maandag 25 april 2016

Biển Đông: Bắc Kinh khoe đồng thuận với Lào, Cam Bốt và Brunei

Biển Đông: Bắc Kinh khoe đồng thuận với Lào, Cam Bốt và Brunei

mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và Thủ tướng Hun Sen (P). Ảnh chụp tại phủ thủ tướng ở Phnom Penh ngày 22/04/2016.Reuters
Trung Quốc ngày 24/04/2016 đã phô trương kết quả mà ngoại trưởng Trung Quốc vừa đạt được nhân chuyến ghé thăm ba nước Đông Nam Á : Lào, Cam Bốt và Brunei. Theo Bắc Kinh, cả ba nước vừa kể đều đã đồng ý với Trung Quốc rằng Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, cho nên không được để cho hồ sơ này ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN-Bắc Kinh.
Trong một bản thông báo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trích lời ngoại trưởng Vương Nghị, phát biểu với nhà báo vào hôm qua tại Vientiane, theo đó thì Trung Quốc đã đạt được một « đồng thuận quan trọng » với Lào, Cam Bốt và Brunei.
Đó là việc các nước trên đều cho rằng Biển Đông không phải là một vấn đề tranh chấp giữa Hiệp Hội Đông Nam Á với Trung Quốc, và không nên để cho hồ sơ đó tác động đến quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV còn cho biết thêm là ngoại trưởng Trung Quốc còn nhắc đến một số đồng thuận khác chẳng hạn như việc các bên đồng ý là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đối thoại song phương giữa các nước liên quan trực tiếp, cũng như việc các nước bên ngoài khu vực « nên đóng một vai trò xây dựng thay vì ngược lại ».
Tất cả những điểm được nêu lên bên trên đều thể hiện lập trường của Trung Quốc, đặc biệt là quan điểm luôn luôn được Bắc Kinh nêu bật là chống lại việc đưa hồ sơ Biển Đông ra trước các diễn đàn đa phương, kể cả ra trước ASEAN, như yêu cầu của các nước có tranh chấp với Trung Quốc, nhất là Philippines và Việt Nam.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, việc Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc không đáng ngạc nhiên, vì cho đến nay, Phnom Penh đã nổi tiếng là luôn đi theo Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, thậm chí sẵn sàng phá hỏng Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN vào năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ tịch khối Đông Nam Á, để khỏi làm phiền lòng Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160424-bien-dong-bac-kinh-khoe-dong-thuan-voi-lao-cam-bot-va-brunei

Biển Đông : Vương Nghị ca ngợi Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc

mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) được thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tiếp tại Phnom Penh ngày 22/04/2016.REUTERS/Samrang Pring
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hôm nay 22/04/2016 khi kết thúc chuyến viếng thăm Cam Bốt, đã ca ngợi quốc gia đồng minh thân cận nhất Đông Nam Á vì sự ủng hộ của Phnom Penh đối với lập trường của Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.
Trung Quốc bất đồng với nhiều nước cùng là thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Cam Bốt. Các nước này lên án Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ một cách bất hợp pháp tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Cam Bốt Prak Sokhon trong cuộc họp báo chung ở Phnom Penh tuyên bố, Cam Bốt ủng hộ lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc tìm kiếm một giải pháp trong đó không có nước ngoài can thiệp. Tuy không nói cụ thể, nhưng tuyên bố này ám chỉ việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho một số quốc gia đang phải đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vương Nghị nói rằng, việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhỏ trong vùng biển tranh chấp không ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, và cũng không gây trở ngại cho tàu bè đi qua khu vực.
Cam Bốt lâu nay nhận được nguồn viện trợ và đầu tư hào phóng từ Trung Quốc. Vương Nghị tái khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ Phnom Penh trong giáo dục, du lịch, y tế và gỡ mìn. Hãng tin AP cho biết, ngoại trưởng Trung Quốc cũng gặp gỡ quốc vương Nordom Sihamoni và thủ tướng Hun Sen trong chuyến công du hai ngày này.
AP nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc lên Cam Bốt rất lớn, dù Bắc Kinh từng hỗ trợ mạnh mẽ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã làm cho 1,7 triệu người chết trong thập niên 70.
Việt Nam phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống Đá Chữ Thập
Hôm qua 21/04/2016 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho máy bay quân sự đáp xuống phi đạo mới xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 18/4, lấy cớ là đưa người bệnh đi chữa trị.
Ông Lê Hải Bình tuyên bố : « Hoạt động nói trên của Trung Quốc là một diễn biến mới, làm phức tạp tình hình tại Biển Đông. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này dù với bất kỳ lý do gì mà không được phép của Việt Nam đều là phi pháp ». Ông cũng cho biết thêm, ngày 20/4 đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160422-bien-dong-vuong-nghi-ca-ngoi-cam-bot-vi-da-ung-ho-trung-quoc

Biển Đông : Hun Sen nhắc lại lập trường của Cam Bốt

mediaThủ tướng Cam Bốt Hun Sen ngày 03/07/2015 tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo.Reuters
Vài ngày trước thượng đỉnh Mỹ- ASEAN tổ chức tại Hoa Kỳ, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, ngày 05/02/2016, thủ tướng Cam Bốt một lần nữa nhắc lại lập trường của Phnom Penh : Không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc cần giải quyết bất đồng qua đối thoại song phương.
Thủ tướng Hun Sen thông báo ông sẽ đến dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN  hai ngày 15 và 16/02/2016 tại Sunnylands, bang California. Trong tuyên bố đưa ra hôm nay, thủ tướng Cam Bốt nhắc lại : tuần trước, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ông đã lên tiếng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và cho rằng : « Chúng ta không nên đổ thêm dầu vào lửa mà hãy tìm cách khuyến khích các quốc gia liên quan tiếp tục đàm phán. Bởi vì Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ ».
Riêng trong trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, thủ tướng Cam Bốt quan nhiệm đối thoại song phương là giải pháp tốt nhất : « Việt Nam và Trung Quốc phải tự giải quyết vấn đề này với nhau, tương tự như trường hợp giữa Bắc Kinh với Manila ».
Ngoài ra, ông Hun Sen còn nêu thí dụ cụ thể giải quyết tranh chấp về đường biên giới giữa Cam Bốt và các nước láng giềng, cụ thể là với Việt Nam, Lào và Thái Lan. Trong tất cả mọi trường hợp, Phnom Penh đều đã chọn giải pháp đối thoại trực tiếp song phương.
Thủ tướng Hun Sen đã hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc cho rằng Cam Bốt đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, khi lưu ý nền ngoại giao của Xứ Chùa Tháp là « hoàn toàn độc lập ».
Thủ tướng Cam Bốt lên tiếng về Biển Đông vào lúc ngoại trưởng Hor Nahong ngày 04/02/2016 công du Bắc Kinh. Sau buổi làm việc với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc đặc trách về đối ngoại, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), Phnom Penh và Bắc Kinh nhất trí "giải quyết tốt vấn đề Biển Đông". Ông Lưu Chấn Dân trong buổi họp báo khẳng định : vấn đề này cần được giải quyết thông qua phương pháp tiếp cận hai chiều – dual track.
Cam Bốt không nằm trong số các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 năm 2012 tổ chức tại Phnom Penh, dưới áp lực của nước chủ nhà, các bên đã không ra được tuyên bố chung. Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Cam Bốt.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160205-hun-sen-nhac-lai-lap-truong-cua-cam-bot-ve-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten