Trung Quốc áp đặt trật tự pháp lý mới?
- 1 tháng 8 2016
Hội nghị Ngoại trưởng của các nước ASEAN được tổ chức ở Vientiane (Lào), bế mạc hôm 25/7 với một bản Tuyên bố chung được công bố, trong đó nội dung phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã không được nhắc đến.
Theo tin tức báo chí, nguyên nhân đến từ việc cản trở của thành viên Campuchia.Nhân họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chum Sounry của nước này cho biết: "Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc chứ không phải giữa ASEAN và Trung Quốc. Vì vậy, không nên đưa cả khối ASEAN vào vấn đề này, Campuchia không muốn dính dáng đến vấn đề này".
Trước đây không lâu, báo chí cũng đăng tải tin tức về ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia. Ông này cho rằng sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa PCA tại La Haye, Hà Lan. Theo ông Hun Sen, vụ Philippines kiện Trung Quốc về việc diễn giải và áp dụng sai Công ước 1982 về Luật Biển, là "một âm mưu chính trị". Ông cũng cho rằng vấn đề này là chuyện riêng của hai nước, không liên quan đến ASEAN.
Vấn đề là Philippines là một thành viên sáng lập khối ASEAN. Tranh chấp Biển Đông liên quan trực tiếp đến nhiều nước ở Biển Đông, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei. Tức tranh chấp Biển Đông cũng là một vấn đề trọng tâm của ASEAN. (Và cả thế giới, do quyền tự do hàng hải, vì Biển Đông là hải lộ quan trọng, luân lưu trên 50% hàng hóa thế giới).
Phán quyết của tòa PCA hôm 12/7 thực ra là việc "diễn giải và áp dụng các điều trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982". Tức nhằm giải thích cách áp dụng luật. Trong chừng mực, phán quyết cũng là "luật".
'Quyền lịch sử'
Trung Quốc tự tiện diễn giải và áp dụng bộ Luật Biển 1982 theo cách của họ, chỉ có lợi cho họ, bất chấp những thiệt thòi của các nước chung quanh.Trung Quốc áp dụng "quyền lịch sử", yêu sách 80% vùng Biển Đông. Tòa cho rằng việc áp dụng "quyền lịch sử" đã không còn phù hợp với Luật biển 1982. Tức là, ngay cả khi Trung Quốc chứng minh được rằng họ có "quyền lịch sử", thì khi Trung Quốc ký nhận công ước Luật Quốc Tế về Biển 1982, quyền này cũng bị mất đi.
Hơn thế, Trung Quốc chưa hề có cái gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Tòa đã chứng minh rằng Trung Quốc qua bao thời đại, chưa hề kiểm soát trên thực tế vùng biển này.
Từ vấn đề "quyền lịch sử" ta mới hiểu lý do khác, (ngoài lý do viện trợ tiền bạc của Trung Quốc), vì sao Campuchia không ủng hộ phán quyết của Tòa PCA.
Đến nay một số đông chính trị gia Campuchia vẫn còn ủng hộ lập trường của ông Hoàng Sihanouk, là đòi "quyền lịch sử" của Campuchia ở Việt Nam (như đòi quyền sử dụng cảng Sài Gòn, sử dụng các thủy lộ Cửu Long... để về Phnom Penh).
Trường hợp Trung Quốc, khi ký vào Công ước Luật Biển 1982, quyền lịch sử (nếu có) của Trung Quốc bị mất đi. Trường hợp Campuchia (và Việt Nam), sau khi độc lập, thoát ách thực dân,"quyền lịch sử" của Campuchia (trên lãnh thổ Nam Kỳ) cũng bị mất đi.
Công pháp quốc tế không nhìn nhận hiệu lực của "quyền lịch sử". "Quyền" bị thay thế bằng khái niệm luật học "uti possidetis". Khái niệm này có nghĩa là: nếu (trước khi độc lập) anh có (kiểm soát) vùng lãnh thổ đó, thì sau khi độc lập anh tiếp tục giữ vùng lãnh thổ này.
Phía Trung Quốc tẩy chay, không tham dự phiên Tòa, điều này không làm cho thẩm quyền của Tòa PCA bị giảm sút. Cũng như các vận động rầm rộ của Trung Quốc nhằm "chính trị hóa" phán quyết, cũng sẽ không giúp cho việc giải thích "Luật" của Trung Quốc có giá trị hơn Tòa PCA.
Nhưng quan điểm của các lãnh đạo Campuchia về phán quyết của Tòa rõ ràng đã phủ nhận nền "quốc tế pháp trị", đã được thiết lập từ hệ quả của hai cuộc Thế chiến. Theo đó mọi tranh chấp giữa các nước sẽ được giải quyết bằng luật lệ, thay vì bằng vũ lực. Điều này có thể sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của Vương quốc Campuchia, một nước nhỏ, còn hiện hữu được là nhờ sự bảo vệ của Luật Quốc tế.
Lịch sử chứng minh, đã hai lần Campuchia bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình là nhờ "pháp luật quốc tế".
Tiền lệ trong ASEAN
Khoảng năm 2011, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về chủ quyền vùng đất (khoảng 4,5km²) chung quanh ngôi đền Preah Vihear khiến hai nước căng thẳng, ngấp nghé bên bờ chiến tranh. Campuchia đệ đơn lên tòa Công lý Quốc tế (ICJ)ngày 28/4/2011 yêu cầu Tòa "giải thích lại phán quyết 1962".Tranh chấp ngôi đền này giữa hai nước đã từng được Tòa ICJ phân xử năm 1962, theo đó ngôi đền này thuộc về Campuchia.
Việc phân xử thời đó "đầy kịch tính", vì theo nội dung Công ước phân định Biên giới Thái-Miên do Pháp và Thái lan thực hiện những năm 1897 và 1904, ngôi đền Preah Vihear thuộc về chủ quyền của Thái Lan. Nhưng trên bản đồ (do Pháp thực hiện sau đó vài năm) thì ngôi đền lại thuộc về Campuchia.
Cuối cùng Tòa xử Thái Lan bị "estoppel", vì nước này đã không phản đối (các tấm bản đồ vẽ sai) trong một thời gian dài. Tòa cho rằng, việc không lên tiếng phản đối đồng nghĩa với việc chấp nhận. Dĩ nhiên là quần chúng Thái Lan không đồng tình về phán quyết này.
Ngày 11/11/2013 Tòa ICJ nhóm họp lại và ra phán quyết, cho rằng khu đất 4,5km² đất chung quanh ngôi đền cũng thuộc về Campuchia.
Phán quyết cũng hết sức "kịch tính", vì nếu ta xét đến các tấm bản đồ phân định biên giới, thì rõ ràng vùng đất này thuộc về Thái Lan. Và dĩ nhiên, dư luận Thái Lan phản đối, không đồng ý với phán quyết này.
Trong vụ tranh chấp này quan điểm "trọng luật" của ASEAN là rõ rệt.
Thông cáo chung của các nước ASEAN có nội dung: "Tôn trọng phán quyết của Tòa và yêu cầu các bên thi hành án lệnh của Tòa tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia".
Thì hôm nay, không có lý do nào để Campuchia ngăn cản khối ASEAN ra một tuyên bố yêu cầu các bên "tôn trọng phán quyết của Tòa PCA". Philippines là một thành viên sáng lập ASEAN và phán quyết của Tòa PCA là giải thích luật, tức là "luật".
Cả hai lần Tòa Công lý Quốc tế đều "xử ép" Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear. Dầu vậy Thái lan không phản đối, ngăn cản ASEAN ra thông cáo chung.
Ta thấy bóng dáng một "trật tự pháp lý mới", do Trung Quốc áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà "nước lớn" quyết định việc phân chia biển. Vấn đề là các những "nước lớn" khác, đã khai sinh ra "trật tự pháp lý" cũ, có chấp nhận việc này hay không?
Đây là một tiền lệ nguy hiểm cho Campuchia.
Phía Thái Lan, dân chúng vốn từ lâu bất mãn với các phán quyết của ICJ (1962 và 2013), có thể nhân việc Campuchia ủng hộ việc không tôn trọng luật pháp, sẽ đặt lại việc thi hành hai án lệnh này.
Điều tệ hơn nữa là lãnh thổ của Campuchia hiện nay khoảng 50% diện tích đã được Pháp lấy lại từ Thái Lan qua những kết ước quốc tế.
Mà nền tảng của "quốc tế công pháp" là gì nếu không phải là những kết ước quốc tế?
Sẽ không có điều gì cấm cản Thái Lan phủ nhận mọi kết ước có liên quan đến biên giới đã ký kết (dưới áp lực của Pháp) từ đầu thế kỷ 20.
Campuchia lúc đó sẽ không thể phản biện lại Thái Lan. Bởi vì chính Campuchia đã ủng hộ cho việc phủ nhận công lý quốc tế.
Trật tự pháp lý quốc tế đảo lộn
Trật tự pháp lý quốc tế, được dựng lên từ Thế chiến II nếu không được các nước trong khu vực tuân thủ, nó sẽ thay thế bằng trật tự mới do Trung Quốc áp đặt.Trật tự pháp lý cũ đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".
Sự bình đẳng về chủ quyền đã được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".
Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7 là việc giải thích luật, là "trật tự về biển", áp dụng cho Biển Đông.
Trung Quốc đã ký Công ước này. Bây giờ Trung Quốc tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa (vốn được LHQ chỉ định) và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.
Ta thấy bóng dáng một "trật tự pháp lý mới", do Trung Quốc áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà "nước lớn" quyết định việc phân chia biển.
Vấn đề là các những "nước lớn" khác, đã khai sinh ra "trật tự pháp lý" cũ, có chấp nhận việc này hay không?
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nhà nghiên cứu ở Pháp.
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160801_asean_scs_order
Geen opmerkingen:
Een reactie posten