Tân chính phủ: Bế tắc với những vấn nạn cũ
Tiếp nhận di sản đầy khó khăn
Dàn lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước cũng như tân chính phủ của Việt Nam tiếp nhận di sản đầy khó khăn từ các nhiệm kỳ trước để lại.Ngày 11/4 Ngân hàng Thế giới cảnh báo rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế trong nền kinh tế Việt Nam, World Bank đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng 2016 của Việt Nam xuống mức 6,2% từ mức 6,5% đưa ra trước đó.
Theo SaigonTimes Online, Ngân hàng Thế giới ghi nhận thâm hụt tài khóa so với GDP của Việt Nam diễn ra ở mức cao trong thời gian dài. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp và đang có xu thế giảm, hiện đang là lý do gây quan ngại.
Bản cập nhật đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp và công bố chính phủ mới.
Năm nay là một năm rất khó khăn của kinh tế Việt Nam thì có thay đổi chính phủ hay không, cũng khó thay đổi được tình trạng đó. Bởi vì sự khó khăn là thực tế của Việt Nam hiện nay, một mặt là nền kinh tế trong năm vừa qua có đạt tốc độ tăng trưởng nhất định nhưng còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được.Trả lời chúng tôi vào tối 14/4/2016, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
-Phạm Chi Lan
“Năm nay là một năm rất khó khăn của kinh tế Việt Nam thì có thay đổi chính phủ hay không, cũng khó thay đổi được tình trạng đó. Bởi vì sự khó khăn là thực tế của Việt Nam hiện nay, một mặt là nền kinh tế trong năm vừa qua có đạt tốc độ tăng trưởng nhất định nhưng còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Những vấn nạn lớn như nợ công tăng cao, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được cải thiện, doanh nghiệp nhà nước vẫn quá nhiều và kém hiệu quả, khu vực tư nhân trong nước thì rất nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, con số này tiếp tục tăng lên. Nhiều doanh nghiệp lớn hơn, tình trạng hoạt động khá hơn thì lại đi bán cho các công ty khác qua thương vụ mua lại sáp nhập. Như vậy nó chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề lắm, đặc biệt nội tại của nền kinh tế nếu loại trừ khu vực đầu tư nước ngoài ra, thì rõ ràng cỗ máy kinh tế Việt Nam còn rất nhiều vấn đề bất ổn…”
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, không chỉ Ngân hàng Thế giới nhận định nhự vậy, mà chính các chuyên gia trong nước, nhiều tổ chức nghiên cứu của Việt Nam cũng nhận thấy kinh tế của năm 2016 sẽ là một năm khó khăn. Vị chuyên gia từng tham gia biên soạn Báo cáo Việt Nam 2035 đề cập tới bối cảnh Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức hội nhập lớn hơn. Trong năm nay Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, hàng hóa cạnh tranh của các nước ASEAN ở Việt Nam sẽ tăng lên rất mạnh.
Vẫn theo bà Phạm Chi Lan, thực tế mấy năm vừa qua đã thấy hiện tượng gọi là những cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… họ tràn vào Việt Nam để chiếm lấy cơ hội thị trường trong nước của Việt Nam, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém, mà chính sách của nhà nước thì vẫn thiên về hướng hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài so với khu vực tư nhân trong nước. Trong tình hình như thế, bà Phạm Chi Lan nói, rõ ràng thách thức của Việt Nam là rất lớn.
Trò chuyện với chúng tôi, cùng ngày 14/4/2016, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, một Việt kiều hiện sống và làm việc ở Hà Nội cũng nhìn nhận ban lãnh đạo mới của Đảng và Chính phủ Việt Nam thừa nhận một di sản đầy khó khăn của các nhiệm kỳ trước để lại. Ông nói:
“Dự báo của Ngân hàng Thế giới dựa trên quá trình từ trước ngày chính phủ mới nhậm chức. Thế thì đối với một chính phủ mới nhậm chức nhận được những thông tin như vậy thì cũng phải vươn lên thôi… những điều gì Ngân hàng Thế giới có khuyến cáo thì chúng ta lắng nghe… Cái gì 30 năm nay từ 1985 đến nay chưa làm được thì phải tỉnh táo xem lý do khách quan, chủ quan tại sao chưa làm được, để biết phải làm gì để vượt qua những khó khăn đấy… đó là phần việc mà lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như tân Chính phủ phải nghiên cứu hết sức quyết liệt tìm hiểu con đường đi tới. Hiện nay tư duy đã nói hết sức làm những chuyện gì để Việt Nam vươn lên, để hội nhập quốc tế, muốn hội nhập thì phải thực hiện những hiệp định chúng ta đã ký với nước ngoài, trong đó có những điều khoản phải thi hành… có rất nhiều chuyện cần phải làm chứ không phải chỉ là ngồi bàn cãi riêng với nhau mà thôi… phải nghiên cứu tất cả mọi điều kiện để chúng ta tiến tới…”
Thâm hụt ngân sách lớn
Di sản kinh tế Việt Nam qua hai nhiệm kỳ 10 năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lại là sự âu lo về nợ công, thâm hụt ngân sách lớn, sự đổ vỡ đầy mất mát của một số tập đoàn kinh tế nhà nước và tình trạng tham nhũng tràn lan chưa bị đẩy lùi. Việt Nam cũng đã tiến hành cải cách thể chế với kết quả không đáng kể, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Nguyễn Tấn Dũng.Bây giờ chính phủ nhiệm kỳ mới lại vẫn tiếp tục với những vấn đề không mới mà đã được cảnh báo từ lâu. Được biết,Việt Nam theo cơ chế lãnh đạo tập thể, chịu trách nhiệm tập thể, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện. Như vậy, phải chăng Chính phủ nhiệm kỳ mới của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục bế tắc như chính phủ tiền nhiệm và trì trệ trong các nút thắt thể chế. Chúng tôi nêu câu hỏi này với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và được bà trả lời:
Tôi không nghĩ hẳn là Việt Nam ở tình trạng không thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’. Con đường đi để vượt qua khó khăn từng được nêu lên nhiều rồi chứ không phải bây giờ mới nói… trong những năm vừa qua cũng có những cải cách nhất định được tiến hành…“Tôi không nghĩ hẳn là Việt Nam ở tình trạng không thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’. Con đường đi để vượt qua khó khăn từng được nêu lên nhiều rồi chứ không phải bây giờ mới nói… trong những năm vừa qua cũng có những cải cách nhất định được tiến hành…thí dụ chính phủ cũ cũng tiến hành công cuộc tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có một số thay đổi trong cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh…thì đã có làm một số việc nhưng vấn đề chính là làm không tới nơi tới chốn và có những vấn nạn lớn thì lại chưa được giải quyết, thành ra nó không giúp khắc phục được điều kiện kinh tế khó khăn của Việt Nam những năm vừa qua. Dù nó có thể làm cho tăng trưởng được nhất là với khu vực đầu tư nước ngoài, còn có nhiều ưu đãi dành cho họ, rồi vẫn cố gắng để tiếp nhận những dự án mới, thì họ còn có thể đóng góp cho tăng trưởng. Nhưng khi nền kinh tế nội bộ không tăng trưởng được thì nó sẽ ảnh hưởng về lâu về dài với Việt Nam…”
-Phạm Chi Lan
Cụ thể về tương lai của chính phủ nhiệm kỳ mới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhân vật từng là thành viên Ban tư vấn kinh tế của Thù tướng Phan Văn Khải, tiếp lời:
“Tôi cho là những người lãnh đạo mới lên của nhiệm kỳ này, có lẽ họ cũng đã được thông báo và biết tình hình đó. Tôi chỉ mong họ thực sự nhận thức được sâu sắc những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam đương đầu hiện nay và con đường thoát ra khỏi nó, mà các chuyên gia trong ngoài nước đã đưa ra nhất nhiều kiến nghị rồi. Kiến nghị rõ nhất và tập trung nhất, tôi nghĩ là thể hiện trong Báo cáo Việt Nam 2035 mà thời gian vừa rồi Ngân hàng Thế giới cùng với Chính phủ Việt Nam tiến hành nghiên cứu và đã được công bố. Trong đó thông điệp rất rõ là nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam sẽ không thể phát triển được, khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, còn nếu cải cách thể chế thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được tốt hơn trong những năm tới vượt qua những khó khăn hiện nay.”
Báo chí Việt Nam đưa tin ngày 12/4, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mô tả những thách thức đầy khó khăn đối diện Quốc hội khóa tới và tân chính phủ.
Soha News trích lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, theo đó bà nhìn nhận nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội chưa đạt kế hoạch, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và đặc biệt Việt Nam không thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Điểm qua truyền thông báo chí trong nước, VnExpress là tờ báo điện tử hiếm hoi, đề cập thẳng vào những thách thức đối với các tân lãnh đạo Việt Nam. Tờ báo trích lời ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chịu 4 thách thức lớn, gồm giảm nợ công, cải cách hệ thống ngân hàng để giảm nợ xấu, đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ nỗ lực giảm tham nhũng.
Rõ ràng những vấn nạn vừa nêu là không mới và như lời chuyên gia Phạm Chi Lan bày tỏ hy vọng là, những lãnh đạo mới lên “Sẽ thực sự nhận thức được sâu sắc những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam đương đầu hiện nay và con đường thoát ra khỏi nó, mà các chuyên gia trong ngoài nước đã đưa ra nhất nhiều kiến nghị rồi.”
Geen opmerkingen:
Een reactie posten