vrijdag 29 april 2016

Việt Nam cần tuyên bố 'thảm họa môi trường'? + Kêu gọi ‘xuống đường vì môi trường’

VN cần tuyên bố 'thảm họa môi trường'?

  • 28 tháng 4 2016

Image copyright AFP
Image caption Giới chức Việt Nam cho hay họ đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt.

Sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh duyên hải miền trung Việt Nam đã nâng dần lên và trở thành 'thảm họa môi trường', theo các chuyên gia, khách mời của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Bình luận về tính chất, quy mô của biến cố gây cá chết hàng loạt đang ở tâm điểm quan tâm của dư luận Việt Nam, hôm 28/4/2016, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường từ TP. Hồ Chí Minh nói:

"Cá chết ở miền Trung, đây là một thảm họa môi trường, theo tôi bắt đầu là sự cố thôi, nhưng dần dần nó nâng thành thảm họa, vì rằng cái diện của nó khá rộng lớn, rồi lại là một tác động rất mạnh mẽ, nó diệt nhiều loài cá quý hiếm ở tầng sâu.
"Và sau này có thể có những loài cá mà vì chất độc đó kéo dài nhiều năm sau, thì có thể bị tuyệt chủng... và đa dạng sinh học ở biển sẽ bị tác động mạnh mẽ.
"Chúng tôi xem là một sự cố môi trường, nhưng mà nó đã trở thành một thảm họa môi trường, việc ứng phó với sự cố và là thảm họa môi trường chúng ta đã làm vừa rồi là chưa ổn," nhà khoa học từ Viện Khoa học, Công nghệ và Xử lý môi trường, thuộc Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói với Bàn tròn thứ Năm.

Cần công bố 'thảm họa'


PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Image caption PGS. TS. Phạm Quý Thọ đề nghị Việt Nam tuyên bố đây là 'thảm họa môi trường' để có các ứng phó, xử lý tương ứng với mức độ mới.
Khi được hỏi, nếu biến cố đã được nhìn nhận và nâng cấp thành 'Thảm họa môi trường' thì Việt Nam cần phải có hướng xử lý thảm họa này như thế nào, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ đáp:
"Có mấy hướng trước mắt, thì phải công bố tình trạng như Giáo sư (Lê Huy) Bá nói vừa rồi, nghĩa là nó nguy hiểm, chứ không phải chỉ là cá chết, rõ ràng nó ảnh hưởng trước mắt và lâu dài, cũng như không chỉ thủy sản mà cả các lĩnh vực khác, với đời sống của người dân cũng như du lịch, cũng như một số các (lĩnh vực) khác. Nói chung cần phải nói rõ mức độ ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của nó và tôi đồng ý với Giáo sư Bá.

"Điểm thứ hai, đây cũng là một bài học rất đắt giá, bởi vì mặc dù về mặt chính sách cũng có nói rằng là phát triển bền vững, trong đó có môi trường sống, môi trường bền vững, thì cũng được chú ý về mặt chính sách. Thí dụ như là Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập cảnh sát môi trường, nhưng mà trước một sự cố như thế này, tôi thấy phản ứng rất là chậm chạp.
"Thì từ đây, có mấy điểm nhấn cần lưu ý, một là trước một sự cố nào đó, cần phải có một sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa các nhà khoa học, cũng như các nhà quản lý nhà nước. Thậm chí cần phải có liên hệ với những tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề môi trường mà vượt, ngoài khả năng khoa học của Việt Nam như thời gian vừa rồi...
"Về mặt trung hạn, cũng phải lưu ý rằng các nhà khoa học, cũng như các tổ chức, cần phải có một tổ chức đủ năng lực để đối phó với thảm họa như là Giáo sư Bá nói vừa rồi, nếu không có một tổ chức chuyên nghiệp như vậy thì vẫn là những cái 'chạy đi, chạy lại', rồi báo cáo, rồi xin ý kiến cấp trên mà thôi."

'Sụp đổ hệ sinh thái'


Image caption Nhà báo Navin Singh Khadka của BBC World Service (trái) cho rằng đây có thể là một sự sụp đổ hệ sinh thái.
Nhà báo Navin Singh Khadka, phóng viên chuyên vê môi trường, sinh thái thuộc BBC World Service, người từng tới Việt Nam làm phóng sự về môi trường, nêu quan điểm và đánh giá về sự cố mà ông coi là một sự 'sụp đổ hệ sinh thái', ông nói với BBC Việt ngữ sau tọa đàm:
"Đây có thể là một sự sụp đổ về hệ sinh thái (an eco-system collapse) và không chỉ liên quan riêng về cá, tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam và các nhà chức trách cần phải tư duy rằng đây không phải là một vấn đề riêng biệt của Việt Nam, mà nó là một vấn đề của hệ sinh thái khu vực.

"Tầm mức nghiêm trọng của nó buộc tôi phải nhận định rằng đây có thể là một sự sụp đổ hệ sinh thái ở mức độ nghiêm trọng.
"Nhà nước Việt Nam do đó cần mở cửa cho điều tra, đánh giá tác động môi trường, sinh thái độc lập, việc phản ứng ngay và sớm hơn tôi nghĩ là cần thiết và được kỳ vọng, mặc dù việc tìm hiểu nguyên nhân, xử lý là phức tạp và cần thời gian.
"Nhưng những cảnh báo, hướng dẫn, công bố thông tim càng sớm càng tốt càng có lợi cho người dân, những người đã đang và có thể bị ảnh hưởng, cũng như để chia sẻ với quốc tế.
"Tôi nghĩ là việc thông tin này cần phải được làm nhanh hơn, sớm hơn, cứ không nhất thiết phải đợi tới khi tìm ra tác nhân, người, nguồn gây ra sự cố.
"Một ví dụ, tôi muốn nhấn mạnh là trong một sự cố về môi trường biển gần đây ở khu vực eo biển tiếp giáp giữa Singapore và Malaysia, chính phủ Singapore đã ngay lập tức thông báo ngay cho khu vực và quốc tế, ngư dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã di chuyển, điều chỉnh nơi nuôi trồng thủy hải sản của họ một cách an toàn và hiệu quả hơn," nhà báo Navin Singh Khadka nói với BBC.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160428_hangout_mass_fish_deaths

Vì sao cá chết hàng loạt ở miền Trung? Người trong cuộc nói gì? 

https://www.youtube.com/user/RFAVietnamese

Kêu gọi ‘xuống đường vì môi trường’

  • 28 tháng 4 2016

Image copyright AFP
Mạng xã hội lan truyền kêu gọi ‘xuống đường vì môi trường’ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm 1/5 sau vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.Một nhà hoạt động cho BBC biết hôm 27/4 là sự kiện này do “anh em chung cùng lên tiếng, chứ không đứng tên hội nhóm hay cá nhân nào”.
Thư ngỏ kêu gọi “mọi người tập hợp vào 9:00 sáng ngày 1/5 tại Nhà hát lớn (1 Tràng Tiền, Hà Nội) và Công viên 30/4 (Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh)”.
Ngoài ra, “mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản Facebook”.
Sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt và đối phó của Việt Nam cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm Bàn tròn Thứ Năm tuần này, mời quý vị đón theo dõi tại đây.

Image caption Một cuộc xuống đường phản đối việc chặt cây tại Hà Nội
“Chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến như thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… Và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình”, thư ngỏ viết.
Các khẩu hiệu được gợi ý trong sự kiện này là: “Hãy lên tiếng để bảo vệ môi trường sống”, “Hãy cứu lấy môi trường sống”...

‘Môi trường và thể chế’

Hôm 27/4, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc tổ chức Hành động vì Tương lai (Action4Future) nói: “Tôi nghĩ sự kiện này là cần thiết để có thêm nhiều người dân bày tỏ sự quan tâm đến môi trường. Bây giờ là lúc người ta nhận ra vấn đề môi trường có liên quan tương đối đến chính trị và thể chế”.
“Đơn cử như trong vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung được cho là có liên quan đến công ty Formosa, người ta phải đặt vấn đề về việc cấp phép cũng như công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng. Khi vụ cá chết xảy ra, điều khiến dư luận chưa an tâm là phản ứng của chính phủ quá chậm”, ông Minh cho hay.
Nhà hoạt động xã hội cũng cho rằng việc chính quyền có làm khó những người tham gia sự kiện hôm 1/5 hay không còn tùy vào những biểu ngữ mà họ đưa ra.

Image copyright facebook
Image caption Nhiều bạn trẻ tham gia các sự kiện tuần hành tại Hà Nội như một cách lên tiếng trước những vấn đề xã hội
“Những biểu ngữ khó khả thi như đòi ‘đa đảng’ hoặc ‘từ chức’ sẽ khó nhận được sự đồng thuận của chính quyền trong một sự kiện môi trường. Thay vào đó nên là những biểu ngữ yêu cầu đòi thanh tra, trợ giúp những ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng”, ông Minh nói thêm.
Từ góc độ khác, hôm 27/4, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói với BBC rằng bà sẽ không tham dự cuộc xuống đường hôm 1/5 vì ‘đi Nam Phi dự hội thảo từ ngày 1/5’.
“Điều quan trọng bây giờ là tìm ra bằng chứng để biết ai hoặc tổ chức nào chịu trách nhiệm gây cá chết, và cơ quan chức năng quản trị khủng hoảng. Còn bây giờ mọi người rủ nhau đi tuần hành là để phản đối ai. Trong vấn đề này, theo tôi, chính phủ chưa hẳn là người có lỗi”.
Trước đó, bà viết trên mạng xã hội: “Đám đông sáng suốt vì không chỉ Formosa, mọi nhà máy đều xả thải ra biển. Formosa là của Đài Loan, cứ cho là có sử dung lao động Trung Quốc thì cũng không có bằng chứng là họ chủ tâm phá hoại Việt Nam vì Đài Loan và Trung Quốc được cho là không ưa nhau. Nên nhớ số lao động Việt Nam ở Trung Quốc, Đài Loan nhiều hơn lao động nước ngoài ở Vũng Áng nhiều, đừng gây hấn vì kẻ yếu hơn chắc chắn thiệt hơn”.
“Vụ bạo loạn 2014 đã làm Việt Nam thua thiệt quá nhiều, mọi người rút kinh nghiệm đi”.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten