zondag 7 augustus 2016

Hoàn tất trùng tu nghĩa trang thuyền nhân Việt ở Bataan (Philippines) sau 10 năm ấp ủ

Hoàn tất trùng tu nghĩa trang thuyền nhân Việt ở Bataan sau 10 năm ấp ủ


Buổi lễ có sự tham dự của 30 thành viên trong đoàn văn khố thuyền nhân Việt Nam. (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
Lê Hữu Thành/Người Việt (từ Manila)
PHILIPPINES (NV) – “Có lẽ đây là một cảm giác vừa vui mừng vừa bùi ngùi. Vui mừng vì sau bao nhiêu năm có thể nói là một thập niên rồi mới có dịp tạo cảnh mồ yên mả đẹp cho những đồng bào bất hạnh nằm lại nơi đây.” Sư Budhano Minh Trí từ chùa Bửu Môn, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, cho biết cảm tưởng của mình khi cùng lãnh đạo các tôn giáo khác đến chứng minh cho lễ khánh thành nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam tại Bataan, Philippines.
Sáng ngày 4 tháng 8 năm 2016, khoảng 30 người trong đoàn văn khố thuyền nhân Việt Nam từ Manila trải qua chặng đường hơn 4 tiếng đến Bataan, trong vùng vịnh Subic để tổ chức lễ khánh thành nghĩa trang thuyền nhân Việt hay còn gọi là công viên tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam.

Linh Mục Phạm Chánh và Linh Mục Nguyễn Ngọc Dũng rảy nước thánh cầu nguyện cho những đồng bào không may nằm lại nơi này. (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thuộc tổ chức văn khố thuyền nhân Việt Nam thì đây là dự án do tổ chức thiện nguyện VHelp ở Úc gây quỹ và văn khố thuyền nhân Việt Nam thực hiện từ năm ngoái và đến bây giờ mới hoàn tất. Quy mô khoảng 5 ngàn mét vuông gồm các hạng mục như nhà nguyện, cổng nghĩa trang và làm lại khoảng 300 bia mộ, trồng các hàng cọc xung quanh để đánh dấu nghĩa trang….
“Mặc dù quý vị thấy xung quanh vẫn còn ngổn ngang các vật dụng xây dựng vì điều kiện thời tiết và nhân công nên nhà thầu đã không hoàn thành dự án đúng thời gian như chúng tôi muốn. Nhưng có thể nói đến 80, 90% đã xong, và vì sự chuẩn bị các nhóm của nhiều quốc gia nên không thể đình hoãn được.
“Chúng tôi đến đây ngày hôm nay với sự chứng giám của lãnh đạo các tôn giáo như Phật Giáo là Thượng Tọa Thích Phước Tấn và Sư Minh Trí, cũng như về Thiên Chúa Giáo chúng tôi có linh mục Nguyễn Ngọc Dũng và Phạm Chánh để cùng chứng minh lễ khánh thành ngày hôm nay cùng với khoảng 30 thành viên đến từ nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc và Việt Nam để tưởng niệm các đồng bào nằm xuống khu nghĩa trang này, đồng thời cảm ơn chính phủ cũng như nhân dân Philippines đã có những cái công sức, giúp đỡ cũng như bảo tồn những ký ức, kỷ niệm thời sinh hoạt của Người Việt tại đây,” ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Cảm thấy hạnh phúc khi thấy người Việt đến thăm nghĩa trang
Đó là tâm sự của ông Marion C.Mamauag, giám đốc phát triển kinh doanh của cơ quan cải cách và phát triển hạ tầng Philippines (BCDA), trực thuộc phủ tổng thống, tổ chức quản lý trực tiếp trung tâm tiến hành thủ tục tị nạn Bataan, nay là công viên công nghệ Bataan.

Sư Minh Trí và Thượng Tọa Thích Phước Tấn làm lễ cầu nguyện cho công trình nghĩa trang. (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
“Cách người Việt Nam tôn vinh người chết bằng việc tới đây và khôi phục lại các nghĩa trang làm cho tôi thấy niềm tự hào dân tộc. Bởi vì mọi người đến đây làm nhắc nhớ lại những kỷ niệm, kinh nghiệm sống của những người qua đời ở đây cho chúng tôi.
“Đây là một cảm giác tốt khi nhìn thấy những người mới tham quan nơi này,” ông Marion bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ rằng chính cơ quan BCDA đã hướng dẫn tổ chức văn khố thuyền nhân Việt Nam trong việc xin giấy phép và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn tất dự án. Mặt khác về Ban Quản Trị trung tâm tiến hành thủ tục tị nạn Bataan đã mở cửa đón tiếp đoàn trong tình thân và trong một sự quyến luyến. Vì trong ban quản trị trại hiện nay có khá nhiều những nhân viên trước đây đã từng là thiện nguyện viên giúp đỡ người tị nạn trong 25, 30 năm trước.

Bia mộ thuyền nhân Việt Nam cho những ngôi mộ vô danh. (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
Trả lời câu hỏi liệu của Người Việt liệu có khó khăn gì từ phía đại sứ quán Việt Nam trong quá trình xây dựng nghĩa trang, ông Marion nói rằng đây không phải là một dự án chính trị, mà là một dự án nhân đạo.
“Tôi nghĩ rằng sẽ không có vấn đề với chính phủ Việt Nam khi phát triển nơi này vì đây là một di tích lịch sử. Không chỉ người Việt Nam mà người dân Cambodia và Lào cũng đã được tiến hành thủ tục tị nạn ở đây trong những năm 1980.
“Thực tế đây là một nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam, vì vậy không có vấn đề khi xây dựng nó và làm cho nó đẹp hơn,” ông Marion khẳng định.
Công trình ấp ủ 10 năm qua
Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên ông Trần Đông, và tổ chức văn khố thuyền nhân Việt Nam ghé thăm nghĩa trang Bataan, nơi có khoảng 300 ngôi mộ được mai táng trong cảnh mồ xiêu mả lạc. Hầu hết các ngôi mộ ở đây chỉ được đánh dấu bằng những vòng đá nhỏ to khác nhau, chỉ có vài ngôi mộ được xây kiên cố cũng không còn nguyên vẹn.
Mùa mưa ở đây thì nước ngập các ngôi mộ và làm xói mòn. Mùa khô thì cỏ tranh mọc quá đầu người khiến những ai đến đây thăm viếng không khỏi xót xa.

Ông Đặng Trung Chính (phải) đại diện tổ chức VHelp trao kỷ niệm chương cho ông Marion C. Mamauag, giám đốc phát triển kinh doanh của cơ quan cải cách và phát triển hạ tầng Philippines (BCDA). (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
“Trong 10 năm qua dự án trùng tu nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam ở Bataan lúc nào cũng ở trong trái tim tôi. Ngày hôm nay nhìn thấy những khó khăn đã trôi qua, và sắp tới dự án trên đà hoàn tất và sẽ hoàn thành 100% trong vòng một tháng tới khiến tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
“Khu nghĩa trang này là khu nghĩa trang lớn cuối cùng trên đoạn đường trùng tu tất cả mộ thuyền nhân Việt Nam tìm thấy được trong vùng Đông Nam Á gồm có Malaysia, Indonesia và Philippines. Xong khu nghĩa trang này thì chúng tôi cũng có thể nói nhiệm vụ, bổn phận của chúng ta đối với những đồng bào bỏ thân, chết oan ở rừng hoang đảo vắng nơi xứ người cũng đã hoàn thành,” ông Trần Đông chia sẻ cảm xúc.
Sư Budhano Minh Trí bùi ngùi: “Trong số nửa triệu người được định cư ở các nước tự do để có tương lai cho bản thân, gia đình và con cháu thì những đồng bào này lại nằm ở đây rất là hiu quạnh.”
“Dù sao nữa thì đây là một công trình rất đáng để chúng ta thực hiện, rất đáng để chúng ta quan tâm tại vì những đồng bào này là chứng nhân thực sự, họ đã bỏ đất nước ra đi để tìm tự do và sự hi sinh của họ nói lên 1 phần nào ý nghĩa của sự tự do là khi cần đi tìm tự do, khi cần chối bỏ độc tài thì người ta sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình,” Sư Minh Trí nói thêm.

Ông Trần Đông (ngoài cùng bên phải) phát biểu tại buổi lễ khánh thành nghĩa trang thuyền nhân. (Hình: Lê Hữu Thành/Người Việt)
Trung tâm tiến hành thủ tục tị nạn Bataan, Philippines mở cửa năm 1980 và đóng cửa vào năm 1990 khi làn sóng thuyền nhân giảm dần. Trong quá trình hoạt động có khoảng 400 ngàn người đã đến trại này để học văn hóa, học nghề, tiếng Anh để đi định cư ở các nước, phần nhiều là sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, làn sóng thuyền nhân Việt Nam vẫn chưa chấp dứt khi những năm gần đây người Việt Nam vẫn bỏ nước ra đi để tìm tự do.
Sư Budhano Minh Trí cho rằng: “Đó là một điều rất là đáng tiếc, tại vì 40 năm trước hàng triệu người bỏ nước ra đi vì họ không chấp nhận độc tài và muốn hưởng sự tự do. 40 năm qua, vẫn còn một số người vẫn tiếp tục ra đi vì Việt Nam chưa có được sự tự do. Hoàn cảnh đất nước có thể thay đổi nhưng độc tài vẫn còn, đó là lý do tại sao một số đồng bào vẫn bỏ nước ra đi bằng hình thức này hay hình thức khác.”

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/hoan-tat-trung-tu-nghia-trang-thuyen-nhan-viet-o-bataan-sau-10-nam-ap-u/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten