảng một triệu con gà mỗi đợt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Thông thường, hãng gà cho mình nuôi năm đợt mỗi năm, ngân hàng cũng yêu cầu mình trả tiền năm lần một năm. Nếu năm nào hãng cho nuôi sáu lần thì đợt gà thứ sáu mình có quyền giữ lại hết số tiền đó để xài, không cần trả ngân hàng. Tuy nhiên, nếu năm đó hãng chỉ bỏ gà mình nuôi bốn đợt thì hãng sẽ phải trả tiền nợ ngân hàng đợt thứ năm thay mình.” Bà Nga giải thích cặn kẽ hơn lý do vì sao người nuôi gà công nghiệp yên tâm khi đầu tư.

Tiền nhiều, nhưng... buồn quá

Hình ảnh chuồng gà nhiều người vẫn còn mang trong ký ức từ các vùng quê Việt Nam sẽ trở nên... lạc hậu và trái ngược hoàn toàn khi bước chân vào chuồng gà công nghiệp ở đây.
Bước vào trang trại 146 Sanderson của gia đình bà Nga, anh Minh hay Henry Farm của ông Hòa Nguyễn, điều lạ là tuyệt nhiên không thấy một con gà nào chạy rong trên sân!
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là khoảng đất trống mênh mông, thoáng đãng. Trên đó có ngôi nhà chủ trại gà sinh sống, có thể là một tòa biệt thự nguy nga như nhà ông Henry Nguyễn, hay một chiếc mobile-home khang trang, tươm tất của gia đình anh Minh, bà Nga.
Cách xa xa nơi sinh sống là những “chiếc chuồng” rất sạch sẽ, hình chữ nhật, dài 500ft, ngang 43ft nằm song song nhau, chuồng này cách chuồng kia khoảng 50-60ft. Bên hông mỗi chuồng có hai thùng lớn chứa thức ăn với khối lượng khoảng 14 tấn. Chuồng gà có hai cửa hai đầu và một cửa bên hông, ngay nơi đặt bồn thức ăn. Nơi đầu hoặc cuối chuồng gà có gắn những quạt hút lớn. Hai bên hông chuồng có những tấm màn có thể điều chỉnh để làm cho chuồng ấm lên hoặc mát hơn. Thức ăn, nước uống, nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng đều được thiết kế tự động.
Gà được nhốt trong những chiếc chuồng đóng kín cửa đó.
Ðiều thú vị nữa là “trước khi muốn vào chuồng, phải gõ cửa đùng đùng rồi mới mở đẩy vô, đi thật nhẹ để gà khỏi... giật mình!”


Chuồng gà tại trang trại Henry Farm ở Marquez do ông Henry Nguyễn làm chủ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Nói gà hưng phấn quá nó sẽ bị đứng tim chết thì người ta không tin, nhưng thật sự là vậy. Vô chuồng phải vô từ từ để gà khỏi giật mình. Một ánh đèn quét qua hay một miếng bụi rớt xuống là nó dạt ra la um sùm, rồi lật ngửa. Mà lật ngửa rồi thì gà không lật sấp lại được, nó càng bơi bơi càng lún rồi nó... chết.”
“Mà gà chết thì mình bị mất tiền.” Anh Minh giải thích.
Theo lịch đã được sắp xếp trước, gà con vừa mới nở đôi ba tiếng sẽ được hãng chở ngay đến trại, thả xuống mỗi chuồng 26,200 con. Thực phẩm cũng như người đến kiểm tra sức khỏe cho gà cũng do hãng đưa đến hàng tuần.
Người nuôi chỉ bỏ công chăm sóc, như “chăm sóc em bé.”
“Với gà dưới một tuần, mỗi ngày một chuồng 40-50 con bị chết là bình thường. Gà từ tám đến 11 ngày thì số lượng chết phải giảm đi một nửa. Khi gà lớn, nếu mỗi chuồng có khoảng dưới 10 con chết là chấp nhận được, chết nhiều hơn thì mình mất tiền. Và khi gà chết trên 35 con một chuồng thì phải gọi báo ngay cho hãng để họ xuống kiểm tra xem tại sao.” Anh Minh cho biết.
Sau bảy tuần, hãng lại cho xe đến bắt gà về, với yêu cầu mỗi con nặng tối thiểu sáu lbs. “Thế nên mình cố gắng nuôi được 6.5 lbs đến 7 lbs là tốt. Hiện tại, mỗi pound gà họ trả mình 5.95 cents, một đợt gà trung bình từ 1.3 đến 1.4 triệu pounds.” Anh Minh nói.
Theo anh Minh, trại gà của anh là trại cũ, được mua lại với giá hai triệu. Trung bình một đợt gà anh thu được khoảng $80,000. Hãng trả thẳng cho ngân hàng hai mươi mấy ngàn tiền anh vay mua chuồng trại, còn lại bao nhiêu hãng ký check trả cho anh.
Với số tiền còn lại đó, người nuôi sẽ trả tiếp tiền điện, tiền gaz, tiền nhân công. Còn lại “bỏ túi,” - “net income.”


Những con gà 36 ngày tuổi tại trang trại gà của anh Minh Nguyễn ở Centerville. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“'Net income' khác nhau tùy đợt. Mùa Ðông tiền gaz nặng hơn tiền điện, vì trời lạnh quạt không chạy nhiều, mà chạy sưởi. Mùa Hè ngược lại, quạt chạy nhiều mà gaz chạy ít. Rồi có khi một đợt cần một, hai người giúp, nhiều đợt lại không có ai hết, tự mình làm hết, chi phí tu bổ chuồng trại cũng khác, nên tiền mang về sau mỗi đợt rất khác nhau.” Anh Minh phân tích.
Theo cách tính như vậy, càng có nhiều chuồng gà, lợi tức mang lại càng nhiều. Và cũng do sự ổn định cũng như những bảo đảm từ hãng cung cấp gà, nên như ông Hòa nói, “có rất đông người Việt đang chờ để được phỏng vấn lấy hợp đồng nuôi gà” và “chuồng gà giá cỡ nào họ cũng mua, giành mua. Mấy người bán là do họ đã lấy tiền lời vài triệu sau vài năm làm, giờ bán lấy tiền nghỉ hưu.”
Cũng theo ông Hòa, “Mỗi 10 năm, hãng Sanderson mới mở thêm hợp đồng một lần. Từ đây đến hết năm 2015, Sanderson cần thêm đến 600 chuồng gà. Thế nên ai muốn bước chân vào lãnh vực này thì đây là cơ hội.”
Nuôi gà không là một nghề cực như trồng rau, đánh cá, lại mang đến nguồn thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với những ai muốn đầu tư vào lãnh vực này chính là “phải có ý chí và sự kiên nhẫn.”
“Tôi nghĩ khi làm nông trại gà như thế này thì cần có ý chí của một người, sự kiên nhẫn của một người, tại vì từ nơi thành phố đông đúc về ở nơi hẻo lánh đã là một thách thức. Muốn đi ra tiệm kiếm phở ăn, muốn mua ly Starbucks uống không có đâu. Lại thêm công việc chỉ là sáng đi cho gà ăn, lượm gà chết, làm những việc lặt vặt. Cứ vậy bảy ngày/tuần và làm suốt trong bảy tuần liên tiếp. Nếu không có ý chí và sự kiên nhẫn thì không ai trụ lại được với công việc này.” Anh Minh nhận xét.
Chính vì lý do như vậy, trại gà của gia đình anh Minh mới 5 năm mà mướn gần 30 người. “Nhiều người lên làm một, hai ngày thì nghỉ; người một, hai tuần nghỉ; người làm một đợt nghỉ, người làm một tháng nghỉ, vì nhiều lý do, nhưng hơn hết chỉ vì sợ mùi hôi và... buồn,” dù rằng lương trả cho người làm việc tại các trại gà không nhỏ, “$3,000 tiền mặt cho một đợt, bao ăn ở.”
Quả thực, những ai đã từng tìm hiểu, từng dấn thân vào nghề nuôi gà công nghiệp đều không phủ nhận rằng đây là nghề dễ kiếm tiền, dễ làm giàu. Tuy nhiên, mọi người cũng cùng chung nhận xét: Ở trại gà buồn lắm! Nhiều người, sau ít năm theo nghề, phải từ giã chỉ vì “buồn, thiếu người nói chuyện.”
“Nuôi gà công nghiệp là nghề có tiền nhưng phải có chí.” Cái chí đó chính là sự vượt qua không gian vắng người, cả “miền quê” Centerville có chưa đến 900 dân, vắng sự tấp nập nơi tỉnh lỵ mà hầu hết mọi người đang sống. Người chủ trại gà kết luận khi bóng tối bao phủ toàn bộ trang trại, im ắng, không một tiếng gà quang quác vẳng tới.
–-
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=201798&zoneid=1#.VXDdp-mJi70

Người Việt ở Centerville, Texas: Sống và làm giàu với trại nuôi gà
Thursday, January 29, 2015 4:58:52 PM



Bài liên quan



Ngọc Lan/Người Việt


CENTERVILLE, Texas (NV) –
Dù đã được mô tả công việc làm hằng ngày ở trại gà, quả thực, có trải qua một ngày sống ở trại nuôi gà, theo chân người đang làm công việc “baby sit cho gà,” đi vào tận chuồng xem cách họ làm việc, hay chứng kiến cảnh xe đến bắt gà diễn ra làm sao, mới có thể cảm nhận được phần nào công việc mà nhiều người Việt tại Mỹ đang chọn để mưu sinh, làm giàu.

Và cảm nhận rõ nhất là: Sau một ngày vào thăm trại gà, 
trên suốt chặng đường về, cứ nghe thoang thoảng quanh mình, từ tóc tai đến quần áo, bốc lên mùi ... phân gà.

Đường đến trại gà

Chủ nhân trang trại gà 146 thuộc Công ty Chăn nuôi và Chế biến gà Sanderson là anh Nguyễn Minh, ngoài 40 tuổi, và bà Huỳnh Kim Nga, mẹ anh. Họ là những người đồng ý cho chúng tôi được ở lại một ngày đêm trong trại gà của họ ở Centerville, thuộc Leon, Texas, nơi có dân số chưa đến 900 người, cách khu Bellaire, Houston, khoảng hơn 2 tiếng lái xe.
Anh  Nguyễn Minh, người từ bỏ công việc với mức lương gần $90,000/năm ở Houston để “về quê” Centerville nuôi gà công nghiệp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Đây là điều khá thú vị, bởi lẽ, họ và chúng tôi không hề có một sự quen biết cũng như không hề có một lời giới thiệu từ bất kỳ ai. Xuất phát từ ý nghĩ muốn tìm hiểu một trại nuôi gà của người Việt ở Texas, chúng tôi lần tìm, cuối cùng mừng rỡ khi “moi” ra được một số điện thoại đăng trong mục tìm người làm việc cho trại gà từ... 2 năm trước trên một trang mạng. Đó chính là số điện thoại của trại gà này.

Chưa từng gặp gỡ, nhưng lại không ngại cho chúng tôi đến phỏng vấn và ở lại qua đêm ở trại gà - điều không phải chủ nhân trại nào cũng đồng ý - có thể là duyên hội ngộ thường có trong đời, có thể do uy tín của tờ Người Việt, mà cũng có thể xuất phát từ sự hiếu khách, thân tình của những người gốc Cần Thơ như bà Nga, anh Minh.
Khởi hành trễ nên chúng tôi đến Centerville khi trời đã tuyền một màu đen. Càng gần đến trang trại càng không thấy ánh đèn từ một chiếc xe nào soi tới. Chỉ lờ mờ nhận ra qua ánh đèn xe của mình là những rừng cây. Không một ngôi nhà hiện ra từ khi chúng tôi tiến vào khu vực County Road 104, 105 rồi đến 110.
Bà Huỳnh Kim Nga  quyết định dồn sức vào việc nuôi gà sau 14 năm đi làm cho các nhà hàng Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Im ắng đến lạ. Thoảng những làn khói trắng từ đất bốc lên, là đà trước xe, ma quái, khiến tôi thấy thật may khi trên xe không phải chỉ có một mình.
Có địa chỉ trong tay, nhưng ngôi nhà lại không ghi số. Gọi điện thoại lại chẳng có "signal." Cũng lo lo, run run, bởi tối quá, vắng quá và rờn rợn quá.
Chạy tới chạy lui, thấy có khoảng đất lớn, trong có cái mobile home sáng ánh đèn, phía trước có 3-4 chiếc xe, chúng tôi rẽ vào sân. Chưa biết cách nào liên lạc vào bên trong khi signal điện thoại không có thì chợt nhớ phải lái xe thật nhanh ra khỏi mảnh sân người ta ngay lập tức kẻo… bị bắn oan mạng vì “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” trong đêm hôm khuya khoắc.
Lại chạy tới chạy lui. Lại thấy một căn mobile khác cũng sáng đèn. Lần này tỉnh táo hơn, đậu ở ngoài. Cầu may gọi điện thoại. Bà Nga nhấc máy. Và cũng rất may, nơi chúng tôi đang đứng cũng chính là nơi chúng tôi đang tìm đến.
Điều đầu tiên được thấy khi bước vào nhà là sự tinh tươm, ngăn nắp, và không có bóng dáng gì của ... gà!
Bà Nga đón chúng tôi bằng sự cởi mở, ấm áp như người trong nhà. Anh Minh vừa trở về sau khi đi thăm chuồng cũng không tỏ ra chút gì xa lạ với chúng tôi, dù mới lần đầu gặp gỡ. Cả vợ và đứa con trai mới lên 3 của anh cũng gần gũi và dễ mến đến lạ.
Đêm xuống mỗi lúc một sâu, câu chuyện về những ngày đầu bôn ba, vất vả, tìm tòi học hỏi việc nuôi gà của bà Nga và anh Minh cứ từ từ được kể ra cho đến tận giữa đêm

Buổi sáng đi thăm chuồng
Gà con lúc mới được hãng thả xuống cho các trang trại nuôi gia công lấy thịt. (Hình: Minh Nguyễn cung cấp)


Bình minh nơi trại gà giúp tôi nhìn rõ lại những gì mình đi qua lúc đêm. Đúng là nơi đây thưa người, vắng nhà, chỉ rừng cây là nhiều. Tuy nhiên, đối diện với căn mobile-home của anh Minh có một giếng dầu của gia đình một người Mỹ trắng, đồng thời đó cũng là nơi chuyên chở đất đá bán đi các nơi.

Cạnh mảnh đất rộng 40 acres của trang trại này là trại gà có 4 chuồng của một người Mỹ khác - người đã bán lại 8 chuồng gà cho gia đình anh Minh. Trại này ngoài gà, họ còn thả bò trên đó. Vậy ra nơi đây cũng có hàng xóm, dù chẳng bao giờ trò chuyện.
Sau bữa điểm tâm sáng bằng xôi lá dứa ăn với muối đậu, khoảng 8 giờ, anh Minh cùng một người phụ việc, cũng là người đang ôm ấp ý định mở trại nuôi gà sắp tới, lái xe đi thăm chuồng trước.
Bà Nga cùng chúng tôi đi bộ theo sau.
Bước ra khỏi nhà, trước mắt chúng tôi là trang trại thoáng đãng, yên ắng. Tám chuồng gà mỗi chuồng có bề ngang 43 ft, dài 500 ft được đặt nằm xeo xéo và song song nhau, chuồng này cách chuồng kia độ 50 ft.
Gà 36 ngày tuổi tại trại gà của gia đình bà Nga Trần ở Centerville. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Cơ ngơi này được mua lại từ cuối năm 2009 bằng cách "cầm hết những căn nhà đang có, credit card kéo maximum, mượn thêm của bạn bè, người quen. Lấy được trại rồi coi như không còn đồng bạc nào hết,” anh Minh nhớ lại.
Do đi trước, anh Minh và người phụ việc hoàn thành những việc cần làm ở 3 chuồng đầu. Chúng tôi đến chuồng số 4. Bước đến cửa, bà Nga dùng tay đập “đùng đùng” vào cánh cửa sắt “để khi mình mở cửa vào, gà không bị giật mình đứng tim chết.”
Dù vậy, khi cánh cửa vừa hé, ánh sáng lọt vào, cả đàn gà trắng bắt đầu xôn xao, lăng xăng, chạy tới chạy lui trong không gian chật hẹp để đến tụ bên những máng thức ăn, mổ lấy mổ để hay tụm dưới những nơi chúng biết có nước uống.
Chuồng gà ngày chúng tôi đến đã nuôi được 36 ngày, tức còn 13 ngày nữa là đến hạn giao. Hơn 26,000 con gà trong chuồng đều đã tầm tầm 5 lbs nhưng vẫn còn chỗ trống cho chúng tôi bước đi. “Đến gần ngày bắt, gà đã 6.5 lbs-7.0 lbs thì chuồng trở nên chật ních, phải len len chân mà đi.” Chủ trại gà mô tả.

Làm việc trong chuồng gà

Chân mang giày ống. Miệng bịt khẩu trang. Đầu đội nón. Tay đeo găng. Tay cầm xô để đựng gà chết. Anh Minh vừa bắt tay làm công việc thường ngày khi đi thăm chuồng, vừa giải thích: Đi xem chuồng gà mỗi sáng là để coi đường nước, đường đồ ăn có bị nghẹt không, bên cạnh việc đi lượm gà chết, hay lật sấp lại những con gà bị lật ngửa.
Khi bước vào chuồng, việc đầu tiên là phải mở đèn cho sáng để thấy đường quan sát mọi thứ. Mà đèn sáng thì gà lại ùa đến ăn, uống. Khi ra thì phải “xuống đèn,” tức để mờ mờ lu lu, vì “để đèn sáng gà sẽ ăn hoài, bị bội thực chết.”
Một góc trang trại 8 chuồng gà của bà Huỳnh Kim Nga và anh Minh Nguyễn ở Centerville, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Kế đến là đưa mắt nhìn xem các “line” đồ, và nước uống có bị nghẹt không. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Minh cho rằng “dễ biết lắm, vì nếu đường nước bị nghẹt sẽ không thấy con gà nào đứng dưới đó hết.”
Những máng thức ăn cũng vậy. Do được thiết kế tự động, sử dụng hệ thống “censor” nên khi gà mổ mổ vào thì thức ăn tự động chảy xuống.
Tuy nhiên, để chắc ăn hơn, chủ nhân đi đến cuối đường “line,” thử đập đập coi thức ăn có chảy xuống không. Nếu nơi cuối đường thức ăn vẫn xuống thì chắc chắn là không bị nghẽn đâu đó.
Theo anh Minh, khi gà khoảng hơn 30 ngày thì một chuồng gà tiêu thụ khoảng 3.5 tấn thức ăn trong vòng 24 tiếng.
Thời điểm thăm chuồng như vậy cũng là lúc phải để mắt xem nhiệt độ trong chuồng có đúng không. Dân trong nghề gọi là “đi độ.”
Anh Minh giải thích, “Nhiệt độ nóng lạnh trong chuồng thế nào thì có qui định hết của hãng để mình làm theo. Ví dụ gà hôm nay 36 ngày, qui định nhiệt độ trong chuồng khoảng 70 độ thì mình phải chạy quạt hay có hệ thống nước cho chuồng mát để khi bước vô chuồng phải cảm thấy thoải mái thì con gà mới ăn, mới lên ký. ”
Một điều ít người để ý nữa là chuồng gà ở đây không giống như ở Việt Nam có nền bằng xi măng. Nền chuồng ở đây thoạt đầu là đất trộn tro, mạt cưa và… phân gà. Dĩ nhiên lớp phân gà mỗi ngày mỗi nhiều lên, nghĩa là khi bước vô chuồng gà là mình bước trên phân gà. Tuy vậy, phân gà lại chính là chất giúp giữ độ ấm trong chuồng, thế nên, như anh Minh cho biết, mỗi năm trang trại anh chỉ bán phân gà một lần nhưng không bán hết mà phải chừa lại từ 4-6 inches trong mùa Đông, và chừng 3-4 inches trong mùa Hè.
Bồn đựng hơn 14 tấn thức ăn được đặt bên cạnh mỗi chuồng gà. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Đi trong chuồng phải đi thật nhẹ nhàng, chậm rãi để gà không bị giật mình hốt hoảng, bay nhảy lên rồi bị lật ngửa ra không thể tự lật sấp lại. Khi thấy gà bị lật ngửa thì phải lật nó lại, coi như cứu sống một con. Và cũng đi chậm rãi mới có thể nhìn thấy gà chết nằm lẫn trong đám gà lố nhố đứng nằm.
“Ngày nào cũng có gà chết, nhất là gà con mới vào 7 ngày đầu chết nhiều lắm. Một hai ngày đầu gà chết ít vì còn sống trong chất dinh dưỡng do mới nở. Ngày thứ tư đến thứ bảy là chết nhiều, 40-50 con một chuồng là chấp nhận được. Nhưng từ ngày tám đến ngày thứ 11 thì số chết phải giảm đi một nửa, chứ nếu vẫn chết nhiều là bất thường, phải báo ngay lên cho hãng biết.” Anh Minh giảng giải.
Một cách tổng quát, hãng cho phép mỗi chuồng có số gà chết đến 3%, tức là khoảng 800 con/chuồng. Nhưng thường gà chết khoảng một nửa hay một phần tư số đó trong 1-2 tuần đầu thôi. Gà từ 14-15 ngày đến khi hãng đến bắt không chết nhiều nữa, chỉ chừng 5-7 con/chuồng. Gà lớn mà chết nhiều quá là mình thiệt. Hôm nào thấy gà chết từ 35 con trở lên ở một chuồng là phải báo ngay cho hãng.
Những con gà chết ở trại gà này được mang bỏ vào lò thiêu. “Mỗi đợt gà tôi tốn chừng $500-$600 tiền gaz đốt gà. Một số trang trại không thiêu mà ủ làm phân, nhưng như vậy phải xây thêm lò ủ, rất tốn kém.” Anh Minh nói.
Việc đi thăm chuồng gà mỗi sáng như vậy mất khoảng 3 tiếng rưỡi cho cả 8 chuồng. Buổi chiều tối chủ trại lại đi thêm một vòng nữa, nhưng không tỉ mỉ như đi buổi sáng, chừng hơn 2 tiếng, cốt ý là để xem đồ ăn thức uống và quạt, máy hút có chạy tốt hết không.
Sau khi “xuống đèn” rời khỏi chuồng, người “chăm sóc gà” còn phải ghi vào quyển “book log” cho biết có bao nhiêu gà chết và nước uống trong ngày của gà là bao nhiêu.
“Điều này cũng tốt thôi, vì nếu trung bình mỗi ngày chuồng gà đó uống 2,000 galons nước, mà hôm nay nó chỉ uống có 1,700 thôi thì biết là bất thường rồi.” Minh giải thích.
Chỉ vào hệ thống nước từ giếng lên, qua hệ thống lọc trước khi được dẫn vào các đường line cho gà uống, anh Minh cho biết anh còn pha thêm chất “giống như nước chanh vậy, để làm giảm độ pH của nước, thì gà uống nhiều hơn, tốt hơn. Mỗi tuần gà được uống ‘nước chanh’ một lần.”
Một điều hơi ngạc nhiên không biết có phải do chú tâm vào công việc tìm hiểu chuồng gà, nghe những lời giải thích, thuyết minh của chủ trại hay không mà tôi quên hẳn phía trong chuồng gà… hôi như thế nào. Chỉ đến khi rời khỏi trại gà, ngồi trên xe mới bắt đầu nghe mùi… phân gà phảng phất đâu đó.

Bỏ gà - Bắt gà

Chúng tôi đến trại gà này khi gà đã 36 ngày nên không chứng kiến được cảnh hãng đến bỏ gà là như thế nào. Tuy nhiên, theo lời kể của anh Minh thì chuồng gà phải được chuẩn bị kỹ càng trước ngày hãng bỏ gà xuống.
“Phải xới phân lên hết, rồi dùng máy đánh nhuyễn như bột để giữ độ ẩm trong chuồng. Nhiệt độ trong chuồng ở ngày gà con được thả xuống là 90 độ. Gà con vừa nở chừng vài tiếng đồng hồ đựng trong những thùng nhựa được chở đến thả xuống từng chuồng, mỗi chuồng là 26,200 con.”
Một cảnh bắt gà: các “line” thức ăn và nước uống được kéo cao lên trên, những chiếc lồng được đặt sẵn để công nhân bắt gà bằng tay bỏ vào lồng, đưa ra xe chở thẳng đến là mổ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Khi gà còn nhỏ, hãng đưa người mỗi tuần 2 lần xuống kiểm tra độ “ammoniac” trong chuồng, vì “gà bệnh thì còn cho thuốc uống, chứ nếu để khí ammoniac cao, sẽ làm nổ mắt gà khiến nó bị đui, mà gà đui coi như bỏ, vì nó không thấy đường ăn uống thì không lớn được.”
Công việc của người nuôi gà thực sự bắt đầu khi gà được thả xuống chuồng bằng sự cẩn thận, chu đáo, nuôi cho đến ngày 49 gà có trọng lượng 6.5 lbs đến 7 lbs là “coi như có tiền.”
Đến ngày bắt gà, hãng đưa trước lịch ngày giờ bắt, bắt chuồng nào.
“Ví dụ chuồng số 1 họ bắt lúc 3 giờ, thì trước đó 8 tiếng mình cắt đồ ăn. Lý do phải cắt đồ ăn vì họ không muốn bắt lúc con gà mới ăn thì khi về tới nơi đưa đi làm thịt, đồ ăn chưa tiêu hết sẽ có vấn đề về vệ sinh. Khi nào gà ăn hết thức ăn còn lại trong máng thì mình đưa hết các line đồ ăn lên trần nhà luôn để xe forklift vào bắt gà không bị vướng. Với các line nước cho gà uống thì trước giờ bắt 30 phút cũng cho lên hết trần nhà.” Anh Minh mô tả.
Tuy không được xem cảnh bỏ gà nhưng chúng tôi lại được chứng kiến cảnh bắt gà cùng ngày trên tại trang trại Henry Farm do ông Henry Nguyễn (Hòa Nguyễn) làm chủ.
Khác với khi bước chân vào chuồng gà đang được chăm sóc, chuồng gà ngày hãng đến bắt trông khác hẳn, bởi nó trống trơn. Tất cả những line nước và thức ăn đều được kéo hết lên phía trần.
Những chiếc xe tải 18 bánh đậu trước chuồng, trên chất khoảng 20 chiếc lồng trống. Một chiếc xe forklift chạy với tốc độ khá nhanh để móc từng chiếc lồng trên xe tải xuống, chạy vèo vào trong chuồng thả xuống. Cùng lúc 7-8 người đàn ông người Spanish cứ túm chân mỗi lần 6 con gà vứt vô lồng, mỗi lồng chứa chừng 270 con. Chiếc forklift xúc lấy chiếc lồng đầy gà chạy nhanh ra ngoài, “ném lên” xe tải.
Một người đàn ông đứng bên ngoài cầm sẵn vòi nước tưới vào các chuồng gà vừa được mang ra cho “gà mát.”
Một chuồng gà được bắt trong khoảng 4.5- 5 tiếng và mất 5 xe tải 18 bánh chuyên chở thẳng đến lò mổ.
Trên xe đã có sẵn cân để cân số lượng gà vừa “thu hoạch.” Một đợt gà ở trại của anh Minh trung bình cân được 1.3 đến 1.4 triệu pounds. Mỗi pound người nuôi được trả 5.95 cents.
“Khi nuôi mình cưng gà từng chút, làm gì cũng nhẹ nhàng, nhưng lúc họ đến bắt, nhìn họ túm lấy gà, liệng vào lồng thấy mạnh dạn lắm. Nhưng lúc này mình không còn trách nhiệm nữa. Từ lúc mở cửa chuồng cho xe vào bắt gà, mọi việc thuộc về hãng.” Anh Minh giải thích.
“Ra gà” xong thì coi như người nuôi gà bắt đầu được nghỉ ngơi chừng 2 tuần, có thể đi chơi, đi du lịch bù lại cho suốt 7 tuần liền chôn chân ở trại gà. Đến khi hãng báo lịch bỏ gà thì người nuôi lại trở về trang trại trước ít ngày để lại bắt đầu công việc chuẩn bị chuồng trại cho đợt mới.
Gà sau khi được bắt nhốt vào lồng và xịt nước cho mát trước khi chở đến lò mổ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Nuôi gà phải tỉ mỉ, cẩn thận


Phương pháp nuôi gà, nhiệt độ, thức ăn, nước uống, tất cả đều được qui định bằng máy móc, còn lại kiếm được nhiều tiền hơn một ít hay bị trừ đi một ít hoặc thậm chí có thể bị rút hợp đồng do để gà chết quá nhiều hoàn toàn nằm ở sự cẩn thận và chăm chút của người nuôi.
“Cứ hình dung nuôi gà như chăm cho em bé vậy, cần cẩn thận và tỉ mỉ. Khi thấy sấm chớp, mưa gió cúp điện, dù biết rằng có máy phát điện mình cũng nên xuống chuồng coi nó chạy hay không, lỡ bị hư gì không chạy, sáng mình mới xuống thì gà bị lạnh hay bị ngộp chết hết rồi.”
Anh Minh lại lấy một ví dụ khác về việc để ý cho gà ăn: “Cho gà ăn phải cố gắng cho ăn đúng giờ, cứ đến giờ là dựng nó dậy để ăn, mình phải mở đèn. Ví dụ gà ăn từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì nó ngủ. Mười giờ là đèn tự động tắt hết. Đến 12 giờ gà lại thức dậy ăn nữa, đến 4 giờ sáng. Rồi lại ngủ đến 6 giờ sáng lại thức ăn. Giờ giấc đó đã được ‘set up’ hết. Nhưng nếu mình cứ đinh ninh đèn tắt mở như vậy mà không kiểm tra lại, lỡ đèn hư, không sáng lên, gà ngủ suốt luôn. Mấy tiếng không ăn không uống là mất bao nhiêu pounds rồi.”
“Từng chút như vậy sẽ thấy công mình bỏ vô bao nhiêu thì cuối đợt mình gặt hái bấy nhiêu.” Anh Minh kết luận trước khi rời chuồng gà quay trở lên nhà, chuẩn bị ăn bữa cơm trưa đã được bà Nga nấu sẵn.
Dường như lâu lắm rồi, chúng tôi mới được nhìn thấy cảnh cả gia đình ngồi quây quần ăn cơm trưa trong không khí rộn tiếng nói cười, trước khi mỗi người trở về phòng của mình để “đánh một giấc ngủ trưa” như ngày nào còn ở quê nhà.

---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@Nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=202256&zoneid=1#.VXDdzumJi70


Geen opmerkingen:

Een reactie posten