zaterdag 6 augustus 2016

10 điều được chờ đợi ở Olympic Rio 2016 + Cơ hội cho Việt Nam

Thứ tư, 3/8/2016 | 11:42 GMT+7

10 điều được chờ đợi ở Olympic 2016

Khai mạc ngày 5/8 tới, Thế vận hội diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil hứa hẹn mang lại những màn trình diễn đỉnh cao, xứng đáng với sự chờ đợi bốn năm một lần từ người hâm mộ.

Lễ khai mạc. Sau tất cả những rắc rối trước thềm Olympic như virus Zika, nghi vấn sử dụng chất cấm hay tranh cãi xung quanh đoàn thể thao Nga, lễ khai mạc vẫn sẽ là thời khắc được tất cả mong đợi. Với các VĐV, đó là khoảnh khắc đầu tiên giúp họ nhận ra mọi thứ đã sẵn sàng cho những cuộc tranh tài. Còn với người hâm mộ, lễ khai mạc Olympic luôn là màn trình diễn nghệ thuật đáng chờ đợi, nơi nước chủ nhà luôn cố gắng thể hiện những điều tinh tuý nhất từ lịch sử, văn hoá của họ nhằm quảng bá ra thế giới.
Usain Bolt đối mặt với thách thức từ Justin Gatlin. Với hai hattrick HC vàng liên tiếp qua các kỳ Olympic 2008 và Olympic 2012 tại các nội dung 100m, 200m và 4x100m tiếp sức, Usain Bolt được xem là một trong những VĐV điền kinh hay nhất lịch sử Thế vận hội. Nhưng tái lập thành tích này không phải là điều dễ dàng với “Tia chớp Jamaica” khi anh không còn duy trì phong độ đỉnh cao. Từ đầu năm nay, Bolt mới chỉ một lần chiến thắng ở nội dung 200m tại London Grand Prix thuộc hệ thống giải Diamond League 2016. Trong khi đó, đối thủ Justin Gatlin đã ba  lần chiến thắng ở nội dung 100m tại các giải thuộc Diamond League 2016.
Thể dục dụng cụ nam. Đây là môn thế mạnh của đoàn thể thao Vương quốc Anh tại Rio de Janeiro năm nay. Niềm hy vọng vàng lớn nhất của họ sẽ dồn vào cho Max Whitlock ở nội dung ngựa tay quay thuộc môn thể dục dụng cụ. Whitlock bắt đầu gây ấn tượng mạnh từ Olympic London 2012, nơi anh đoạt hai HC đồng. Sau đó, kiện tướng này thể hiện sự tiến bộ với chức vô địch thế giới và huy chương vàng đại hội thể khối Thịnh vượng chung. Đối thủ lớn nhất của Whitlock cũng chính là người đồng đội của anh, Louis Smith.
Fraser-Pryce trên đường chạy 100 mét nữ. Shelly-Ann Fraser-Pryce (giữa) đang đứng trước cơ hội giành chiếc HC vàng Olympic thứ ba liên tiếp cho Jamaica ở nội dung 100 mét nữ. Fraser-Pryce là một VĐV điền kinh xuất sắc, nhưng đang bị che mờ bởi cái bóng quá lớn của đồng hương Usain Bolt. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Fraser-Pryce mới là gương mặt của Thế vận hội, là người phụ nữ của những khoảnh khắc tuyệt vời.
Michael Phelps thi đấu kỳ Olympic cuối cùng. Với 22 huy chương (18 vàng, hai bạc, hai đồng), kình ngư người Mỹ là kỷ lục gia của các kỳ Thế vận hội, đồng thời là một trong những gương mặt được chờ đợi nhất tại Rio de Janeiro hè này.
Bất ngờ tuyên bố giải nghệ sau Olympic 2012, Phelps trở lại vào năm 2014 và ngay lập tức giành hàng loạt các thành tích ấn tượng. Cụ thể, anh đoạt ba HC vàng Pan Pacific Championships 2014 (100m bướm, 4x200m tự do và 4x100m hỗn hợp) cùng ba HC vàng tại US National Championships 2015 (100m bướm, 200m bướm và 200 hỗn hợp). Năm nay 31 tuổi, đây gần như sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng của Phelps, nên  anh rất nỗ lực để đạt được một cái kết đẹp cho sự nghiệp vinh quang.
Mo Farah. Ngôi sao chạy marathon người Anh có đầy đủ những phẩm chất của một VĐV hàng đầu: sự tập trung, thông minh và tài năng. Có rất nhiều đối thủ nuôi tham vọng lật đổ trên đường chạy 5000 mét và 10.000 mét, nhưng Mo Farah vẫn giữ vững phong độ, và thống trị đường chạy này. Việc phá vỡ kỷ lục quốc gia ở nội dung 3000 mét gần đây cho thấy điểm rơi phong độ cực tốt của Farah. Nếu tiếp tục thành công và giành thêm cú đúp HC vàng nữa, anh sẽ đi vào lịch sử Olympic.
Cử tạ. Olympic giúp người hâm mộ có cơ hội theo dõi những môn thể thao mà họ không thường xuyên được chứng kiến. Cử tạ là một môn như vậy. Khán giả được xem các lực sĩ nâng những mức tạ không tưởng. Trong khi chiến thuật của môn này cũng rất thú vị, bởi các lực sĩ phải lựa chọn số kilogram và đưa ra những quyết định chính xác. Sự kịch tính là điều chưa bao giờ mất đi ở môn thể thao giàu sức mạnh.
Người Hà Lan bay trên đường chạy 200m nữ. Một VĐV điền kinh khác được chú ý là Dafne Schippers của Hà Lan. Chiếc HC vàng ở giải vô địch thế giới giúp cô trở thành người phụ nữ chạy nhanh nhất ở cự ly 200 mét. Đây là thành quả gây bất ngờ, bởi Schippers xuất thân là vận động viên bảy môn phối hợp. Sau khi chuyển sang thi đấu chạy cự ly ngắn, cô nhanh chóng chứng tỏ khả năng. 200 mét cũng là nội dung mà các VĐV Mỹ và Jamaica thống trị từ lâu, nên những gì Schippers làm được thật sự đáng nể. 
Giấc mộng vàng của bóng đá nam Brazil. Từng năm lần vô địch World Cup, nhưng bóng đá nam Brazil chưa một lần đoạt HC vàng ở sân chơi Olympic. Trong vòng hơn 30 năm qua, Brazil đã vào chung kết bóng đá nam ba lần và thua cả ba trước Pháp (1984), Liên Xô (1988) và Mexico (2012), hai lần thua trận tranh HC đồng (thua Nigeria ở bán kết Atlanta 1996 và Argentina ở Bắc Kinh 2008). Thế nên, vượt qua cái bóng của Argentina (hai lần đoạt HC vàng các năm 2004, 2008) chiếm ngôi số một môn bóng đá nam là khát khao mãnh liệt của Brazil. Thậm chí với đại bộ phận người hâm mộ Brazil, giành HC vàng môn bóng đá nam còn quan trọng hơn cả mục tiêu của cả đoàn thể thao Brazil tại Rio de Janeiro hè này - phải cán đích trong top 10 tại Rio Janeiro (cải thiện ít nhất 12 bậc so với thành tích về thứ 22 tại Olympic London 2012).
Thể thao Nga chống chọi thế nào với cơn bão doping. Từ con số hơn 400 VĐV dự kiến, đoàn thể thao Nga chỉ còn khoảng 300 VĐV đi Brazil tranh tài hè này. Đây là hệ quả từ án phạt mà họ phải chịu từ IOC và các liên đoàn thể thao sau scandal dùng doping có hệ thống vừa bị WADA phanh phui. Trong số hơn 100 người phải ở nhà, có toàn bộ các VĐV điền kinh và nhiều kiện tướng ở các môn khác, đồng nghĩa với việc những niềm hy vọng huy chương lớn của Nga đều bị gạt khỏi cuộc chơi. Nga vì thế sẽ rất khó khăn nếu muốn giữ vị trí trong top 4 như họ đã có ở Olympic 2012.
Thái Ân
http://thethao.vnexpress.net/photo/photo/10-dieu-duoc-cho-doi-o-olympic-2016-3445909.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking

Olympic Rio và cơ hội của thể thao VN

  • 5 tháng 8 2016


Image copyright AFP
Image caption Đoàn Việt Nam tại làng vận động viên ở Rio ngày 1/8

Việt Nam tham dự Olympic Rio với 23 vận động viên, đông nhất từ trước đến nay, song để giành được những tấm huy chương vẫn là là thách thức rất lớn.
Đến Rio với lực lượng đông đảo, song những người được chờ đợi đoạt huy chương chỉ đếm trên đầu ngón tay và tập trung vào ba cái tên chính là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên.

1. Thạch Kim Tuấn

Cử tạ là môn thi đấu đã đem về thành công gần nhất cho thể thao Việt Nam với tấm huy chương bạc của Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008.
Rio 2016, một lực sĩ tên Tuấn khác trở thành niềm hi vọng lớn nhất của Việt Nam.
Thạch Kim Tuấn, 22 tuổi đã giành Huy chương đồng giải vô địch thế giới 2015, trước đó, là Huy chương bạc Asiad Incheon 2014 ở Hàn Quốc.
Thành tích của vận đông viên người Bình Thuận từ năm 2014 đến nay luôn rất ổn định và nằm trong Top 3 thế giới.
Tuy nhiên, những tin đồn Tuấn bị tái phát chấn thương vốn khiến anh không có được thể trạng tốt nhất suốt một năm qua khiến nhiều người lo lắng.
286 kg là thành tích giành được huy chương đồng tại London bốn năm về trước.


Image caption Thạch Kim Tuấn trong kỳ dự thi ở Singapore hồi 2010
Ở giải vô địch thế giới năm ngoái, dù chịu ảnh hưởng chấn thương, Thạch Kim Tuấn vẫn đạt thành tích trội hơn là 287 kg.
Tất nhiên đó cũng chỉ là những con số mang tính tham khảo.
Ở lần đầu dự Olympic cùng vấn đề chấn thương, việc Thạch Kim Tuấn sẽ thi đấu như thế nào trước những kỳ vọng lớn lao vẫn còn là điều khó nói.

2. Hoàng Xuân Vinh

Vận động viên kỳ cựu môn bắn súng là người để lại nhiều tiếc nuối nhất tại London 2012 khi mất huy chương đồng ở những giây phút cuối cùng của vòng thi chung kết.
Bốn năm là quãng thời gian đủ để Xuân Vinh rút ra những bài học cũng như khắc phục những điểm yếu của mình.
Tay súng mang hàm đại tá đã cải thiện đáng kể thành tích của từ sau Olympic 2012 đến nay.
Tại Cúp bắn súng thế giới 2014, anh thậm chí đã đoạt Huy chương vàng và phá kỉ lục thế giới.
Với một vận động viên quân đội như Vinh, những thất bại chỉ càng khiến anh thêm mạnh mẽ và quyết tâm.


Image caption Hoàng Xuân Vinh đã để vuột huy chương đồng ở những giây phút cuối cùng tại London 2012
Đó cũng là những gì mà người hâm mộ kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, trình độ của các vận động viên tham gia môn bắn súng ở thế vận hội là cực kỳ cân bằng và chỉ một tích tắc thôi cũng khiến tấm huy chương vụt mất khỏi tầm tay, như những gì Hoàng Xuân Vinh đã cay đắng trải qua ở Olympic bốn năm trước.

3. Nguyễn Thị Ánh Viên

Kình ngư người An Giang chính là vận động viên được đầu tư mạnh mẽ nhất của thế thao Việt Nam nhiều năm qua.
Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Xuân Vinh có thể là những niềm kỳ vọng lớn nhất xét về các chỉ số chuyên môn, nhưng Ánh Viên mới là cái tên sáng giá nhất nếu xét về những gì mà nền thể thao đã đầu tư cho cô.
20 tuổi, Ánh Viên là vận động viên trẻ nhất của thể thao Việt Nam nhưng lại là một trong những nhân tố giàu kinh nghiệm nhất.
Đó không chỉ vì đặc thù của môn bơi lội xem độ tuổi 20 là độ tuổi chín nhất sự nghiệp mà còn bởi Ánh Viên đã từng tham gia Olympic London 2012 cùng nhiều giải đấu lớn nhỏ của châu lục và thế giới suốt thời gian qua.
Đạt 3 chuẩn Olympic song Ánh Viên chỉ được kỳ vọng làm nên bất ngờ ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ.
Nhưng ngay ở cự ly này, những thách thức vẫn cực lớn khi những chỉ số của cô mới chỉ tiệm cận Top 8 thế giới chứ chưa nói đến chuyện cạnh tranh huy chương.


Image copyright Getty Images
Image caption Nguyễn Thị Ánh Viên là một trong những vận động viên được đầu tư mạnh nhất của Việt Nam trong những năm qua
Con đường của Ánh Viên là gian nan hơn rất nhiều so với Thạch Kim Tuấn và Hoàng Xuân Vinh.
Do vậy, đừng bất ngờ khi Ánh Viên không thể giành huy chương năm nay.

Phải giải quyết điểm yếu tâm lý

Tâm lý thi đấu chính là một trong những rào cản lớn nhất ngăn bước các vận động viên Việt Nam bước lên đỉnh cao nhiểu năm qua.
Chính ở London bốn năm trước, sức ép tâm lý quá lớn khiến Hoàng Xuân Vinh phạm sai lầm và mất huy chương đồng dù có lúc trong cuộc thi chung kết ấy, Xuân Vinh còn cạnh tranh quyết liệt huy chương vàng.
Cũng tại London, Trần Lê Quốc Toàn đã vụt mất huy chương đồng môn cử tạ khi chỉ thua đối thủ đúng 2 kg.
Niềm hy vọng lớn nhất là Thạch Kim Tuấn đáng ngại thay khi lại là một trong những người trẻ nhất và Rio cũng chỉ mới là kì Olympic đầu tiên của vận động viên này.
Rõ ràng, bên cạnh những nghi ngại chấn thương, tâm lý cũng là thách thức lớn cho Kim Tuấn trong nỗ lực giành huy chương.
Và nhắc đến vấn đề tâm lý, chúng ta cũng đừng nên bất ngờ nếu các tên tuổi được kỳ vọng không thi đấu thành công, trong khi những vận động viên không được kỳ vọng quá nhiều lại làm tốt nhiệm vụ của mình.
Olympic Rio chuẩn bị khởi tranh, và chúc các vận động viên Việt Nam sẽ “chân cứng đá mềm” hầu đem lại vinh quang cho tổ quốc!
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/08/160804_vietteam_olympics_rio_hopeful

Thứ ba, 2/8/2016 | 11:45 GMT+7

Đấu kiếm Việt Nam dự Olympic 2016: Tên tuổi nhỏ, ý chí lớn

Cử tạ và đấu kiếm có lượng VĐV đi Brazil đông nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng nếu cử tạ có bốn vé nhờ suất dành cho đồng đội, thì những tấm vé của đội tuyển đấu kiếm là thành quả của bốn tay kiếm tài năng và giàu ý chí.

Vũ Thành An (kiếm chém). Vũ Thành An là kiếm thủ đầu tiên của Việt Nam có vé dự Olympic, và cũng là thành viên nam duy nhất trong số bốn VĐV của đội tuyển. Sinh ra tại Hà Nội, môn thể thao đầu tiên mà chàng kiếm thủ điển trai theo đuổi là bóng đá. Nhưng khi nhận ra bản thân không phù hợp với môn này, Thành An xin rút lui khỏi đội tuyển năng khiếu Hà Nội, chuyên tâm cho việc học văn hoá.
Mối duyên giữa anh và đấu kiếm cũng lắm phen lận đận. Sau khi trúng tuyển vào đội kiếm Hà Nội lúc 15 tuổi, Thành An cũng bỏ cuộc vì vỡ mộng giữa thực tế tập luyện thiếu thốn và hình ảnh oai hùng của các đấu sĩ trong phim ảnh. Nhờ sự thuyết phục của HLV Nguyễn Lê Bá Quang, anh mới trở lại đội một cách nghiêm túc hơn.
dau-kiem-viet-nam-du-olympic-2016-ten-tuoi-nho-y-chi-lon
Vũ Thành An (phải) là kiếm thủ nam số một của Việt Nam hiện tại. Ảnh: Lâm Thoả.
Cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của Vũ Thành An là SEA Games 2015, với hai HC vàng cá nhân lẫn đồng đội. Còn tại các giải đấu vòng loại Olympic, Vũ Thành An thắng gọn các đối thủ, đoạt vé đến Brazil. Ngay sau đó, cũng tại Trung Quốc, anh mở ra trang sử mới cho đấu kiếm Việt Nam bằng tấm HC đồng châu lục cá nhân đầu tiên.
Vũ Thành An cũng là người nhận vinh dự cầm quốc kỳ, dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc. Người nhận nhiệm vụ này ở bốn năm trước tại London là Nguyễn Tiến Nhật - cũng là một kiếm thủ.
Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém). Nguyễn Thị Lệ Dung là gương mặt kỳ cựu của đấu kiếm Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu bắt đầu phát triển môn này, cụ thể là từ SEA Games 22 mà Việt Nam là nước chủ nhà, Lệ Dung đã là trụ cột của đội, gánh trọng trách săn vàng cho đấu kiếm Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Và nhờ phong độ vững vàng trong suốt thời gian dài, cô được mệnh danh là "nữ hoàng kiếm chém”. Đã sở hữu đến chín HC vàng SEA Games, nhưng đây mới là lần đầu tiên sau 16 năm cầm kiếm thi đấu, Lệ Dung được dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.
dau-kiem-viet-nam-du-olympic-2016-ten-tuoi-nho-y-chi-lon-1
Lệ Dung là ngôi sao sáng của kiếm Việt Nam ở các kỳ SEA Games hơn 10 năm qua. Ảnh: Hữu Nhơn.
"Là một VĐV, ai cũng mong ước được một lần đặt chân đến Olympic. Bởi vậy tấm vé này thật sự rất ý nghĩa đối với sự nghiệp của tôi, vì tôi dự tính giải nghệ sau Olympic lần này. Dĩ  nhiên khi ra thi đấu ở đó, trình độ của mình sẽ khác biệt so với các đối thủ mạnh, nhưng sứ mệnh của mình khi bước ra đấu trường lớn này là để mọi người biết đến Việt Nam, biết đến những vận động viên cũng không ngừng tiến bộ cùng với bạn bè năm châu", kiếm thủ 31 tuổi chia sẻ với VnExpress.   
Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm chém ba cạnh). Như Hoa là cái tên gây bất ngờ nhất trong số bốn tấm vé của đội tuyển đấu kiếm. Dù là một tay kiếm kỳ cựu, thuộc thế hệ F1 cùng với Lệ Dung hay Hoài Thu..., Như Hoa luôn chịu cảnh về thứ hai, vì ở nội dung của kiếm thủ sinh năm 1985 này, đồng nghiệp Trần Thị Len thi đấu quá xuất sắc. Mãi đến chặng cuối sự nghiệp, Như Hoa mới được thoả nguyện thăng hoa trên sàn đấu nhờ phong độ xuất thần ở vòng loại. Việc cô giành vé đi Olympic là một bất ngờ lớn, ngay cả với ban huấn luyện.
"Đây là thành quả từ sự nỗ lực của bản thân. Tôi đã tự nhủ là phải tập nhiều hơn tất cả các bạn. Các bạn tập một - hai tiếng thì tôi phải tập thêm hai - ba tiếng nữa, vì tôi dành rất nhiều tâm huyết cho tấm vé dự Olympic. Cuối cùng thì tôi cũng có thể nói với mọi người rằng tôi đã đạt được những gì mình đặt ra", kiếm thủ 32 tuổi chia sẻ.
Như Hoa có hoàn cảnh khá đặc biệt. Sau hai lần thực hiện thiên chức làm mẹ, cô vẫn quay trở lại sàn tập, vì đam mê và cũng vì cơm áo gạo tiền để nuôi gia đình nhỏ. Trong chuyến đi đến Brazil lần này, hai thiên thần nhỏ sẽ nguồn động lực vô giá, giúp cô hun đúc tinh thần quyết tâm tại đấu trường Olympic danh giá.
Đỗ Thị Anh (kiếm liễu). Đỗ Thị Anh là thành viên cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam có suất dự Olympic tại Brazil. Nhờ sự cố quốc tịch của một VĐV người New Zealand, Đỗ Thị Anh may mắn được đôn lên thay thế và nhận tấm vé cuối cùng của khu vực châu Á.
dau-kiem-viet-nam-du-olympic-2016-ten-tuoi-nho-y-chi-lon-2
Đỗ Thị Anh có suất vào giờ chót. Ảnh: Ngọc Hà.
Tuy nhiên, bên cạnh vận may, không thể phủ nhận tài năng và tiến bộ của cô gái trẻ mới 20 tuổi này sau một thời gian được chuyên gia người Hàn Quốc dìu dắt. Ban huấn luyện cũng đánh giá Đỗ Thị Anh chính là kỳ vọng lớn cho tương lai của đấu kiếm Việt Nam. Bên cạnh thế mạnh truyền thống về kiếm chém, việc xuất hiện một tài năng mới ở nội dung kiếm liễu sẽ giúp đội tuyển có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh toàn diện ở các đấu trường quốc tế.
"Tôi có đôi chút hồi hộp, nhưng không có nhiều áp lực. Có thể vì mình là VĐV ít người biết đến nên sẽ thoải mái tâm lý hơn, không e ngại gì các đối thủ. Tôi nghĩ là tuổi trẻ và tinh thần vô tư là một lợi thế của mình", Đỗ Thị Anh nói về giải đấu sắp khởi tranh tại Brazil.
- Đấu kiếm Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại Olympic là London 2012.
- Nguyễn Tiến Nhật là VĐV đấu kiếm đầu tiên có vé dự Olympic, và cũng là duy nhất tại kỳ Olympic 2012. Năm nay Tiến Nhật không có thành tích tốt để đến Brazil.
- Việc có đến bốn tấm vé dự Olympic là một tiến bộ đáng kể của đấu kiếm Việt Nam, sau thời gian dài đầu tư nghiêm túc. Thành quả này có dấu ấn không nhỏ của các chuyên gia kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc.
Ngọc Hà

http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/cac-mon-khac/dau-kiem-viet-nam-du-olympic-2016-ten-tuoi-nho-y-chi-lon-3445219.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking

Geen opmerkingen:

Een reactie posten