maandag 18 april 2016

Chiến đấu cơ tương lai trang bị súng laser của Mỹ

Thứ sáu, 26/2/2016 | 09:07 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 26/2/2016 | 09:07 GMT+7

Chiến đấu cơ tương lai trang bị súng laser của Mỹ

Mỹ sẽ phát triển vũ khí laser năng lượng cao, hệ thống tự điều khiển và ra quyết định trên chiến đấu cơ, máy bay không người lái.
chien-dau-co-tuong-lai-trang-bi-sung-laser-cua-my
Không quân Mỹ dự kiến triển khai vũ khí laser năng lượng cao trên máy bay chiến đấu vào năm 2021. Ảnh minh họa: US Air Force
Không quân Mỹ thậm chí sẽ đưa vào sử dụng cả chiến đấu cơ không người lái có thể tự tính toán và ra quyết định. Đây chỉ là một vài đột phá công nghệ mà Washington kỳ vọng có thể góp phần thay đổi cục diện chiến trường trên không trong tương lai, theo Military Times.
Không quân Mỹ đang yêu cầu khoản ngân sách tới 2,5 tỷ USD cho khoa học công nghệ trong bản đệ trình ngân sách năm tài khóa 2017. Đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh so với năm 2016, khi các khoản cắt giảm ngân sách đã buộc không quân Mỹ phải hạn chế đầu tư vào công nghệ. Hệ quả là hàng loạt dự án quan trọng nhằm nâng cấp năng lực của chiến đấu cơ bị trì hoãn, ví dụ như máy bay ném bom B-2 hay trinh sát cơ không người lái Global Hawk, giới quan sát đánh giá.
Theo nhà khoa học Greg Zacharias thuộc không quân Mỹ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang ráo riết chạy đua để bắt kịp những thành tựu công nghệ quân sự của nước này, Washington không thể khoanh tay đứng nhìn.
"Điều chúng ta cần là một bước nhảy vọt để phát triển công nghệ mạnh mẽ hơn thay vì ngồi yên trên chiếc ghế thành công và không làm gì cả", Zacharias nói.
Vũ khí laser năng lượng cao
Theo Military Times, chỉ trong khoảng 5 năm nữa, các chiến đấu cơ của không quân Mỹ sẽ có khả năng bắn tia laser năng lượng cao, lấy cảm hứng từ công nghệ vũ khí laser trong bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Star Wars.
Không quân Mỹ hiện chưa chọn được loại chiến đấu cơ để trang bị vũ khí laser mặc dù nhóm kỹ sư của họ đang nhắm đến máy bay tiêm kích F-15. Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) cũng cân nhắc trang bị vũ khí laser cho tiêm kích đa nhiệm F-16, chiến đấu cơ tàng hình F-22 hay thậm chí cả tiêm kích đa nhiệm F-35.
Chương trình Shield của AFRL do Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân bảo trợ nhằm triển khai vũ khí laser năng lượng cao trên máy bay chiến thuật vào năm 2021, Richard Bagnell, giám đốc chương trình Shield, cho hay.
Theo Bagnell, đội ngũ kỹ sư của Shield đã bắt tay vào triển khai dự án từ tháng hai năm ngoái nhằm tận dụng tối đa những bước phát triển mới nhất của công nghệ laser thể rắn. Họ muốn gộp nhiều tia laser nhỏ thành một tia năng lượng cao hơn với công suất 10 kilowatt.
"Ý tưởng của việc này là tận dụng năng lượng trong các tia laser bắn đi với tốc độ ánh sáng để bảo vệ máy bay khi hoạt động tại môi trường có nhiều mối đe dọa", Bagnell nói. Ông cho rằng nếu các nhà thầu quốc phòng có thể đưa công nghệ trên vào một thiết bị đủ nhỏ để gắn vào chiến đấu cơ thì không quân Mỹ sẽ giành được ưu thế lớn trước các đối thủ, xét về tính hiệu quả và tốc độ giao chiến.
Việc xây dựng chương trình Shield sẽ được triển khai theo các giai đoạn khác nhau với sự tham gia của nhiều đơn vị. Một nhà thầu đảm nhận công đoạn phát triển tia laser, trong khi một nhà thầu khác sẽ chịu trách nhiệm chế tạo hệ thống vũ khí laser tổng thể bằng cách kết hợp các nguồn năng lượng, hệ thống làm mát, máy tính... thành một cấu hình gắn được trên phi cơ nhằm phục vụ việc kiểm soát hệ thống cũng như quản lý chiến đấu. Nhà thầu thứ ba phát triển hệ thống kiểm soát tia laser, giúp người điều khiển ngắm chính xác mục tiêu. Cuối cùng, nhà thầu thứ 4 nhận trọng trách hợp nhất tất cả các hệ thống kể trên.
Không quân Mỹ dự kiến chỉ định nhà thầu phát triển hệ thống kiểm soát tia laser vào tháng ba tới và công bố nhà thấu hợp nhất các hệ thống vào tháng 9. Hợp đồng phát triển tia laser sẽ được hoãn lại sang năm sau để các nhà thầu có đủ thời gian nghiên cứu.
Tuy nhiên, trước khi dự án vũ khí laser năng lượng cao trang bị cho chiến đấu cơ trở thành hiện thực, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của chương trình Shield vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua.
Không quân Mỹ đã đạt được một số bước tiến trong việc phát triển vũ khí laser gắn trên máy bay cường kích hạng nặng AC-130. Nhưng để lắp đặt vũ khí laser trên một chiến đấu cơ nhỏ và có tốc độ cao lại là một câu chuyện khác, Bagnell nhấn mạnh.
Đầu tiên, khi di chuyển ở vận tốc lớn, máy bay rung mạnh hơn nên ảnh hưởng tới khả năng ngắm chính xác của vũ khí laser. Thách thức thứ hai nằm ở việc thu nhỏ hệ thống vũ khí laser sao cho vừa đủ để gắn trên phi cơ nhưng vẫn không ảnh hưởng tới nguồn năng lượng cũng như uy lực của nó.
Công nghệ tự điều khiển
AFRL đang phát triển cả công nghệ tự điều khiển cho các chiến đấu cơ. Theo chuyên gia Kristen Kearns từ AFRL, cơ quan này có kế hoạch xây dựng một hệ thống thông minh với khả năng tập hợp thông tin tình báo, do thám và trinh sát từ những phương tiện khác sau đó nhanh chóng phân loại các dữ liệu liên quan.
Phi công điều khiển từ xa máy bay không người lái Mỹ hiện nay phải quan sát màn hình video hàng giờ liền để chắt lọc những sự kiện cần quan tâm và báo cáo các dấu hiệu khả nghi cho lãnh đạo thông qua hệ thống chỉ huy. Một hệ thống tự điều khiển sẽ tối ưu hóa công đoạn này, cho phép phi công tập trung vào những nhiệm vụ khác.
"Thay vì bắt phi công phải ngồi theo dõi dữ liệu hàng giờ liền, một hệ thống tự động sẽ kiểm tra kỹ lưỡng dữ liệu và giúp lọc ra những gì quan trọng nhất", Kearns cho biết. "Nó không chỉ góp phần giảm tải công việc mà còn giúp phi công chú tâm hơn vào các nhiệm vụ mà họ cần thực hiện".
Kearns lưu ý công trình nghiên cứu hệ thống tự điều khiển của AFRL không nhằm mục đích thay thế phi công đưa ra quyết định. Nó chỉ đóng vai trò như một người đồng đội thông minh, hỗ trợ phi công hoàn thành nhiệm vụ. Kỹ sư của AFRL còn đang phát triển mẫu máy bay không người lái có thể phối hợp hành động với chiến đấu cơ có người lái.
Theo AFRL, việc phối hợp này là hoàn toàn khả thi trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Tại một buổi tập luyện gần đây, nhóm kỹ sư AFRL đã triển khai đội hình bay gồm một tiêm kích F-16 và một chiếc F-16 khác có phi công ngồi trong buồng lái nhưng không chạm vào cần điều khiển. Chiếc F-16 này tự động bay theo các thuật toán lập trình sẵn, phi công chỉ can thiệp giành quyền kiểm soát trong trường hợp xảy ra vấn đề.
Kearns cho hay AFRL còn muốn đi xa hơn nữa với tham vọng phát triển máy bay chiến đấu không người lái thông minh tự điều khiển. Phương tiện này có thể tự điều hướng, thay đổi chế độ bay thích nghi với điều kiện thời tiết bất thường mà không cần đến thao tác của người vận hành dưới mặt đất.
Hồng Vân
50
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten