donderdag 18 augustus 2016

Tổng thống Indonesia: Bảo vệ « từng tấc đất » tại Biển Đông + đổi tên Biển Đông thành Biển Natuna để bảo vệ chủ quyền

Tổng thống Indonesia: Bảo vệ « từng tấc đất » tại Biển Đông

mediaTổng thống Indonesia phát biểu trước Quốc hội ngày 16/08/2016.Reuters
Sau những vụ xung đột với hải thuyền Trung Quốc chung quanh các đảo của Indonesia ở Biển Đông, tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết với toàn dân là không để mất dù là « một tấc đất » lãnh thổ và lãnh hải quốc gia.
Trong thông điệp trước ngày độc lập của Indonesia (17/08), tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định « chủ quyền của Indonesia » ở quần đảo Natuna, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa hải quân Indonesia và hải thuyền, tàu đánh cá cũng như cảnh sát biểnTrung Quốc.
Theo tuyên bố của tổng thống Joko Widodo, Indonesia sẽ « phát triển khu vực Entikong, Natuna, Atambua để thế giới thấy rằng Indonesia là một nước lớn, mỗi tấc đất, mỗi tấc biển đều được bảo vệ thực sự ». Ông cũng nhấn mạnh đến « nỗ lực » tìm một giải pháp « ôn hòa » giải quyết tranh chấp biển đảo.
Khác với Việt Nam và Philippines, chính quyền Indonesia từ lâu nay tuyên bố là không có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, nhưng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, với đường « lưỡi bò » 9 đoạn, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực Natuna.
Quan hệ hai nước căng thẳng lên từ sau nhiều vụ xung đột trong tháng Sáu, giữa một bên là hải quân Indonesia và bên kia là tuần duyên và tàu cá Trung Quốc. Nhiều tàu đánh cá lớn, nhỏ của Trung Quốc bị hải quân Indonesia tịch thu, một loạt tàu cá khác bị bắn cảnh cáo. Sau các vụ xung đột hồi tháng Sáu, tổng thống Indonesia đích thân đến thăm Natuna bằng chiến thuyền và tiến hành kế hoạch tăng cường phòng thủ trên các đảo xa như cải tiến phi đạo, trang bị tên lửa, máy bay trinh sát…
Tổng thống Indonesia hoàn toàn không nhắc tên Trung Quốc nhưng những lời bình luận này được đưa ra nhân dịp lễ Quốc khánh vào ngày mai, ghi dấu 71 năm độc lập, với sự kiện biểu tượng là phá hủy 71 tàu đánh cá, trong đó có nhiều tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận.
Cũng trong thông điệp quốc khánh, vị tổng thống dân cử xuất thân từ xã hội dân sự nhấn mạnh đến yếu tố nhân quyền. Ông cảnh báo : « Indonesia không thể trở thành một quốc gia phát triển và thành công nếu nhân quyền không được tôn trọng »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160816-tong-thong-indonesia-cam-ket-bao-ve-%C2%AB-tung-tac-dat-%C2%BB-tai-bien-dong

Indonesia muốn đổi tên Biển Đông thành Biển Natuna để bảo vệ chủ quyền

mediaTổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) trên chiến hạm KRI Imam Bonjol tại vùng biển Natuna.Antara Foto/REUTERS
Chính quyền Indonesia tối 17/08/2016 thông báo có kế hoạch thay đổi tên Biển Đông thành Biển Natura để khẳng định chủ quyền. Kế hoạch này liên quan đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna, nằm ở phía tây bắc phần đảo Borneo thuộc Indonesia.
Ông Ahmad Santosa, người đứng đầu Lực Lượng Đặc Nhiệm (Task Force) 115, một cơ quan chống nạn đánh cá trái phép, cho biết đề xuất trên « sẽ được chuyển đến Liên Hiệp Quốc (…). Nếu không quốc gia nào phản đối thì tên chính thức sẽ là Biển Natuna ». Còn thị trưởng quần đảo Natuna, ông Hamid Rizal, nhấn mạnh việc thay đổi tên gọi nhằm giúp mọi người hiểu được vùng biển này thuộc về Indonesia và để giúp cho cuộc chiến chống đánh cá trái phép trong vùng biển của nước này.
Cũng trong ngày Quốc Khánh Indonesia 17/08, bộ trưởng Hàng Hải và Ngư Nghiệp, bà Susi Pudjiastuti, nhấn mạnh : « Vai trò bộ trưởng của tôi là xử lý mọi vấn đề liên quan đến cá và các nguồn tài nguyên biển. Tôi không nói đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ về mặt chính trị, nhưng tôi nói về toàn vẹn lãnh thổ về cá và nguồn tài nguyên biển. Khi cá bơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, thì chắc chắn thuộc quyền về Indonesia. Và nếu ai đánh bắt trong vùng này, thì đó là hành động bất hợp pháp ».
Bà cho biết Indonesia chỉ có một thỏa thuận về quyền đánh bắt cá với Malaysia tại eo biển Malacca. Bà cũng nhấn mạnh rằng Indonesia không công nhận bất kỳ một « ngư trường truyền thống nào », nhằm ám chỉ đến những đòi hỏi của Trung Quốc trong vùng biển Natuna.
Ngoài ra, bộ trưởng Susi còn tham dự biểu lễ khởi công xây dựng một trại giam dành riêng cho tội phạm đánh cá trái phép, với sức chứa từ 300-500 người. Công trình được dự kiến hoàn thiện trước cuối năm 2016. Cuối cùng, để phát triển các đảo tại Natuna, Indonesia sẽ xây dựng một khu vực ngư nghiệp tổng hợp, trong đó sẽ gồm một kho lạnh có công suất 200 tấn.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 17/08, nhân kỷ niệm 71 năm Quốc Khánh, chính quyền Indonesia đã cho phá nổ 60 tầu cá, trong đó có đến 58 tầu cá nước nước ngoài, vì đánh bắt trái phép.
Tại vùng biển Natuna, nơi Trung Quốc thường xuyên tự nhận là « ngư trường truyền thống », thường xuyên xảy ra tình trạng đánh bắt trái phép. Tính đến tháng 12/2014, bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp đã đánh chìm 236 tầu cá.
Biển Đông là khu vực xảy ra nhiều cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là với khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Bắc Kinh tăng cường bồi đắp và xây dựng các cơ sở quân sự trên các rạn san hô và các đảo trong vùng biển này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160818-indonesia-muon-doi-ten-bien-dong-thanh-bien-natuna-de-bao-ve-chu-quyen

Biển Đông : Indonesia tăng nỗ lực bảo vệ chủ quyền

mediaTổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) thăm chiến hạm KRI Imam Bonjol trong vùng biển Natuna ngày 23/06/2016.Antara Foto/REUTERS

Hôm qua, 29/06/2016, tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh mở rộng việc thăm dò dầu khí và đánh cá ở vùng biển chung quanh quần đảo Natuna, thể hiện một nỗ lực mới của Jakarta nhằm bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại khu vực này ở Biển Đông.  
Tuyên bố trước một cuộc họp của chính phủ bàn về việc phát triển khu vực quần đảo Natuna, tổng thống Widodo cho biết là trên 16 lô dầu nằm chung quanh Natuna, chỉ mới có 5 lô đang khai thác và ông muốn là các lô kia cũng nhanh chóng đi vào sản xuất.
Mỏ khí đốt Đông Natuna được xem là một trong nơi có trữ lượng khí đốt chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Bộ trưởng đặc trách các vấn đề trên biển của Indonesia Rizal Ramli cho biết là họ muốn biến vùng Natuna thành một trung tâm về chế biến khí đốt và các công nghiệp có liên quan.
Chính phủ Jakarta cũng muốn phát triển ngành ngư nghiệp ở Natuna, vùng biển mà các tàu cá từ Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và các nước lân cận thường xuyên đến đánh bắt. Theo lời tổng thống Widodo, sản lượng ngư nghiệp ở vùng biển chung quanh Natuna chỉ mới chiếm khoảng 9% tiềm năng của vùng này.
Trong thời gian gần đây, hải quân Indonesia đã gia tăng các cuộc tuần tra chung quanh quần đảo Natuna sau một loạt vụ đối đầu giữa các tàu Indonesia với các tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Cho tới nay, Jakarta vẫn không thừa nhận bản đồ “ đường lưỡi bò ” của Trung Quốc, vì bản đồ này bao gồm cả một phần vùng biển phía Nam quần đảo Natuna. Bắc Kinh thì vẫn khẳng định là các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở “ ngư trường truyền thống của Trung Quốc ” và cho rằng hai nước có chủ quyền “ chồng lấn ” tại vùng biển chung quanh Natuna.
Trước mối đe dọa từ Trung Quốc, ngày 28/06 vừa qua, Hạ Viện Indonesia đã thông qua quyết định tăng 10% cho tổng ngân sách quốc phòng năm 2016. Một phần ngân sách bổ sung này sẽ được dùng để xây một căn cứ không quân lớn hơn và tối tân hơn trên quần đảo Natuna. Jakarta cũng dự trù đặt các chiến đấu cơ phản lực và tàu ngầm ở quần đảo này để góp phần nâng cao khả năng phòng thủ ở khu vực này.
Mặt khác, gần đây, các tàu của hải quân Philippines đã thay thế các tàu của bộ Ngư nghiệp và Hải dương để bảo vệ vùng biển chung quanh Natuna chống nạn đánh bắt cá trái phép ở vùng này. Đã hai lần, một lần vào tháng trước và một lần trong tháng này, tàu hải quân Indonesia đã nổ súng để bắt giữ các tàu cá Trung Quốc. Những vụ này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh với Jakarta.
Cách đây đúng một tuần, tổng thống Joko Widodo lần đầu tiên đã đến thăm quần đảo Natuna và đã chủ trì một cuộc họp của nội các trên một chiến hạm đậu ngoài khơi quần đảo này, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng đây là vùng biển này thuộc chủ quyền Indonesia, không có gì để thương lượng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160630-bien-dong-indonesia-gia-tang-no-luc-bao-ve-chu-quyen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten