zondag 24 april 2016

Hàn Quốc : Ngôi sao âm nhạc nổi tiếng nhờ... YouTube.com + “Gangnam Style”

Sao Hàn thời YouTube

Sao Hàn thời YouTube
 
Một ban nhạc Hàn Quốc tại Liên Hoan K-pop. Ảnh minh họa.CC / Service coréen de culture et d'information

    Youtube hiện đang là một kênh truyền thông giải trí mà tự bản thân cũng chính là kênh để quảng cáo cho người nghệ sĩ. Và phương thức truyền thông mới này được rất nhiều ngôi sao Hàn Quốc sử dụng. Điển hình là nghệ sĩ đàn guitar nổi tiếng Sungha Jung.

    Được tập đàn guitar từ nhỏ, anh dần dần đưa các bài tập lên mạng Youtube và nay trở thành một trong số những người biểu diễn nổi tiếng nhất trên trang mạng video này, với gần 4 triệu người đăng ký.


    Ngành công nghệ giải trí của Hàn Quốc đưa ra thuật ngữ site-media để mô tả phương pháp truyền thông của họ, là tập trung tất cả vào một mối. Nếu trong các kênh truyền thông người ta chia ra truyền hình hay radio là để biểu diễn, còn báo chí và trang mạng là để quảng cáo, thì nay với Youtube trên cùng một kênh truyền thông người ta vừa có đường dẫn chất lượng cao để biểu diễn, lẫn không gian cho giới thiệu, quảng cáo, và cả mạng xã hội để liên lạc với khán giả và xây dựng câu lạc bộ fan hâm mộ. Nhờ kênh dẫn này mà ban nhạc J-Morning ở bên Hàn Quốc vẫn liên lạc hàng ngày và biểu diễn cho khán giả của họ ở tận bên Philippines, như bài hát mới nhất họ vừa ghi âm và cho lên Youtube - Pusong Bato


    J là chữ viết tắt của July, tức là tháng Bảy, khi các thành viên trong ban nhạc gặp nhau và quyết định kết hợp tài năng âm nhạc của mình để cùng phát triển cũng giống như ánh nắng mặt trời buổi sáng, J-Morning. Tâm điểm của ban nhạc là cô ca sĩ vừa chơi vĩ cầm vừa có giọng hát đầy quyến rũ Ga Hyun, được hai chàng trai thay nhau đệm đàn guitar là Min Gyu và Han Ji-hoon.
    Ban nhạc J-Morning được công ty kinh doanh giải trí KMB điều hành để đưa đi tour sang các nước Đông Nam Á mà đặc biệt là Trung Quốc và Philippines trong các đợt quảng bá sản phẩm và giao lưu văn hóa. Một hướng đi hoàn toàn mới đã được KMB mở ra, với thị trường là khán giả ở nước khác, sẵn sàng đón nhận người nước ngoài hát nhạc nước mình với phong cách K-pop của Hàn Quốc.
    Còn khi so sánh với các sản phẩm ngay tại Hàn Quốc thì ban nhạc này ít tốn kém tiền đầu tư hơn, và từ bên ngoài nhìn vào thì người ta vẫn đánh giá cao J-Morning cả về khả năng biểu diễn lẫn trình độ âm nhạc. Mỗi lần sang Philippines biểu diễn họ đều tạo nên một sự kiện cho các kênh truyền hình thương mại hàng đầu ở nước này như ABS-CBN, bởi vì làm sao người ta có thể bỏ qua bài hát do một ban nhạc nước ngoài sang diễn mà lại hát về thủ đô nước mình cho được - Manila Yo.
    Trong khi đó, ngôi sao guitar Hàn Quốc Sungha Jung thì nổi tiếng với khán giả người Việt, như tiết mục diễn chung với ca sĩ Văn Mai Hương của Việt Nam.


    Trường hợp của Sungha Jung có thể coi là mối quan hệ qua lại giữa Youtube và người nghệ sĩ, khi mà nhờ có Youtube mà người nghệ sĩ có được cơ hội trình diễn với cả thế giới, và ngược lại, nhờ sự nổi tiếng của người nghệ sĩ mà Youtube ngày càng tăng thêm giá trị và có thêm thành viên đăng ký.
    Thuở ban đầu, Sungha Jung chỉ là một cậu bé không thích tập piano như mẹ và bà ngoại muốn. Cậu tò mò học guitar với bố mình, và sau đó mày mò qua các mối liên lạc trên Internet đã gặp được một cao thủ guitar người Đức, rồi từ đó tìm được một hãng đàn làm nhà tài trợ, và sau này là các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, mà Việt Nam chỉ là một trong số những điểm đến muộn màng sau Hoa Kỳ và Châu Âu.
    Có thể nói Youtube là một sân chơi khá phổ biến cho rất nhiều ngôi sao kiểu như vậy, lấy ngay nhà mình làm sân khấu để biểu diễn, quay phim rồi đưa lên mạng. Và Hàn Quốc có lẽ là một trong số những nước dẫn đầu trên thế giới.
    Một phần là do chính phủ Hàn Quốc đã đi trước thế giới trong việc trang bị cơ sở hạ tầng truyền thông với hệ thống broadband tốc độ nhanh và điện thoại cầm tay đi trước cả những nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới. Người Hàn Quốc từ lâu không cần ra khỏi phòng cũng có thể liên lạc video cho nhau với giá rẻ, và âm nhạc là một trong số những ngành được hưởng lợi. Một trong số những ngôi sao Hàn quốc nổi tiếng nhờ mạng Internet có nghệ sĩ vĩ cầm Jun Sung Ahn. Quí vị có thể nghe anh trình bày bài nhạc Skyfall của Adele trong bộ phim 007 nổi tiếng.


    Youtube đã tạo ra thay đổi lớn trong thị trường âm nhạc và các sản phẩm văn hóa nói chung, mà các tài năng trẻ của Hàn Quốc là một trong số những người thành công đầu tiên nhờ chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao của chính phủ nước này. Kể từ đó mà nghệ thuật Hàn Quốc như con thuyền được trôi vào đúng dòng chính của con sông toàn cầu, như River Flows in You của Yiruma và Wedding Dress của Taeyang, được trình bày kết hợp với điệu khúc đám cưới, do nghệ sĩ vĩ cầm Jun Sung Ahn trình bày qua mạng Youtube.



    Cùng chủ đề
    • NGHỆ THUẬT

      "Bước nhảy ngạo nghễ" : Clip mới gây xôn xao của ca sĩ Psy
    • VĂN HÓA

      “Gangnam Style” chiếm hạng đầu trên Youtube
    • HÀN QUỐC - ÂM NHẠC

      Làn sóng nhạc pop Hàn Quốc bắt đầu chinh phục châu Âu
    http://vi.rfi.fr/chau-a/20160423-sao-ha%CC%80n-tho%CC%80i-youtube

    “Gangnam Style” chiếm hạng đầu trên Youtube

    mediaCa sĩ Hàn Quốc Psy ( áo đen đeo kính), tác giả điệu nhảy "Gangnam Style" khiến cả thế giới đều muốn nhảy theo anh, tại lễ trao giải American Music Awards lần thứ 40 tại Los Angeles ngày 18/11/2012. .REUTERS/Danny Moloshok
    Theo thống kê của các nhà quản lý mạng Youtube, clip video “Gangnam Style”của chàng ca sĩ Psy - 34 tuổi, người Hàn Quốc, đã vượt qua mặt bản nhạc “Baby” do ca sĩ Justin Bieber, gốc Canada, trình bày, để trở thành clip video được nhiều người xem nhất.
    Được tung lên mạng Youtube vào trung tuần tháng 7 năm nay, clip “Gangnam Style” của Psy, tính đến hôm nay, đã có đến hơn 810 triệu lượt người xem, đưa tên tuổi của Psy, một ca sĩ chỉ nổi danh trong nước trở thành một ngôi sao của cả hành tinh. Một kỷ lục mà clip video “Baby” của ca sĩ người Canada, Justin Bieber phải mất đến 2 năm mới đạt đến được con số 800 triệu lượt người xem (‘Baby’ được đưa lên mạng vào tháng 10/2010).
    Dù là ngôn từ bằng tiếng Hàn, thế nhưng các điệu nhảy như những bước đi của các con ngựa và nhịp điệu kỳ quái của giai điệu đã cuốn hút không chỉ riêng giới trẻ, mà còn gây sự chú ý đến nhiều nhân vật có tiếng tăm trên thế giới từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc – Ban Ki Moon, đồng hương của Psy, cho đến thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, hay tổng thống Mỹ Barack Obama và ngay cả nghệ sĩ Ngải Vị Vị của Trung Quốc.
    Clip video của anh, nhạo báng cuộc sống nhàn nhã của giới nhà giàu Hàn Quốc, ở khu phố sang trọng Gangnam, tại Seoul, còn được học sinh và sinh viên ở nhiều trường danh giá tại Anh bắt chước. Thành công của Psy cũng được công chúng tại một số nước châu Âu như Ý, Pháp … đón nhận nồng nhiệt.
    Đối với Hàn Quốc, sự thành công đó được đón tiếp bằng một tâm trạng trái ngược hòa lẫn giữa niềm tự hào và sự lúng túng. Theo nghiệp ca hát từ nhiều năm nay, nhưng Psy lại không thuộc dòng nhạc K-pop, dòng nhạc pop Hàn Quốc đang nổi đình nổi đám tại châu Á nhờ các nhóm nhạc trẻ với vẻ đẹp bóng bẩy và với phong cách biểu diễn đã bị đóng khung bởi các nhà sản xuất.
    Dù rất nổi tiếng tại châu Á và đang dần từng bước chinh phục trời Tây, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có một nhóm nhạc nào lại có thể chiếm được cảm tình công chúng phương Tây nhanh như Gangnam Style. Bởi một lẽ rất đơn giản, đó là vì Psy luôn phản đối kiểu phong cách diễn khuôn sáo, đo ni đóng giày của các nhà sản xuất.
    Tại Hàn Quốc, Psy nổi tiếng về lối trình diễn và cá tính khiêu khích của anh bên lề một xã hội Hàn Quốc luôn bị gò trong khuôn phép. Anh đã từng bị kết án vì tội tiêu thụ cần sa. Nhiều bài hát và đoạn video của anh bị cấm đối với các khán giả dưới 18 tuổi do sự kiểm duyệt khắt khe trong nước vì các cơ quan chức năng cho rằng các bài hát đó có ngôn từ và hình ảnh quá khiêu dâm hay quá thô tục.
    Cuối cùng, theo nhận định của một nhà phê bình âm nhạc tại Hàn Quốc, yếu tố đã tạo nên sự thành công này chính là sự hóm hỉnh, nhất là tính hài hước hầu như vắng bóng hoàn toàn trên các sàn nhạc pop tại Hàn Quốc.

    http://vi.rfi.fr/van-hoa/20121125-%E2%80%9Cgangnam-style%E2%80%9D-chiem-hang-dau-tren-youtube

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten