Chủ nhật, 17/4/2016 | 19:00 GMT+7
Biệt đội X - đơn vị tác chiến thông minh tương lai của Mỹ
Quân đội Mỹ đang xây dựng chương trình Biệt đội X với mục tiêu trang bị những công nghệ chiến trường tân tiến nhất cho các binh sĩ ở tiền tuyến.
Hình minh họa chương trình Biệt đội X cho thấy một binh sĩ đang bắn đạn thông minh và có robot giống hình dáng người ở phía trước. Ảnh: DARPA
|
Chương trình Biệt đội X sẽ cung cấp cho những đơn vị chiến đấu của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ các vũ khí mới được vi tính hóa, thiết bị liên lạc tinh vi, thậm chí còn có cả những trợ thủ robot dễ dàng sử dụng, theo Reuters.
Chương trình này nhằm giúp các binh sĩ thu thập thông tin hiệu quả để xây dựng "nhận thức sâu sắc về mọi thứ đang diễn ra xung quanh họ, phát hiện các mối đe dọa từ xa, đồng thời hỗ trợ giao chiến nhanh và chính xác hơn", thiếu tá lục quân Christopher Orlowski, người quản lý chương trình xây dựng Biệt đội X, thay mặt Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA), cho biết.
Thay đổi phương thức chiến đấu
Biệt đội X hiện vẫn còn là một khái niệm. Việc quyết định cụ thể chương trình này sử dụng những công nghệ nào tùy thuộc vào Orlowski cũng như các quan chức khác của DARPA và ngành công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ rõ ràng đang muốn thay đổi triệt để cách thức các biệt đội di chuyển, liên lạc và chiến đấu, bình luận viên David Axe từ Reuters nhận xét.
Lầu Năm Góc khởi động xây dựng chương trình Biệt đội X từ năm 2013 với mục tiêu giải quyết những vấn đề nghiêm trọng còn tồn tại. Biệt đội là một đơn vị chiến đấu với khoảng 12 binh sĩ, có khả năng tác chiến độc lập. Các binh sĩ chủ yếu hành quân bộ thay vì sử dụng xe cơ giới. Họ thường được trang bị súng trường, lựu đạn, một vài khẩu súng máy cùng bộ đàm. Nếu muốn di chuyển nhanh, bổ sung hỏa lực và tăng cường khả năng kết nối từ xa, các biệt đội kiểu này phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của những đơn vị lớn hơn.
Các biệt đội ngày nay phải chiến đấu dưới nhiều áp lực. Thành viên của biệt đội luôn phải tìm cách vừa bám sát nhau vừa theo dấu kẻ thù. Họ chỉ có thể thấy những gì trong tầm mắt và nã đạn vào các mục tiêu mà họ thấy.
"Các biệt đội rất thiếu nhận thức về tình hình xung quanh, mạng lưới liên lạc thiếu tính chặt chẽ và năng lực chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ phán đoán tình huống chiến thuật cũng không đồng bộ", DARPA giải thích trong thông báo thành lập Biệt đội X năm 2013. Cơ quan này cũng thêm rằng "việc thiếu dữ liệu theo thời gian thực về tình trạng của các thành viên trong đội, môi trường cũng như những mối đe dọa hiện hữu" là lý do khiến các biệt đội dễ bị đánh úp.
Thất bại liên tiếp
Các binh sĩ Mỹ được thử nghiệm với bộ thiết bị trong chương trình Chiến binh Mặt đất vào năm 2000. Ảnh: Army News Service
|
Lầu Năm Góc từ cuối thập niên 90 đã cố gắng giải quyết những vấn đề trên. Khi đó, trọng tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ là xây dựng năng lực liên lạc nhóm giữa binh sĩ trong cùng đơn vị hoặc thuộc các đơn vị riêng biệt với nhau hay thậm chí với máy bay chiến đấu và trụ sở chỉ huy trung tâm ở khoảng cách xa.
Chương trình Chiến binh Mặt đất của lục quân Mỹ, được phát động năm 1993, đã lên kế hoạch để trang bị cho mỗi binh sĩ một bộ công cụ hỗ trợ gồm bộ đàm kỹ thuật cao, máy tính cá nhân cỡ nhỏ cùng kính dạng như màn hình trong suốt hiển thị dữ liệu trên máy bay. Mỗi binh sĩ có thể thấy vị trí của các thành viên khác trong biệt đội và kể cả kẻ thù thông qua những biểu tượng hiển thị trên bản đồ kỹ thuật số của kính điện tử.
Chỉ nhìn lướt qua kính, một binh sĩ sẽ có khả năng nắm bắt được toàn bộ diễn biến chiến trường. Bên cạnh đó, các lực lượng phối hợp dưới mặt đất, trên bầu trời và thậm chí từ không gian sẽ liên tục cập nhật thông tin cho các binh sĩ. Những dữ liệu như vậy có thể truyền đi ở khoảng cách hàng nghìn km.
Đây là tất cả những giả định mà nhà chức trách đặt ra khi bắt tay xây dựng chương trình Chiến binh Mặt đất.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, mọi chuyện diễn ra không như họ kỳ vọng. Lục quân Mỹ đã phải mất đến 15 năm và khoảng 500 triệu USD chỉ để sản xuất ra một số lượng rất nhỏ bộ thiết bị chiến đấu phục vụ cho chương trình Chiến binh Mặt đất. Lục quân đã trang bị chúng cho một đơn vị bộ binh ở bang Washington và điều động họ đến Iraq vào năm 2007 để thử nghiệm.
Thế nhưng, các binh sĩ Mỹ tỏ ra không hào hứng khi phải liên tục mang bộ thiết bị nặng tới 7 kg này, khiến họ bị hạn chế khả năng di chuyển. Hơn nữa, thời điểm đó, bộ xử lý và phần mềm của thiết bị còn chạy rất chậm.
"Nó chỉ biến bạn thành một mục tiêu di chuyển chậm chạp và nặng nề", trung sĩ James Young cho hay.
Lầu Năm Góc năm 2007 hủy bỏ chương trình Chiến binh Mặt đất. Nhưng đến năm 2010, nó hồi sinh với một tên gọi khác là Chiến binh Mạng lưới. Cặp kính và máy tính của binh sĩ được thay thế bằng một chiếc điện thoại thông minh kết nối với bộ đàm.
Song, chương trình Chiến binh Mạng lưới cũng gặp những vấn đề tương tự Chiến binh Mặt đất. Bản đồ trên điện thoại thông minh nhiều lúc hiển thị sai vị trí binh sĩ. Bên cạnh đó, tốc độ xử lý thông tin vẫn còn chậm.
Một binh sĩ Mỹ sau khi dùng qua bộ thiết bị mới này đã thẳng thừng chê rằng nó "chưa sẵn sàng để đưa vào sử dụng".
Đạn thông minh và trợ thủ robot
Một robot chở hàng có 4 chân xuất hiện trong hình minh họa chương trình Biệt đội X. Ảnh: DARPA
|
DARPA đến nay vẫn chưa chọn được các công nghệ cụ thể phục vụ cho chương trình Biệt đội X nhưng những hình minh họa chính thức cùng nội dung thông báo khởi động chương trình này mà DARPA công bố đã phần nào hé lộ các thiết bị mà lục quân Mỹ hướng tới.
Tranh minh họa vẽ một binh sĩ đang bắn đạn thông minh, định hướng chính xác từ một khẩu súng trường tấn công. Giới chuyên gia đánh giá đây là một ý tưởng ấn tượng nhưng có thể phải mất nhiều năm để hiện thực hóa. Quân đội Mỹ gần đây chỉ mới bắt đầu thử nghiệm những viên đạn có khả năng bám theo mục tiêu và đủ nhỏ để bắn ra từ một khẩu súng trường.
Bức hình cũng cho thấy có hàng loạt robot hỗ trợ bên cạnh các binh sĩ, bao gồm xe jeep quân sự tự lái, máy bay trinh sát không người lái ở tầm thấp cùng những robot chở hàng 4 chân và robot hình dáng giống người, dường như đang làm nhiệm vụ trinh sát phía trước các binh sĩ. Những cỗ máy này đều đã xuất hiện trong thực tế dưới dạng mô hình mẫu.
Theo thuyết minh trên hình minh họa, tất cả các binh sĩ, robot và đạn thông minh sẽ liên tục thu thập và chia sẻ thông tin, tạo ra một dạng mạng lưới dữ liệu chiến trường quy mô nhỏ có khả năng thích nghi với các điều kiện tại chỗ, đồng thời không nhất thiết phải phụ thuộc vào vệ tinh hay bất kỳ thiết bị liên lạc tầm xa nào khác như các mạng lưới kết nối quân sự hiện nay.
Mạng thông tin đặc biệt này là giấc mơ bấy lâu của các chuyên gia công nghệ Bộ Quốc phòng. Những gì thể hiện qua hình minh họa khiến người ta cảm thấy chương trình Biệt đội X mang hơi hướng của tiểu thuyết khoa học giả tưởng, nhưng không phải hoàn toàn không liên quan tới thực tế, Axe nhận xét.
Orlowski và DARPA rõ ràng ôm hy vọng Biệt đội X sẽ khắc phục được những vấn đề tồn tại từ cách đây 20 năm mà chương trình Chiến binh Mặt đất và Chiến binh Mạng lưới đã cố tìm cách giải quyết nhưng thất bại. Họ quả quyết rằng bước đi lần này sẽ khác với những nỗ lực trước đó.
Công nghệ tân tiến hơn sẽ "thu nhỏ tối đa kích cỡ, trọng lượng và nguồn điện của hệ thống" để giúp các binh sĩ dễ dàng mang thiết bị theo bên người, DARPA khẳng định. Mặt khác, điện thoại thông minh, camera, bộ đàm hay máy bay không người lái ngày nay nhỏ và nhẹ hơn trước rất nhiều, vậy nên DARPA tự tin có thể giải quyết được vấn đề trọng lượng của trang bị.
Sáng kiến Biệt đội X cũng đang thử tìm cách khắc phục tốc độ xử lý chậm chạp của mạng lưới. Như DARPA giải thích, "các bộ cảm biến hiện đại ngày nay có thể nhanh chóng phủ thông tin, thậm chí cho cả các mạng lưới liên lạc vô tuyến không dây tân tiến".
Công nghệ mà Biệt đội X hướng đến là các thiết bị không dây liên lạc tầm ngắn, băng thông rộng, ít hao điện, có khả năng vô hiệu hóa hoặc kháng cự hiệu quả trước những phương pháp tác chiến điện tử của đối phương.Theo DARPA, chương trình Biệt đội X nhắm tới mục tiêu "tăng cường nhận thức theo thời gian thực cho các thành viên biệt đội về vị trí của họ cũng như các đồng đội bằng việc kết hợp hoạt động giữa những hệ thống đặt ở mặt đất và trên bầu trời thông qua máy bay không người lái".
Không khó để hình dung cách thức hoạt động của chương trình này, Axe cho hay. Nếu một binh sĩ đang liên lạc thông qua tín hiệu vô tuyến mạnh trong phạm vi hẹp với ít nhất hai binh sĩ hay hai robot khác, thậm chí là với các máy bay không người lái nhỏ, binh sĩ này có thể nhận biết khoảng cách giữa vị trí của anh ta với đồng đội hay robot bằng cách sử dụng một phương pháp toán học có tên gọi là phép đạc tam giác.
Sự kết hợp chặt chẽ với máy bay không người lái là một trong những đặc điểm mới quan trọng nhất của chương trình Biệt đội X và cũng có thể là vấn đề khó khăn nhất.
DARPA cuối tháng này dự kiến tổ chức một cuộc họp ở bang Virginia nhằm huy động sự hỗ trợ của các tập đoàn ở khu vực tư nhân trong ngành công nghiệp quốc phòng để phát triển những bộ thiết bị tác chiến công nghệ cao cho Biệt đội X.
Hồng Vân
- Khả năng tác chiến của tàu khu trục Mỹ bị Su-24 Nga áp sát (15/4)
- Tàu chiến đấu ven biển Mỹ thêm nanh vuốt với tên lửa diệt hạm mới (14/4)
- M65 - khẩu pháo có thể san phẳng cả thành phố bằng một phát đạn (13/4)
- Tên lửa RAM Block 2 - lá chắn thép bảo vệ chiến hạm Mỹ (12/4)
- Cuộc so kè giữa F-22 và Su-35S (12/4)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/biet-doi-x-don-vi-tac-chien-thong-minh-tuong-lai-cua-my-3387727.html?utm_source=detail&utm_medium=box_tinkhac&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten