Đài Loan bắt 40 người Việt định vượt biên trái phép
- 9 tháng 1 2017
Báo chí Đài Loan cho hay nhà chức trách bắt một tàu đánh cá với 40 người Việt ở trên đang tìm cách vào Đài Loan bất hợp pháp.
Sự việc xảy ra đêm 6/1 ở ngoài khơi Nghi Lan, theo báo Taipei Times.Trên chiếc tàu cá Wun Shun Man số 66 bị bắt hôm 6/1 có tất cả 46 người - 25 đàn ông và 15 phụ nữ Việt Nam, cộng với thuyền trưởng và 5 thuyền viên.
40 người chen chúc trong hầm tàu cao có 1m2.
Theo cơ quan tuần duyên Đài Loan, chiếc tàu này đăng ký ở Cao Hùng, bị bắt cách bờ biển Nghi Lan 17km sau khi giới chức được thông báo về các thuyền nhân bất hợp pháp.
Phó chỉ huy cơ quan tuần duyên phía Bắc Thẩm Đại Vĩ nói với báo chí rằng thuyền trưởng họ là Trần cùng hai thuyền viên người Đài Loan và ba thuyền viên người Indonesia đã bị bắt để điều tra về vi phạm Luật Nhập cư.
Ông Thẩm cũng nói những người này từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi lên tàu cá Đài Loan và đã lênh đênh trên biển bốn ngày.
Họ phải trả từ 4.000 tới 6.500 USD mỗi người để vượt biên tới Đài Loan.
Theo ông Thẩm Đại Vĩ, nhiều người Việt hay tìm đường vào Đài Loan bằng cách góp tiền mua thuyền ở Trung Quốc, sau đó khi đã tới Đài Loan họ bỏ lại thuyền ngoài biển.
Đây là con số thuyền nhân bị bắt nhiều nhất ở Đài Loan trong một đợt từ trước tới nay.
Tháng trước, Việt Nam trao bốn nghi phạm trộm cước viễn thông mang quốc tịch Đài Loan cho Trung Quốc, khiến Đài Bắc phản đối.
Tin liên quan
- Giải quyết hậu quả Formosa có thể kéo dài cả thập kỷ
- Đài Loan diễn tập 'tìm kiếm - cứu hộ' ở Ba Bình
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38558191
Đài Loan phản đối VN trục xuất nghi phạm Đài Loan về TQ
- 4 tháng 1 2017
Đài Bắc vừa lên tiếng phản đối Việt Nam về việc trao trả bốn công dân Đài Loan bị tình nghi có hành vi gian lận viễn thông quốc tế.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 3/1 nói việc trục xuất là điều đáng tiếc, và do Việt Nam chịu áp lực từ phía chính phủ Trung Quốc. Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Việt Nam đã được thông báo về việc bốn nghi phạm bị bắt giữ tại Hải Phòng hồi tháng Mười Hai, và phía Đài Loan đã thương thuyết với giới chức Việt Nam để đưa các nghi phạm về Đài Loan điều tra.
Tuy nhiên, Bắc Kinh yêu cầu các nghi phạm Đài Loan cùng một đối tượng người Trung Quốc phải được trao cho Trung Quốc, và các nghi phạm cũng bị ngăn cản không được tiếp xúc với các viên chức Đài Loan, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt các vụ tương tự trong năm 2016, khi các công dân Đài Loan ở Kenya, Malaysia, Armenia, và Campuchia bị bắt và đưa về Trung Quốc vì cáo buộc dính líu tới các nhóm chuyên lừa đảo viễn thông xuyên biên giới.
Các vụ trục xuất này dựa trên chính sách "Một Trung Quốc" được áp dụng bởi hầu hết các nước có quan hệ ngoại giao chính thức chỉ với Trung Quốc mà không có quan hệ chính thức với Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh ly khai của đại lục.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết: "Trung Quốc nói trong vụ này các nạn nhân hầu hết là ở Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải dẫn độ tất cả các nghi phạm về Trung Quốc (dựa trên hiệp định tương trợ tư pháp song phương), cản trở các nỗ lực của chúng tôi trong việc tìm hiểu vụ việc cũng như thăm gặp các nghi phạm Đài Loan."
Cùng ngày, Hội đồng Đại lục Sự vụ (MAC), cơ quan quyết định các chính sách của Đài Loan về Trung Quốc, đã lên tiếng thúc giục Bắc Kinh hãy mở đối thoại càng sớm càng tốt và nói rằng hành động của Bắc Kinh không giúp ích cho công tác truy tìm nguồn gốc các nhóm lừa đảo xuyên biên giới và làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên trong nỗ lực chống tội phạm.
Trung Quốc đã đình chỉ các đối thoại với Đài Bắc kể từ tháng Sáu, một tháng sau khi Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, nhậm chức. Bà Thái Anh Văn là người không nhắc đến nguyên tắc "một Trung Hoa" của Bắc Kinh.
"Trung Quốc và Việt Nam duy trì quan hệ hợp tác gần gũi trong việc phòng chống tội phạm gian lận viễn thông và internet xuyên biên giới," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư.
Ông Cảnh không nhắc tới sự phản đối của Đài Loan và nói đây không phải là vấn đề đối ngoại.
Theo các quan chức MAC, trong năm nay có hơn 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông đã bị trục xuất từ các nước thứ ba tới Trung Quốc.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten