James Bond và những thương hiệu 'đỉnh'
- 3 giờ trước
Có những khoảnh khắc trong các bộ phim về James Bond mà ngay cả những fan hâm mộ dễ dãi nhất của điệp viên 007 nhớ lại cũng không khỏi cau mày nhăn mặt.
Đó là khi tài tử Pierce Brosnan bay dù lượn trên một tảng băng trôi trong ‘Die Another Day’. Hay cảnh Tarzan của Roger Moore trong ‘Octopussy’.Và tệ hơn hết là cảnh trong ‘Casino Royale’ khi Eva Green hỏi tài tử Daniel Craig rằng đồng hồ chàng đang đeo có phải là hiệu Rolex hay không. “Omega,” Bond trả lời. “Đẹp quá,” Green trầm trồ. “Kinh!” khán giả bực mình.
Quảng cáo trắng trợn?
Quảng cáo sản phẩm là một yếu tố không thể thiếu trong mô típ loạt phim về James Bond. Logo của các công ty xuất hiện thường xuyên trong các cảnh phim một cách thiếu tinh tế.Nhưng cũng có những lúc phim James Bond không còn là phim nữa mà bắt đầu trở thành quảng cáo: Pierce Brosnan lái xe tăng xuyên qua một chiếc xe tải nhãn hiệu Perrier được đặt chình ình vào giữa khuôn hình trong tập ‘Goldeneye’ là một minh chứng nữa khiến khán giả phải bực mình.
Liệu điều này có xảy ra một lần nữa trong ‘Spectre’, tập thứ 24 trong loạt phim James Bond?
Cũng như mọi khi khi phim gần ra mắt thì chúng ta lại nghe nói nhiều về các nhà tài trợ cũng nhiều như các ngôi sao trong phim.
Aston Martin và Land Rover là nhà cung cấp phương tiện di chuyển cho James Bond.
Điện thoại của chàng là loại do chính công ty phát hành phim, hãng Sony, sản xuất.
Rồi Belvedere, Bollinger và Heineken được công bố là các loại rượu mà Bond ưa thích bất chấp làn sóng phản đối khi Bond đổi từ vodka martini sang bia trong phim ‘Skyfall’.
Trên trang web chính thức của loạt phim, 007.com, thậm chí còn có danh sách các nhãn hàng đối tác của phim, khiến chúng ta không còn nghi ngờ gì về vai trò của chúng.
Tuy nhiên, nếu việc quảng cáo sản phẩm trong phim khiến khán giả khó chịu thì liệu các bộ phim về Bond sẽ tốt hơn nếu không có quảng cáo?
Michael Rosser, chủ biên thời sự của tạp chí Screen chuyên về phim ảnh, không nghĩ thế.
“Tiền bạc trong phim ảnh không phải như trước đây,” Rosser nói. “Thị trường giải trí gia đình đang suy thoái. Do đó cần phải có cách khác để kiếm tiền từ các bộ phim và quảng cáo trên phim là một phần quan trọng trong việc này. Trong một thế giới lý tưởng thì chắc chắn sẽ không có chuyện này. Nhưng trên thực tế nếu chúng ta muốn phim James Bond tuyệt vời như mong đợi thì không phải chỉ cần có thiện chí là làm được.”
‘Cần phải có quảng cáo’
Thật vậy, Spectre được cho là có ngân sách trên 300 triệu Mỹ kim, khiến nó trở thành bộ phim 007 đắt nhất cho tới nay và công việc tiếpthị phim dự trù cũng mất chừng ấy tiền.“Nếu cần phải có quảng cáo để có số tiền đó thì cũng phải chịu,” Rosser nói, “Thà rằng tôi xem một tập phim 007 dài hai tiếng với 30 giây quảng cáo trong đó còn hơn là không có phim mà coi.”
Tài tử Daniel Craig đã từng bình luận khi anh thủ vai 007 trong Skyfall hồi năm 2012: “Sự thật đơn giản là nếu không có quảng cáo trong phim thì chúng tôi không đủ khả năng làm phim. Điều đó thật không may nhưng quả là vậy.”
Ấy vậy mà sau đó Skyfall đã thu được 1,1 tỷ đô la từ doanh thu phòng vé toàn cầu so với ngân sách làm phim chỉ chưa tới 200 triệu Mỹ kim. Hiển nhiên là một tập phim lời khủng như vậy thì không cần phải quảng cáo bia và đồng hồ để thu hồi vốn.
“Điều đó có lẽ cũng đúng,” Darryl Collis, giám đốc của Seesaw Media, một trong những hãng quảng cáo hàng đầu nước Anh, nhận xét. “Tuy nhiên Skyfall là một trường hợp bất thường: nó kiếm được gần bằng tổng doanh thu hai bộ phim Bond trước đó cộng lại. Vấn đề là, nếu Skyfall không có tiền tài trợ từ quảng cáo để giúp quảng bá phim thì liệu nó có đạt doanh thu nhiều như thế hay không?”
Có rất nhiều hợp đồng quảng cáo sản phẩm trong phim 007, Collis cho biết, chứ không đơn thuần chỉ là một nhãn hiệu xe hơi nào đó xuất hiện trong phim trong một vài giây và một số tiền được đổi chác.
Khi mà giao dịch quảng cáo như thế này đem lại lợi ích cho cả hai phía thì những gì bên ngoài bộ phim mới thật sự quan trọng.
Khi một nhãn hàng trở thành đối tác chính thức của phim 007 thì họ có quyền sản xuất ở mức giới hạn các chai rượu Vodka hay đồng hồ 007, được phép thực hiện các chiến dịch cạnh tranh hay phát sản phẩm có liên quan đến 007 và được nhắc đến 007 trong các quảng cáo trên báo và trên truyền hình.
Tác động quảng bá hai chiều như thế này rất được các nhãn hàng coi trọng bởi vì nó giúp cho họ xây dựng được mối liên hệ với sức hấp dẫn ngày càng tăng của James Bond, đồng thời cũng hết sức quan trọng với bộ phim.
‘Cách quảng cáo thông minh’
“Công ty làm phim đã hết sức thông minh khi giành những hợp đồng quảng cáo này," Chris Sice, giám đốc điều hành của Blended Republic, một công ty quảng cáo tư vấn cho những nhãn hàng như Johnnie Walker cách làm thế nào để gắn kết thương hiệu của họ vào các bộ phim điện ảnh cũng như series phim truyền hình, nói.“Bởi vì họ khiến người khác phải làm công tác tiếp thị giùm cho họ. Mỗi khi tên của nhãn hàng đối tác được loan báo thì sẽ truyền thông sẽ đưa tin vô cùng rầm rộ và nó cũng giúp cho bộ phim được chú ý nhiều hơn. Mỗi lần họ tung ra một mẩu quảng cáo có nhắc đến Bond thì khán giả lại được nhắc nhở rằng tập phim tiếp theo sắp ra mắt. Điều này có nghĩa là các nhãn hàng phải móc hầu bao để có được đặc quyền quảng bá phim 007."
Số tiền mà những nhãn hàng này đã chi ra hiếm khi được xác nhận, nhưng thiên hạ bàn tán về những khoản rất lớn: 45 triệu đô la là số tiền được nhắc tiền cho cảnh Bond uống bia Heineken trong Skyfall. Hãng sản xuất bia này sẽ bán được thêm rất nhiều sản phẩm để lấy lại chi phí bỏ ra đó. Và Collis tin rằng đó là số tiền bỏ ra xứng đáng.
‘Số tiền xứng đáng’
“45 triệu đô la nghe có vẻ rất nhiều,” ông nói, “nhưng Bond là một thương hiệu toàn cầu. Nếu chúng ta tách số tiền đó ra cho tất cả các quốc gia mà hãng bia này sẽ quảng cáo thì số tiền đó không hề lớn. Heineken cũng biết rằng khán giả sẽ xem một tập phim 007 trong hàng chục năm do đó chi phí họ bỏ ra không phải là chỉ để quảng cáo một lần rồi thôi. Họ bỏ tiền để trở thành một nhãn hiệu hàng đầu về lâu về dài. Đó là cách làm thay đổi nhận thức chứ không đơn thuần tập trung vào sản phẩm.”Lý do khiến các phim 007 có khả năng thay đổi nhận thức là vì nó chiếm một khoảng trống trên thị trường không giống như bất kỳ siêu phẩm điện ảnh nào khác.
Cho dù có bao nhiêu kỷ lục doanh thu phòng vé bị các phim như Avengers hay Star Wars or Transformers đánh bật thì cũng chỉ có 007 mới thể hiện được thị hiếu đối với các mặt hàng tiêu dùng cao cấp. Và tất cả là nhờ vào người tạo ra nhân vật này: Ian Fleming.
“Fleming mô tả tỉ mỉ tất cả những thứ mà Bond phải sử dụng, Barbara Broccoli, nhà đồng sản xuất phim, cho biết.
“Cho dù đó có là một ly rượu, một bữa ăn hay một chiếc xe mà Bond lái hay bộ cánh mà Bond đang mặc. Đó là cách mà Bond cũng trở nên đồng nghĩa với sản phẩm cao cấp. Ý tưởng này thật sự có trong truyện về James Bond. Nếu anh nghĩ rằng mình sẽ không còn sống đến ngày mai thì anh sẽ sử dụng tất cả những sản phẩm tốt nhất trên đời.”
Có lẽ cũng cần lưu ý rằng đồng hồ mà Bond đeo theo như trong truyện là Rolex chứ không phải Omega.
Nhưng ngay cả khi thay đổi nhãn hiệu thì sở thích những món xa xỉ của Bond đã trở nên định hình rõ ràng đến nỗi một chiếc áo vét luôn hoàn toàn phù hợp để xuất hiện một cách tự nhiên trong phim James Bond hơn là trong phim ‘Bourne or Mission: Impossible’.
Và cũng bởi Bond uống rượu và quyến rũ các nữ điệp viên nhiều hơn bất cứ nhân vật hành động nào khác trên màn ảnh, Bond có thể giúp quảng cáo một lối sống đến với lớp khán giả giàu có và đầy khao khát nhiều hơn là các phim Spider-Man hay Captain America.
“Có một quan niệm đã trở nên khuôn sáo rằng Bond là hình ảnh mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn vươn tới và bất cứ người phụ nữ nào cũng khao khát. Tuy nhiên trong lĩnh vực tiếp thị, chiếc áo vest của James Bond thì có giá trị hơn là chiếc áo của Daniel Craig,” Collis nói.
“Khao khát được lái chiếc xe mà Bond đã lái hay uống loại bia rượu mà Bond đã uống thật hết sức to lớn. Và tôi đã trực tiếp trải nghiệm ảnh hưởng của Bond. Vào cuối phim Skyfall, anh ấy lấy một chiếc áo khoác hiệu Barbour cũ trong Skyfall House và ngay lập tức mẫu áo khoác đó cháy hàng. Giá bán lẻ của nó là 400 bảng và chẳng lâu sau người ta rao nó trên mạng Ebay với giá 2.000 bảng.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Culture.
Tin liên quan
- Người có 'quyền năng tối thượng' ở sân bay
- Góc tối u ám của ‘Câu chuyện Đồ chơi’
- Diễn viên da trắng 'bá chủ' Hollywood?
- Nét đặc trưng của tiếng Anh Canada
- Jon Stewart: Người khổng lồ trên truyền hình
- Quốc ca Pháp: Biểu tượng của tình đoàn kết
- Những thiết kế logo gây tranh cãi nhất
- Dấu ấn Mao: Từ Hồng vệ binh tới ông Tập
- Những phụ nữ trong cuộc đời James Bond
- 'Thần dược' mới của người Trung Quốc
- Chụp ảnh tràn lan gây hại trí nhớ?
- Lính Mỹ đào ngũ thành siêu sao ở Bắc Hàn
- Yêu VN sau '150 ngày vòng quanh thế giới'
- Quốc kỳ: niềm kiêu hãnh của mỗi quốc gia
- Quốc ca Mỹ đã ra đời như thế nào?
- 10 đôi giầy có giá trị lịch sử
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/04/160421_does-bonds-product-placement-go-too-far_vert_cul
Geen opmerkingen:
Een reactie posten