Những cửa hàng 2000 đồng ở Hà Nội
Nếu Sài Gòn có những quán cơm 2.000 với những suất ăn trưa nóng hổi ngon miệng cho người lao động nghèo thì Hà Nội cũng vừa có những cửa hàng E2K mà người ít tiền có thể mua bất cứ món gì họ muốn với giá chỉ 2.000 đồng mà thôi.
Dự án E2K
Chị Lan, người khởi xướng mô hình E2K, Everything With Two Thousand, cho biết:
Dự án E2K này không chỉ riêng có Yến với Lan mà khoảng bốn năm người, nhưng Yến với Lan là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập. Dự án đã thành lập trong TP Hồ Chí Minh thì mấy bạn cùng chung ý tưởng thấy rằng tại sao Hà Nội không làm. Thế là họp nhóm nhau lại và bắt đầu gây dựng lên nhóm E2K.
Tại sao chỉ có giá 2.000 thôi mà không bán 5.000 hay 10.000 ? Tất cả mọi thứ chỉ 2.000, cái đấy chỉ là giá tượng trưng, bán cho người ngheo với giá gọi là chia sẻ. Từ vật dụng gia đình cho đến quần áo cho đến đồ chơi trẻ con rồi bàn ghế học sinh. Cho thì người ta không thích người ta mặc cảm, mình bán với giá 2.000 thì người ta phấn khởi và mua được món đồ chỉ 2.000 mà vẫn dùng được tốt. Mình tận dụng những đồ đang còn dùng được, nrất ghĩa là tái sử dụng trở lại mà người mua với giá đấy vẫn cảm thấy thoải mái mà chỉ bỏ ra 2.000 Đồng thôi.
Những người tiên phong của E2K đều đi làm và thời giờ của họ cũng rất hạn hẹp:
Nếu đã lập dự án rồi thì phải nghĩ ngay đến giai đoạn tập hợp, quyên góp như thế nào và kêu gọi ra sao cho mọi người biết địa điểm mình quyên góp. Thứ hai là khi đồ đem về rồi thì tập hợp ở đâu, tích trữ thế nào, xong rồi là điểm bán. Cũng rất khó khăn để chọn một điểm nào cho nó thích hợp.
Hưởng ứng và đóng góp của người Hà Nội cho E2K cũng đến từ nhiều thành phần khác nhau:
Có những người rất cẩn thận, họ giặt giữ, gấp rồi phân loại ra luôn. Đồ mùa đông đồ mùa hè họ cho vào từng túi, ghi sẵn bên ngoài. Họ còn dặn đây là đồ nọ đồ kia, khi hỏi tên thì họ bảo cái này ủng hộ không cần phải ghi tên chúng tôi. Đấy là những đối tượng rất có tâm thiện nguyện.
Tháng Tám 2016, điểm bán đầu tiên của E2K mở ra trên phố Quang Trung quận Hoàn Kiếm:
Tôi là cán bộ của Viện Dược Liệu thì tôi đề xuất dự án này và viện cho phép nhóm tận dụng cái sân của viện mỗi sáng thứ Bảy, ngoài ra là tận dụng cái chân cầu thang của viện để làm kho tích trữ. Cứ quyên góp đem về đến đâu thì tôi và các bạn tình nguyện viên nhận và tập hợp vào kho. Thế là cứ sáng thứ Bảy, 8 giờ sáng là bắt đầu các bạn tình nguyện viên đến sắp xếp, chọn đồ, nói chung là phân loại rồi bày ra. Tới 9 giờ bắt đầu mở cửa.
Buổi đầu tiên bán hàng cũng được nhiều người ủng hộ nhưng mà đối tượng chưa được đúng lắm. Một hai buổi đầu tiên thì người nghèo chưa biết nhiều, đến buổi thứ ba thì chúng tôi làm những tờ rơi để phân phát xung quanh quận Hoàn Kiếm. Người nghèo ở quân Hoàn Kiếm bao gồm người bán hàng rong, dân đánh giày. Quanh đó cũng có những bệnh viện lớn, có những gia đình bệnh nhân nghèo, họ biết được thế là họ giới thiệu cho nhau. Đến bây giờ thì sáng thứ Bảy nào cũng thế, bọn tôi bán như một cái chợ đông khách với từ 500 đến bảy 7-- sản phẩm được bán ra.
Từ phiên chợ đồng giá 2.000 đầu tiên ở phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, nay E2K đã có thêm điểm thứ nhì ở Thạch Bàn, Long Biên, điểm thứ ba là Âu Cơ và điểm thứ tư ngoài Hà Nội là tỉnh Hòa Bình.
Trong lúc cả 3 phiên chợ đồng giá 2.000 ở Hà Nội chỉ mở của một ngày mỗi tuần, hoặc thứ Bảy hoặc Chúa Nhật, thì đặc biệt của hàng E2K ở tỉnh Hòa Bình mở cửa 7 ngày một tuần:
Hòa Bình là hàng ngày bán ở một chợ nghèo mãi vùng sâu vùng xa, người dân mua rất đông và rất đúng đối tượng. Chúng tôi cố gắng cứ hai tuần một lần vận chuyển đồ lên Hòa Bình.
Nói chung là khi đúng đối tượng người nghèo mà họ chọn từng cái, những cái họ cảm thấy vừa người họ chứ không phải cái nào họ cũng lấy, họ thấy thật hợp lý họ mới mua. Chúng tôi cũng thấy cái ý nghĩa là chia sẻ thực sự chứ không phải người ta đi xin mình.
Đông nhất là trước Tết, có ngày bán được một triệu bảy hay một triệu rưỡi, tương đương khoảng bảy tám trăm đồ bán ra.
Phiên chợ đồng giá 2.000 của E2K ở Âu Cơ do chị Huyền thành lập sau dự án tiên phong ở Quang Trung, Hoàn Kiếm. Về cửa hàng 2.000 mới mở tại tỉnh Hòa Bình, chị Huyền cho rằng dự án đó rất tốt:
Bà con trên Hòa Bình khó khăn nhiều lắm, may mắn chị chủ trên đó có cửa hàng thế là bán tại của hàng đó luôn, doanh thu hàng ngày nên rất tố, rất nhiều người có nhu cầu luôn.
Về của hàng ở Âu Cơ, Hà Nội, mới mở được một tháng này, chị Huyền kể chị quyên góp đồ cũ còn tốt thông qua bạn bè và trên trang facebook cá nhân:
Gặp ai quen thì cũng giới thiệu rồi mọi người cứ truyền tai nhau, thế là nhiều người mang đồ đến tặng. Âu Cơ thì lượng khách mua chưa được nhiều vì mới mở một tháng nay. Mỗi một buổi bán được khoảng hơn ba trăm đến bốn trăm nghìn tiền Việt, tức là khoảng 150 đến 200 sản phẩm.Thêm một người khó khăn nào đấy mà mua được đồ rẻ thì họ vui mà mình cũng vui. Nhiều khi họ cũng mua được nhiều đồ rất giá trị, nhiều đồ rất mới. Quần áo thì có thể là những cái áo khoác, quần bò, giày dép, cặp sách cũng chỉ có giá 2.000 thôi.
Tình nguyện viên đôi lúc là vấn đề khó khăn của E2K vì dù chỉ bán một buổi nhưng cần chuẩn bị, xếp hàng, phân loại trước một hai ngày:
Tình nguyện viên gồm các bạn sinh viên, kể cả các bà nội trợ và những người đi làm. Một tuần chỉ có một buổi thôi thành ra mọi người ai có lòng thì đến giúp. Cái khó khăn của E2K bây giờ chính là tình nguyện viên và vận chuyển.
Cửa hàng thứ ba ở Thạch Bàn, Long Biên, do chị Hương đứng bán. Thoạt đầu là bán trước cửa dưới nhà, về sau chuyển lên lầu một trong nhà. Chị Hương nói rằng chị rất vui khi nghe có ai nhắc đến hay hỏi đến của hàng E2K của chị và các bạn:
Thường là quần áo cũ, thỉnh thoảng mới có đồ chơi cũ thì người ta cũng nhặt ngay vì trẻ con nơi đấy cũng nhiều, kiểu như người ta vào shop người ta chọn ấy. Nhưng mà nó hơi lôn xộn một chút bởi vì có người ta ném từ thùng này sang thùng khác hoặc là vứt ra nền nhà, lại phải hốt vào trong thùng thôi.
Em vẫn đi làm, bọn em chỉ bán vào chiều Chủ Nhật thôi thì cũng có các bạn đến giúp. Một tuần chỉ được khoảng 300.000 thôi, hôm nào đông người thí dụ tuần rồi trước thời điểm Tết là được sáu trăm mấy chục nghìn gì đấy.
Trước thì bán dưới mặt đất, trải chăn trải bạt để kéo đồ ra nhưng mà thời điểm ấy còn ít đồ. Bây giờ lượng đồ nhiều hơn thì phải rút lên trên nhà bởi vì có những hôm em ốm mà không có tình nguyện viên mà kéo đống đồ ấy ra xong em vào em nằm không làm gì được nữa. Rút lên nhà đỡ phải bê ra bê vào.
Những số tiền khiêm tốn từ 3 của hàng 2.000 ở Hà Nội được sử dụng như thế nào? Chị Hương cho biết:
Tiền thì mình cứ gom vào cho quĩ của mình lớn mạnh lên rồi để làm những công việc từ thiện khác.Căn bản là quĩ cũng chưa được nhiều, chưa làm được việc gì lớn cả nên mọi người cũng nghĩ là thôi tuổi nhỏ làm việc nhỏ.
Chị Lan ở của hàng Quang Trung, Hoàn Kiếm:
Ngoài chi phí vận chuyển đồ hoặc chi phí như làm tờ rơi , quảng cáo, pa nô, áp phích các thứ, còn lại thực sự như hôm vừa rồi lên Hòa Bình chẳng hạn, chúng tôi mua toàn bọ những đồ dùng gia đình để tặng cho 10 gia đình nghèo ở Hòa Bình. Ấy là quà Tết, khoảng độ 500.000 một người, đầy đủ mọi thứ.
Cái thứ hai, hôm trước Quảng Bình bão lụt thì chúng tôi cũng tài trợ độ khoảng mấy tấn hàng, đem vào trong trường tiểu học. Chúng tôi sắm từ cái bàn cho đến giấy bút cho đến đồ dùng hàng ngày cho các cháu, mua đầy đủ và gửi tận tay. Nói chung là chúng tôi đem đến những địa chỉ thực sự là cần thiết.
Chị Huyền bổ túc thêm:
Tiền thu được lại đi làm từ thiện tiếp, ví dụ vào bệnh viện tặng quà cho các bênh nhân khó khăn, Tết thì mình gói bánh chưng hay những suất quà có mì tôm, gạo, dầu ăn, bột canh mang tặng cho những hộ nghèo. Hôm Giáng Sinh thì E2K và các tình nguyện viên tổ chức mang bánh mì hoặc là chọn ra những quần áo ấm, chăn màn tặng cho những người vô gia cư.
Có thể nói những tình nguyện viên, những bạn trẻ này không chỉ mang lại sự sống động vui tươi cho các cửa hàng đồng giá 2.000 của E2K mà họ còn là sự hỗ trợ đắc lực không thể thiếu. Bạn Phương, hiện làm việc ở một ngân hàng tại Hà Nội, là một người trong số đó:
Em hay đến Quang Trung nhất. Thời gian này ngoài công việc ra thì em cũng chưa vướng bận gia đình nên em cũng cảm thấy em không bị lãng phí những khoảng trống của mình. Ví dụ thứ Bảy, Chúa Nhật thường ở nhà có thể là ngủ hoặc lang thang đâu đấy nhưng từ ngày làm với E2K thì em cảm thấy thời gian của em rất bận rộn.
Ngoài ra thì em có giúp nhóm E2K như vừa rồi đi Hòa Bình giúp người nghèo hoặc là tham gia chương trình tặng quà cho người vô gia cư .
Bạn Trang, sinh viên ngành Ngân Hàng, cũng thường đến cửa hàng chính ở Quang Trung, Hoàn Kiếm:
Bình thường bọn em dành buổi sáng thứ Bảy, nhiệm vụ thông thường là bê từng cáo bao tải ra. Một buổi như thế bọn em bê khoảng chục cái bao tải ra, có bao nhiều lúc to hơn cả người.
Hầu hết đội tình nguyện của tụi em toàn là con gái thôi, chỉ có đúng một anh duy nhất, buổi nào may mắn thì có hai anh. Hai anh ấy sẽ giúp bọn em rất nhiều, còn nếu thông thường thì toàn con gái với nhau tự bê, tự vác, tự cất. Bê vác ra xong thì bày hàng ra cho mọi người mua, khi buổi bán hàng kết thúc bọn em bê vào cũng là chuyện đương nhiên rồi. Trong quá trình bán bọn em luôn luôn để dành ra những chiếc áo ấm cho những người già yếu. Hơn nữa bọn em cũng quan sát ví dụ nhu cầu áo ấm nhiều hoặc nhu cầu mua đồ chơi nhiều thì bọn em cử người vào trong kho, tìm xem túi nào là đồ chơi túi nào là giày dép tụi em đưa ra. Có những đồ không phù hợp như kiểu áo quá hở hang hoặc rách hoặc hoen ố màu thì bọn em phải nhặt ra. Nói chung có rất nhiều vấn đề nhưng tóm lại rất là vui và có ý nghĩa.
Thực ra những mô hình kiểu E2K không cần thiết ở Hà Nội cho bằng các tỉnh, là chia sẻ của chị Lan, người luôn mong muốn nhân rộng những phiên chợ mà bất cứ thứ gì cũng chỉ 2.000 đồng này ra những nơi khác:
Không biết là với mấy chị em mà thời gian cũng không có nhiều, công việc gia đình, công việc xã hội nữa. Mà nói thật không có tình nguyện viên thì rất gay. Trong thâm tâm thì tôi mong dự án này lan tỏa trong cộng đồng nhiều hơn nữa . Hà Nội thì nói thật dân nghèo cũng ít hơn các tỉnh khác, chúng tôi mong muốn là ở các tỉnh mỗi một tỉnh có được một hai điểm, chúng tôi có thể chuyển đồ về các tỉnh để bán cho người dân nghèo đúng đối tượng.
Cũng mong muốn dự án này tồn tại được lâu chứ không chỉ mấy tháng, rất mong như thế.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten