maandag 15 augustus 2016

Bán đảo Crimée : Cuộc chơi mạo hiểm của Putin + Ukraina tố cáo Nga âm mưu "gây rối loạn" tại Donbass

Bán đảo Crimée : Cuộc chơi mạo hiểm của Putin

mediaÔng Vladimir Putin hôm 18/03/2016 tại cảng Kerch, bán đảo Crimée, nhân dịp 2 năm ngày Nga sát nhập Crimée.REUTERS/Mikhail Klimentyev/Sputnik/Kremlin
Trong những ngày vừa qua, căng thẳng đột ngột leo thang tại bán đảo Crimée, đặc biệt với việc Nga triển khai các dàn tên lửa phòng không tối tân S-400. Le Monde ngày 14-15/08/2016 có bài phân tích về động cơ ẩn đằng sau phiêu lưu mới của Matxcơva và hậu quả.
Bài xã luận của Le Monde, với tựa đề « Cuộc chơi mạo hiểm của tổng thống Nga », mở đầu với nhận định : Những lo ngại của phương Tây, trước hết là Paris và Berlin là « có lý ». Bởi, « những hành động hung hăng của chính quyền Putin thách thức công khai Pháp và Đức, hai quốc gia đỡ đầu cho các thỏa thuận Minsk, được ký kết nhằm chấm dứt các xung đột đẫm máu tại miền đông Ukraina, với lực lượng ly khai được điện Kremli ủng hộ ». Một lần nữa phương Tây đặt câu hỏi : « Các mục tiêu thực sự của Matxcơva là gì ? ».
Một số người ngưỡng mộ Nga so sánh ông Putin với « một nhà chơi cờ tài ba, tính trước được nhiều nước cờ », tuy nhiên theo Le Monde, « tổng thống Nga có vẻ giống với một tay chơi xì phé, khéo léo nắm lấy các cơ hội mở ra để hạ các lá bài, kể cả dùng bài lừa ». Thừa nhận Putin là « một nhà chiến thuật đáng sợ », nhưng về mặt chiến lược, Le Monde cho rằng ông ta chỉ là một « kẻ đáng thương », nếu căn cứ vào bản tổng kết chính sách của Nga tại Ukraina ».
« Nỗ lực của điện Kremli cuối năm 2013, cản trở hiệp ước liên kết Kiev-Liên Hiệp Châu Âu vì lo sợ Ukraina hoàn toàn độc lập với Nga, đã làm bùng nổ ‘‘cuộc nổi dậy Maidan’’, khiến tổng thống thân Nga Yanukovitch phải chạy trốn », và một thế lực thân châu Âu nổi lên lên nắm quyền. « Việc Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina – vùng lãnh thổ châu Âu đầu tiên bị sát nhập từ 1945 - dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ». Matxcơva phải hứng chịu hàng loạt trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây. Cho đến nay, kinh tế Nga tiếp tục chịu các hậu quả. Tình hình cũng tương tự về ngoại giao. Chính quyền Obama tỏ ra rất ngờ vực, khả năng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ rất khó khăn.
Nga có thể « một lần nữa mất hết »
Theo Le Monde, riêng về phần các nước châu Âu, « một bộ phận khá đông các nước có truyền thống thân Nga, và cả một bộ phận cánh tả Đức và đa số cánh hữu Pháp » « hy vọng trừng phạt đối với Nga sẽ được nới lỏng, cho dù thỏa thuận Minsk không được thực thi ». Câu hỏi đặt ra là, « châu Âu cần phải làm gì trước căng thẳng gia tăng tại Ukraina ? ».
Xã luận Le Monde nhấn mạnh, « sức mạnh thực sự của Putin luôn luôn nằm ở những mặt yếu của các đối thủ ». Matxcơva hòa giải với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đúng vào lúc Erdogan xa lánh với Mỹ và châu Âu sau cú đảo chính hụt 15/07. Hay « việc phương Tây bất lực tại Syria » cho phép « Nga can thiệp quân sự tại nước này để cứu chế độ Assad và trở thành một thế lực không thể bỏ qua trong cuộc chiến Syria ».
Tuy nhiên, theo Le Monde, cuộc phiêu lưu mới của ông Putin tại Crimée lần này, không khác những lần trước. Matxcơva có thể « một lần nữa sẽ lại mất tất cả ».
Nga đánh lạc hướng
Về chủ đề khủng hoảng tại bán đảo Crimée, báo Libération có « Ukraina và Nga cùng giương súng ». Phóng sự của Libération cho biết, Nga hiện tập trung quân tại bán đảo Crimée, « leo thang quân sự » tại miền đông nam Ukraina « không phải là không thể ». Cho dù một cuộc « chiến tranh công khai » trong hoàn cảnh hiện nay là điều rất khó xảy ra, nhưng Matxcơva rất có thể sử dụng lý do « Ukraina gây căng thẳng » để đánh lạc hướng người dân Nga khỏi nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước. Trong một chuyến đi Crimée mới đây, thủ tướng Nga từng thú nhận « không còn tiền » cho bán đảo mới sát nhập vào Nga, bất chấp các hứa hẹn hồi 2014 với người dân Crimée.
Nhà chính trị học Anh Timothy Ash nêu thêm một giả thuyết khác, đó là việc làm căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimée có thể là một hành động của Matxcơva nhằm làm gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraina, vốn mới bắt đầu phục hồi. Theo nhà chính trị học Anh, đối với Nga, thành công của Ukraina là « không thể chấp nhận được », trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Nga ra khỏi khủng hoảng.
Công nghiệp : Một trật tự thế giới mới
Về kinh tế thế giới, báo Le Monde có bài tổng thuật « Trật tự thế giới mới trong lĩnh vực công nghiệp », với nhận định « sản xuất công nghiệp suy giảm tại Mỹ và Nhật, và chững lại tại châu Âu », trong khi đó một số nền kinh tế mới nổi lên như Indonesia tăng trưởng tới 7,5% và Việt Nam cùng Malaysia tăng 7% và 5%.
Theo một báo cáo tổng kết được công bố hôm 12/08, sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, công nghiệp toàn cầu đã bật trở lại mạnh mẽ, vọt lên đến 10%/năm, nhưng giai đoạn này đang khép lại. Kể từ nhiều tháng nay, sản lượng công nghiệp chỉ còn tăng khoảng 1,5 đến 2%/năm. Tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn so với tăng trưởng nói chung cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang hướng về dịch vụ, hơn là về công nghiệp.
Điều đáng chú ý là tăng trưởng công nghiệp tiếp tục mạnh tại nhiều quốc gia đang nổi lên. Ngay Trung Quốc, nơi tăng trưởng được coi là chững lại, sản lượng công nghiệp vẫn tiếp tục tăng 6% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bài của Le Monde nêu một dự án xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi điện, nối mạng tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trị giá 2,7 tỷ euro, với số lượng khoảng 400.000 xe xuất xưởng/năm, như một ví dụ cho thấy đà gia tăng công nghiệp của khối các nước trỗi dậy.
Theo Le Monde, rõ ràng đang có một sự phân công lại trong lĩnh vực công nghiệp thế giới. Một số khu vực đang nổi lên như công xưởng mới của thế giới, như Mêhicô, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam, và một số quốc gia Trung và Đông Âu, « nơi giá thành sản xuất thấp ».
Sản lượng công nghiệp tăng đến 40% tại Slovakia, 30% tại Rumani, hơn 20% tại Ba Lan, Séc hay các nước vùng Bantic.
Khủng bố Thái Lan : Tập đoàn quân sự muốn quy tội cho đối lập
Về thời sự châu Á, báo Le Monde chú ý tới loạt khủng bố tại Thái Lan hồi tuần trước. Tổng cộng đã xảy ra 12 vụ tấn công bằng bom. Bài « Thái Lan đặt câu hỏi về các động cơ và hậu quả của các vụ khủng bố » cho biết, cảnh sát Thái Lan đã loại bỏ khả năng khủng bố quốc tế. Trong khi cảnh sát Thái Lan hướng điều tra vào lực lượng Hồi giáo đòi ly khai ở miền nam, thì lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan lại nhấn mạnh đến khả năng có bàn tay của đối lập chính trị.
Phát biểu tại cuộc sinh nhật của hoàng hậu Thái, thủ tướng Chan-O-Cha liên hệ các vụ khủng bố vừa nổ ra với không khí chính trị tại Thái Lan trước cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp mới, do tập đoàn quân sự thảo ra, để hướng mối nghi ngờ của công chúng vào các nhà chính trị đối lập.
Ngày Đức Mẹ lên trời : Đoàn kết chống khủng bố
Hôm nay là ngày lễ Đức Mẹ Maria Đồng Trinh lên trời của người Công giáo. Bài xã luận báo Sud-Ouest, miền tây nam nước Pháp, nhận xét : « Nếu như hồi năm ngoái, thánh địa Lourdes từng cầu nguyện cho các tín hữu Giáo hội phương Đông, thì dịp 15 tháng 8 năm nay, đến lượt những người Thiên chúa giáo bị bức hại và bị lưu đày tại vùng Trung Cận Đông lo lắng cho số phận của những người anh em phương Tây, đang phải đối mặt với nạn khủng bố ».
Tờ báo địa phương miền tây nam nước Pháp nhấn mạnh : « Những người hành hương hôm nay đổ về thành phố của Đức Mẹ Maria sẽ đưa ra một câu trả lời. Chúng ta chờ đợi họ sẽ có mặt đông đảo hơn dự kiến. Chắc chắn là như vậy do hệ quả của vụ giết hại cha xứ Jacques Hamel ngay tại nhà thờ Saint Etienne du Rouvray ».
Pháp : Đào tạo ý thức công dân cho giáo sĩ Hồi Giáo
Tờ Le Parisien cho biết, chính trị gia, cựu bộ trưởng Nội Vụ Jean-Pierre Chevènement đã nhận lời lãnh đạo Quỹ cho đạo Hồi tại Pháp (Fondation pour l’Islam de France). Mục tiêu của quỹ này là làm nổi lên một đạo Hồi phù hợp với thể chế Cộng Hòa, và đây chính là một giải pháp cho nguy cơ khủng bố gia tăng, theo cựu bộ trưởng Nội Vụ.
Việc cựu bộ trưởng Nội Vụ nhận lời lãnh đạo quỹ cho đạo Hồi nói trên bị phê phán dữ dội từ nhiều phía. Nhưng theo ông Chevènement, không nhất thiết phải là một người Hồi Giáo, để có thể đảm đương được trách nhiệm này. Bởi vì mục tiêu của Quỹ không phải là cổ vũ cho đạo Hồi.
Theo cựu bộ trưởng Nội Vụ, nếu được bổ nhiệm, ưu tiên của ông sẽ là đào tạo các giáo sĩ Hồi Giáo, về các trách nhiệm và ý nghĩa của việc trở thành công dân Pháp, ý nghĩa của tiếng Pháp và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.
Về mối quan hệ Công Giáo – Hồi Giáo, báo Le Monde giới thiệu kết quả thăm dò dư luận của viện IFOP, gây lo ngại, với tựa đề « Người Công Giáo ngờ vực đạo Hồi ». Theo điều tra, 45% số người Công Giáo sùng đạo cho rằng đạo Hồi là một « mối đe dọa » (so với chỉ 33% tháng 2/2015), trong khi tỉ lệ gần như không tăng với người dân Pháp nói chung (33% so với 32%).
Người Pháp quan tâm nhiều hơn đến « phần hồn »
Trang nhất báo Le Parisien hôm nay nhấn mạnh đến sự bùng phát của các hoạt động tĩnh tâm, một xu thế mới trong đời sống tinh thần của người Pháp. Le Parisien cho biết : « mùa hè năm nay, người Pháp quan tâm đến phần hồn nhiều hơn. Họ ngày càng cảm thấy có nhu cầu sống một kỳ nghỉ, tách hoàn toàn khỏi thế giới đời thường ».
Xu hướng này không chỉ riêng đối với người theo Thiên Chúa Giáo. Tại tu viện Công Giáo Ligugé thuộc tỉnh Vienne, miền đông nước Pháp, người ta thấy có nhiều người theo đạo Hồi thuộc tông phái Sufi, đến tĩnh tâm. Theo một chủng sinh, càng ngày càng có thêm nhiều người vô thần gặp khó khăn trong cuộc sống cũng lui tới đây.
Charline Picone : Nữ hoàng đua thuyền
Trong lĩnh vực thể thao, chiến thắng bất ngờ của vận động viên đua thuyền buồm Charline Picone tại Thế vận hội Rio là niềm vui của nước Pháp. Hình ảnh nữ vận động viên Charline Picone có mặt trên hầu hết các trang nhất của các nhật báo địa phương. Tờ Sud-Ouest phấn khởi : « Cô ấy đã lập một thành tích không thể tin nổi ngày hôm qua ! Cô ấy được vinh danh như là hoàng hậu của ngày hội, hoàng hậu của Rio ! ».
Pháp : Tấn công một dự án chôn rác phóng xạ
Trong lĩnh vực môi trường, cuộc chiến chống rác thải phóng xạ là chủ đề chính của báo Libération, với sự kiện hàng trăm nhà hoạt động môi trường đổ về tỉnh Meuse, miền đông bắc, để phản đối một dự án chôn rác thải phóng xạ (sâu 500 mét dưới lòng đất). Bức tường rào vây quanh khu chôn rác thải tương lai bị những người phản đối phá vỡ.
Xã luận Libération với tựa đề « Phá sản », lên án chính sách phát triển nhà máy hạt nhân ồ ạt trong quá khứ, không tính đến cái giá mà các thế hệ tương lai phải trả cho việc phá dỡ các nhà máy và chôn giữ rác thải hạt nhân.
Rác thải phóng xạ là vật chất gây nguy hiểm đến hàng trăm nghìn năm. Vì vậy, nơi chôn cất phải có độ an toàn hết sức cao. Libération có bài phân tích những giới hạn của công nghệ chôn giữ rác thải hạt nhân hiện nay. Hỏa hoạn có thể làm phóng xạ thoát ra ngoài, hay phóng xạ thoát ra ngoài do bị nước ngấm vào.
Hiện tại, Quốc Hội Pháp đã ra luật, mở đường cho việc đưa chất thải lên mặt đất để tái xử lý. Tuy nhiên, công nghệ tách các thành phần rác phóng xạ hiện nay còn xa mới hoàn thiện. Nhiều nhà khoa học đề nghị nghiên cứu khả năng chôn rác thải ở tầng đất nông, để dễ dàng xử lý sau này.
 
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160815-ban-dao-crimee-cuoc-choi-mao-hiem-cua-putin

Ukraina tố cáo Nga âm mưu "gây rối loạn" tại Donbass

mediaĐặc sứ Ukraina Volodymyr Yelchenko tại Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga đưa ra bằng chứng các "âm mưu khủng bố" của Kiev tại Crimée, ngày 11/08/2016.REUTERS/Carlo Allegri
Tổng thống Petro Porochenko đặt các đơn vị quân đội Ukraina ở phía đông trong tình trạng báo động. Matxcơva tố tình báo Ukraina xâm nhập vào Crimée. Kiev tố lại Nga khiêu khích dọc theo chiến tuyến để đổ lỗi cho Ukraina vi phạm thỏa thuận ngưng bắn.
Tình hình miền đông Ukraina căng thẳng đột ngột làm NATO và Hoa Kỳ lo ngại. Ngày 11/08, tổng thống Ukraina Petro Porochenko thông báo đã ra lệnh cho « tất cả các đơn vị » đóng dọc theo biên giới hành chánh với Crimée và chiến tuyến ở Donbass sẵn sàng ứng chiến.
Vài giờ trước đó, tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và thông báo thảo luận các biện pháp bổ sung để « bảo vệ an ninh cho công dân và hạ tầng cơ sở ở Crimée ».
Theo AFP, Sở phản gián Nga FSB, trong một bản thông cáo, cho biết là đã « bẻ gẩy » nhiều « vụ tấn công khủng bố » ở Crimée và « đẩy lui nhiều cuộc tấn công võ trang » do phía Ukraina tiến hành trong tuần này. Những lời cáo buộc này đã bị Kiev cực lực bác bỏ.
Trong phiên họp kín tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Ukraina yêu cầu Nga cung cấp bằng chứng. Ngược lại, tình báo Ukraina cho rằng chính Nga có kế hoạch « tấn công dọc theo chiến tuyến ở Donbass », phân chia phe thân Nga ly khai và lực lượng chính phủ Ukraina, để rồi tố cáo Kiev vi phạm thỏa thuận ngưng bắn Minsk (tháng 05/2014).
Hơn hai năm sau ngày Nga xáp nhập Crimée, tình hình căng thẳng bất chợt này làm tây phương lo ngại. NATO, qua tuyên bố của một viên chức cao cấp xin ẩn danh, cho biết « theo dõi sát diễn biến tại chỗ » và tỏ ý tin tưởng Ukraina « đủ khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng phương tiện chính trị và ngoại giao ».
Washington, cũng như NATO, không tin vào những lời cáo buộc của Nga quy cho Ukraina gây hấn. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Elysabeth Trudeau, ngày 11/08, nhấn mạnh : « Crimée là lãnh thổ của Ukraina. Những hoạt động quân sự của Nga tại Crimée gần đây không giúp cho tinh hình bớt căng thẳng » Washington kêu gọi hai bên « tránh leo thang ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160812-ukraina-to-cao-nga-am-muu-gay-roi-loan-tai-donbass

Geen opmerkingen:

Een reactie posten