donderdag 4 juni 2015

Bắc Kinh và chính sách lấn biển

Biển Đông: Bắc Kinh « bất khả dao động » trước Mỹ

mediaNgoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (T) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Bắc Kinh, 16/05/2015REUTERS/Ng Han Guan/Pool
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vấp phải sự từ chối thô bạo của Bắc Kinh, khi yêu cầu quan tâm đến lời cảnh báo của Washington về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nguyên do gây căng thẳng với các nước láng giềng.
Đến Bắc Kinh sáng nay 16/05/2015, ông John Kerry hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). Theo những người thân cận, Ngoại trưởng Mỹ đã phản đối mạnh mẽ việc quân đội Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Sau cuộc gặp gỡ, Vương Nghị nói với báo chí bằng giọng điệu cứng rắn : « Việc xây dựng tại ‘Nam Sa’ và một số đảo đá ngầm hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải Trung Quốc. Tôi muốn tái khẳng định ở đây rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của phía Trung Quốc là cứng như đá và bất di bất dịch ».
Lầu Năm Góc có ý định gởi các chiến hạm và phi cơ trinh sát đến khu vực 12 hải lý để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã tăng tốc xây dựng từ một năm qua. Vùng lãnh hải được quốc tế công nhận là 12 hải lý xung quanh các đảo tự nhiên, và theo Washington, không thể áp dụng cho các đảo nhân tạo được tự ý bồi đắp.
Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố : « Tôi yêu cầu Trung Quốc, thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, có những biện pháp hài hòa với các bên để giảm bớt căng thẳng và gia tăng cơ hội cho một giải pháp ngoại giao ». Nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ « quan ngại về tiến độ và tầm cỡ » của các công trường xây dựng Trung Quốc, ông kêu gọi một « giải pháp ngoại giao thông minh » thay vì « các tiền đồn và phi đạo ».
« Vạn Lý Sa Thành »
Các công trình của Trung Quốc, đôi khi được mệnh danh là « Vạn Lý Sa Thành », được xây dựng tại quần đảo Trường Sa, mà Bắc Kinh đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan, Malaysia. Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, gây căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng. « Đường lưỡi bò » 9 đoạn do Bắc Kinh tự ý vẽ ra trong thập niên 40, thậm chí vươn ra gần sát bờ biển các nước lân cận.
Tuần trước, Lầu Năm Góc công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp các đảo san hô, chuyển đổi thành các cảng biển và công trình khác, trong đó có một phi đạo dài. Nhờ việc lấn biển này, diện tích sử dụng chỉ trong một năm từ 200 hecta đã tăng lên 800 hecta.
Theo các nhà phân tích, tuy ý định của Lầu Năm Góc đã được Tổng thống Barack Obama chuẩn y, việc Đệ thất hạm đội của Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, vùng biển mà Bắc Kinh coi như « ao nhà » của họ, có thể gây ra khủng hoảng nghiêm trọng giữa hai cường quốc kinh tế. Hơn nữa Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải và thương mại chiến lược.
Vương Nghị nói : « Chúng ta cần duy trì sức bật đã có trong quan hệ quân sự giữa hai nước », nhấn mạnh sự cần thiết phải « thông báo các hoạt động quân sự quan trọng », và « một thỏa thuận nhanh » về quy tắc ứng xử giữa Không quân đôi bên.
Không quân và Hải quân hai nước đã từng suýt đụng độ nhiều lần trong khu vực tranh chấp.
Ngoại trưởng John Kerry sẽ phải thuyết phục các quan chức cao cấp Trung Quốc, nhất là Tập Cận Bình sẽ gặp ngày mai, về « các hậu quả hết sức bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc, trong quan hệ với các láng giềng, ổn định khu vực và có thể cả quan hệ Mỹ-Trung » do hành động xây đảo nhân tạo. Ông « sẽ khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ về duy trì tự do hàng hải ».
Trong hôm nay, ông John Kerry cũng sẽ gặp nhân vật số hai của Quân ủy trung ương, tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong). AFP nhắc lại, Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình làm chủ tịch, là cơ quan chỉ đạo quân đội Trung Quốc.
Trong một bình luận mới đây, Tân Hoa Xã cho rằng: « Washington hoàn toàn không có cơ sở khi lên án Bắc Kinh, vì đây chỉ là một cái cớ để duy trì bá quyền của Mỹ trong khu vực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150516-bien-dong-bac-kinh-%C2%AB-bat-kha-dao-dong-%C2%BB-truoc-my/

Biển ĐôngTrung QuốcChâu ÁQuốc tếTranh chấpChủ quyềnĐiểm báo

Bắc Kinh và chính sách lấn biển

mediaẢnh vệ tinh công bố vào tháng 4/2015 cho thấy các hoạt động bồi đắp và cải tạo các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency
Từ tháng 4 vừa qua, nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng phi pháp kiên cố của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khiến tình hình trong khu vực căng thẳng. Trong chuyến công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, đã bày tỏ quan ngại của Mỹ, song Bắc Kinh một mực bảo vệ lập trường « toàn vẹn lãnh thổ không thể lay chuyển được ». Tờ Le Monde số ra cho hai ngày Chủ Nhật 17 và thứ Hai 18/05/2015 có bài phân tích những tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Theo Ngoại trưởng John Kerry, Washington phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết đang nghiên cứu khả năng điều phi cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
Bảo vệ quyền tự do lưu thông trong khu vực này, Hoa Kỳ không công nhận ranh giới mà Trung Quốc tự hạn định và nhận chủ quyền quanh các khu vực bãi đá nhân tạo. Ngay lập tức, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) phản ứng lại rằng nếu Hoa Kỳ thực hiện tuyên bố trên, « quân đội Trung Quốc có đủ khả năng chỉ cho người Mỹ biết đã chọn nhầm chỗ và dân tộc để hành động như những tên cướp biển ».
Quần đảo Trường Sa là khu vực hiện đang có nhiều tranh chấp của 5 nước, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines và Đài Loan. Các nước này đã tiến hành xây dựng nhiều tàu cảng và phi đạo trên các đảo tự nhiên, nhưng không thấm vào đâu so với những công trình kiên cố và đồ sộ mà Bắc Kinh đang tiến hành. Đầu tháng 4, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngụy biện những công trình đó phục vụ cho mọi hoạt động cứu hộ, tránh bão hay trạm khí tượng thủy văn của Trung Quốc và cho các nước trong khu vực, cũng như các tàu quốc tế hoạt động tại Biển Đông.
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu Trung Quốc, các công trình này nằm trong chuỗi chiến lược « việc đã rồi » mà Bắc Kinh theo đuổi tại Biển Đông. Ông cũng nhắc lại việc Trung Quốc đuổi Philippines ra khỏi khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reef) đầu thập niên 1990 và bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) vào năm 2012 như thế nào. Chuyên gia trên đánh giá : « Trung Quốc tiến các quân cờ và việc này buộc các nước trong khu vực phản ứng ». Gần đây, Philippines đã mở rộng các căn cứ quân sự trên đảo Palawan để có thể tiếp nhận được các chiến đấu cơ của Mỹ. Về lâu về dài, những công trình như vậy sẽ góp phần vào việc quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo các tham vọng của Trung Quốc khiến toàn thế giới lo sợ. Còn Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, phát biểu tại thủ đô Canberra (Úc) rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về đường 9 đoạn, mà Tưởng Giới Thạch tuyên bố từ năm 1947.
Giấc mơ công nghiệp của Thủ tướng Ấn Độ
Thủ tướng Narendra Modi quyết định tự do hóa nền kinh tế và biến Ấn Độ thành một đất nước công nghiệp. Thế nhưng, làm thế nào để công nghiệp hóa một đất nước khi mà việc đi lại còn là cả một vấn đề ? Hay hàng tuần, một nửa các nhà máy chịu cảnh mất điện khoảng 5 giờ ? Đây là những câu hỏi được Le Monde đặt ra trong bài : « Giấc mơ công nghiệp của Thủ tướng Ấn Độ ».
Thủ tướng Modi biết rõ hiện trạng cơ sở hạ tầng của đất nước, không thu hút được đầu tư và gây khó khăn cho các nhà công nghiệp. Thách thức không hề nhỏ đối với Thủ tướng Modi. 68% dân số Ấn Độ sống ở nông thôn. 750 triệu người dân trên tổng số 1,25 tỉ là thanh niên dưới 25 tuổi. Từ giờ tới năm 2025, mỗi năm sẽ có thêm 10 đến 12 triệu người gia nhập thị trường lao động. Đồng thời, lĩnh vực nông nghiệp sẽ mất chừng 15 triệu việc làm. Vì vậy, để đối mặt với tình trạng này, trong vòng 10 năm tới, cần phải tạo khoảng 100 đến 130 triệu việc làm, không tính lĩnh vực nông nghiệp, để giải quyết vấn đề thất nghiệp.
Những bước đi đầu tiên của chính phủ Modi đã được ghi nhận. Tháng 3 vừa qua, một làn gió mới thổi vào nhiều lĩnh vực, như thuế khóa, công nghiệp, xã hội… Sau một thập niên tăng trưởng mờ nhạt, năm 2015, Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5%. Nhưng để có thể giảm bớt tình trạng nghèo đói ảnh hưởng tới 30% dân số, tăng trưởng Ấn Độ cần phải đạt mức 8%.
Như nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ trở thành một « công xưởng » của thế giới, nhưng lại không có lợi thế như Trung Quốc về vốn, nguồn nhân công có tay nghề đào tạo hay khả năng áp đặt lựa chọn. Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP Paribas nhận định, New Delhi không có khả năng tài chính để chuyển hóa nền kinh tế. Chính vì thế, Thủ tướng Modi quyết định tự do hóa nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài tài trợ cho các nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở lên tới 1.000 tỉ đô la.
Kế hoạch cải cách đầu tiên đã được thông qua. Các lĩnh vực viễn thông, xây dựng, phát triển đường sắt và bảo hiểm sẽ được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhân chuyến công du Trung Quốc, hai quốc gia đã kí nhiều thỏa thuận thương mại với trị giá lên tới 22 tỉ đô la, chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ.
Thế nhưng, nhiều dự án chưa được Nghị viện thông qua, như thuế đất đai hay thuế giá trị gia tăng (VAT). Chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đảng của ông không chiếm đa số tại Thượng viện và một nửa trong tổng số 28 bang Ấn Độ là do các đảng đối lập điều hành.
NATO đối mặt với tàu ngầm của Nga
Trước cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát tại Ukraina và những cuộc tập trận dương uy của quân đội Nga, Tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã tiến hành cuộc tập trận « Dynamic Mongoose ». Dưới tựa đề : « NATO đối mặt với tàu ngầm của Nga », tờ Le Monde nhận định đây là chiến dịch có quy mô lớn bao gồm 10 nước thành viên cùng đối tác Thụy Điển với tổng số quân lên tới 5.000 người.
Cuộc tập trận thường niên lần này của NATO có tính chất đặc biệt vì Nga không ngừng thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực. Phi cơ của Nga bay lượn trong không phận các nước Bắc Âu, gây lo ngại cho các nước vùng Baltic và Ba Lan. Ngoài ra, tàu chiến của Nga liên tục xuất hiện từ Bắc Băng Dương tới Đại Tây Dương. Hạm đội Biển Bắc của Nga, đã từng tham gia nhiều chiến dịch hỗ trợ Tổng thống Syria Al-Assad, không ngừng quá cảnh trong khu vực. Theo một nguồn tin quân sự Pháp, « người Nga không chỉ đi qua, mà còn muốn cho mọi người thấy quy mô tàu chiến và quyền lợi của họ trong hải phận quốc tế ». Tàu ngầm của Nga cũng quay trở lại, đi tuần độc lập thay vì dẫn đường cho các đội tàu trên mặt nước như trước đây.
Khu vực biển này có nhiều lợi ích chiến lược và giàu nguyên liệu ngày càng thu hút nhiều tàu hải quân. Năm 2015, lần đầu tiên, một nhóm hải quân Trung Quốc đã dừng ở Đức và Hà Lan. Theo nhận định, từ nay tới 5 năm nữa, người Trung Quốc có thể sẽ có mặt để gây ảnh hưởng tại vùng biển quốc tế trên.
Chiến lược mới chống đói nghèo
Từ thu nhập chưa tới 50 xu euro mỗi ngày, người dân nghèo ở Naogaon, Bangladesh, đã xây dựng được nhà cửa chắc chắn và mở rộng nuôi trồng. Đây là kết quả đạt được nhờ những nỗ lực của chương trình thoát nghèo Bangladesh Rural Advancement Committee (BRAC) do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Sau thành công tại quốc gia Nam Á này, dự án được mở rộng sang sáu nước khác trên thế giới, Ethiopia, Ghana, Honduras, Ấn Độ, Pakistan và Peru. Báo Le Monde phản ánh kết quả thu được trong bài : «Chiến lược mới chống đói nghèo ».
Đặc trưng của chương trình hỗ trợ trên chính là phương pháp tiếp cận tổng quát. Các gia đình được hưởng sự trợ giúp của chương trình này sẽ nhận được một khoản vốn bằng hiện vật, như một con dê hay một con bò để sau này phát triển thành đàn, hay là một máy khâu để có thể mở xưởng. Ngoài ra, để tránh việc họ mang bán các hiện vật trên, họ được nhận thêm một số tiền trợ cấp trong thời gian đầu để có thể đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Hoạt động của họ được theo dõi và hỗ trợ chặt chẽ trong vòng hai năm. Các gia đình không chỉ được học cách quản lý công việc, mà còn được đào tạo về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, dinh dưỡng. Ngoài ra, họ còn được trang bị thêm một số kiến thức để có thể giải quyết các khó khăn hay tăng khả năng đầu tư sau này.
Giám đốc dự án BRAC cho biết dù người dân không trở thành Bill Gates nhưng kết quả thu được rất khả quan trong mọi lĩnh vực. Ngoài Bangladesh, chương trình này đã được mở rộng sang Ấn Độ và Pakistan. Chính phủ Ethiopia dự kiến kết hợp chương trình này vào chính sách bảo trợ xã hội giúp 3 triệu dân hưởng lợi.
Nhóm nghiên cứu cho biết chiến lược này là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu đầu tiên trong chương trình « Mục tiêu phát triển bền vững » đang được thảo luận tại Liên Hiệp Quốc nhằm xóa bỏ hoàn toàn, từ giờ tới năm 2030, tình trạng nghèo đói.
Người Đông Dương trên những cánh đồng quên lãng tại Pháp
Tối nay, kênh France 3 sẽ phát một bộ phim tài liệu : « Gạo đắng, những người Đông Dương tại Camargue ». Những người lính thợ Đông Dương (ouvrier non spécialisé, ONS) tới chung tay giúp Mẫu Quốc trong giai đoạn khó khăn 1939-1940. Thế nhưng, họ bị lãng quên, bị đối xử không công bằng. Tới tận tháng 10/2014, chính phủ Pháp mới công nhận sai lầm.
Không đủ ăn, quần áo xộc xệch, nơi sống tạm bợ, không được hưởng quyền lợi xã hội, nhận đồng lương rẻ mạt, đó là những gì những người lính thợ Đông Dương nhận được khi sát cánh cùng quân đội Mẫu Quốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, vài trăm người trong số họ tới làm việc trên các cánh đồng vùng Camargue. Để nuôi một nước Pháp nghèo đói, kĩ sư Henri Maux đã tận dụng kinh nghiệm của người Đông Dương để phát triển trồng lúa nước tại đây. Một công việc nặng nhọc nhưng người Đông Dương chỉ nhận được khoản tiền lương bằng 1/10 lương của một người thợ Pháp.
Nhờ kỹ thuật cấy, gạo « made in France » xuất hiện năm 1942. Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, trên các cánh đồng, người ta thấy ngày càng nhiều “nông dân” Ý hay Tây Ban Nha. Từ đó, hình ảnh người nông dân Đông Dương phai nhòa và rơi vào quên lãng. Tháng 10/2014, một bia tưởng niệm đã được dựng lên tại sân một cơ sở thị chính của thành phố Arles. Nhân dịp này, Chủ tịch nghiệp đoàn nông dân đã phát biểu : « Đã đến lúc chúng ta phải vinh danh những người lao động Đông Dương tới làm việc tại Pháp trong giai đoạn gian khổ này. Sự thật là phải ghi nhận những đau khổ, những bi kịch mà họ đã trải qua ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150518-bac-kinh-bien-dong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten