zondag 24 april 2016

Sylvie Vartan nổi danh với 40 năm tình khúc Nicolas

Sylvie Vartan, 40 năm tình khúc Nicolas

Sylvie Vartan, 40 năm tình khúc Nicolas
 
Tuyển tập "Một đời qua tiếng nhạc" của Sylvie Vartan - DR

    Một đời qua tiếng nhạc (Une Vie en Musique) là tựa đề tuyển tập chọn lọc của Sylvie Vartan. 16 ca khúc ăn khách một thời, giờ đây lại được khoác áo mới. Một cuộc hành trình xuôi dòng ký ức, nhưng không mủi lòng da diết hay não nuột ray rức, mà lại tựa như ngọn đuốc thắp sáng kỷ niệm tuổi thơ rung động háo hức, tha thiết rạo rực.

    Một đời qua tiếng nhạc gồm 16 tình khúc chia thành ba giai đoạn. Phần đầu tiên gồm 6 bản nhạc nói về những năm tháng đầu đời, cái thời thơ ấu của Sylvie Vartan tại Sofia thủ đô Bulgari. Phần thứ nhì (gồm 5 bài) gắn liền với thủ đô Paris, sau khi cha mẹ cô rời nguyên quán sang Pháp.
    Giai đoạn này rất quan trọng cho sự nghiệp ca hát với sự khởi đầu ‘’bất đắc dĩ’’ của Sylvie, do thế chân một cô ca sĩ tới trễ mà lại trở thành thần tượng nhạc trẻ những năm 1960. Phần thứ ba cũng là phần cuối cùng (5 bài hát còn lại) nói về những năm tháng Sylvie lập nghiệp tại Hoa Kỳ, sau khi lấy chồng người Mỹ là nhà sản xuất Tony Scotti.
    Cả ba giai đoạn đều quan trọng, nhưng nhiều ý nghĩa nhất vẫn là những tháng ngày tuổi thơ (Mon Enfance, nguyên tác của Barbara), chốn kỷ niệm đầy ắp tình thương của người cha (Mon Père), vườn trẻ thân quen với hình ảnh con ngựa gỗ (Le Petit Cheval), tiếng gọi thì thầm của Dòng Sông Tuổi Nhỏ (La Maritza), nụ cười hiền hoà của cậu bạn học cùng lứa (Nicolas).
    Nguyên tác tình khúc Nicolas
    Trên tuyển tập ‘’Một đời qua tiếng nhạc’’, Sylvie Vartan ghi âm lại một phiên bản mới của bài Nicolas nhân dịp 40 năm ngày tình khúc này ra đời. Cũng như nhạc phẩm La Maritza (Dòng Sông Tuổi Nhỏ) phát hành vào năm 1968, bài hát Nicolas đã từng được đặt thêm lời Việt. 
    Trái với các nguồn ghi chép trên mạng, bài hát này không phải là một nhạc phẩm tiếng Nhật, mà là một ca khúc đến từ Hungary. Tác giả bài hát là Peter Máté (sinh năm 1947, mất năm 1984), một ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc nhẹ, từng đoạt giải nhất vào năm 1973 cuộc thi sáng tác toàn quốc ‘‘Made in Hungary’’.
    Vào năm 1975, tức cách đây đúng 40 năm, Peter Máté nổi danh tại nhiều quốc gia Đông Âu nhờ ghi âm bài hát Elmegyek có nghĩa là ‘‘Ta ra đi’’ (I’m Leaving). Mãi tới bốn năm sau, Sylvie Vartan mới được nghe ca khúc này. Thấy giai điệu quá hay, cho nên cô mới nhờ tác giả Michel Mallory đặt lời Pháp cho ca khúc.
    Có thể nói phiên bản tiếng Pháp là phần tiếp nối cho nhạc phẩm La Maritza. Sau khi hồi tưởng lại ‘’Dòng Sông Tuổi Nhỏ’’, bản nhạc Nicolas qua hình tượng của cậu bé học trò cùng trang lứa là một cách gợi lại cả một khung trời kỷ niệm, của cái thuở lưu luyến yêu thương, tóc bím tung tăng cắp sách tới trường.
    La Maritza là một bản nhạc 100% Pháp
    Trong nguyên tác, bài La Maritza là một ca khúc hoàn toàn tiếng Pháp do hai tác giả Jean Renard và Piere Delanoë sáng tác cho Sylvie Vartan. Gần mười năm sau, đến phiên bài Nicolas ra đời chuyển thể từ một ca khúc ăn khách của Hungary. Cả hai bài này là những khúc biến tấu về chủ đề tuổi thơ, khai thác cùng một lối dẫn dắt câu chuyện. Trong bài Dòng Sông Tuổi Nhỏ, Sylvie nhìn sông Seine lững lờ mà bỗng chạnh lòng nhớ lại La Maritza, kỷ niệm càng sáng, hình tượng càng đẹp là nhờ vào lời kể của người cha.
    Còn trong bài Nicolas, Sylvie từ phương trời Paris bỗng dưng nhớ về người bạn ở thủ đô Sofia năm nào, không biết bây giờ đã lưu lạc về nơi đâu. Cả hai bài hát đều khai thác cùng một lối hoà âm với bộ đàn dây, tiếng đàn vĩ cầm réo rắc du dương gọi hồn ‘’du mục’’ tạo nên một sắc thái đậm nét Đông Âu …..
    Điều đó khiến cho nhiều người Pháp nghĩ rằng cả hai bài này đều bắt nguồn từ các điệu dân ca truyền thống Đông Âu, cho dù thực tế là không phải vậy, nhưng cả hai bài nghe đều rất lọt tai. Khi được phát hành vào năm 1979, nhạc phẩm Nicolas đã bán hơn ba triệu đĩa đơn, trong đó có gần nửa triệu tại Nhật Bản. Cũng nhờ phiên bản tiếng Pháp mà bài hát của Peter Máté nổi danh trên thế giới, được dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật và tiếng Việt.
    Trên album ‘’Một đời qua tiếng nhạc’’, Sylvie Vartan cũng đã ghi âm lại nhiều bài hát rất nổi tiếng trước đây của cô với lối phối khí mới, trong đó có những bản nhạc như ‘’Em đẹp nhất đêm nay’’ (La plus belle pour aller danser) hay là ‘’Nghe nhịp mưa rơi’’ (En écoutant la pluie), ‘’Tình như điếu thuốc’’ (L’amour est comme une cigarette), ‘‘Gái mà như trai’’ (Comme un garçon) …..
    Sofia, Paris, Los Angeles : Ba mối tình của Sylvie
    Theo nhà báo Benoît Cachin, tác giả của quyển Tự điển ca khúc của Sylvie Vartan (Dictionnaire des chanssons de Sylvie Vartan), nếu như Charles Aznavour nắm giữ kỷ lục về số lượng sáng tác xấp xỉ cả ngàn bài, một cách tương tự thần tượng nhạc trẻ những năm 1960 tính tới nay đã ghi âm trên dưới 700 bài hát của hàng chục tác giả hàng đầu, trong 9 thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bulgari, Hà Lan và Nhật Bản).
    Việc phản ánh một sự nghiệp ca hát kéo dài hơn nửa thế kỷ, thu gọn lại một cuộc đời âm thanh qua tiếng nhạc của 16 ca khúc là điều không dễ, dĩ nhiên là một số fan hâm mộ có thể sẽ thất vọng vì họ không tìm thấy trên tuyển tập này những bài mà họ yêu thích. Tuy nhiên, Sylvie Vartan đã chọn những bài hát tiêu biểu cho câu chuyện mà cô muốn kể. Album này giống như một bộ phim đi theo một tuyến thời gian nhất định (chứ không phải là tuân theo trình tự thời điểm phát hành các bài hát).
    Ba giai đoạn của một đời người : thời thơ ấu, thời thanh xuân, thời cao niên ôn lại những chặng đường đã qua. Lối hoà âm trong phần thứ ba không tinh tế như trong hai phần đầu, nhưng nhìn chung tuyển tập chọn lọc này vẫn đậm đặc chất mộc, với ba cột mốc quan trọng.
    Nếu như Joséphine Baker từng hát : "Tôi có hai mối tình, quê hương tôi và Paris" thì một cách tương tự Sylvie Vartan cũng có ba mối tình : tình quê hương với Sofia, tình gia đình với Paris, tình vợ chồng với Los Angeles ….. ‘‘Một đời qua tiếng nhạc’’ là nơi chắt chiu bao kỷ niệm tâm hồn, níu nhịp thời gian chậm rãi từ tốn, cho ánh chiều đừng vội tắt hoàng hôn.

    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Sylvie Vartan : nửa thế kỷ hát cho người, tạ ơn đời
    Các lưu trữ
    1. 4
    2. 5
    3. 6
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    http://vi.rfi.fr/van-hoa/20151212-sylvie-vartan-40-nam-tinh-khuc-nicolas

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten