Giải Độc
BS. Hồ Ngọc Minh
Rất nhiều phương pháp ăn cử, diet, thường khuyên người ta nên bắt đầu bằng giai đoạn “giải độc” gọi là “detox”. Giai đoạn nầy có thể kéo dài từ vài ngày cho đến cả tuần lễ, bao gồm kiêng hay nhịn ăn và chỉ uống một số nước trái cây, để cho cơ thể… giải độc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, có cần giải độc hay không, và, lợi và hại của việc giải độc.
Về cơ bản, cơ thể của chúng ta đa phần được cấu tạo để sống còn trong mọi tình huống. Hiểu theo thuyết âm dương, ngũ hành, hay hiểu theo sự cân bằng giữa nồng độ acid và kiềm, các tế bào trong cơ thể bao giờ cũng ở mức độ bão hoà, không nóng không lạnh, không âm không dương, không acid hay kiềm tính quá độ. Một cơ thể khoẻ mạnh, là một cơ thể không bị mất cân bằng đi xa quá điểm trung hoà, thí dụ như nồng độ acid pH hơi kiềm một chút chẳng hạn.
Để giữ được điểm cân bằng nầy, cơ thể đã và đang thường xuyên phải… giải độc, 24/7!
Nếu nói theo ngũ hành tương sinh thì trong cơ thể chúng ta có năm cơ phận thường xuyên giúp ta giải độc: lá gan, hai trái thận, đường ruột hệ thống tiêu hoá, lá phổi, và lớp da. Chúng là “ngũ hổ tướng”, thường xuyên bảo vệ cho “long thể” khỏi “bất an”.
Trước hết, lớp da bao bọc chung quanh cơ thể chúng ta đóng góp phần lớn vào việc ngăn chặn những độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, và ngược lại cũng thải ra một số “chất dơ” qua tuyến mồi hôi.
Kế đến, hầu hết những thứ “bổ béo” cũng như “độc tố” đều “xâm nhập” vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hoá. Vì vô tình hay cố ý chúng ta đã để cho không ít chất độc xâm nhập vào cơ thể qua “cửa khẩu”. Ở đây, lý do tôi viết hai từ kép “bổ béo” và “độc tố” để trong ngoặc kép, vì có rất nhiều thứ tưởng là bổ, nhưng nếu ăn hay uống nhiều quá cũng thành độc. Thí dụ như uống thuốc bổ chẳng hạn, nhiều quá chỉ là những chất độc mà cơ thể phải làm việc cực nhọc để thải ra ngoài. Hay ăn cho cố mạng những thứ đồ ăn được xem là bổ này, bổ nọ sẽ có hại mà thôi. Cũng may là không ít chất độc sẽ được trung hoà bởi acid trong bao tử, hoặc sẽ bị khống chế bởi hàng tỉ vi khuẩn tốt có trong đường ruột, phần còn lại sẽ cho “đi tàu suốt” ra luôn… cửa hậu.
Tuyến phòng thủ thứ nhì bao gồm một sự hợp tác chặt chẽ giữa lá gan và hai trái thận. Những chất độc sẽ được lá gan lọc hoặc biến chế ra chất bớt độc, sau đó “chuyển lên xa lộ” cho ra đường tiểu.
Cuối cùng, nhờ vào hai lá phổi, thán khí CO2 được thải ra ngoài. Một điều thú vị, bạn có biết, khi chúng ta tập thể dục, mỡ sẽ giảm đi, thế thì mỡ đó sẽ đi đâu? Sau khi được cơ thể tiêu hoá, 30% khối lượng mỡ biến thành nước, và 70% sẽ biến thành khí CO2 và được thở ra ngoài. Nồng độ CO2 bao giờ cũng phải bảo hoà để cho cơ thể giữ cho độ pH được cân bằng.
Như thế, mỗi phút, mỗi giây trong đời sống, chúng ta thường xuyên có chất độc xâm nhập vào cơ thể, và cũng từng giờ từng phút, từng giây, cơ thể chúng ta đã không ngừng… giải độc. Một khi cơ thể bị “nhiễm độc”, “long thể sẽ bất an” ngay tức thì. Do vậy, một khi bệnh nhân nhập viện, các thử máu cơ bản đầu tiên, bao giờ cũng nhắm vào các nhiệm vụ của lá gan, trái thận, và lá phổi để xem các cơ quan nầy có vấn đề gì hay không.
Hiểu như vậy, để “giải độc” chúng ta không cần phải đợi đến “ngày lành tháng tốt” mới thi hành mà phải thường xuyên giảm chất độc xâm nhập vào cơ thể, để “ngũ hổ tướng” bớt… mệt.
Nói cho đúng, chủ trương lâu lâu giải độc một lần cũng không phải hoàn toàn sai: về động cơ là đúng, nhưng về lý thuyết thì không ổn. Cá nhân tôi thỉnh thoảng cũng “tịnh khẩu, tịnh tâm, tịnh thể” một vài ngày. Có nghĩa là, nhịn đói vài ngày. Lý thuyết nhịn đói vài ngày đã được cổ xuý ở phương Đông qua nhiều ngàn năm, và gần đây được phương Tây chứng minh là có lợi cho cơ thể. Khi nhịn đói vài ngày như thế, cơ thể được nghĩ mệt, và các tế bào già cỗi, yếu đuối được thay thế. Khoa học còn chứng minh rằng, nhịn đói tí tí, sẽ kéo dài tuổi thọ. Bạn đừng có sợ là khi nhịn đói sẽ bị “oải”. Trên lý thuyết, nếu uống nước đầy đủ, cơ thể có thể nhịn đói được 90 ngày!
Trong những ngày giải độc, bạn phải uống nước, không nhất thiết là các loại nước trái cây “fancy” có đường, vì chính đường cũng là chất độc, nên bớt đường lại. Cơ thể cần nước và muối khoáng nhiều hơn. Cá nhân tôi chỉ uống nước trà, hay nước chanh muối ít đường, nếu phải qua ngày thứ ba, đói lắm thì ăn cháo trắng hay oatmeal.
Dĩ nhiên, phương pháp giải độc đột xuất có thể không thích hợp cho người già, hay những người có bệnh tật kinh niên. Tuy rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp nhịn đói vài ngày đã làm tăng sức đề kháng cho những bệnh nhân bị ung thư. Bạn nên tham khảo với bác sĩ gia đình, trước khi quyết định giải độc bằng phương pháp tịnh khẩu này.
*****
HỒ NGỌC MINH, M.D. & HỒ VŨ MỸ LIÊN, M.D.
Chữa trị hiếm muộn và thụ thai nhân tạo IVF, ICSI
Lựa chọn trai hay gái tùy theo ý muốn.
Thử nghiệm, lọc tinh trùng (do anh Kevin Trần phụ trách)
Chữa trị các chứng yếu sinh lý, nam và nữ
Giải phẫu thẩm mỹ, chỉnh sửa âm đạo (do nữ BS Mỹ Liên thực hiện)
(714) 429-5848
11180 Warner Avenue, Suite 465, Fountain Valley, CA 92120
http://www.nguoi-viet.com/co-the-ban-quan-tam/giai-doc/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten