donderdag 28 april 2016

Mỹ áp lực Việt Nam phóng thích tù chính trị

Mỹ áp lực Việt Nam phóng thích tù chính trị
Wednesday, April 27, 2016 4:15:00 PM

Bài liên quan



WASHINGTON (NV) - Mỹ áp lực nhà cầm quyền CSVN thả tù chính trị trước khi Tổng Thống Barack Obama đến thăm Việt Nam dự trù cuối tháng 5 sắp tới.
Cộng đồng người Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc ngày 7 tháng 7, 2015 tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến đây. (Hình:Getty Images)
Hôm 25 tháng 4, một cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai chính phủ tại Washington DC và đây là cái gai trong mối quan hệ giữa hai nước đã kéo dài từ suốt nhiều năm qua mà một nhà ngoại giao Mỹ từng than rằng đối thoại nhân quyền với chế độ Hà Nội giống như “đối thoại giữa hai người điếc.”
Hồi năm ngoái, sau khi đến Hà Nội đối thoại về nhân quyền, phụ tá ngoại trưởng Tom Malinowski, từng cho rằng ông thấy có sự giảm thiểu đáng kể về các vụ bắt bớ và kết án các người đòi hỏi nhân quyền một cách ôn hòa.
Nhưng hôm qua ông nói với hãng thông tấn AP rằng hiện đang có sự gia tăng các vụ bắt bớ những người vận động dân quyền và các bloggers trong năm nay. Vì vậy mà ông nêu vấn đề này với phái đoàn CSVN trong cuộc đối thoại mà ông gọi là “thẳng thắn, cởi mở.”
Ông cho hay phía Hoa Kỳ “bầy tỏ hy vọng rằng điều đó được tiếp nhận và có thể một số trường hợp tồn tại lâu nay sẽ được giải quyết.”
Nhà cầm quyền CSVN chỉ đưa Vũ Anh Quang, vụ trưởng vụ các tố chức quốc tế của Bộ Ngoại Giao đi “đối thoại” nhân quyền cho người ta thấy sự đánh giá của Hà Nội về sự nghiêm chỉnh của vấn đề thế nào.
Tổng Thống Barack Obama, dự trù đến Hà Nội vào nửa sau của tháng 5, 2016, là vị tổng thống Mỹ thứ tư đến Việt Nam sau khi thiết lập bang giao với một nước Việt Nam thống nhất trong chế độ Cộng Sản. Mối quan hệ song phương càng ngày có vẻ sâu rộng hơn về mọi mặt, nhất là trước chính sách bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Xem thêm video: Mỹ thúc Việt Nam thả tù nhân chính trị
Mỹ muốn các nước ASEAN cùng một lập trường với mình trong vấn đề Biển Đông, đối phó với Trung Quốc. Việt Nam muốn thi hành Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cần sự hậu thuẫn của Mỹ.
Hiệp Định TPP đòi hỏi chế độ Hà Nội cho phép tự do nghiệp đoàn thay vì như hiện nay chỉ có hệ thống công đoàn do đảng CSVN nắm đầu, thi hành các mệnh lệnh chính trị của đảng, không phục vụ quyền lợi chính đáng của công nhân. Tuy nhiên, liệu Hà Nội có để cho giới công nhân tự do thành lập nghiệp đoàn hay không, vẫn là một câu hỏi rất lớn.
Một số người vận động giúp giới công nhân đấu tranh đòi quyền lợi đang bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù như Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng với các bản án rất nặng.
Theo một bản phúc trình gần đây, tính đến cuối năm 2015, nhà cầm quyền Việt Nam còn giam giữ 95 tù chính trị. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) hồi Tháng Ba cáo buộc rằng nội trong tháng này, Hà Nội đã kết án tù 7 người là các bloggers và vận động nhân quyền, trong đó có nhà báo độc lập Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, vu cho họ tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”
Gần hai tuần trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình nhân quyền thế giới hàng năm vẫn cáo buộc CSVN đàn áp nhân quyền nghiêm trọng khi đưa ra rất nhiều các trường hợp cụ thể điển hình mà Hà Nội bảo là “không khách quan.”
Giữa tháng 12 năm ngoái, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài chỉ 10 ngày sau khi ông đến Nghệ An hội thảo về hiến pháp, luật pháp Việt Nam và vấn đề nhân quyền. Ông bị vu cho tội “Tuyên tuyền chống nhà nước...” một tội danh ông từng bị ngồi tù 5 năm trước đây.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền vừa diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn, ông Malinowski cho hay Hoa Kỳ cũng theo dõi sát tiến bộ về vấn đề cải thiện luật pháp tại Việt Nam. Theo ông, các dự luật về biểu tình, luật tôn giáo tín ngưỡng có thể sẽ được quốc hội của chế độ đem ra biểu quyết trong năm nay, có thể có tác động mạnh đến sự tôn trọng nhân quyền.
Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đều lên tiếng đả kích kịch liệt các dự luật đó vì tất cả vẫn cột chặt trong quy chế “xin cho” và không tôn trọng cái “quyền” của người dân. Họ còn cho rằng cái luật sắp thông qua còn tệ hại hơn những cái đang có.
Tuần trước, 13 dân biểu thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ký tên chung trong một bức thư gửi Tổng Thống Obama hối thúc ông khi đến Việt Nam phải lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng của họ. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=227032&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten