dinsdag 17 januari 2017

Nhật-Indonesia đẩy mạnh quan hệ quân sự và quốc phòng + dành ưu tiên cho an ninh hàng hải ở Biển Đông


Nhật-Indonesia dành ưu tiên cho an ninh hàng hải ở Biển Đông


mediaIndonesia : Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và tổng thống Indonesia Joko Widodo trong cuộc họp báo chung, ngày 15/01/2017.Reuters
Trong cuộc hội đàm với tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua, 15/01/2017, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố rằng an ninh hàng hải là ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề của khu vực.
Ông Shinzo Abe đã đến Indonesia trong khuôn khổ chuyến công du 4 nước châu Á – Thái Bình Dương ( Philippines, Úc, Indonesia, Việt Nam ) để tìm hậu thuẫn cho việc thúc đẩy an ninh hàng hải tại Biển Đông nhằm đối phó với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Sau cuộc hội đàm với tổng thống Indonesia, thủ tướng Nhật tuyên bố với báo chí : « Vì cả hai nước đều là quốc gia vùng biển, hợp tác hàng hải là ưu tiên hàng đầu. Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Indonesia về việc phát triển các đảo xa và về an ninh hàng hải. » Theo ông Abe, vấn đề Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của quốc tế và ảnh hưởng đến hòa bình khu vực.
Sau khi đạt thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác song phương, thủ tướng Nhật và tổng thống Indonesia đã quyết định là các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao của hai nước sẽ sớm họp lại. Tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng lãh đạo hai nước tuyên bố rằng các tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết bằng những phương tiện hòa bình.
Mặc dù không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Jakarta ngày càng lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở vùng này, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Natuna của Indonesia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170116-nhat-indonesia-danh-uu-tien-cho-an-ninh-hang-hai-o-bien-dong

Nhật Bản và Indonesia hợp tác về an ninh hàng hải

mediaẢnh chụp sau cuộc họp 2+2 các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Indonesia và Nhật cùng thủ tướng Shinzo Abe, 18/12/2014. Từ trái qua phải : các bộ trưởng Indonesia Ryacudu và Marsudi, thủ tướng Abe, các ông Kishida và Nakatani.Reuters
Hôm nay, 21/12/2016, Nhật Bản và Indonesia đã đồng ý sẽ hợp tác về an ninh hàng hải trong bối cảnh mà cả hai quốc gia này đều đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Tại Tokyo, bộ trưởng Indonesia đặc trách các vấn đề trên biển Luhut Panjaitan và ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã trao đổi các tài liệu hợp tác về an ninh hàng hải và phát triển kinh tế các đảo nhỏ xa bờ.
Theo lời một quan chức bộ Ngoại Giao Nhật nói với hãng tin AFP, hiệp định này là nhằm giúp Indonesia nâng cao khả năng bảo đảm an ninh hàng hải và thúc đẩy phát triển kinh tế các đảo xa.
Tuy Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên các đảo và đá ở Biển Đông, nhưng vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền lại chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia chung quanh quần đảo Natuna, một khu vực rất giàu hải sản.
Còn Nhật Bản chỉ có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, nhưng đang tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, đồng thời vẫn đòi là các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo đúng luật pháp quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161221-nhat-ban-va-indonesia-hop-tac-ve-an-ninh-hang-hai

Indonesia đẩy mạnh quan hệ quân sự và quốc phòng với Nhật Bản

mediaẢnh chụp sau cuộc họp 2+2 các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Indonesia và Nhật Bản cùng với thủ tướng Shinzo Abe, ngày 18/12/2014. Từ trái sang phải : các Bộ trưởng Indonesia Ryacudu và Marsudi, Thủ tướng Abe, Bộ trưởng Nhật Kishida và Nakatani.Reuters
Ngày 17/12/2015, Indonesia và Nhật Bản đã khởi động cơ chế đối thoại « 2+2 » cấp bộ trưởng, với lãnh đạo hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước họp tại Tokyo để thống nhất một chương trình hợp tác quốc phòng quan trọng. Đây là một sự kiện rất đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên, Nhật Bản mở đối thoại 2+2 với một quốc gia Đông Nam Á.
Theo giới quan sát, thỏa thuận vừa đạt được đã mở đường cho Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng qua Indonesia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Tokyo can dự sâu hơn vào Biển Đông.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani xác nhận : « Chúng tôi đồng ý bắt đầu đàm phán về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng ». Theo ông Nakatani, đó là một kết quả tuyệt vời trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói thêm : « Tôi xin nhấn mạnh trên tầm quan trọng của hợp tác về an ninh hàng hải », với một sự kiện nổi bật là vào năm 2016, Quân đội Nhật Bản sẽ tham gia một cuộc tập trận Hải quân đa phương do Indonesia tổ chức.
Thỏa thuận Nhật Bản-Indonesia được loan báo trong bối cảnh Biển Đông càng lúc càng căng thẳng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số đối tác của Indonesia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN như Philippines và Việt Nam, đều được Nhật Bản giúp đỡ cụ thể để tăng cường năng lực hoạt động trên biển.
Về phần mình, các quan chức Indonesia cũng hoan nghênh thỏa thuận đạt được với Nhật Bản và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông tìm cách hạ nhiệt. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận : « Chúng tôi nhất trí tăng cường sự ổn định ở Biển Đông ».
Vào lúc Mỹ cũng như Úc, hai đồng minh thân cận của Nhật Bản đều đã có những cuộc tuần tra trên Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải được quốc tế công nhận, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do lưu thông trên biển và trên không.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức cuộc họp « 2+2 » với một nước ASEAN, sau khi đã có những cuộc họp tương tự với Mỹ và Úc. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ghi nhận : « Môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên căng thẳng hơn, chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng với Indonesia, thành viên quan trọng của ASEAN. »
Trong cuộc họp riêng của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, phía Nhật nhấn mạnh đến tầm quan trọng « chiến lược » của việc đảm bảo an ninh giao thông trên vùng biển xung quanh Indonesia. Tokyo cũng muốn thúc đẩy hoạt động tập trận với Indonesia để nâng cao khả năng tác chiến cho quân đội Nhật ở nước ngoài, bên cạnh việc hợp tác với quân đội Mỹ.
Hai bên đã đồng ý việc sẽ thiết lập đường dây nóng về ngoại giao và quốc phòng trong thời gian tới, duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên trong khuôn khổ cơ chế 2+2.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151219-indonesia-tang-cuong-quan-he-quan-su-va-quoc-phong-voi-nhat-ban

Geen opmerkingen:

Een reactie posten