Ấn Độ phóng tàu thám hiểm sao Hỏa
- 5 tháng 11 2013
Lần đầu tiên Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa, chuẩn bị cho khả năng trở thành nước châu Á đầu tiên khám phá thành công hành tinh đỏ.
Người đứng đầu cơ quan không gian Ấn Độ nói với BBC rằng mục tiêu của chương trình này là chứng tỏ khả năng công nghệ lên được quỹ đạo sao Hỏa và tiến hành các thí nghiệm.Sứ mạng vào Quỹ đạo sao Hỏa (MOM), tên con tàu không gian này, sẽ cất cánh vào lúc 3h8’ chiều thứ Ba ngày 5/11 theo giờ Việt Nam từ Sriharikota trên một tên lửa do Ấn Độ sản xuất.
Nếu mọi việc suôn sẻ thì chiếc tàu không gian này sẽ di chuyển trong khoảng thời gian 300 ngày và sẽ vào quỹ đạo sao Hỏa vào tháng Chín năm sau.
Tìm khí methane
Các nhà quan sát xem vụ phóng này là phát pháo mới nhất trong cuộc chạy đua không gian đang hình thành giữa các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn và một số nước khác.Giáo sư Andrew Coates của Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard, nói với BBC: “Tôi nghĩ sứ mệnh này thật sự đã đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ khám phá không gian quốc tế. Thám hiểm liên hành tinh chắc chắn không phải là chuyện tầm thường và Ấn Độ đã tìm ra những khoảng trống khoa học thú vị để khảo sát.”
Những khoảng trống này bao gồm tìm kiếm dấu vết đặc trưng của khí methane (CH4) trong bầu khí quyển sao Hỏa vốn trước đây đã từng được phát hiện từ quỹ đạo sao Hỏa và từ các kính viễn vọng quan sát từ Trái Đất.
Tuy nhiên, tàu Curiosity của Nasa gần đây đã không tìm thấy khí này khi đo đạc thành phần khí quyển ở đây.
Khí methane có vòng đời rất ngắn trong bầu khí quyển sao Hỏa. Điều này có nghĩa là trên sao Hỏa có nguồn nào đấy tái tạo được khí này. Điều đáng lưu tâm là khoảng 95% khí methane trong bầu khí quyển trên Trái Đất là do các vi sinh vật tạo ra. Điều này khiến cho một số người nghĩ rằng có khả năng tồn tại một sinh quyển nằm sâu dưới lòng sao Hỏa.
Tuy nhiên khí này cũng có thể được tạo ra trong các hoạt động địa lý, nhất là các hoạt động núi lửa.
Rất có thể sẽ không có được kết luận cuối cùng về việc này, nhưng thiết bị cảm ứng tìm methane trên sao Hỏa được lắp trên tàu không gian của Ấn Độ sẽ tìm cách đo đạc và đánh dấu các nguồn tạo ra các dòng khí methane tiềm tàng trên sao Hỏa.
‘Cơ hội thành công cao’
Ngoài ra sứ mạng này cũng sẽ tìm hiểu tốc độ khí quyển bị hao hụt vào không gian và điều này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về lịch sử của Hành tinh Đỏ. Hàng tỷ năm trước, lớp khí quyển bao quanh sao Hỏa được cho là lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.Ấn Độ đã phê chuẩn cho dự án này vào năm 2012 nên các nhà khoa học tham gia chương trình đã làm việc ngày đêm để chuẩn bị con tàu nhằm tranh thủ thuận lợi khi Trái Đất và sao Hỏa đang ở vào vị trí thuận lợi giúp cho MOM tiết kiệm nhiên liệu trên hành trình đến sao Hỏa.
Giới chức Ấn Độ luôn ý thức được sự phức tạp của một hành trình đến sao Hỏa. Chỉ có dưới phân nửa các tàu không gian phóng lên sao Hỏa là thành công.
Tuy nhiên Giáo sư Coates nhận xét rằng công việc chuẩn bị về mặt kỹ thuật của Ấn Độ là vững chắc và rằng MOM có nhiều cơ hội thành công miễn là các động cơ của nó hoạt động chính xác.
Một số người chỉ trích thì đặt vấn đề tại sao Ấn Độ có thể bỏ ra khoảng 90 triệu Mỹ kim cho một dự án thám hiểm không gian trong khi quốc gia Nam Á này là nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên những người ủng hộ thì cho rằng giá thành của MOM là tương đối rẻ và trong quá trình thực hiện dự án việc tìm tòi phát triển công nghệ sẽ có ích cho các hoạt động khác của đất nước.
‘Không đua với Trung Quốc’
Nisah Agrawal, giám đốc điều hành của Oxfam ở Ấn Độ, nói với BBC: “Ấn Độ là đất nước có nhiều người nghèo nhưng đây cũng là một quốc gia mới nổi. Đây là một quốc gia có thu nhập trung bình, một thành viên của nhóm G-20. Điều khiến mọi người khó hiểu là chúng tôi là một đất nước nghèo những cũng là một cường quốc trên thế giới.”Một cuộc cách mạng lớn đã diễn ra trong hơn 50 qua ở đất nước này chỉ bằng một phần chi tiêu nhỏ nhoi cho chương trình không gian.
K Radhakrishnan, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (Isro), nói với BBC rằng: “Tại sao Ấn Độ phải tham gia vào chương trình không gian là một câu hỏi đã được hỏi trong suốt hơn 50 năm qua. Câu trả lời vào lúc đó, bây giờ và trong tương lai là: ‘Để tìm giải pháp cho các vấn đề của nhân loại và xã hội’”.
“Một cuộc cách mạng lớn đã diễn ra trong hơn 50 năm qua ở đất nước này chỉ bằng một phần chi tiêu nhỏ nhoi cho chương trình không gian,” ông nói thêm.
Ông Radhakrishnan cũng nói không có chuyện Ấn Độ chạy đua không gian với Trung Quốc: “Chúng tôi không chạy đua với ai cả, nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi đang chạy đua với bản thân. Chúng tôi phải phát triển vượt bậc, chúng tôi phải cải tiến, và chúng tôi cần phải đem đến những điều mới mẻ.”
Nhưng một khi vụ phóng này thành công thì Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc, ít nhất là trong việc thám hiểm sao Hỏa.
Tin liên quan
- TQ phóng tàu vũ trụ thành công
- Phi hành gia Trung Quốc sắp lên vũ trụ
- TQ sẽ đưa nữ phi công vào vũ trụ
- http://www.bbc.com/vietnamese/world/2013/11/131105_india_mars_mission
Geen opmerkingen:
Een reactie posten